Tín phiếu: "hút" được 90%
Theo thông báo mới nhất của NHNN, chỉ trong vòng 4 ngày, từ 31/10 - 5/11, NHNN đã mở 14 phiên bán tín phiếu, có những ngày tổ chức tới 4 phiên. Trong khi đó, thời kỳ cao điểm trước đây cũng chỉ 9 - 10 phiên/tuần, tối đa là 2 phiên/ngày.
Trên thực tế, việc hạn chế bơm thêm tiền ra lưu thông và hút tiền về là chủ trương đã được thực hiện rất sớm trong năm nay thông qua tăng dự trữ bắt buộc lên gấp đôi và tăng các phiên giao dịch thị trường mở. Tuy nhiên, sau khi tình hình lạm phát vẫn ở mức cao thì trong vai trò quản lý tiền tệ của mình, NHNN đã tiếp tục đẩy mạnh kênh hút tiền thông qua bán tín phiếu ra thị trường.
Để tín phiếu NHNN hấp dẫn các ngân hàng thương mại mua vào, NHNN đã nâng lãi suất lên mức rất "cạnh tranh", chẳng hạn kỳ hạn 364 ngày có mức lãi suất tương đương 7,75%/năm, xấp xỉ lãi suất trái phiếu Kho bạc Nhà nước loại kỳ hạn 5 năm. Đồng thời, tín phiếu được thiết kế với nhiều kỳ hạn khác nhau, như 28 ngày, 56 ngày, 84 ngày... để phù hợp với tính chất nguồn vốn của các ngân hàng thương mại và tăng sự lựa chọn khi mua vào. Theo một quan chức NHNN, từ đầu tháng 9, cùng với việc tăng thêm số phiên bán tín phiếu ra thì NHNN cũng chào bán một lượng tín phiếu rất lớn, khoảng từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng/phiên. Mặc dù vậy, vị quan chức này thừa nhận, không phải phiên nào cũng bán được hết.
Bằng nhiều giải pháp hút tiền về, theo thống kê sơ bộ của NHNN, hiện cơ quan này đã hút được khoảng 90% lượng tiền cung ứng ra từ đầu năm, chủ yếu để mua vào ngoại tệ. Ước tính, đã có khoảng 9 tỷ USD được NHNN mua vào trong hơn 9 tháng đầu năm.
Cũng theo vị quan chức trên, dự kiến tới cuối năm NHNN sẽ hút được toàn bộ số tiền đã cung ứng để mua ngoại tệ trên thị trường. Trước một số ý kiến về việc NHNN cần xem xét tiếp tục tăng dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại để tăng cường hút tiền về và hạn chế số nhân tiền, vị quan chức này cho rằng, giải pháp nâng dự trữ bắt buộc "vẫn đang được cân nhắc".
Việc nâng dự trữ bắt buộc là giải pháp mạnh trong điều hành chính sách tiền tệ, nếu tiếp tục nâng chắc chắn sẽ gặp phản ứng của các ngân hàng thương mại, bởi hầu hết ngân hàng cho rằng, mức dự trữ hiện tại 10% đã là quá cao.
Mua ngoại tệ: cầm chừng?
Cũng trong chỉ đạo vừa qua của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, NHNN cần tiếp tục mua ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước, đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính giám sát chặt chẽ luồng ngoại tệ ra - vào thị trường trong nước, đánh giá đúng tình trạng cung cầu ngoại tệ để có biện pháp điều hành thích hợp. Điều hành tỷ giá ngoại tệ theo hướng tỷ giá VND/USD biến động sát với cung cầu ngoại tệ, không để tăng giá hoặc mất giá quá mức đồng Việt
Trên thực tế, đến cuối tuần qua, tỷ giá liên ngân hàng do NHNN công bố đã giảm (nội tệ lên giá) so với mức được duy trì suốt từ tháng 10/2007. Cụ thể, tỷ giá giảm còn 16.153 đồng/USD so với mức 16.164 đồng/USD trong tháng 10. Còn tỷ giá mua - bán mà các ngân hàng thương mại đang áp dụng vẫn tiếp tục điệp khúc "nằm ở sàn" cho phép (thấp hơn 0,5% so với tỷ giá liên ngân hàng). Theo một số ngân hàng thương mại, tỷ giá giảm phù hợp với tình hình thị trường hiện nay khi lượng cung ngoại tệ vẫn lớn hơn lượng cầu.
Trong hơn một tháng, kể từ tháng 9/2007, khi NHNN "tạm ngưng" mua vào ngoại tệ đã khiến các NHNN "dư thừa" một lượng ngoại tệ rất lớn, ngay cả khi NHNN gần đây đã mua vào trở lại thì "tình trạng dư cung vẫn tiếp tục", các ngân hàng thương mại cho biết.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn cung ngoại tệ vẫn đang lớn, trong khi không phải tất cả các đơn bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại cho NHNN đều được giải quyết hết. Mặc dù theo khẳng định của NHNN thì cơ quan này vẫn tiếp tục mua vào và không bình luận gì thêm, tuy nhiên theo một số ngân hàng thương mại thì lượng mua ngoại tệ của NHNN dường như đang theo một chính sách "cầm chừng" mới, đó là: khi ngân hàng thương mại mua vào một lượng tín phiếu do NHNN phát hành, NHNN sẽ mua lại một lượng ngoại tệ tương ứng với số tín phiếu đó.