Doanh nghiệp được “bật đèn xanh”
Tại Thông báo số 186/TB-VPCP ngày 22/5/2020 của Văn phòng Chính phủ, kết luận cuộc họp ngày 29/4/2020 về định hướng chiến lược phát triển của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo: “SCIC cần xác định rõ hơn mục tiêu chiến lược trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ”.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2025, SCIC dự kiến giải ngân đầu tư 13.000 - 16.000 tỷ đồng mỗi năm và tập trung vốn vào những ngành, lĩnh vực then chốt để tạo động lực, nhân tố mới, lan tỏa cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Khi tham gia đầu tư, SCIC sẽ đóng vai trò là người cung cấp “vốn mồi” để thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài.
“Hiện SCIC đang tiếp cận, nghiên cứu khả năng đầu tư vào một số dự án trọng điểm của Nhà nước có nhu cầu vốn như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam, Vietnam Airlines, PVGas, đầu tư mua cổ phần tại một số ngân hàng, doanh nghiệp lớn”, lãnh đạo SCIC cho biết.
Báo cáo tài chính năm 2019 cho thấy, SCIC có gần 50.000 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền. Đây chính là nguồn lực dồi dào cho định hướng đầu tư của SCIC.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 75/NQ-CP về việc xử lý vướng mắc liên quan đến việc triển khai một số dự án hạ tầng đầu tư quy mô lớn của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) như EVN, VEC.
Đối với việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng các dự án nhóm A, Chính phủ cho phép trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, doanh nghiệp lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.
Nghị quyết 75 cho phép Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định đầu tư dự án đối với dự án có giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu theo điều kiện và thủ tục quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với CMSC nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131/2018/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn, phù hợp với thực tiễn và quy định của Luật Đầu tư công.
Với định hướng như trên, giới đầu tư kỳ vọng, nhiều dự án thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam sẽ được đẩy nhanh tiến độ, đưa vào triển khai trong thực tế, tạo tác động lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác.
Số liệu từ CMSC cho thấy, tính đến cuối năm 2019, các doanh nghiệp thuộc ủy ban này tắc hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư, số lượng vốn được giải ngân trong cả năm chưa đến 10.000 tỷ đồng. Nếu khơi thông được “cục máu đông” này, hoạt động kinh tế cả nước sẽ sôi động.
Chẳng hạn, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) dự kiến, Dự án Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 3, 4 được phê duyệt ngay trong tháng 6 này.
Dự án có tổng công suất 1.300 - 1.760 MW. PV Power đã hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Bộ Công Thương thẩm định thiết kế cơ sở, trình Bộ Tài nguyên Môi trường thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau khi dự án được phê duyệt, PV Power sẽ hoàn tất các thủ tục để khởi công dự án vào quý II/2021.
Hiện PV Power đang tích cực làm việc với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước về phương án thu xếp vốn cho dự án đảm bảo hiệu quả và đáp ứng tiến độ đầu tư dự án; làm việc với EVN/EPTC và PV Gas để đàm phán các nội dung trong hợp đồng mua bán điện và mua bán khí cho dự án.
Cần có cơ chế thúc đẩy
Với hàng chục nghìn tỷ đồng tiền mặt nằm tại các ngân hàng, dòng đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước thực sự không hề nhỏ, nếu được đưa vào nền kinh tế.
Gần 15 hoạt động, SCIC mới giải ngân đầu tư gần 28.500 tỷ đồng và được thực hiện thận trọng, với tiêu chí bảo toàn giá trị và tăng trưởng vốn nhà nước.
Lãnh đạo Tổng công ty này trong vài lần trao đổi với báo chí thừa nhận, không ít cơ hội đã trôi qua một cách đáng tiếc nhưng đành bỏ lỡ vì hoạt động đầu tư phải tuân thủ các quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt.
Ông Nguyễn Chí Thành cho rằng, SCIC cần những cơ chế, chính sách đặc thù điều chỉnh hoạt động, thay vì chỉ áp dụng các quy định chung đối với các doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.
Chẳng hạn, các quy định đối với việc thẩm định cơ hội đầu tư, ra quyết định đầu tư, quản lý sau đầu tư, hạch toán và đánh giá hiệu quả đầu tư… Việc đánh giá hiệu quả đầu tư cần được thực hiện cho toàn bộ danh mục đầu tư, thay vì từng khoản đầu tư riêng lẻ và cá biệt.
SCIC đặt kế hoạch đến năm 2025, tổng tài sản đạt khoảng 82.000 tỷ đồng theo giá trị sổ sách. Ngay trong năm 2020, SCIC sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền về việc phê duyệt mức vốn điều lệ 50.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định 148 và có lộ trình tiếp tục bổ sung tăng vốn điều lệ để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh hoạt động đầu tư, đảm bảo thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ do Chính phủ giao phó.
Ở các doanh nghiệp khác, hoạt động đầu tư giai đoạn hậu Covid-19 càng trở nên cấp bách hơn. Đơn cử, hiện nay Tổng công ty Hàng không Việt Nam và CMSC đang rốt ráo đề nghị chủ trương tiếp tục tái cơ cấu Tổng công ty, gắn với việc cho phép tăng vốn điều lệ để đảm bảo dòng tiền hoạt động.
Hay Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tham gia đầu tư các dự án cải tạo hạ tầng các cảng hàng không, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, dự án sân bay quốc tế Long Thành…
Bình luận về câu chuyện đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, không nên phủ nhận những giá trị mà khu vực kinh tế này đem lại.
Cần phải thúc đẩy khu vực kinh tế này hoạt động năng động hơn, giảm bớt sự trì trệ, bởi đây vẫn là khối doanh nghiệp nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế. Không nên vì sự đổ vỡ và bài học lãng phí, thất thoát từ 12 dự án ngành công thương mà trói chặt các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.