Vài tháng trước, các sinh viên trong lớp học tài chính của tôi tại Đại học Lincoln đã tỏ ra khá hào hứng khi nói về Bitcoin và tiềm năng giá trị của nó. Những người bạn của tôi tại Việt Nam thì thường xuyên nhận được những lời mời tham gia cơ hội đầu tư Bitcoin. Báo chí khắp nơi thường xuyên giật những tiêu đề về những bất ngờ được tạo ra bởi Bitcoin. Có thể nói, cơn sốt Bitcoin dường như đến từ khắp mọi nơi. Mặc dù vậy, tôi tin là không có nhiều người thực sự hiểu Bitcoin, ngoài việc coi đó là một thứ gì đó gọi là tiền số có thể đầu tư sinh lời.
Bản chất kỹ thuật
Tôi không có ý định đi sâu giới thiệu về bản chất kỹ thuật của Bitcoin trong bài viết này. Tôi đã hỏi một chuyên gia trong lĩnh vực này tại London rằng, người bình thường có cần hiểu bản chất kỹ thuật của Bitcoin không và được khuyên rằng không cần thiết. Anh ấy cho rằng, những người quan tâm tới Bitcoin chỉ nên hiểu Bitcoin được phát triển dựa trên công nghệ Blockchain và thực sự thì Blockchain, để liên hệ gần gũi với cuộc sống, cũng giống như Internet, còn Bitcoin giống như một ứng dụng chẳng hạn email hay trang web nào đó.
Nói như vậy để thấy, Bitcoin có thể là đồng tiền tiên phong, nhưng công nghệ Blockchain sẽ cho phép tạo ra nhiều loại tiền tệ số khác và nhiều ứng dụng khác theo nhu cầu của xã hội.
Chúng ta có thể liên tưởng tới thế giới Internet những ngày đầu với sự hào nhoáng của những ứng dụng đơn lẻ, chẳng hạn thư điện tử, báo trực tuyến... thì ngày nay chúng đang dần bị thay thế bởi các ứng dụng ưu việt hơn như mạng xã hội. Yahoo là một ví dụ điển hình của một "ông vua" Internet thời kỳ đầu, nhưng sau đó đã không trụ nổi bởi sự cạnh tranh của những đối thủ mới với công nghệ tiên tiến hơn.
Ông Quách Mạnh Hào
Nói cách khác, Bitcoin cũng có thể có ngày biến mất khi mà những đồng tiền số khác được tạo ra, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng lớn và các nước đã suy nghĩ về việc tạo ra đồng tiền số của họ. Ngay người được cho là tạo ra Bitcoin - Satoshi Nakamoto - một người ẩn danh hoàn toàn bí ẩn - cũng đã dự báo rằng, sau này hoặc là Bitcoin sẽ trở nên rất phổ biến, hoặc là nó sẽ biến mất.
Ý nghĩa kinh tế
Mặc dù không nhất thiết phải hiểu kỹ thuật, ý nghĩa kinh tế của Bitcoin lại là điều mà người dùng nên quan tâm. Để đơn giản, hãy hình dùng rằng khi ta chuyển tiền VND cho nhau, chúng ta cần thông qua một bên thứ ba là ngân hàng để thực hiện giao dịch. Mục đích của việc này không gì khác ngoài việc đảm bảo rằng giao dịch được chứng thực với ngân hàng là người làm chứng. Tiền số Bitcoin không cần một bên thứ ba như vậy, nhưng nó cần một cộng đồng thừa nhận và xác nhận giao dịch. Nói cách khác, thay vì một bên thứ ba tin tưởng, Bitcoin dựa trên ý tưởng khi ai cũng biết thì giao dịch đã được xác nhận.
Công nghệ Blockchain cho phép các giao dịch được mã hóa và lưu trữ mà không ai có thể thay đổi được nó. Việc Bitcoin được giao dịch mà không bị phụ thuộc bởi các ngân hàng trung ương, không biên giới, an toàn, nhanh chóng và hoàn toàn được kiểm soát bởi mạng lưới người dùng tạo cho Bitcoin không chỉ giá trị chuyển đổi mà còn là nơi cất giữ giá trị. Nói cách khác, Bitcoin có đặc tính của tiền tệ và đồng thời có đặc tính của một tài sản giá trị.
Việc Bitcoin có trở thành tiền tệ theo nghĩa thông thường hay không, tôi nghĩ rất khó. Nhưng nó chắc chắn là một tài sản. Để dễ hiểu, Bitcoin thực ra không khác gì một loại cổ phiếu. Nó có một số lượng phát hành hữu hạn, tối đa 21 triệu vào năm 2040 và việc hàng ngày, những đồng Bitcoin được tạo ra và thưởng cho những người đào được nó - bản chất là quá trình tìm lời giản cho thuật toán xác nhận giao dịch - giống như công ty làm ra lợi nhuận và thưởng cổ phiếu cho một nhóm cổ đông.
