Đẩy vốn tín dụng, nhìn từ phía nhà băng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãnh đạo một số ngân hàng lý giải về thực trạng tăng trưởng tín dụng cũng như giải pháp để đẩy vốn vào nền kinh tế.

“Căn bản vẫn là giải quyết những vấn đề từ bên trong”

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank

Một thực tế đang diễn ra là các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay rất thấp đối với các khoản vay mới để thu hút khách hàng tốt, thậm chí cho vay để trả nợ ngân hàng khác nhưng tăng trưởng tín dụng tín dụng vẫn giảm. Vì vậy, khả năng doanh nghiệp đang chuyển dịch từ vay ngân hàng này sang ngân hàng khác, hoặc đảo nợ cũ thành nợ mới có lãi suất thấp hơn. Điều này lý giải cho việc, mặc dù doanh số cho vay tăng nhưng dư nợ vẫn giảm.

Hiện nay, đã có những doanh nghiệp đang được vay với lãi suất thấp hơn cả lãi suất huy động và không loại trừ có doanh nghiệp đang vay ngân hàng này để gửi vào ngân hàng khác.

Mặc dù kinh tế vĩ mô 2 tháng vừa qua có nhiều điểm sáng, nhưng với tình hình thế giới diễn biến phức tạp nhiều mặt và khó đoán định như hiện nay, trong những tháng tới, khó khăn trong xuất khẩu vẫn chưa thể cải thiện nhiều. Vì vậy, động lực cho tăng trưởng kinh tế căn bản vẫn là giải quyết những vấn đề từ bên trong, mà qua các cuộc họp của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các bộ, ngành cũng đã được nhận diện, là đầu tư công và chính sách tài khoá, từ đó tạo động lực cho sản xuất - kinh doanh. Qua đó, thu nhập của người dân tăng lên sẽ làm giảm tâm lý phòng thủ, kích thích tiêu dùng, nhu cầu tín dụng mới tăng lên. Hay vấn đề vướng mắc về pháp lý liên quan đến bất động sản và thủ tục đầu tư xây dựng, vấn đề trách nhiệm và đạo đức công vụ.

Cần có những cuộc khảo sát trực tiếp những vướng mắc điển hình, từ đó đưa ra những giải pháp chung nhằm giải quyết nhanh các bất cập, làm tăng cơ hội giải ngân của hệ thống ngân hàng.

“Cần xem xét chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí”

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank

HDBank luôn bám sát và triển khai kịp thời các chương trình cho vay theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống doanh nghiệp và người dân. Điển hình như định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho gói 5.000 tỷ đồng tập trung giải ngân cho hoạt động thu mua lúa gạo khi Đồng bằng sông Cửu Long bước vào mùa thu hoạch rộ vụ Đông Xuân.

Bên cạnh đó, HDBank tập trung giải ngân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gần 5.000 tỷ đồng; xây dựng hơn 4.000 tỷ đồng; vận tải kho bãi hơn 5.000 tỷ đồng; nông lâm nghiệp gần 4.000 tỷ đồng; hoạt động làm thuê gia công, cho vay hộ gia đình gần 12.000 tỷ đồng…. Đồng thời, Ngân hàng chủ động triển khai có hiệu quả việc thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước; triển khai các gói ưu đãi dành cho các chuỗi doanh nghiệp bán lẻ; tiếp tục đẩy mạnh kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp; tài trợ kích cầu tiêu dùng…

HDBank kiến nghị, thứ nhất, tăng trưởng tín dụng nên đi đôi với xem xét chính sách tài chính, miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp; điều chỉnh biểu thuế suất thu nhập cá nhân để “khoan sức dân”, tăng khả năng tiêu dùng.

Thứ hai, Tổ công tác Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương cùng ngành ngân hàng quyết liệt triển khai các biện pháp tháo gỡ vướng mắc thủ tục giấy phép cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư trong các lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tạo công ăn việc làm và từ đó hỗ trợ cho công tác giải ngân tín dụng.

Thứ ba, cần sớm khôi phục niềm tin để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển trở lại, bên cạnh nguồn vốn từ ngân hàng để các doanh nghiệp, dự án có nguồn vốn dài hạn, bền vững.

Thứ tư, hỗ trợ khu vực cho vay nông nghiệp nông thôn, phụ nữ, khởi nghiệp, khu vực lao động phổ thông, nới lỏng các quy định về tài sản đảm bảo nguồn trả nợ.

“Các động lực tăng trưởng sẽ phục hồi”

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV

Dư nợ tín dụng 2 tháng đầu năm sụt giảm 0,72% so với cuối năm 2023, nhưng không đáng quan ngại, vì điều này phù hợp với xu hướng thị trường và các nguyên nhân hoàn toàn có thể khắc phục để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%.

