Cần tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp nhà nước dám nghĩ, dám làm, vươn lên xứng tầm với vai trò trụ cột trong nền kinh tế.

Cần tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp nhà nước dám nghĩ, dám làm, vươn lên xứng tầm với vai trò trụ cột trong nền kinh tế.

Doanh nghiệp nhà nước phải tự đứng trên đôi chân mình

(ĐTCK) Việc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) mới đây đưa ra đề xuất áp thuế suất cao hơn với phân bón nhập khẩu để tạo điều kiện cho Vinachem duy trì sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu và xử lý doanh nghiệp yếu kém lại gợi nên câu chuyện “xin - cho”, cơ chế từng xảy ra tại Vinalines, Đạm Ninh Bình, Vinafood2…

Bình luận về đề xuất của Vinachem, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, doanh nghiệp nhà nước đã tồn tại quá lâu trong cơ chế bao cấp, ưu tiên, nên vẫn còn tư duy theo hướng được ưu đãi. Thực tế, môi trường đầu tư, kinh doanh cũng có phần chưa thật sự bình đẳng, doanh nghiệp nhà nước vẫn được ưu tiên, ưu đãi hơn các thành phần kinh tế khác về số mặt như đất đai, vốn…

Một lý do nữa là nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp, sức cạnh tranh trên thị trường yếu, thua lỗ kéo dài không giải quyết được nên vẫn trông vào Nhà nước hỗ trợ và con số này hiện nay không phải là ít.

“Đây là biểu hiện rõ nhất của hiện tượng doanh nghiệp nhà nước là “sân sau” của các bộ, ngành chủ quản. Dù Chính phủ thúc đẩy đổi mới và cải cách, nhưng doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thay đổi được như yêu cầu và mong muốn”, ông Lưu Bích Hồ nói.

Có một thực trạng tồn tại nhiều năm qua là nhiều doanh nghiệp nhà nước mặc dù đã cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, phải thực hiện các quy chế hoạt động theo kinh tế thị trường, song vẫn chờ chực xin cơ chế từ Nhà nước mỗi khi gặp khó khăn.

Còn các bộ, ngành chủ quản vẫn tìm cách duy trì bao bọc cho doanh nghiệp, tạo ra những lợi thế cạnh tranh không bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác, khiến doanh nghiệp nhà nước vẫn nặng tâm lý ỷ lại, không cần và không có sức ép phải đẩy mạnh tái cơ cấu để tồn tại, cạnh tranh và phát triển.  

Khu vực doanh nghiệp nhà nước thực sự đang ở tình trạng rất khó khăn và có một thực tế là nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không dám làm gì vì sợ làm là sai

- TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM

Một nghiên cứu về hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện gần đây chỉ ra rằng, các doanh nghiệp có kết quả sản xuất - kinh doanh tốt thì thoái vốn thành công, còn lại là các doanh nghiệp khó bán hoặc không thể bán được, dẫn tới nhiều trường hợp thoái vốn không theo nguyên tắc thị trường, mà dưới nhiều hình thức như cấn trừ công nợ, chuyển nợ thành vốn góp, bàn giao nguyên trạng…

Vì vậy, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước giữ cổ phần chi phối vẫn hiện diện ở các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, làm cho doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu tập trung tối đa vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu.

Đây cũng là lý do giải thích tại sao khu vực doanh nghiệp nhà nước nắm một khối lượng vốn và tài sản khổng lồ của nhà nước cũng như phần lớn tài nguyên nguồn lực quốc gia, nhưng nhiều năm nay chưa mang lại hiệu quả kinh doanh tương xứng với những lợi thế gần như tuyệt đối này.

Quay trở lại với đề xuất của Vinachem, bỏ qua những yếu tố khách quan cần xem xét, vấn đề đặt ra ở đây là đến bao giờ doanh nghiệp nhà nước mới bỏ được tư duy cứ gặp khó lại xin xỏ, để tự đứng được trên đôi chân của mình?

Ở cương vị Cục trưởng Cục Quản lý tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, nếu việc tăng thuế đem lại lợi ích cao hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp nông thôn theo đúng định hướng công nghệ cao và công nghệ sạch, thì cũng cần xem xét đánh giá tác động để rà soát lại.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ trong tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước là phải theo cơ chế thị trường.

Theo cơ chế thị trường có nghĩa là phải cắt giảm chi phí, đổi mới cách quản trị, những gì không hợp lý phải bỏ đi. Sản phẩm phải có sức cạnh tranh, nếu sản xuất ra không bán được thì phải dùng biện pháp khác mạnh hơn, chứ không chỉ giải pháp về thuế.

