Tham gia thị trường chứng khoán được hơn 1 năm nay, từng lãi đậm và tin tưởng vào năng lực trading của bản thân, nhà đầu tư cá nhân T.T.Quốc Thái 1 tuần trở lại đây chán nản hẳn. “Chắc rút tiền về, không chơi nữa, càng chơi càng lỗ”.
Thái cùng nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường khác - đang có chung đặc điểm, là ưa thích giao dịch, lãi nhanh, chớp bắt mọi con sóng ở các nhóm cổ phiếu, và dĩ nhiên, sử dụng phân tích kỹ thuật là chủ yếu, nên nhiều tình huống, không hề biết doanh nghiệp mạnh yếu ra sao.
Phương Thảo, một nhà đầu tư cá nhân nữ khác, cũng mới tham gia thị trường, trước khi thị trường có biến động mạnh, có một sự kiện hút sự quan tâm của nhà đầu tư, là “nhóm Louis vào HQC”. Như mọi lần trước đó, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá cổ phiếu HQC vẫn tiếp tục bứt phá khi có nhóm này vào, và xa hơn, họ kỳ vọng vào game thâu tóm. Mua 50.000 HQC vùng giá đỉnh 10.350 đồng/CP, sáng nay, Thảo tâm sự, “em lỗ hơn 300 triệu chỉ trong vài ngày rồi, biết được khi về 9.000 đồng/CP em mạnh dạn cắt lỗ. Giờ có nên bán để rút hẳn tiền khỏi thị trường hay không”.
Ở các cổ phiếu cơ bản, nhà đầu tư cũng chịu tình trạng chung “giảm theo thị trường”. Điển hình như DQC, vốn là cổ phiếu cơ bản, doanh nghiệp kinh doanh có nền tảng tốt, ghi nhận mức tăng giá khá tốt từ quý IV/2021 đến quý I năm nay, có lúc lên đến 64.900 đồng/CP, với các nhà đầu tư mua cổ phiếu này trong quý IV ở vùng giá 28.000 - 35.000 đồng/CP đang có mức lãi đậm. Ngược lại, chỉ trong hơn 1 tháng gần đây, áp lực chốt lời lớn, đưa cổ phiếu về 55.000 đồng/CP, và chỉ từ ngày 28/3 trở lại đây, DQC giảm thêm 28%, hôm nay (ngày 12/4), cổ phiếu này có lúc nằm sàn 39.250 đồng/CP.
Tương tự ở nhiều cổ phiếu có cơ bản tốt khác, hoặc có câu chuyện hấp dẫn cũng giảm khá mạnh như DXG, TAR, IDC, BCG, DGW… hay ở nhóm cổ phiếu chứng khoán như SSI, HCM, VCI, APG, FTS, SHS, VND… những tưởng tích lũy vững ở vùng giá đã thiết lập từ quý IV/2021 đến nay, cũng đã bị tác động và giảm mạnh trong sáng nay.
Điều mà hầu hết các nhà đầu tư cá nhân đang lo sợ hiện nay, là các tin đồn có thành tin thật, liệu còn có tiếp các thông tin nào khác có thể làm thị trường giảm mạnh nữa hay không. Điều này khiến họ chần chừ, lo sợ hơn hẳn so với nhịp giảm trước Tết Nguyên đán.
Xét về dòng tiền trên thị trường, ghi nhận của người viết cho thấy, dòng tiền đang yếu, nhà đầu tư cá nhân chưa dám vào bắt đáy khi chưa có tín hiệu dẫn dắt, các “kho” vẫn đang bán để thu tiền về, hạn chế giải ngân mới giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư lớn còn thận trọng, và cả nhà đầu tư nước ngoài nếu vài tuần trước mua ròng hỗ trợ thị trường cũng đã quay lại bán ròng từ vài phiên tuần trước tới nay.
Đáng chú ý, theo trưởng phòng đầu tư một quỹ cho biết, cả bên trong và bên ngoài thị trường đang yếu quá, đặc biệt là bên trong thì đang lùm xùm vụ trái phiếu, có tác động một phần lên thanh khoản thị trường, một số tổ chức có thể phải rút bớt tiền ở thị trường cổ phiếu để có nguồn sẵn để cân đối cho bên thị trường trái phiếu.
Vậy đâu sẽ là trụ đỡ cho thị trường sắp tới, khi mà nhóm vốn hóa lớn nhất là ngân hàng tưởng chừng có phiên mạnh mẽ trong tuần trước sẽ duy trì được đà tăng và neo giữ sắc xanh cho chỉ số - thực tế thì cũng đã hạ nhiệt và sắc đỏ bao trùm trong phiên sáng nay. Hay với cổ phiếu bất động sản, nhóm vốn hóa lớn thứ 2 liệu có dẫn dắt thị trường sau khi “thanh lọc” các doanh nghiệp yếu kém, và với giả thiết bất động sản đều tăng giá hàng năm - sẽ giúp doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất và có dự án để bán hưởng lợi lớn.
