Sáng nay (29/11), Quốc hội Khóa XV bế mạc Kỳ họp thứ sáu, kỳ họp giữa nhiệm kỳ với bộn bề công việc: thông qua 7 dự án luật, cho ý kiến 8 dự luật khác, lấy phiếu tín nhiệm, tổng rà soát các “lời hứa” sau giám sát, chất vấn… Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, về thuế tối thiểu toàn cầu, cơ chế đặc thù cho dự án giao thông… cũng đã được đa số đại biểu nhấn nút tán thành.
Nhưng, hai dự án luật có tác động to lớn đến nền kinh tế đã không cán đích, gồm Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đó, chương trình phiên họp cuối cùng này đã được Quốc hội điều chỉnh, đưa nội dung biểu quyết thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ra khỏi nghị trình, vì Dự thảo vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu. Ngoài ra, việc rà soát, hoàn thiện toàn diện Dự thảo cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật.
Việc này, đương nhiên sẽ kéo theo nhiều cái khó. Bởi, thông qua ba dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Đất đai (sửa đổi) cùng một kỳ họp, được cho là cơ hội vàng để gỡ nút thắt cho thị trường bất động sản vốn đang tứ bề khó khăn. Nhìn rộng hơn, việc hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải đặt trong tổng thể các dự án luật khác, để bảo đảm tính đồng bộ, vì chỉ khi đồng bộ thì các quy định của Luật Đất đai mới phát huy được hiệu quả.
Nhưng Luật Đất đai (sửa đổi) - đạo luật có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, đã bị “bỏ lại phía sau” một nhịp. Thế nên, dù các chính sách có liên quan tại các Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có cẩn trọng đến đâu, có để lại “đường lui” cho Luật Đất đai (sửa đổi) đến đâu, cũng vẫn làm cho “điểm tựa” sự lựa chọn của đại biểu khi bấm nút biểu quyết có phần “chơi vơi” hơn một chút.
Thế nên, cũng dễ hiểu khi kết quả biểu quyết lùi thời gian thông qua Dự thảo vẫn có 6 vị đại biểu không tán thành.
“Mong muốn thông qua Luật Đất đai đúng lịch vì cuộc sống mong đợi lắm rồi, nhưng tình thế như vậy thì biết làm sao được”, là chia sẻ không chỉ của một vị đại biểu sau khi chọn nút tán thành.
Chấp nhận lùi thời gian bấm nút, để Dự thảo được tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua ở kỳ họp gần nhất, hẳn nhiên, cử tri sẽ hiểu và cảm thông. Hơn nữa, kỳ họp gần nhất ở đây cũng có thể sẽ không phải chờ đến tháng 5/2024 như thông lệ, mà khả năng một kỳ họp bất thường ngay đầu năm 2024 từng được Chủ tịch Quốc hội để cập khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo giữa hai đợt họp của Kỳ họp thứ sáu.
“Nếu sang kỳ họp sau là kỳ họp bất thường thì theo thông lệ chỉ có 5 ngày, nên thời gian chỉnh lý Dự thảo sẽ rất ngắn”, Chủ tịch Quốc hội nói, khi đó.
Tất nhiên, sớm chừng nào hay chừng ấy. Thông qua một dự án luật ở kỳ họp bất thường cũng không phải việc chưa từng có tiền lệ, nhất là với một đạo luật được trông đợi từng ngày như Luật Đất đai (sửa đổi). Song day dứt sẽ bớt đi rất nhiều khi đạo luật đặc biệt này đi vào cuộc sống, thực sự khơi thông được nguồn lực đất đai, bớt đi những ưu phiền, nhọc nhằn của cả người dân và doanh nghiệp.
Như thế, ở “những phút bù giờ” này, không chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, mà từng vị đại biểu Quốc hội vẫn cần tiếp tục dành thời gian thỏa đáng cho Dự thảo.
Tiếp tục lắng nghe ý kiến cử tri, tham vấn ý kiến chuyên gia, chuẩn bị những ý kiến đóng góp thực sự chất lượng cho Dự thảo… là những việc đã được nối dài ba kỳ họp của Quốc hội, nhưng vẫn thực sự cần thiết. Để đến khi những nút “tán thành” được bấm đầy tự tin, thì nỗi day dứt mang tên đất đai cũng sẽ được giải tỏa.