Lên sàn vì mục đích khác?
Không quá khó khăn để tìm được những cổ phiếu có mối liên hệ với nhau trên sàn chứng khoán. Những doanh nghiệp có mối quan hệ mẹ - con, hoặc quan hệ sở hữu công ty liên kết, hoặc có chung cổ đông, nhóm cổ đông lớn, hoặc cùng ban lãnh đạo khá nhiều.
Điều đáng nói là, có những họ doanh nghiệp mà khi lên sàn để lại những hậu quả cho thị trường, khi ở thời điểm niêm yết, doanh nghiệp “vẽ” một bức tranh khá tươi sáng, để rồi sau đó, khi những con sóng về giá và thanh khoản qua đi, doanh nghiệp chìm vào quên lãng, với hoạt động cầm chừng. Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến là nhóm cổ phiếu ngành khoáng sản.
Năm 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố xử phạt 3 công ty niêm yết hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản là CTCP Khoáng sản Luyện kim màu (KSK), CTCP Khoáng sản Hòa Bình (KHB), CTCP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Hưng Long (KHL), với mức phạt là 100 triệu đồng mỗi công ty cho hành vi sử dụng vốn sai mục đích.
Cả ba doanh nghiệp này ở thời điểm trước đó đều có điểm chung: Liên quan đến một nhóm cổ đông và đều hoạt động trong tình trạng èo uột.
Trên nhiều diễn đàn chứng khoán, các nhà đầu tư đã gọi chung 1 nhóm công ty (với 3 công ty này và thêm một vài công ty khoáng sản khác) bằng khái niệm cổ phiếu của một nhà đầu tư tên H.
KSK niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đầu năm 2014, với vốn điều lệ 156,88 tỷ đồng. Tại Bản cáo bạch khi niêm yết, KSK đưa ra phương án kinh doanh với lợi nhuận sau thuế năm 2013 là 47 tỷ đồng; năm 2014, 2015 đều là 55 tỷ đồng, mức chia cổ tức là 20% mệnh giá cổ phần.
Trên thực tế, năm 2015, KSK đã tăng vốn điều lệ thêm 82 tỷ đồng, lên mức 238,88 tỷ đồng và mức lợi nhuận cao nhất mà KSK từng đạt được chính là con số 15,6 tỷ đồng năm 2013 - thời điểm Công ty nộp hồ sơ niêm yết. Tổng lợi nhuận các năm từ 2013 đến hết 2017 là hơn 5 tỷ đồng, trong đó lỗ năm 2017 tới gần 11,4 tỷ đồng.
Diễn biến hiệu quả kinh doanh của KSK kể từ khi lên sàn cũng là câu chuyện chung của các cổ phiếu còn lại trong nhóm này như KHB, KHL, KSA..., đó là lợi nhuận lên cao khi niêm yết, duy trì một thời gian ngắn rồi mất hút, mặc kệ tình trạng doanh nghiệp và những người trót mua các mã này.
Nhóm khoáng sản với nhiều tên tuổi nhất mà khi lên sàn để lại những hậu quả cho thị trường
Gần đây nhất, thị trường cũng đang hình dung ra một nhóm cổ phiếu mới, cũng được gọi là nhóm cổ phiếu của ông H. Đó là mã chứng khoán SRA (của CTCP Sara Việt Nam) và AMV (của CTCP Sản xuất - kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt - Mỹ).
Trong sự đồng điệu về tăng giá bất thường của 2 mã chứng khoán này, đâu đó người ta nhận thấy bóng dáng của CTCP Kanpeki Nhật Bản - công ty có liên quan đến các thành viên gia đình nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC), từ trùng địa điểm kinh doanh, xuất hiện trong danh sách khoản phải thu, hoặc trong vai trò cổ đông lớn, đều tăng vốn điều lệ lớn…
Điều này khiến thị trường hình dung về một kịch bản chung của nhóm cổ phiếu này, kéo dài từ JVC qua AMV và sắp tới có thể là SRA.
Một cặp cổ phiếu nữa cũng khá nổi tiếng là NHP (của CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP) và TGG (của CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang).
Ngoài câu chuyện diễn biến giá cổ phiếu đang có xu hướng giống nhau (NHP hiện còn 1.100 đồng/cổ phiếu) và TGG sau khi tăng giá giai đoạn mới niêm yết đã bắt đầu giảm sàn phiên thứ 5 liên tiếp, thì còn giống nhau ở một điểm là tài sản Công ty phần lớn tồn tại ở dạng đầu tư vào công ty con, công ty liên kết và khoản phải thu.
Tổng doanh thu phát sinh trong vòng 12 tháng gần nhất của TGG mới chỉ đạt khoảng 80 tỷ đồng, nhưng khoản phải thu ngắn hạn khách hàng đã lên tới 91,755 tỷ đồng (tính đến cuối quý II/2018) và lợi nhuận sau thuế bắt đầu rơi về mức 3 tỷ đồng trong nửa đầu năm, trong khi cùng kỳ năm trước là 6 tỷ đồng.
