Mới đây, tại TP Hạ Long, UBND 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã tổ chức buổi làm việc chung, nghe báo cáo xây dựng hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới và tiến độ thực hiện 3 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về Yên Tử.
Ba địa phương họp bàn về việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO |
Đây là hồ sơ di sản đầu tiên trong cả nước xây dựng trình UNESCO có phạm vi triển khai trên địa bàn 3 tỉnh, trải dài hàng trăm km2. Vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19, từ năm 2020 đến nay, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã quyết liệt triển khai các công việc liên quan.
Trong đó, thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Công tác xây dựng hồ sơ; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế để xác định các tiêu chí, giá trị tiêu biểu nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích Yên Tử nói riêng trong Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" nói chung.
Vườn Tháp thuộc Quần thể di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. |
Ba địa phương đã mời các chuyên gia quốc tế, chuyên gia UNESCO sang Việt Nam để khảo sát, tư vấn. Riêng tỉnh Quảng Ninh, chỉ trong tháng 3/2023 đã liên tục chủ trì làm việc với Bộ Ngoại giao, đại diện UNESCO tại Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới để tham vấn, góp ý để hồ sơ đạt chất lượng cao nhất.
Đến nay hồ sơ đề cử với 17 cụm di tích, 32 di tích đã cơ bản hoàn thiện, được xây dựng với khoảng 2.000 trang bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh, hàng trăm bản đồ, bản vẽ mô phỏng, hệ thống ảnh, clip tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang.
UNESCO đã trao Bằng công nhận 3000 mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu ký ức thế giới. |
Các đơn vị cũng đã phối hợp thực hiện 3 đề tài khoa học nghiên cứu về giá trị văn hóa, lịch sử; hệ thống di tích kiến trúc cảnh quan; các đặc điểm, giá trị địa chất - địa mạo và đa dạng sinh học của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.
Kết luận buổi làm việc, UBND 3 tỉnh thống nhất chỉ đạo, yêu cầu Sở VH-TT, Sở VH-TT và Du lịch các địa phương khẩn trương hoàn thiện các nội dung, tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức các hội nghị, hội thảo đánh giá kết quả xây dựng hồ sơ và chuẩn bị bảo vệ hồ sơ trước Hội đồng Di sản quốc gia; rà soát đánh giá hồ sơ, xin ý kiến các cơ quan, bộ, ngành liên quan theo từng mốc thời gian trình. Phấn đấu gửi hồ sơ xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy trước 30/6, báo cáo Chính phủ trước ngày 30/7, gửi đệ trình UNESCO trước ngày 30/9 và hoàn thiện Hồ sơ chính thức trình lên UNESCO Paris trước ngày 31/12/2023.
Nghi môn đền Kiếp Bạc. |
UBND 3 tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng phải nâng cao chất lượng xây dựng bộ hồ sơ, cập nhật hồ sơ bản vẽ ảnh, thiết kế...; tổ chức kế hoạch tuyên truyền giá trị di sản trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón phái đoàn UNESCO sang làm việc, khảo sát.
+ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử được cấu thành từ 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Quần thể Côn Sơn-Kiếp Bạc-Thanh Mai (Hải Dương).
+ Chùa Vĩnh Nghiêm, còn được gọi là chùa Đức La, là một ngôi chùa cổ tại làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang là ngôi chùa cổ, là nơi lưu giữ lại bộ mộc bản gốc duy nhất của Phật phái Trúc lâm. Đã được UNESCO trao Bằng công nhận 3000 mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu ký ức thế giới.
+ Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tại Hải Dương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn (một trong những trung tâm của thiền phái Trúc Lâm được Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIII), đền Kiếp Bạc thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ Nguyễn Trãi…