Khu công nghiệp VSIP Bình Dương. Ảnh: Đức Thanh

Khu công nghiệp VSIP Bình Dương. Ảnh: Đức Thanh

Dậy sóng luồng vốn FDI vào bất động sản công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản trong quý I/2021 đạt trên 600 triệu USD, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước.

“Ông lớn” điện tử Nhật Bản đầu tư bất động sản

Trong 10 dự án bất động sản (BĐS) được cấp phép mới cho nhà đầu tư nước ngoài trong quý I/2021 có Panasonic. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, ngày 18/2, “ông lớn” sản xuất thiết bị điện tử của Nhật Bản đã được cấp phép đầu tư Dự án xây dựng nhà xưởng trị giá 25,53 triệu USD tại Khu công nghiệp Thăng Long II (Hưng Yên).

Dự án nhà xưởng do Công ty TNHH Panasonic Việt Nam đầu tư tọa lạc tại Lô G3-G6, Khu công nghiệp Thăng Long II. Trong đó, khu vực nhà xưởng có quy mô 21.870 m2, còn công trình hạ tầng kỹ thuật 2 tầng có diện tích 7.988 m2. Theo tiến độ triển khai, Panasonic sẽ tiến hành xây dựng công trình từ tháng 1/2023 đến tháng 3/2024 và đưa dự án đi vào hoạt động trong tháng 4/2024.

Liệu dự án đầu tư bất động sản này có phải là một phần trong kế hoạch mở rộng lĩnh vực đầu tư và mở rộng sản xuất của Panasonic? Phía Công ty TNHH Panasonic Việt Nam chưa có phản hồi về thông tin này.

Trước đó, Tạp chí Nikkei đưa tin, Panasonic sẽ đóng cửa toàn bộ một nhà máy sản xuất thiết bị quy mô lớn tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan) vào tháng 3/2021 và hợp nhất vào nhà máy sản xuất lớn hơn tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nhà xưởng, kho bãi hút vốn ngoại

Nhà xưởng, kho bãi trở thành “tay chơi” dẫn dắt vốn ngoại đổ vào lĩnh vực BĐS trong quý I/2021. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS trong quý I/2021 tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước, khi đạt trên 600 triệu USD, với 12 dự án được cấp mới và tăng vốn, cùng 25 lượt góp vốn, mua cổ phần.

Trong đó, 10 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 431,86 triệu USD, chiếm hơn 71% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào BĐS trong quý I. Đặc biệt, 8/10 dự án được cấp phép mới thuộc phân khúc BĐS công nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 430 triệu USD, bằng 99,7% tổng vốn đăng ký mới.

Singapore trở thành nhà đầu tư nước ngoài rót vốn nhiều nhất vào lĩnh vực BĐS trong quý I, sau khi Amigos An Phu Holding Pte. Ltd (100% vốn nước ngoài) đăng ký đầu tư dự án 185 triệu USD vào Công ty TNHH Công nghiệp New Motion tại Khu công nghiệp Phú Tân, thuộc Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương (Bình Dương). Dự kiến, nhà đầu tư Singapore này sẽ khởi công xây dựng công trình đầu tiên trong cụm công trình nhà xưởng sản xuất, nhà kho, văn phòng vào quý II/2021; hoàn thành xây dựng cơ bản và vận hành thử nghiệm công trình đầu tiên trong quý III/2021.

Theo sau là Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW (Hà Lan) với Dự án 27 - Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Tân Phú Trung. Dự án 27 có vốn đầu tư đăng ký 80,61 triệu USD nhằm xây dựng nhà kho cho thuê và cung cấp dịch vụ kho bãi, dịch vụ logistics tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (Củ Chi, TP.HCM).

Sở dĩ BĐS công nghiệp, đặc biệt là phân khúc nhà xưởng và kho bãi, hút lượng lớn vốn ngoại là do nhà đầu tư nước ngoài đánh hơi được triển vọng lạc quan về thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp và logistics của Việt Nam, sau một năm đầy thử thách với những biến động chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam đã bắt đầu năm 2021 với đầy triển vọng khi vươn lên vị trí top 10 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Với sự cải thiện đáng kể về kết cấu hạ tầng, chi phí vận hành thấp và những khoản miễn thuế doanh nghiệp lớn, Việt Nam đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp ngoại đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Trong cơ cấu chi phí thuê kho bãi, ngoài giá thuê, thì nhà đầu tư và doanh nghiệp đi thuê cũng hết sức cân nhắc chi phí nhân công tại chỗ, bởi chi phí này chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí vận hành kho bãi (ngoài chi phí điện, dầu diesel) để vận hành tòa nhà và phương tiện vận tải.

Trong khi đó, Báo cáo chi phí thuê kho bãi toàn cầu (54 thị trường tại 21 quốc gia) mà ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp tại Savills Việt Nam nêu ra, thì Việt Nam đang là nơi có chi phí vận hành thấp nhất trong bảng xếp hạng. Đây là một trong những yếu tố then chốt giúp Việt Nam tăng sức hút đối với các công ty đa quốc gia.

“Với kỳ vọng tăng trưởng trong xuất nhập khẩu và sản xuất trong nước, nhu cầu về hạ tầng logistics đang được thúc đẩy. Trong những năm gần đây, tổng diện tích kho bãi đã tăng đáng kể và giá thuê cũng tăng 5-10%/năm. Theo số liệu của Savills Việt Nam, giá thuê trung bình cho nhà kho tại vùng kinh tế phía Bắc và phía Nam trong năm 2020 lần lượt tăng lên 4,1 USD/m2/tháng và 4,4 USD/m2/tháng. Tại các tỉnh như Long An và Bình Dương, những dự án kho bãi và cơ sở phân phối mới đang mọc lên dày đặc khi khu vực TP.HCM và Bình Dương đối diện với vấn đề thiếu hụt nguồn cung”.

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp tại Savills Việt Nam nhận định

Tin bài liên quan