Đáy quanh đây?

Đáy quanh đây?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những tín hiệu thị trường gần đây có không ít điểm tương đồng với các đợt tạo đáy trong quá khứ.

Có thể bắt đầu giải ngân

Theo phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang ở phân kỳ 3 đoạn RSI đồ thị ngày và phân kỳ MACD đồ thị tuần. Các phiên giao dịch ảm đạm và diễn biến giảm giá bất ngờ dần ít đi cho thấy đà giảm phần nào phản ánh vào chỉ số khi giá nhiều cổ phiếu lao dốc trước đó đã dần hồi phục sau khi hoàn thành sóng giảm với tỷ lệ mất giá phổ biến từ 55 - 70%, những nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cũng giảm 30 - 45% so với đỉnh.

Việc thị trường giảm giá mạnh tạo ra cơ hội đầu tư thu lãi cao, trong khi rủi ro thấp. Vì thế, kịch bản thị trường trong ngắn hạn là VN-Index sẽ tăng lên trên 1.300 điểm có xác suất cao hơn so với giảm xuống dưới 1.000 điểm (chỉ số đóng cửa phiên 15/7/2022 tại 1.179,25 điểm).

Thực tế, một số nhà đầu tư không ngại rủi ro gần đây có động thái mua tích lũy, còn người có quan điểm an toàn thì chờ đợi ngày bùng nổ theo đà (Follow Through Day - FTD) mới mở vị thế mua.

Một nhà đầu tư lớn cho biết, dấu hiệu FTD đã xuất hiện từ ngày 25/5/2022, VN-Index bật tăng gần 3% với thanh khoản được cải thiện, nhưng diễn biến tăng điểm của thị trường sau đó không kéo dài. Chỉ số hồi lên trên 1.300 điểm rồi quay về đáy cũ quanh 1.170 điểm, trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu chịu áp lực bởi lạm phát và nguy cơ kinh tế suy thoái.

“Thời gian tới, các dòng cổ phiếu nhiều khả năng có diễn biến xoay vòng. Kinh nghiệm cho thấy, những cổ phiếu hàng đầu có tính dẫn dắt thị trường sau khi tăng giá từ 15 - 20% thì tin tốt sẽ xuất hiện và tạo hiệu ứng lan tỏa”, nhà đầu tư trên nói và chia sẻ, anh không ngồi im chờ đợi dấu hiệu FTD tái xuất hiện, mà kết quả kinh doanh quý II cũng như triển vọng hoạt động 6 tháng cuối năm 2022 của các doanh nghiệp là yếu tố nền tảng để định giá cổ phiếu, từ đó quyết định giải ngân. Tuy nhiên, tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục hiện vẫn ở mức thấp.

Lưu ý khi đầu tư

Nhiều người quan tâm đến các cổ phiếu có giá giảm sâu so với đỉnh, từ 30% trở lên. Trong đó, nhóm 1 có tỷ lệ giảm từ 50 - 70%, chủ yếu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, thép, chứng khoán, xây dựng, đầu tư công…

Đây là nhóm dẫn đầu thị trường về mức tăng giá trong năm 2021, nhưng đợt điều chỉnh nhanh và mạnh trong thời gian qua đang tạo ra sức hút mới.

Nhóm 2 là các cổ phiếu có mức giá giảm từ 30 - 50%, thuộc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp, phân đạm, điện, dầu khí…, lợi nhuận năm 2022 có khả năng tăng trưởng cao.

Với danh sách các cổ phiếu được lọc theo mức độ giảm giá hoặc theo các ngành có triển vọng tăng trưởng, nhà đầu tư cần lưu ý gì khi lựa chọn vào danh mục? Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, người điều hành Quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam

(VESAF) thuộc VinaCapital chia sẻ kinh nghiệm về một trong những ngành mà VESAF lựa chọn đầu tư là bán lẻ. Đây là ngành có hiệu suất sinh lời tốt trong 6 tháng đầu năm 2022, hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng. Có doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 40 - 50% trong quý I và tiếp tục có khả năng tăng trưởng cao trong quý II.

“Khi đầu tư vào nhóm bán lẻ, tôi đặt ra một số câu hỏi: Sức mua hồi phục nhưng sẽ kéo dài trong bao lâu, lạm phát ảnh hưởng đến tiêu dùng như thế nào, giá cổ phiếu đã phản ánh kết quả kinh doanh tích cực hay chưa, định giá của doanh nghiệp hiện có cao hay không...”, bà Phương nói.

Theo bà Phương, tiêu chí chung để chọn doanh nghiệp thuộc các ngành nghề phụ thuộc không nhỏ vào thời gian nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư. Nếu xác định nắm giữ dài hạn, yếu tố quan trọng là doanh nghiệp có thể tạo ra sự tăng trưởng bền vững về lợi nhuận, ban lãnh đạo tâm huyết, định hướng phát triển rõ ràng.

