Trình bày tham luận “Công tác Ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và yêu cầu đặt ra từ nay tới Đại hội Đảng XIII”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, hiện nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 27 nước.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam với thế giới, nhờ đó ngày càng đi vào chiều sâu, mở rộng trên mọi lĩnh vực.
Chỉ trong hai năm 2016, 2017, Ngoại giao đã tham mưu “đúng và trúng” cho 90 đoàn cấp cao, vừa khéo léo sử dụng các chuyến thăm làm đòn bẩy tháo gỡ, vướng mắc trong triển khai hợp tác, vừa lồng ghép thành công nội hàm kinh tế trong các thỏa thuận cấp cao, đáp ứng lợi ích của đất nước, địa phương và doanh nghiệp.
Đặc biệt, Việt Nam đã từng bước tham gia hình thành, định hướng và thậm chí tạo dựng các cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính đa dạng, phong phú, đan xen và đa tầng nấc.
Với định hướng lớn của đối ngoại Việt Nam là “xây dựng và triển khai chiến lược tham gia các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng, ký kết và thực hiện hiệu quả các hiệp định tự do thế hệ mới”.
Khẳng định hiệu quả của công tác Ngoại giao phục vụ kinh tế, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng “Các Đại sứ, Tổng lãnh sự, Tham tán thương mại không chỉ làm nhiệm vụ chính trị mà phải chuyển sang làm kinh tế”, các Trưởng cơ quan đại diện đã thực sự vào cuộc, coi “bán hàng Made in Vietnam” là một trong những nhiệm vụ chính.
Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện cũng rất tích cực vận động kiều bào, tham gia xây dựng Tổ quốc. Trong tổng số 11,88 tỷ USD kiều hồi chuyển về nước năm 2016 và 13,78 tỷ USD năm 2017 có phần đóng góp không nhỏ của các cơ quan đại diện trong vận động, hỗ trợ kiều bào ta làm ăn ở nước ngoài.
Cũng tại Phiên họp, Hội nghị đã lắng nghe các ý kiến tham luận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cùng Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc...
Trong phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp to lớn của ngành ngoại giao cho sự phát triển chung của đất nước và đề nghị, trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển động nhanh, nhiều bất ổn khó lường, ngoại giao kiến tạo phát triển cần phải chủ động và sáng tạo hiệu quả.
Công tác đối ngoại phải góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và phát triển. Đây là nhiệm vụ rất khó, trọng trách nặng nề, chúng ta cần làm theo lời dạy của Bác Hồ: “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Hoan nghênh chủ đề của Hội nghị năm nay đã xác định phương châm chủ động, sáng tạo, hiệu quả, chủ động trong đối ngoại, Thủ tướng cho rằng, không chỉ kịp thời tận dụng cơ hội thuận lợi, kịp thời ứng phó biến động mà cần hướng tới tính đi trước một nhịp để làm rất tốt công tác dự báo chiến lược, công tác tham mưu cho Chính phủ và cả các bộ ngành.
Sáng tạo trong đối ngoại chính là kiên định mục tiêu, nhưng linh hoạt trong sách lược, nhất là trong thế giới đang biến động rất nhanh chóng. Chính vì vậy, ngành ngoại giao phải thích ứng với tình hình mới, sẵn sàng đổi mới tư duy, để cung cấp những quan điểm, cách tiếp cận, giải pháp mới, không sa vào lối mòn.
Thay mặt Chính phủ, khẳng định niềm tin của Đảng, Nhà nước vào ngành ngoại giao, nhiệm vụ nặng nề nhưng vinh quang, Thủ tướng tin tưởng ngành ngoại giao sẽ có bước phát triển mới sau hội nghị quan trọng này.