Dòng tiền thận trọng
Thị trường thường khởi đầu phiên giao dịch trong sắc xanh và dòng tiền lan tỏa tại nhiều dòng cổ phiếu, nhưng diễn biến này không kéo dài và nhanh chóng hạ nhiệt mỗi khi VN-Index tiến lên gần mốc 1.280 điểm.
Mặc dù mức điều chỉnh không lớn, nhưng trạng thái giằng co kéo dài khiến dòng tiền trở nên thận trọng và VN-Index nới rộng biên độ giảm trong các phiên cuối tuần.
Thị trường kết tuần khá ảm đạm, chỉ số lùi về sát ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm, với mức thanh khoản thấp.
Phần lớn các nhóm ngành đều chuyển sang sắc đỏ trong phiên cuối tuần, nhất là nhóm bán lẻ và truyền thông. Dù vậy, một số cổ phiếu tăng ngược dòng như BSR (dầu khí), MWG (bán lẻ), BVH (bảo hiểm).
Dòng tiền của các nhóm nhà đầu tư lớn góp phần gây áp lực lên đà tăng của thị trường khi khối ngoại và các tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh của các công ty chứng khoán) liên tục bán ròng trong tuần qua.
Về khía cạnh kỹ thuật, VN-Index đang trong nhịp điều chỉnh để kiểm định xu hướng tăng ngắn hạn sau phiên bùng nổ ngày 5/12/2024. Chỉ số chung vẫn phản ứng tốt với ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm, nhờ lực cầu gia tăng khi thị trường điều chỉnh sâu.
Do đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục tận dụng cơ hội nếu thị trường điều chỉnh trong tuần này để giải ngân vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản và triển vọng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV/2024 và quý I/2025.
Tuy nhiên, với việc đáy ngắn hạn chưa có tín hiệu rõ ràng, nhà đầu tư cần “chậm lại” để quan sát diễn biến thị trường và tránh trạng thái quá mua, đề phòng kịch bản thị trường nới rộng biên độ điều chỉnh.
VN-Index hạ nhiệt khi tiến lên gần mốc 1.280 điểm. |
Ngân hàng - Kỳ vọng từ tăng trưởng tín dụng
Kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, nhưng đang đối mặt với nhiều thách thức như áp lực lạm phát, biến động tỷ giá và tác động từ thị trường toàn cầu. Hiện tại, mặt bằng lãi suất của Việt Nam thấp hơn tương đối so với các nền kinh tế lớn, dẫn đến áp lực về tỷ giá, đặc biệt là cặp tỷ giá USD/VND.
Trong ngắn hạn, dòng vốn đầu tư trên thế giới có xu hướng rút ròng ở các thị trường mới nổi nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh các ngân hàng đang tăng tốc trong cuộc đua tăng trưởng tín dụng, nguồn vốn đầu vào trở nên khan hiếm hơn dẫn đến chi phí vốn của các ngân hàng gia tăng.
Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và cá nhân tăng trưởng ổn định, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu, bất động sản và tiêu dùng. Các nhóm ngành này đang là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có bước phục hồi sớm hơn các nước khác.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đang là câu chuyện chính của ngành ngân hàng, khi Ngân hàng Nhà nước có thể mở sẽ thêm “room” tín dụng cho các ngân hàng gần sử dụng hết hạn mức được giao. Tín dụng được đẩy mạnh sẽ mang lại lợi nhuận khả quan cho ngân hàng trong giai đoạn cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Tính đến ngày 7/12/2024, tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 12,5%, cao hơn đáng kể so với mức hơn 9% của cùng kỳ năm 2023.
Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp, trong khi tín dụng bán lẻ phục hồi chậm hơn. Các ngân hàng tư nhân có tỷ trọng lớn trong cho vay doanh nghiệp bất động sản và xây dựng như TCB, HDB, LPB, NAB, MSB ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, vượt trung bình ngành.
Một số ngân hàng tư nhân năng động như TCB, MBB, MSB, TPB đã mở rộng tín dụng lên hơn 80% hạn mức được giao năm 2024. Nhóm ngân hàng này có thể sẽ được cơ quan quản lý nới hạn mức tăng trưởng tín dụng và mức tăng trưởng thực tế đến cuối năm có khả năng đạt khoảng 20%.
Lưu ý, mặt bằng lãi suất huy động đang chịu áp lực tăng để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng, trong khi lãi suất đầu ra khó có thể tăng khi định hướng của Chính phủ là mặt bằng lãi suất cho vay duy trì mức thấp nhằm hỗ trợ kinh tế tăng trưởng. Do đó, biên lãi ròng (NIM) của ngành ngân hàng có thể sẽ giảm trong thời gian tới.