Những công ty có khả năng tăng hiệu quả kinh doanh trên khối tài sản hiện hữu cũng đáng quan tâm, dù mức định giá cổ phiếu cao hơn bình quân ngành. Ví dụ, VESAF xem xét bỏ vốn vào một công ty hoạt động trong lĩnh vực logistics, hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển hàng hóa từ cảng nước nông sang cảng nước sâu. Họ cung cấp dịch vụ để giảm tình trạng tắc nghẽn ở cảng, giúp luân chuyển hàng hóa tốt hơn.

Thông thường, tiêu chí lựa chọn cổ phiếu và xây dựng danh mục của các nhà đầu tư chuyên nghiệp ít thay đổi, nhưng yếu tố linh hoạt đôi khi đem lại hiệu suất đầu tư cao. Ví dụ, 6 tháng đầu năm 2022, ngành cá tra hưởng lợi do nguồn cung từ Nga và Trung Quốc bị hạn chế, tạo điều kiện cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu. Tận dụng cơ hội, VESAF đã tăng tỷ trọng cổ phiếu doanh nghiệp cá tra trong những tháng đầu năm.

Sau khi lựa chọn cổ phiếu, nhà đầu tư phải luôn cập nhật thông tin để đánh giá lại doanh nghiệp, nhất là các công ty vừa và nhỏ, tập trung vào khả năng quản trị rủi ro của ban lãnh đạo.

Tìm những điểm sáng

“Thị trường có thể phản ứng tích cực bất cứ khi nào”, bà Phương chia sẻ quan điểm về việc liệu thị trường chứng khoán có “quay xe” trong quý III/2022, dù các thông tin tiêu cực vẫn đang ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, nhiều thời điểm lấn át những thông tin tích cực.

Đồng quan điểm, ông Thái Quang Trung, Phó giám đốc đầu tư, Khối quỹ mở cổ phiếu và trái phiếu, VinaCapital cho rằng, nhà đầu tư nên nhìn vào các điểm sáng để mạnh dạn tìm kiếm cơ hội, chí ít chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn so với nhiều kênh khác.

Ông Trung nhận định, nếu kinh tế Mỹ và EU suy thoái thì mức độ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam không nhiều, bởi tiêu dùng nội địa vẫn chiếm phần lớn, giúp kinh tế tăng trưởng.

“Nới hạn mức tăng trưởng tín dụng là vấn đề thị trường quan tâm nhiều nhất ở thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư không nên quá lo lắng về chính sách thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước có lý do chính đáng để kiểm soát lạm phát và dòng tiền nóng”, ông Trung nói và đánh giá, thế mạnh của Việt Nam là kiểm soát tỷ giá, lãi suất, chính sách tiền tệ linh hoạt...

Năm nay, Việt Nam có khả năng tiếp tục thành công trong kiểm soát tỷ giá và lạm phát. Theo đó, nút thắt tăng trưởng tín dụng sẽ được tháo gỡ, giúp kinh tế tăng trưởng cao. Trên sàn chứng khoán, khối nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 270 triệu USD trong quý II/2022, đến từ các nhà đầu tư quen thuộc.

Đặc biệt, VN-Index đã giảm khoảng 23%, P/E xuống gần 11 lần, mức định giá hiện tại khá hiếm gặp. Đây là mức định giá hấp dẫn, thị trường nhiều khả năng sẽ dần thu hút dòng tiền trở lại. Trong quá khứ, thị trường từng có các đợt điều chỉnh mạnh, nhưng luôn hồi phục và đi lên.

Bà Phương nhìn nhận, so với năm thị trường lao dốc 2011, nội tại doanh nghiệp và khả năng chống chọi của nền kinh tế hiện tại tốt hơn nhiều.

Với điều kiện thị trường như vậy, thị trường chứng khoán dự kiến sẽ sớm phục hồi, nhưng chậm rãi và phân hóa. Theo đó, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp tốt, riêng những nhà đầu tư ưa thích lướt sóng ngắn hạn, ít quan tâm đến phân tích doanh nghiệp cần lưu ý kịch bản đó của thị trường khi giao dịch.

Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư vẫn nên có tâm lý thận trọng khi giải ngân trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022, nhưng không vì thế mà bỏ lỡ cơ hội mua các cổ phiếu có định giá hấp dẫn. Đừng nhìn VN-Index, mà hãy nhìn vào từng doanh nghiệp để chọn được cổ phiếu phù hợp.

Một số dấu hiệu thị trường chứng khoán tạo đáy phổ biến là giao dịch ảm đạm, thanh khoản sụt giảm; giá cổ phiếu có tốc độ rơi giảm dần, biên độ dao động nhỏ, không còn tình trạng giảm giá sàn, ngay cả khi có thông tin xấu; nhiều cổ đông lớn, cổ đông nội bộ đăng ký mua cổ phiếu; VN-Index cùng giá trị giao dịch bật tăng, xác nhận phiên FTD.

FTD thường xuất hiện sau khi có 3 - 5 lần thị trường được “kéo lên” để “rũ bỏ”; từ phiên thứ 4 - 10, chỉ số tăng ít nhất 1,5% và thanh khoản gấp 1,5 - 2 lần mức trung bình 10 ngày.

Về vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng và lãi suất giảm, các gói kích thích kinh tế được đẩy mạnh triển khai...

Tin bài liên quan