Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư

Dự thảo Nghị quyết thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đang được Chính phủ xem xét, ban hành sau những phát sinh trong tháng đầu tiên thực hiện có thể xem là thông điệp cho thấy quyết tâm thực hiện đầy đủ, nhất quán hai luật này.
Các cam kết về cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư là rất mạnh mẽ

Các cam kết về cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư là rất mạnh mẽ

Hàng loạt giải pháp được giao trực tiếp cho các bộ, ngành. Đặc biệt, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã được đề nghị tái lập, với chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác thực thi, phối hợp giải quyết vướng mắc, đồng thời giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, giám sát việc thực hiện quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết trên.

Như vậy, những phát sinh khi thực thi hai luật trong 1 tháng qua, do chưa có các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn, do sự chồng chéo, chưa phù hợp giữa các văn bản có liên quan... sẽ có cơ chế xử lý nhanh và thống nhất trên toàn quốc.

Tuy vậy, đây chỉ là những giải pháp mang tính tình thế thúc bách. Nhìn lại quá trình thực thi Luật Doanh nghiệp năm 2000, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2005, mô hình này cũng đã được thành lập, nhằm đảm bảo cho những cải cách mang tính cách mạng trong hệ thống pháp luật về đầu tư - kinh doanh đến được với từng cán bộ, công chức, làm thay đổi hành vi, cách ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước với các vấn đề của doanh nghiệp, từ đó tạo nên những thay đổi về bản chất trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam, để doanh nghiệp, nhà đầu tư thực sự là đối tượng hưởng lợi.

Việc đề xuất tái lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư lần này cho thấy, mục tiêu của Tổ công tác đặt ra 10 năm trước vẫn chưa thực sự hoàn tất.

Phải nhắc lại, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 tiếp tục tạo lập cơ sở pháp lý bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền tự do đầu tư, kinh doanh của người dân. Qua đó, hàng loạt yêu cầu, điều kiện, thủ tục hành chính được bãi bỏ; thời gian thành lập doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài được rút ngắn... Doanh nghiệp cũng được trao thêm quyền chủ động trong hoạt động kinh doanh và tổ chức quản lý. Điều này đồng nghĩa với trách nhiệm và áp lực trong thực thi nhiều công việc sẽ chuyển sang các bộ, ngành có liên quan.

Trong bối cảnh đó, sự chủ động nghiên cứu thực hiện và phối hợp thực hiện giữa của các bộ, ngành, giữa các cơ quan có liên quan và nhà đầu tư, doanh nghiệp với tư duy mới về trách nhiệm, quyền lợi của người dân và doanh nghiệp sẽ quyết định hiệu lực, hiệu quả của những quy định mới và chất lượng môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Nhưng đó là công việc dài hạn. Trước mắt, vẫn phải giải quyết những vướng mắc hiện tại.

Thứ nhất, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư phải được ban hành trước ngày 15/9/2015 theo đúng yêu cầu của Chính phủ.

Thứ hai, rà soát để sửa đổi một số văn bản pháp luật quy định về thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Thứ ba, danh mục điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải được hoàn tất, công bố sớm...

Đây là những công việc cấp thiết bởi sự chậm trễ trong hiện thực các cam kết về cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh qua hai luật này chắc chắn ảnh hưởng rất lớn tới môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Tin bài liên quan