Tại cuộc họp bàn kế hoạch của một doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Top đầu thị trường, các phân tích và viễn cảnh tích cực về doanh thu trong 2-3 năm tới được đưa ra, nhưng kinh phí cần đầu tư để có được con số doanh thu đó khiến các lãnh đạo phải “chùn tay”.
Mức chi phí để đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ban đầu gồm website và ứng dụng bán hàng không quá cao, nhưng để khách hàng biết đến và chủ động mua online thì cần đến nguồn đầu tư marketing lên đến vài ba tỷ đồng mỗi tháng.
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, đây là con số “đáng sợ” đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ - nơi mà các nguồn kinh phí cho marketing vốn đã rất hạn hẹp.
Ngoài ra, để bán được trên kênh online, các sản phẩm phải được đơn giản hóa rất nhiều thủ tục, đặc biệt là phải liên tục nghiên cứu và đưa ra sản phẩm mới lạ, độc đáo để thu hút khách hàng, mà công việc này không hề dễ dàng.
Bảo hiểm Bưu điện (PTI) - một trong những doanh nghiệp tiên phong trong trào lưu “online hóa”, trong 3 năm trở lại đây cũng chỉ đưa ra được 3 sản phẩm mới là bảo hiểm tình yêu, bảo hiểm hủy chuyến bay và bảo hiểm Anti - Covid.
Ðại diện Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) - hãng bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng doanh thu từ kênh trực tuyến nằm trong nhóm cao nhất thị trường (tăng trưởng mảng này năm 2019 đạt gần 50%) cho biết, ngoài việc nghiên cứu dòng sản phẩm dành riêng cho online, tránh tình trạng “đầu Ngô, mình Sở” (tức là sản phẩm bán online, nhưng chứng nhận bảo hiểm vẫn là bản giấy - PV), muốn đẩy mạnh được doanh thu bảo hiểm từ bán trực tuyến, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư rất nhiều cho marketing kỹ thuật số (digital marketing), kết hợp quảng bá cùng các ngân hàng và công ty du lịch…
Còn theo chia sẻ của lãnh đạo một công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang đầu tư vào bán hàng trực tuyến, để mô hình này phát triển mạnh cần giải quyết 3 vấn đề:
Thứ nhất, không phải sản phẩm bảo hiểm nào cũng có thể cung cấp hoàn toàn trên môi trường online.
Chẳng hạn, với bảo hiểm xe ô tô, quy trình của các công ty bảo hiểm đều yêu cầu có ảnh chụp xe trước khi cấp bảo hiểm.
Ðể bán được sản phẩm này qua kênh online, các doanh nghiệp phải xây dựng được các ứng dụng trên điện thoại, cho phép khách hàng tự chụp ảnh xe theo yêu cầu của nhà bảo hiểm.
Tuy nhiên, hiện nay, có rất ít doanh nghiệp làm được điều này và hầu như mới ở giai đoạn thử nghiệm, việc triển khai trơn tru đòi hỏi phải có nhiều thời gian hơn nữa.
Thứ hai, không chỉ phải cạnh tranh với nhau, kênh bảo hiểm trực tuyến của các doanh nghiệp bảo hiểm còn phải “đối đầu” với hoạt động bán hàng online của chính các đại lý bảo hiểm.
Hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm luôn được kiểm soát bởi các cơ quan quản lý nhà nước, chẳng hạn việc giảm phí, khuyến mại luôn cần thông báo tới Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh, một số hình thức còn cần xin cấp phép..., trong khi với các đại lý thì việc kiểm soát khó khăn hơn rất nhiều.
Ðiều này có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về phí bảo hiểm hay các chính sách khuyến mại.
Thứ ba, đó là bài toán chi phí đầu tư lớn trong giai đoạn đầu. Bán trực tuyến không đơn giản chỉ cần website, ứng dụng bán bảo hiểm là khách hàng sẽ tự tìm tới.
Dù không phải tìm gặp khách hàng như các kênh trực tiếp hay đại lý, nhưng kênh bảo hiểm trực tuyến sẽ phải đầu tư mạnh cho hoạt động truyền thông, quảng cáo, cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn với kỳ vọng thu hút được sự quan tâm, chú ý của khách hàng.
Thực tế trên cho thấy, để kênh bảo hiểm trực tuyến thực sự phát triển tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm phải đầu tư mạnh cho hệ thống công nghệ thông tin để có thể tăng cường các sản phẩm lên bán trên môi trường online và quan trọng hơn là tạo ra một “hệ sinh thái” bao gồm những tính năng, tiện ích khác biệt, những sản phẩm, dịch vụ ưu việt dành riêng cho kênh này.