Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp lại bất ngờ giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong 5 năm là 6,6%, gần bằng với mục tiêu 6,5% mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đặt ra để xem xét tăng lãi suất.
Sự sụt giảm nhanh của tỷ lệ thất nghiệp sẽ giúp cho tân Chủ tịch FED Janet Yellen dễ dàng hơn trong hoạch định chính sách của FED. Khi đó, bà Yellen sẽ có những ưu tiên mới trong việc hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ mà không còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường lao động như người tiền nhiệm Ben Bernanke gặp phải trong suốt nhiệm kỳ 2 của mình.
Dù bảng lương phi nông nghiệp thấp hơn dự báo, nhưng tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất 5 năm cho thấy, nền kinh tế Mỹ vẫn đang có những chuyển biến tích cực và thời tiết khắc nghiệt trong 2 tháng qua không ảnh hưởng nhiều tới thị trường lao động. Nhiều nhà đầu tư và giới chuyên gia cho biết, không ngạc nhiên khi con số việc làm tháng Giêng sẽ được điều chỉnh tăng trong tháng tới.
Thông tin tích cực trên đã giúp Phố Wall tiếp tục bay cao và giúp chỉ số S&P có tuần tăng điểm đầu tiên sau 4 tuần mất mát.
Kết thúc phiên 7/2, chỉ số Dow Jones tăng 165,55 điểm (+1,06%), lên 15.794,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,59 điểm (+1,33%), lên 1.797,02 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 68,74 điểm (+1,69%), lên 4.125,86 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,6%, chỉ số S & P 500 tăng 0,8% và chỉ số Nasdaq tăng 0,5%. Đây là tuần tăng điểm đầu tiên của các chỉ số chứng khoán Mỹ trong năm 2014. Với 2 phiên tăng điểm mạnh cuối tuần này với mức tăng 2,6%, chỉ số S&P có mức tăng 2 ngày tốt nhất trong 4 tháng.
Ngoài thị trường lao động, thì mối quan tâm của giới đầu tư Phố Wall thời gian gần đây còn là lo ngại về đà tăng trưởng của Trung Quốc và các thị trường mới nổi. Đây chính là lý do khiến chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của Phố Wall tăng mạnh trong tuần trước. Tuy nhiên, với tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ, chỉ số VIX đã giảm mạnh trong 2 tuần này.
Phiên cuối tuần, chỉ số VIX giảm 11,3%, xuống 15,29, trong khi ở đầu tuần đang đứng ở mức 21. Chỉ số VIX tương lai cũng giảm 9%, xuống 15,47.
Dù vẫn giữ được màu xanh trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu, không còn duy trì được đà tăng mạnh trên 1% như phiên thứ Năm. Chứng khoán châu Âu khởi đầu phiên cuối tuần vẫn duy trì đà tăng tốt, nhưng sau đó, dữ liệu việc làm của Mỹ yếu hơn dự báo đã khiến các chỉ số chính của khu vực quay đầu và chỉ phục hồi vào cuối phiên khi giới đầu tư lấy lại niềm tin vào đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên 7/2, chỉ số FTSE tại Anh tăng 13,40 điểm (+0,20%), lên 6.571,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 45,34 điểm (+0,49%), lên 9.301,92 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 40,08 điểm (+0,96%), lên 4.228,18 điểm.
Cũng giống chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á cũng có phiên giao dịch cuối tuần đầy hứng khởi. Các thị trường đều tăng cao, ngay cả chứng khoán Trung Quốc cũng có phiên khai Xuân tích cực, dù đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đang khiến giới đầu tư toàn cầu lo ngại.
Kết thúc phiên 7/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 307,29 điểm (+2,17%), lên 14.462,41 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 213,72 điểm (+1,00%), lên 21.636,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 11,41 điểm (+0,56%), lên 2.044,50 điểm.
Giá vàng có phiên diễn biến khá giống với 2 phiên trước đó trong thời gian đầu khi bất ngờ tăng vọt đầu phiên rồi nhanh chóng hạ nhiệt. Tuy nhiên, điểm khác của phiên cuối tuần là giá kim loại quý không lùi về mức đóng cửa của phiên trước và lình xình suốt phiên, mà đã leo ngược trở lại khi thị trường Trung Quốc mở cửa sau kỳ nghỉ lễ dài ngày.
Kết thúc phiên 7/2, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 9,3 USD (+0,74%), lên 1.267,10 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 5,7 USD (+0,45%), lên 1.262,9 USD/ounce.
Dữ kinh tế của Mỹ tích cực, cùng mùa Đông khắc nghiệt của Mỹ giúp giá dầu tăng vọt trong phiên cuối tuần. Kết thúc phiên 7/2, giá dầu thô Mỹ tăng 2,04 USD (+2,04%), lên 99,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,38 USD (+2,17%), lên 109,57 USD/thùng.