Tương tự như NHP, sau khi niêm yết và đẩy giá lên cao, giá rơi mạnh, lợi nhuận giảm và đến năm 2018 chuyển sang lỗ.
Với những doanh nghiệp có chung nhóm cổ đông và ban lãnh đạo, xu hướng được quản trị giống nhau là khá cao. Và vì thế, kết quả hoạt động cũng có thể dự báo được, nếu nhìn từ câu chuyện của một doanh nghiệp khác.
Cần chế tài đặc biệt cho các vị “đạo diễn”
Chức năng của thị trường chứng khoán là tạo thanh khoản và dẫn vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Thế nhưng, việc xuất hiện ngày một nhiều những cổ phiếu mà việc đưa lên niêm yết của các ông chủ chỉ đơn thuần dừng lại ở việc bán cổ phiếu thu tiền về, để mặc nhà đầu tư đến sau với doanh nghiệp mà thậm chí, họ còn không biết công ty sẽ đi về đâu vì không thể tiếp quản sổ sách, giấy tờ (như trường hợp KHB hiện nay).
Chính những cổ phiếu niêm yết như trên là nguyên nhân khiến niềm tin trên thị trường chứng khoán - vốn đóng vai trò quan trọng và chi phối hành động của nhà đầu tư - bị bào mòn.
Việc ngăn chặn những doanh nghiệp này lên sàn là cần thiết, nhưng sẽ rất khó, bởi hồ sơ niêm yết dựa trên kết quả kinh doanh quá khứ và những kế hoạch dự kiến - một thứ ở thì tương lai, mà ý tưởng thực sự của nó chỉ nằm trong đầu ông chủ.
Điều gì xảy ra với tương lai thị trường chứng khoán, khi ngày càng nhiều cổ phiếu niêm yết thực chất chỉ là… hàng rởm còn lại sau những phi vụ thoái vốn cho nhà đầu tư đại chúng?
Những người đã tham gia đầu tư chứng khoán coi việc làm đẹp doanh nghiệp rồi tung lên sàn để thoái vốn là một nghề chính thì sẽ rất khó để... bỏ nghề.
- Luật sư Nguyễn Xuân Toàn
Trên thực tế, việc tìm ra những người đứng sau đạo diễn các màn “tung rác” lên thị trường chứng khoán là không khó và trong nhiều trường hợp, những sai phạm theo nhóm công ty đã được chứng minh và bị cơ quan quản lý xử phạt.
Nhưng liệu mức phạt một vài trăm triệu đồng, thậm chí lên tới một vài tỷ đồng có đủ sức răn đe, nhất là khi những “họ” cổ phiếu rác vẫn đang được hình thành thêm?
Thực tế cũng cho thấy, những trường hợp vi phạm về quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là hành vi rút ruột doanh nghiệp, hoặc các sai phạm khác có ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, mức phạt hành chính là không đủ.
Bởi vậy, trong lần sửa Luật Chứng khoán tới đây, bên cạnh những đóng góp nhằm tạo khung pháp lý hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ hơn, nhiều ý kiến cho rằng, cần có thêm chế tài xử phạt với các cá nhân vi phạm nghiêm trọng vấn đề quản trị doanh nghiệp niêm yết, nhất là với hành vi “tung rác" lên sàn.
Luật sư Nguyễn Xuân Toàn, người có nhiều năm tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán chia sẻ, đối với lĩnh vực chứng khoán, ngoài hình thức xử phạt hành chính, truy tố hình sự (nhưng rất khó để xử lý hình sự) thì hình phạt có tính răn đe lớn hơn chính là cấm tham gia đầu tư, quản trị vào công ty có lợi ích công chúng khác (như công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ). Lý do được ông Toàn đưa ra khá thú vị.
“Những người đã tham gia đầu tư chứng khoán coi việc làm đẹp doanh nghiệp rồi tung lên sàn để thoái vốn là một nghề chính thì sẽ rất khó để... bỏ nghề.
Do vậy, việc đưa ra chế tài cấm tham gia đầu tư, quản trị công ty đại chúng với những vi phạm có tính chất nghiêm trọng với thị trường sẽ tạo ra áp lực lớn hơn cho họ trong việc cân nhắc có nên vi phạm pháp luật hay không.
Tôi cho rằng, đây là một cách để tăng cường khả năng bảo vệ cổ đông đại chúng trên thị trường chứng khoán, mà cơ quan quản lý nên cân nhắc tính đến trong quá trình sửa Luật Chứng khoán tới đây, nhằm ngăn chặn mạnh mẽ những cá nhân có nguy cơ gây hại cho số đông tham gia TTCK”, ông Toàn nói.