Mới đây, Vietcombank đã nhận chuyển giao CBBank – một trong bốn ngân hàng 0 đồng

Mới đây, Vietcombank đã nhận chuyển giao CBBank – một trong bốn ngân hàng 0 đồng

Đẩy mạnh chuyển giao ngân hàng yếu kém

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  M&A lĩnh vực tài chính, ngân hàng hứa hẹn còn sôi động trong thời gian tới, nhất là khi chủ trương xử lý các ngân hàng yếu kém được đẩy mạnh.

Xử lý ngân hàng 0 đồng và bị kiểm soát đặc biệt

Hội đồng quản trị Vietcombank đã quyết định tạm hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ 6,5%, dự kiến trị giá khoảng 1 tỷ USD sang năm 2025. Tương tự, BIDV cũng quyết định hoãn kế hoạch phát hành thêm 9% vốn điều lệ sang năm 2025. Trong khi đó, LPBank đã hủy kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư ngoại.

Làn sóng bán vốn ngoại của ngân hàng đang chậm lại nhưng M&A lĩnh vực này vẫn “dậy sóng” khi Chính phủ đẩy mạnh xử lý các ngân hàng 0 đồng. Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, chính sách tiền tệ, tài khóa vừa qua đã được điều hành hiệu quả, hợp lý, đã xử lý được 2 ngân hàng 0 đồng và chuẩn bị xử lý tiếp 1 ngân hàng 0 đồng nữa nhằm ổn định hệ thống, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng có 4 nhà băng được đưa vào diện bắt buộc mua lại với giá 0 đồng, gồm CBBank, OceanBank, GPBank, DongA Bank.

Ngày 17/10/2024, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc CBBank cho Vietcombank và OceanBank cho MB. Sau khi được chuyển giao bắt buộc, CBBank và OceanBank sẽ là các ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ. Còn hai ngân hàng khác là GPBank và DongA Bank dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án và chuyển giao trong tương lai. Mục tiêu chuyển giao là đưa các ngân hàng yếu kém quay về hoạt động bình thường, khắc phục lỗ lũy kế, đảm bảo các quy định về an toàn hoạt động.

Oceanbank tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng, sau khi được ông Hà Văn Thắm tham gia mua lại cổ phần, nhà băng này chuyển đổi mô hình sang ngân hàng đô thị, đổi tên thành Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) vào năm 2007. Sau sự kiện ông Thắm bị bắt, Oceanbank được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng và Vietinbank hỗ trợ quản trị.

Còn CBBank tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Rạch Kiến, được chuyển đổi lên mô hình đô thị năm 2006 với tên gọi là Đại Tín (TrustBank). Năm 2013, Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Đến năm 2015, Ngân hàng Nhà nước mua lại VNCB với giá 0 đồng, được Vietcombank tham gia hỗ trợ, quản trị điều hành, sau đó đổi tên thành CBBank.

Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên các năm gần đây, lãnh đạo MB và Vietcombank từng chia sẻ, việc nhận chuyển giao bắt buộc không yêu cầu nhà băng nhận chuyển giao phải bỏ tiền mua, do đây là đơn vị yếu kém trong diện tái cơ cấu đã được mua lại 0 đồng.

Không chỉ đẩy mạnh chuyển giao 3 ngân hàng 0 đồng (Oceanbank, CBBank, tới đây là GPBank) và xử lý DongA Bank, Chính phủ còn yêu cầu hoàn thiện phương án xử lý Ngân hàng SCB trong tháng 12/2024; trình phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng kiểm soát đặc biệt.

Ngày 13/11 vừa qua, Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, trong đó có nội dung: Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng kiểm soát đặc biệt còn lại; hoàn thiện phương án xử lý đối với SCB trong tháng 12/2024; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu. Như vậy, ngoài DongA Bank thì SCB sẽ được đẩy nhanh tiến độ xử lý tồn tại và tái cấu trúc trong thời gian tới.

Cần hút vốn ngoại để tái cơ cấu

SCB được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng, đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB cùng Ban Kiểm soát đặc biệt SCB, Ngân hàng Nhà nước đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại nhà băng này để trình Chính phủ xem xét. Việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém và SCB từng được Thủ tướng lưu ý phải bảo đảm minh bạch, không thất thoát tài sản.

Lãnh đạo MB cho biết, để xử lý khoản lỗ lũy kế của ngân hàng 0 đồng, giải pháp quan trọng nhất vẫn là sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được vay với lãi suất 0% trong thời gian tái cơ cấu, được phép tăng trưởng quy mô cao hơn. Bên cạnh đó, nếu tái cơ cấu không thành công, ngân hàng nhận chuyển giao không thể trả lại ngân hàng 0 đồng cho Nhà nước, nhưng có thể bán đi như một khoản đầu tư hoặc IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần.

Còn theo Vietcombank, tổ chức nhận chuyển giao sẽ có quyền định đoạt, xử lý ngân hàng chuyển giao bắt buộc: nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao; duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách, chẳng hạn chuyển sang ngân hàng số. Còn nếu tái cơ cấu thành công, ngân hàng 0 đồng cũng có thể sáp nhập vào ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc…

Việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đang được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh, tiến trình này rất cần nguồn lực của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam có quy định, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư ngoại không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Ngoài ra, còn có các giới hạn cụ thể đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài; nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan. Đây là rào cản lớn trong hút vốn ngoại.

Riêng đối với các ngân hàng thuộc diện yếu kém, tái cơ cấu thì Chính phủ cho phép nhà đầu tư ngoại được mua lại trên 50% cổ phần, thậm chí là 100%. Thế nhưng, hơn 10 năm qua, vẫn chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào mua lại 100% vốn các nhà băng này.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, các ngân hàng tái cơ cấu nếu có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thì bên cạnh năng lực tài chính tốt còn là sự hỗ trợ về công nghệ, quản trị, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế của các nhà băng. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh về công nghệ giữa ngân hàng và công ty công nghệ tài chính (fintech) và ngay cả giữa các ngân hàng diễn ra rất quyết liệt thì sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, với tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ có ý nghĩa quan trọng. Từ đó, ngân hàng không chỉ tăng quy mô vốn, sức cạnh tranh mà vốn ngoại giúp ngân hàng tái cấu trúc, tối ưu hoá chi phí, mạng lưới thị phần tăng lên, từ đó gia tăng hiệu quả hoạt động.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng không chỉ cần vai trò hỗ trợ của Chính phủ, mà còn cần có sự tham gia của các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư ngoại. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng đang cần sự tham gia mạnh mẽ hơn từ khối ngoại vào các ngân hàng trong diện tái cơ cấu, hoạt động yếu kém.

Dẫu vậy, theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, do ngân hàng là một ngành đặc thù và việc nhà đầu tư ngoại có sẵn sàng rót vốn hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố như chiến lược phát triển phù hợp, triển vọng tăng trưởng tốt, nét tương đồng văn hóa giữa hai bên cũng như cần xem xét nới thêm room để thu hút vốn.

Tin bài liên quan