Thuế chỉ là một trong những giải pháp hỗ trợ chung và bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Luật đã quy định, các thành phần kinh tế phải hoạt động bình đẳng theo luật. Các doanh nghiệp nhà nước nếu không làm được, không cạnh tranh được với thành phần kinh tế tư nhân thì cần phải giải phóng nguồn lực của mình để cho thành phần kinh tế khác phát triển.

Đây cũng chính là quan điểm của Chính phủ trong việc xử lý 12 dự án thua lỗ ngành công thương cũng như các doanh nghiệp nhà nước còn trì trệ, làm ăn yếu kém trong thời gian tới.

“Các doanh nghiệp, các bộ, ngành, lãnh đạo doanh nghiệp phải nói thẳng, nói thật, công khai tình hình minh bạch, hàng năm cần báo cáo tiến độ. Có như vậy, các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, Quốc hội, Chính phủ mới đưa ra được giải pháp căn cơ để xử lý. Ngay vấn đề giải thể, phá sản cũng là một giải pháp tích cực, nếu duy trì lại không hiệu quả”, ông Tiến nhấn mạnh.

Xung quanh câu chuyện nâng cao tính tự chủ của doanh nghiệp nhà nước, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, đòi hỏi việc minh bạch thông tin về tài sản, đất đai đối với các doanh nghiệp nhà nước sở hữu nhiều nguồn lợi tự nhiên không chỉ nhằm mục tiêu định giá đúng doanh nghiệp, tạo sức hấp dẫn với nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa, mà quan trọng hơn là cơ sở để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước sau tái cơ cấu, xóa bỏ tình trạng doanh nghiệp chỉ trông chờ vào những lợi thế sẵn có mà bỏ qua hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Có nghĩa là, không thể duy trì tình trạng nhập nhằng giữa các ngành nghề kinh doanh chính, các doanh nghiệp nhà nước có vị thế đất đai ở vị trí tốt mà không làm gì thêm để gia tăng giá trị tài sản, chỉ dựa vào việc đầu tư ngoài ngành, bất động sản, cho thuê tài sản đất đai để kiếm lợi, thay vì tập trung đầu tư lĩnh vực cốt lõi để gia tăng hiệu quả.

Đồng tình quan điểm này, ông Tiến cho rằng, sẽ phải quyết liệt thực hiện sắp xếp lại tài sản đất đai, định giá đúng và minh bạch các tài sản doanh nghiệp trước và trong khi cổ phần hoá. Nếu doanh nghiệp không sử dụng hết quỹ đất đang quản lý thì phần không sử dụng phải chuyển giao lại cho địa phương sử dụng vào việc khác.

Doanh nghiệp làm ngành nghề gì thì tập trung vào ngành nghề đó, loại bỏ hoàn toàn các lợi thế giả tạo để không còn dư địa cho các doanh nghiệp “ăn không ngồi rồi” chờ lợi nhuận tự đến.

Đây cũng là quan điểm của Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung về giải pháp nâng cao hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Ông Cung cho rằng, cần dứt khoát loại bỏ các khoản trợ cấp, nếu có, đối với doanh nghiệp nhà nước; loại bỏ các hành vi  độc quyền không phải là độc quyền tự nhiên.

Đồng thời, Chính phủ cần tập trung đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp tốt, có tiềm năng phát triển, thay vì nỗ lực tái cơ cấu các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ. Các doanh nghiệp và dự án cần được tập trung tái cơ cấu phải là những doanh nghiệp quản trị tốt, kinh doanh hiệu quả, hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ít nhất là 20%/năm.

Mặc dù vậy, ông Cung cũng cho rằng, cần tôn trọng sự tự chủ của doanh nghiệp nhà nước.

“Khu vực doanh nghiệp nhà nước thực sự đang ở tình trạng rất khó khăn và có một thực tế là nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không dám làm gì vì sợ làm là sai.

Cần cởi bỏ tâm lý nặng nề này cho họ và tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp nhà nước dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thay đổi để thoát ra khỏi cái bóng nợ nần, thua lỗ, vươn lên xứng tầm với vai trò trụ cột trong nền kinh tế”, ông Cung nói.

Muốn làm được điều đó, theo ông Cung, cần rà soát các quy định pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung theo hướng đảm bảo quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

“Sau thất bại của các tập đoàn lớn, cần rút ra bài học kinh nghiệm không nên can thiệp quá sâu vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Quản lý doanh nghiệp nhà nước nên bằng kết quả, chứ không phải chỉ tay bày việc”, ông Cung khuyến nghị.

Tin bài liên quan