Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 11/6, ông Irtiza Sayyed - Chủ tịch toàn cầu Exxon Mobil cho biết, Tập đoàn này muốn tranh thủ thời cơ, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.
Theo đó, Exxon Mobil mong muốn đầu tư vào chuỗi cảng, kho khí LNG và các nhà máy sản xuất điện từ LNG với công nghệ hiện đại nhất tại Hải Phòng. Quy mô của dự án sản xuất điện từ LNG lên đến hơn 4.000 MW, dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025-2030.
Còn với chuỗi điện-khí tại có công suất khoảng 3.000 MW tại Long An, Exxon Mobil sẽ bảo đảm cung cấp liên tục đầy đủ LNG trực tiếp từ Hoa Kỳ và từ một số nước khác. Việc nhập khẩu LNG sẽ góp phần tạo dựng cán cân thương mại hài hòa cùng có lợi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Trước đó ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh các dự án Nhà máy Nhiệt điện Long An I và Long An II đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, từ sử dụng nhiên liệu than sang dùng nhiên liệu khí LNG, với tổng công suất sau khi chuyển đổi là 3.000 MW.
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh hồi tháng 2/2020 cũng cho hay, Nhà máy điện Long An I, Long An II sử dụng LNG được đầu tư bởi VinaCapital Group Ltd, cùng với các nhà đồng đầu tư khác.
Hiện tại, mới chỉ có Dự án Nhiệt điện Long An I và II là đã có trong quy hoạch điện, còn Dự án điện khí LNG tại Hải Phòng mà Exxon Mobil nhắc tới chưa có trong quy hoạch điện.
Vì vậy, để có thể triển khai các công việc sau này, điều đầu tiên là phải bổ sung Dự án điện khí LNG tại Hải Phòng vào quy hoạch điện.
Theo các chuyên gia, với thực trạng khó đầu tư thêm các dự án nhiệt điện than quy mô lớn thì việc đầu tư các dự án điện khí LNG là một lối thoát.
Tuy nhiên, các dự án điện khí LNG hiện nay được các nhà đầu tư đề xuất sẽ chỉ được giao khi chọn hình thức Nhà máy điện độc lập (IPP). Còn theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) có thể sẽ phải tiến hành đấu thầu chọn nhà đầu tư và mất rất nhiều thời gian để đàm phán các bảo lãnh liên quan.
Theo quy định hiện hành, các nhà máy điện IPP sẽ không nhận được các bảo lãnh của Chính phủ và giá điện sẽ được chào bán trên thị trường điện cạnh tranh để được huy động.
Theo tính toán, để một dự án điện khí LNG có thể đi vào vận hành được thì thời gian xây dựng cũng cần từ 4-5 năm, chưa kể thời gian đàm phán các vấn đề liên quan đến dự án.