Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến hết năm 2022, xét theo nghiệp vụ, doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới đạt 18.057 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,5% trong tổng doanh thu, chỉ đứng sau bảo hiểm sức khỏe (23.733 tỷ đồng doanh thu phí, tỷ trọng 34,8% ).
Sản phẩm chủ lực này dù luôn được hầu hết nhà bảo hiểm khai thác tối đa, nhưng dư địa vẫn còn rất lớn. Chỉ tính riêng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, theo thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, hiện mới có trên 30% chủ xe mô tô, xe máy tham gia, tỷ lệ này đạt khoảng 90% đối với xe ô tô.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, khi đi đăng kiểm nếu thiếu sẽ được yêu cầu mua, còn xe máy không có những công cụ tương tự nên đa phần chủ phương tiện xe máy chỉ bị phát hiện không mua loại bảo hiểm bắt buộc này và chịu phạt khi vi phạm giao thông bị kiểm tra.
Thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, tỷ lệ dân thành thị mua bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới cao hơn các khu vực khác do người sử dụng xe cơ giới ở khu vực thành thị nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc triển khai kiểm tra các giấy tờ bảo hiểm tại thành thị, đặc biệt đối với xe máy, cũng cao hơn khu vực nông thôn. Được biết, doanh thu phí bắt buộc chiếm khoảng 25-30% trên tổng doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới.
Dù hiệu quả lợi nhuận gốc bảo hiểm xe cơ giới mang lại còn thấp do tỷ lệ bồi thường cao, nhưng sản phẩm này luôn nằm trong rổ sản phẩm bảo hiểm chủ chốt cần đẩy mạnh khai thác. Lý giải về việc này, vị đại diện trên cho hay, bảo hiểm xe cơ giới là sản phẩm có mức phí bảo hiểm cao, lại dễ bán trên diện rộng, nên đây luôn là lựa chọn hàng đầu của các nhà bảo hiểm khi muốn đẩy mạnh doanh số. Ngoài ra, khách hàng là chủ xe cơ giới cũng hiểu đây là loại bảo hiểm bắt buộc nên việc chào bán sản phẩm cũng dễ dàng hơn.
Với việc còn đến 70% người dân chưa mua bảo hiểm xe máy, các công ty bảo hiểm đang tìm cách đẩy mạnh khai thác tệp khách hàng này và một trong những giải pháp là đơn giản hóa thủ tục bồi thường - điều mà lâu nay khiến bảo hiểm xe máy bị “mang tiếng” là mua dễ, khó đòi, dẫn đến tỷ lệ tham gia còn thấp.
Về hành lang pháp lý, Nghị định 03/2021/NĐ-CP và Thông tư số 04/2021/TT-BTC đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân trong việc yêu cầu bồi thường và một trong những điểm mới là thời hạn phải chi trả bồi thường không quá 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ. Đồng thời, công ty bảo hiểm sẽ thay mặt chủ xe tạm ứng trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận thông báo về tai nạn để hỗ trợ nạn nhân được nhanh nhất, bất kể vụ tai nạn có thuộc phạm vi bồi thường hay không.
Một số nhà bảo hiểm như Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã cam kết chi trả bồi thường cho khách hàng trong vòng 24h kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ bồi thường, có doanh nghiệp hỗ trợ khách hàng để hoàn thiện hồ sơ xác nhận của các cơ quan chức năng...
Với bảo hiểm bắt buộc ô tô, dù dư địa không còn nhiều, song nhà bảo hiểm sẽ tiếp tục tập trung khai thác bảo hiểm thân vỏ xe - dòng sản phẩm vốn cốt lõi của phân khúc này và bài toán để chiếm lĩnh thị trường là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Mặc dù đã trở thành xu thế, nhưng mỗi nhà bảo hiểm có mức độ ưu tiên đầu tư khác nhau nên hiệu quả mang lại cũng khác nhau. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, đây sẽ là công cụ để các công ty bảo hiểm đến gần hơn và đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.