Mục tiêu của ngành ngân hàng trong năm nay là đưa nợ xấu về dưới 3%

Mục tiêu của ngành ngân hàng trong năm nay là đưa nợ xấu về dưới 3%

Đẩy lùi nợ xấu, mục tiêu trọng tâm của ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước tình hình nợ xấu gia tăng, xử lý nợ xấu và đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn là mục tiêu quan trọng của ngành ngân hàng trong năm 2024.

Mục tiêu trọng tâm

Ngay những ngày đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, phấn đấu trong năm 2024, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) về dưới 3%.

Yêu cầu này được đặt ra trong bối cảnh nợ xấu toàn hệ thống tín dụng tăng nhanh trong năm 2023 và dự báo sẽ đạt đỉnh trong năm 2024.

Thực tế cho thấy, ngay cả với những nhà băng có tỷ lệ nợ xấu giảm và nợ xấu dưới mức 3%, việc kiểm soát và xử lý nợ xấu cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay.

Chẳng hạn, tại Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, kết thúc tháng 12/2023, chất lượng nợ được kiểm soát theo mục tiêu với tỷ lệ nợ nhóm 2 là gần 0,42%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97%. Trước đó, theo báo cáo tài chính quý III/2023, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã tăng từ mức 0,68% hồi đầu năm lên mức 1,21% vào cuối tháng 9/2023. Dù so với các ngân hàng thương mại khác, đây là con số nhỏ nhưng so sánh biến động qua các thời kỳ của Vietcombank thì nợ xấu năm 2023 là con số lớn nhất và theo ông Tùng, mục tiêu trong năm nay của Ngân hàng là kiểm soát tốt nợ xấu.

Tương tự, tỷ lệ nợ xấu tại BIDV cũng có chuyển biến tích cực, đến cuối năm 2023 chỉ còn 1,1%. Agribank cũng duy trì nợ xấu ở mức dưới 2%, song theo Tổng giám đốc Phạm Toàn Vượng, mục tiêu năm nay của Ngân hàng là kiểm soát nợ xấu ở mức thấp.

Trong khi đó, VietinBank ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh trong quý IV/2023, về mức 1,12% vào cuối năm. Trước đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng vào cuối quý III/2023 là 1,37% và cuối năm 2022 là 1,24%.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank đánh giá, việc xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ tăng do các doanh nghiệp gặp khó khăn, mà phần lớn nguyên nhân là phải chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài như đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột Nga - Ukraine, Isarel và lực lượng Hamas.

“Nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế, chứ không chỉ riêng của ngành ngân hàng”, ông Bình nhấn mạnh.

Nhờ tăng trưởng tín dụng tăng tốc vào cuối năm qua, đạt 13,71% (tăng 4,7% so tháng trước), SSI kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng sẽ giảm xuống còn 1,89% quý IV/2023. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể đi lên trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. SSI dự báo tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2023, do cuối năm, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn.

SSI cũng lưu ý, các khoản nợ có vấn đề (bao gồm nợ nhóm 2, khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn và khoản vay cũ) vẫn tiếp tục cần được giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, nếu dự thảo sửa đổi Thông tư 16 nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng được thông qua, không loại trừ khả năng một phần rủi ro tín dụng sẽ quay trở lại đối với các ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp.

Chờ gia hạn Thông tư 02 và lấp khoảng trống pháp lý xử lý nợ

Các chuyên gia nhận định, trong khi các khoản nợ xấu cũ chưa được xử lý xong thì có thể các ngân hàng sẽ phát sinh thêm nợ xấu mới khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ hết hiệu lực vào ngày 30/6/2024.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV, Thông tư 02 hết hạn sẽ tạo áp lực trả nợ rất lớn cho các doanh nghiệp, trong khi hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong năm 2024 đối mặt nhiều khó khăn khi sức hấp thụ vốn vẫn ở mức thấp.

Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội hết hiệu lực vào cuối năm 2023, nếu không thay thế hoặc gia hạn sẽ làm chậm lại quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu của tổ chức ngân hàng.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV

“Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực vào cuối năm 2023, nếu không có việc thay thế hoặc gia hạn sẽ làm chậm lại quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu của tổ chức ngân hàng”, ông Lâm nhận định.

Trong tuần qua, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua, với nhiều quy định về xử lý nợ xấu. Tuy vậy, hiệu lực thi hành của Luật là ngày 1/1/2025, chưa kể đến việc để Luật đi vào thực tiễn, còn phải chờ các văn bản hướng dẫn như nghị định, thông tư. Theo giới chuyên gia, từ nay đến đó sẽ có “khoảng trống pháp lý” trong xử lý nợ xấu của các ngân hàng.

BIDV đã đề nghị Chính phủ kiến nghị lên Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện của Nghị quyết 42/2017, đồng thời đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét kéo dài thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết tháng 12/2024, thay vì cuối tháng 6/2024 như hiện tại. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, vài tháng tới, cơ quan này sẽ nghiên cứu việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, về hành lang pháp lý, nhà điều hành đang rà soát sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật và vẫn dựa trên nguyên tắc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng phải quản lý chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn của hệ thống.

Để nợ xấu được xử lý hiệu quả, VietinBank đã kiến nghị các cơ quan tòa án, thi hành án tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xử lý vụ việc để tăng hiệu quả xử lý, thu hồi nợ xấu.

Trong khi chờ quyết định gia hạn Thông tư 02 cũng như lấp khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu thì có một thực tế mà các nhà băng phải đối mặt trong câu chuyện xử lý nợ xấu. Đó là tổng giá trị bất động sản thế chấp tại các ngân hàng hiện chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay, thậm chí tại một vài nhà băng lên đến 80 - 90%, theo đó, hoạt động phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ gặp khó khăn vì thị trường bất động sản vẫn trầm lắng.

Nợ xấu tăng, áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng thương mại trong năm 2024 vẫn đáng kể, song theo nhận định của PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, dư địa trích lập dự phòng của các ngân hàng sẽ không còn nhiều, khi lợi nhuận năm qua không mấy khả quan. Những ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu lớn trong năm 2023 và nâng chất lượng tài sản lên mức cao có thể sẽ có nhiều dư địa để xử lý hơn và từ đó có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.

Tin bài liên quan