Hay trước các thông tin về trái phiếu Tân Hoàng Minh, sẽ tạo hiệu ứng domino cả nhóm bất động sản, và lan sang cả ngân hàng hay không?
Trong chương trình bí mật đồng tiền số 15, bà Nguyễn Xuân Quỳnh, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSIAM cho rằng, điều này khó xảy ra, vì vi phạm hiện cho thấy chỉ khoanh vùng ở một nhóm công ty bất động sản thôi, và có dư nợ tín dụng ở các ngân hàng - thì ngân hàng sẽ có cách xử lý tài sản đảm bảo.
Về mặt quản lý, chính sách, NHNN vốn đã có biện pháp quản lý về cho vay bất động sản vài năm nay, mới đây là Thông Tư 16 cũng kiểm soát về đầu tư trái phiếu bất động sản nói riêng và trái phiếu doanh nghiệp nói chung của các tổ chức tín dụng. Qua đó cho thấy, định hướng và chính sách thì hoàn thiện hơn và quản lý hiệu quả hơn. Bản thân các ngân hàng cũng đang có xu hướng nắm giữ trái phiếu bất động sản đang giảm xuống, nên hiệu ứng bất động sản nợ quá hạn ảnh hưởng đến ngân hàng là ít.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCK SSI chia sẻ thêm, ngân hàng thường đứng ở vai cung cấp dịch vụ cho nghiệp vụ phát hành giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư cá nhân, nên rủi ro của họ là thấp. Dĩ nhiên, khi doanh nghiệp bất động sản gặp vấn đề thật, và ngành bất động sản gặp khó khăn thì ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng, vì đây là ngành lớn nhưng đó là bức tranh dài. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp, 46%/năm trong 5 năm gần nhất, nhưng so với quy mô của tín dụng thì nhỏ hơn rất nhiều.
Theo đó, ông Hưng cho rằng, trụ đỡ cho VN-Index là ngân hàng thì khả quan hơn. Theo dự báo của SSI, tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng tầm 25% cho năm 2022, trong khi bất động sản chỉ trên dưới 10%. Theo đó, ngân hàng đang có triển vọng tốt hơn.
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều, nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng, dân số ngày càng đông, tấc đất tấc vàng - không nở ra được, thiếu cung kéo dài nhất là ở đô thị lớn, khiến đất ngày càng có giá trị thì doanh nghiệp bất động sản phải được hưởng lợi.
Bà Quỳnh đồng ý với quan điểm trên và cho rằng, nhu cầu nhà ở ngày tăng cao, nhưng nguồn cung chưa kịp, đẩy giá bất động sản tăng hàng năm. Theo CBRE, nguồn cung 2022 - 2023 sẽ nhiều hơn, mặt bằng giá có thể tăng nhưng không nhiều như năm 2020 - 2021, nên giá đất chỉ là một cơ sở cho giá cổ phiếu bất động sản.
Theo bà Quỳnh, rộng hơn là định giá toàn ngành hiện có PE 23 lần, cao hơn VN-Index 16 - 17 lần, nên mức độ tăng lên nữa là khó hơn.
Dĩ nhiên, khi đầu tư công được thúc đẩy, dự án cơ sở hạ tầng đi ngang cũng giúp mặt bằng giá bất động sản đó tăng mạnh. Tuy nhiên bà Quỳnh lưu ý, phát triển dự án bất động sản từ khâu xin giấy phép đến bán được hàng là 3 - 5 năm, giá đất cũng không phản ánh ngay một thời điểm, nên nhà đầu tư cân nhắc chọn doanh nghiệp phải có khả năng triển khai dự án, vì có rất nhiều trường hợp trong quá trình triển khai dự án như giá đền bù tăng, giá nguyên vật liệu tăng, pháp lý kéo dài…, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ ra hàng và ghi nhận kết quả của doanh nghiệp.
Với kinh nghiệm của bà Quỳnh khi đầu tư cổ phiếu bất động sản, sẽ quan tâm vị trí dự án, khả năng triển khai của doanh nghiệp… và hiện giá cổ phiếu ở vùng rất thấp, cộng thêm quyết tâm triển khai dự án của Ban Lãnh đạo, thì tương lai kiểu gì cũng sẽ bán và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận.
“Tôi đầu tư dài và vào thích đầu tư cổ phiếu undervalue, và chỉ bán khi hiện thực hóa lợi nhuận ở các dự án này, phản ánh vào giá. Chẳng hạn dự án 3 năm, mà triển khai có thể x3, x4 thì tỷ suất đầu tư này chia đều cho các năm rất ổn. Cần lưu ý, quỹ đất lớn mà chưa rõ kế hoạch triển khai thì cũng rất khó để mà tính toán”, bà Quỳnh chia sẻ.
Theo một số quan điểm khác, đầu tư công đang là động lực lớn cho nền kinh tế và khu vực kinh tế FDI đang tăng trưởng tốt là động lực thứ 2. Theo đó, những nhóm ngành cổ phiếu có liên quan đến 2 động lực này có triển vọng khá vững chắc.