Cần đặt trọng tâm đánh giá Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt là về khía cạnh chất lượng tăng trưởng. Trong ảnh: Nhà máy của ABB Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Cần đặt trọng tâm đánh giá Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt là về khía cạnh chất lượng tăng trưởng. Trong ảnh: Nhà máy của ABB Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

“Mổ xẻ” Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, chuẩn bị cho giai đoạn mới

Đã bắt đầu tới thời điểm chuẩn bị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, đồng thời chuẩn bị xây dựng Chiến lược 10 năm 2021 - 2030.

Nhìn thẳng sự thật để “mổ xẻ” được - mất

Mới chỉ là những bước khởi động ban đầu cho việc chuẩn bị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, song một quan điểm chung của các chuyên gia kinh tế, đó là phải nhìn thẳng sự thật để “mổ xẻ” những gì được và chưa được, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm… của cả giai đoạn thực hiện Chiến lược 10 năm vừa qua. 

“Để có căn cứ đánh giá đúng kết quả thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, không chỉ cần có cái nhìn khách quan, toàn diện, mà còn phải xem xét kỹ bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ chiến lược giai đoạn 2011 - 2020, đặc biệt là những vấn đề mới nảy sinh trong giai đoạn này mà trước đây chưa lường hết, nhưng lại có ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các mục tiêu chiến lược”, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Cũng theo ông Thắng, cần đặt trọng tâm đánh giá vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển, như phát triển kinh tế, đặc biệt là về khía cạnh chất lượng tăng trưởng, cũng như các mục tiêu phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Tương tự, điều rất quan trọng là đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cũng như việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, bao gồm cải cách thể chế, phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho rằng, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được thực hiện trong bối cảnh kinh tế quốc tế diễn biến rất phức tạp, tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.

Chẳng hạn, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 kéo dài tới gần 10 năm mới có dấu hiệu phục hồi mong manh và có khả năng lại rơi vào một cuộc khủng hoảng mới, do các quốc gia buộc phải thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ và tài chính sau 10 năm nới lỏng; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và một số nước đang lan rộng…

“Trong bối cảnh như vậy, việc thực hiện Chiến lược 2011 - 2020 đã đạt được một số kết quả dù chưa được như kỳ vọng, nhưng cũng là một nỗ lực lớn”, chuyên gia Võ Đại Lược nói.

Mới bắt đầu chuẩn bị cho việc tổng kết, nên chưa có báo cáo, song chuyên gia Võ Đại Lược đã dẫn một vài con số để chứng minh cho những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện Chiến lược 2011 - 2020.

Đó là tăng trưởng GDP tuy không đạt mục tiêu 7-8%/năm, nhưng với trên 6%/năm, Việt Nam cũng được xếp vào top đầu những nước có tăng trưởng cao nhất thế giới; kinh tế vĩ mô tuy có diễn biến phức tạp nhưng nói chung là tương đối ổn định; môi trường đầu tư luôn được hoàn thiện, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài… 

Trong khi đó, chuyên gia Lưu Bích Hồ lại nhắc đến nguy cơ không đạt được mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, cũng như những chuyển biến chưa như kỳ vọng trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu, đổi mới mô mình tăng trưởng… Ông Hồ cho rằng, cần phải phân tích rõ nguyên nhân vì sao, để tiếp tục đổi mới, chuẩn bị cho Chiến lược 2021 - 2030.

“Đúng là gần 10 năm qua, tình hình thế giới biến đổi quá lớn, quá bất ngờ, tác động rất mạnh và sâu đến Việt Nam”, chuyên gia Lưu Bích Hồ nói.

Vì tình hình biến đổi quá lớn, khó lường, nên dễ hiểu vì sao một số mục tiêu chiến lược sẽ khó đạt được. 

Bối cảnh mới, chiến lược mới

Cùng với việc phân tích, làm rõ những “được và mất”, đặc biệt là những hạn chế, điểm nghẽn của nền kinh tế, như nợ công còn lớn, tái cơ cấu kinh tế còn chậm, còn nặng về gia công mà thiếu tính sáng tạo…, bởi đó chính là những vấn đề quan trọng cần phải giải quyết trong giai đoạn tới, các chuyên gia cho rằng, cần phải đặt Chiến lược 10 năm 2021 - 2030 trong bối cảnh mới. Bối cảnh mới đó chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang biến đổi toàn cầu.

Chưa kể, theo ông Bùi Tất Thắng, đó còn là những vấn đề liên quan đến xu hướng toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ; chiến tranh thương mại và tiền tệ; các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế trong tương quan các nước lớn… “Cần phải làm rõ những vấn đề mới nổi lên này chi phối tới mức nào tới kinh tế thế giới và Việt Nam. Đâu là cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam…”, ông Bùi Tất Thắng nói.

Trong khi đó, chuyên gia Võ Đại Lược cho rằng, nếu đặt Chiến lược 2021 - 2030 trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, thì cần hướng đến xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững và sáng tạo, với các hàm ý rằng, cần có chính sách để nền kinh tế có thể tăng trưởng cao, ổn định vĩ mô, không hủy hoại môi trưởng, ứng phó được với biến đổi khí hậu…, đồng thời đổi mới thể chế, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới…

Thông tin cho biết, đến nay, Việt Nam đã trải qua 3 kỳ chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội là 1991 - 2000; 2001 - 2010; và 2011 - 2020, mỗi chiến lược lại có bối cảnh lịch sử riêng, nên đều có những chiến lược riêng, đặc thù.

Vì vậy, việc xây dựng chiến lược mới cần được bàn thảo ngay từ đầu, cả từ cách tiếp cận để đánh giá việc thực hiện những nhiệm vụ của Chiến lược trước, để xem xét những tác động của tình hình trong nước và quốc tế mới, từ đó xác định “đường đi nước bước” cho kỳ chiến lược tiếp theo.

Tin bài liên quan