Thưa ông, tái cấu trúc các CTCK giai đoạn vừa qua đã đạt kết quả cụ thể như thế nào?
Tái cấu trúc CTCK là một trong 4 trụ cột tái cấu trúc TTCK đang đi vào giai đoạn thực chất. Từ năm 2011 đến nay, số lượng CTCK đã giảm 25%, còn 85 công ty. Đã có 2 thương vụ sáp nhập và có thể có 3 thương vụ sáp nhập sắp tới.
Số lượng CTCK tiếp tục giảm xuống. Ủy ban luôn hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục, thậm chí ngồi cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong sáp nhập do mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng.
Về chất lượng, so với năm 2011 - năm đầu tiên thực hiện tái cấu trúc, thì cuối năm 2014, các chỉ tiêu tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của CTCK đã tăng khoảng 12%. Tỷ lệ an toàn tài chính tăng 10%, lợi nhuận sau thuế và doanh thu tăng khoảng 33%, điều này khẳng định chất lượng các công ty đã tốt hơn.
Các chuẩn mực quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế đã được áp vào CTCK, cùng với đó là các quy định về chế độ báo cáo như báo cáo về tỷ lệ margin hàng tháng, hoàn thiện quy định giám sát...
Ủy ban có đặt mục tiêu giảm số CTCK xuống còn bao nhiêu cho phù hợp quy mô của thị trường?
Chúng tôi không đặt chỉ tiêu số lượng là bao nhiêu vì nhìn chung doanh nghiệp Việt Nam quy mô còn nhỏ, số lượng đông, nên không thể lấy mô hình quốc tế để áp vào. Như các nước trong khu vực hiện nay có khoảng 50 CTCK, mình không lấy đó làm tiêu chuẩn để áp vào Việt Nam cũng chỉ có 50 công ty.
Tuy nhiên, phải thúc đẩy quá trình nâng cao chất lượng CTCK. Chẳng hạn, sắp tới, khi TTCK phái sinh ra đời, để tham gia vào thị trường này, đòi hỏi CTCK phải có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, như vậy CTCK sẽ phải nâng quy mô vốn lên. Khi đó, các doanh nghiệp nhỏ không đủ sức cạnh tranh, để tồn tại buộc phải hợp nhất sáp nhập. Đó là quá trình tự nhiên.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng
Từ năm 2012, Ủy ban đã ban hành quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính đối với các CTCK. Năm 2014, quy định này được siết chặt hơn, dự kiến thời gian tới, tỷ lệ an toàn tài chính sẽ được siết lần thứ ba. Có nghĩa việc thực hiện tái cấu trúc được thực hiện từng bước để doanh nghiệp điều chỉnh thích nghi, chứ không làm giật cục. Giật cục có thể ảnh hưởng đến hoạt động thị trường, ảnh hưởng đến nhà đầu tư - khách hàng của các CTCK.
Ông cho biết việc triển khai Nghị định 58 về giao dịch trong ngày như thế nào?
Khi chúng tôi đưa dự thảo hướng dẫn ra thị trường thì nhận được phản ứng rất dữ dội vì nếu áp dụng sẽ chỉ có khoảng 25 CTCK đủ điều kiện. Tập thể lãnh đạo Ủy ban đã họp lại để xem xét nhiều chiều. Việc triển khai các chính sách đối với thị trường nhằm mục tiêu an toàn thị trường, không đi theo lợi ích nhóm.
Bài học từ thị trường Trung Quốc hiện nay càng cho thấy không thể không kiểm soát đảm bảo an toàn. Nếu mở giao dịch trong ngày (day trading), thanh khoản thị trường tăng nhưng rủi ro cũng rất lớn nếu các CTCK không đủ năng lực an toàn tài chính, ảnh hưởng đến cả hệ thống. Vì thế, chúng tôi sẽ không hy sinh quá nhiều điều kiện an toàn để mở rộng cho các công ty tham gia.
Đó là quan điểm đầu tiên. Nhưng ngoài những tiêu chí về vốn, chúng tôi có thể quy định thêm doanh nghiệp chỉ thực hiện day trading trong phạm vi vốn chủ sỡ hữu theo tỷ lệ. Quy định này đã nới hơn nhưng không có nghĩa là nới ra nhiều công ty. Chúng tôi sẽ để thời hạn một năm cho doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn về vốn.
Các thông tin về lộ trình áp dụng, giải pháp triển khai sẽ được công bố công khai. Sau một năm, nếu doanh nghiệp nào không đáp ứng được, chúng tôi vẫn phải triển khai các quy định.
Như vậy sau một năm nữa, day trading mới có thể được áp dụng vào thị trường, thưa ông?
Đúng vậy, bởi còn phụ thuộc khá nhiều vào sự chuẩn bị của các CTCK. Việc triển khai thực tế là khá phức tạp, CTCK phải theo dõi nhà đầu tư, phải tự bù trừ mua bán trong ngày, đồng thời Trung tâm Lưu ký phải có khả năng xử lý được trường hợp mất khả năng thanh toán, mất khả năng đáp ứng các cổ phiếu, các hoạt động vay và cho vay cổ phiếu phải được hỗ trợ mới đảm bảo an toàn của hệ thống.