Cụ thể, yếu tố cung tín dụng bao gồm 5 vấn đề then chốt là chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã phát huy hiệu quả, thanh khoản của hệ thống dồi dào hơn; Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ngay từ đầu năm; tiền gửi và nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng hiện nay khá lớn; mặt bằng lãi suất liên tục giảm từ nửa cuối năm 2023 đến nay và kỳ vọng sẽ giữ ở mức thấp trong suốt năm 2024. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng nỗ lực cấp tín dụng để đạt được kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, yếu tố cung cũng còn 3 vấn đề hạn chế khiến các tổ chức tín dụng thận trọng, đó là nợ xấu tăng ảnh hướng đến từng tổ chức tín dụng và toàn hệ thống; khách hàng vay nhiều ngân hàng khiến các tổ chức tín dụng không kiểm soát được dòng tiền; giá trị tài sản giảm sút và hệ lụy của việc cho vay không thu được nợ.

Nhìn từ phía cầu tín dụng, có 4 yếu tố căn bản hỗ trợ, đó là cầu tín dụng 2 tháng đầu năm giảm sút chủ yếu mang tính chu kỳ Tết Nguyên đán và văn hóa kinh doanh. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm dư nợ 2 tháng đầu năm giảm so với 31/12/2023. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế vĩ mô liên tục được cải thiện, phục hồi theo xu hướng phát triển dù riêng tháng 2 có suy giảm do Tết Nguyên đán nhưng tính chung 2 tháng là rất tích cực.

Với xu hướng này, mục tiêu tăng trưởng GDP (6 - 6,5%), lạm phát (3,5 - 4%) sẽ đạt được; các động lực tăng trưởng sẽ phục hồi và nhu cầu tín dụng sẽ tăng nhanh. Đáng chú ý là nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu đang có sự cải thiện tích cực, thị trường trong nước và quốc tế đang được mở rộng. Ngoài ra, giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh, thị trường lao động, thị trường bất động sản đang dần phục hồi, dự báo sẽ rõ nét hơn từ quý II/2024, qua đó, kích thích nhu cầu tín dụng (tín dụng xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, tín dụng tiêu dùng, tín dụng nhà ở…).

“Nói ngân hàng không muốn cho vay là không đúng”

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank

Liên quan đến mục tiêu tăng trưởng, cần phải quay trở lại vấn đề tăng trưởng phụ thuộc vào những động lực nào?

Thứ nhất là đầu tư công, điều này đã được Chính phủ đẩy mạnh. Tương tự, việc hỗ trợ doanh nghiệp lớn đã được thực hiện nhiều, đồng thời với đó là thúc đẩy xuất khẩu, quan hệ quốc tế, đối ngoại, đa phương…

Một động lực khác, được đề cập nhiều lần nhưng chưa được thúc đẩy mạnh là kích cầu tiêu dùng nội địa. Cần có hẳn chương trình của Chính phủ về kích cầu tiêu dùng nội địa.

Thứ hai, tiền đang dư thừa trong ngân hàng và thừa hàng chục nghìn tỷ đồng là phí phạm. Nếu nói rằng ngân hàng không muốn cho vay là không đúng. Ngân hàng rất muốn cho vay. VPBank có hơn 40.000 khách hàng doanh nghiệp, hạn mức cấp tín dụng là 240.000 tỷ đồng nhưng hiện nay tổng giải ngân hơn 60.000 tỷ đồng, còn lại không giải ngân được vì nhiều lý do. Đó là những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn nhưng không có đầu ra, không có phương án sản xuất. Nên chăng, Nhà nước có hẳn một chương trình riêng để hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách tài khóa, bởi riêng chính sách tín dụng thì không đủ.

Thứ ba là câu chuyện lãi suất. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp cũng muốn lãi suất giảm. Điều đó rất chính đáng nhưng lãi suất giảm phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Các chuyên gia cũng phân tích lãi suất huy động giảm rất nhiều nhưng còn yếu tố nữa rất quan trọng là các thủ tục, chi phí liên quan kìm hãm không thể giảm được lãi suất.

Thứ tư, giải pháp xử lý nợ xấu. Nợ xấu hay còn gọi là nợ không sinh lời là một lĩnh vực sẽ tồn tại mãi mãi cùng ngành ngân hàng, nền kinh tế cần phải đối diện. Theo đó, xử lý nợ xấu phải là một đối tượng được Nhà nước cực kỳ quan tâm và xứng đáng có một bộ luật riêng để xử lý nợ xấu. Thực tế, càng ngày các ngân hàng càng vấp phải vấn đề xử lý nợ, không chỉ nợ không thu hồi được tài sản, không dám cho vay mà còn tăng thêm chi phí vốn. Nếu chưa thể có bộ luật riêng để xử lý nợ xấu thì gia hạn Nghị quyết 42 của Quốc hội, vốn đã hết thời hạn vào tháng 12 vừa qua.

Tin bài liên quan