Cổ phiếu có giá trị chuyển đổi giữa các cổ đông nhưng nó có thể chẳng có ý nghĩa gì với những người khác - đơn giản bởi họ không quan tâm hoặc quan tâm tới cổ phiếu khác.
Bởi vậy, giá cả của Bitcoin sẽ phụ thuộc rất nhiều vào dòng tiền đổ vào nó, cũng giống như dòng tiền chạy vào một cổ phiếu nào đó. Sự tham gia và chấp nhận Bitcoin trên diện rộng sẽ làm tăng dòng tiền đầu tư vào nó, đẩy giá lên, trong khi ngược lại, theo thời gian nó sẽ dần dần thoái trào, tương tự như các ứng dụng Internet thời kỳ đầu.
Những ứng dụng của tương lai
Trong khi tôi không có quan điểm tích cực về tương lai của Bitcoin, tôi lại cho rằng, tiền mật mã và công nghệ Blockchain sẽ là tương lai của thế giới. Việc tạo ra các đồng tiền mã hóa ưu việt hơn và có tính chấp nhận rộng rãi hơn bởi các ngân hàng lớn và các ngân hàng trung ương là điều có thể dự báo được.
Thuật toán mã hóa mà Bitcoin đang sử dụng hiện tại được cho là không thể bẻ khóa, nhưng điều này có thể sẽ khác khi công nghệ và trí tuệ nhân tạo phát triển. Thêm vào đó, việc xác nhận giao dịch của Bitcoin đang ngày trở nên chậm hơn do khối lượng dữ liệu quá lớn. Cũng giống như
Facebook đang dần đánh bại các ứng dụng email và báo chí trực tuyến, các đồng tiền số mới ra đời với công nghệ bảo mật tốt hơn, được chấp nhận rộng rãi hơn sẽ dần thay thế những đồng tiền thời kỳ đầu. Bitcoin có thể là tiên phong, nhưng chúng ta cần thực tế để nghĩ về nó như là một sản phẩm của công nghệ và trí tuệ, những thứ luôn phát triển tiên tiến hơn, để thấy là Bitcoin không thể là bất biến.
Tôi cũng đặc biệt nghĩ rằng, công nghệ Blockchain sẽ thay đổi thế giới, giống như cách mà Intenet đã thay đổi cuộc sống của chúng ta trong gần ba chục năm qua. Nói một cách dễ hiểu, bất cứ giao dịch nào cần sự xác nhận, tin tưởng của bên thứ ba đều có thể ứng dụng công nghệ Blockchain để mang lại giao dịch nhanh hơn, chi phí giao dịch thấp hơn và tuyệt đối an toàn. Khái niệm “hợp đồng thông minh” đang dần trở nên phổ biến để ám chỉ cho xu hướng này.
Trong lĩnh vực tài chính, tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) trong một bài viết hồi tháng 10/2017 có nêu 5 lĩnh vực mà công nghệ Blockchain sẽ sớm trở nên phổ biến bao gồm dịch vụ thanh toán bù trừ, dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, nhận diện khách hàng và đồng tài trợ.
Thay lời kết
Trong bài viết này, tôi thực sự mới chỉ nêu suy nghĩ cá nhân về những khía cạnh kỹ thuật và kinh tế đơn giản nhất của công nghệ Blockchain và Bitcoin. Mặc dù dự báo rằng Bitcoin sẽ không có tương lai, tôi cũng không thể biết rằng tương lai đó sẽ diễn ra khi nào. Với những người quan tâm tới giao dịch Bitcoin, hãy nghĩ đơn giản đó là một loại cổ phiếu và cổ phiếu đó có thể đang được làm giá bởi những tay làm thị trường hàng đầu thế giới.
Với những người quản lý, hãy coi Bitcoin như một dạng tài sản. Và họ nên sẵn sàng để có chính sách quản lý hợp lý không chỉ Bitcoin mà còn những đồng tiền mật mã khác. Với công nghệ Blockchain, chúng ta, cả lãnh đạo và doanh nhân, đã nói nhiều về cơ hội đến từ cách mạng 4.0 nên đây chính là cơ hội để làm, để bắt đầu sớm. Hãy nhìn Internet đã tạo ra sự thay đổi thế giới như thế nào để thấy Blockchain cũng sẽ tạo ra điều tương tự.