Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Quốc hội.
"Chúng tôi phải làm đúng quy định của pháp luật, lý do chậm là như vậy", Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể hồi âm ý kiến đại biểu về tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội chiều 11/6, ông Thể khẳng định thời gian qua Bộ Giao thông - Vận tải nói riêng, các bộ, ngành nói chung và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung cao độ cho tiến độ dự án. Tuy nhiên, phải thực hiện theo Luật Đầu tư và theo các quy định của pháp luật, đặc biệt đây là dự án trọng điểm quốc gia "chúng tôi cũng xác định là sẽ thanh tra, kiểm toán, thậm chí là điều tra, do đó, phải làm đúng quy định của pháp luật, lý do chậm là như vậy", ông Thể giải thích.
Phân trần là phải chịu áp lực rất lớn khi mà tại tất cả các kỳ họp Quốc hội đều đặt vấn đề vì sao triển khai dự án chậm, Bộ trưởng phát biểu: Ở đây có rất nhiều các đại biểu Quốc hội là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng các bộ, các anh, các chị cũng đã biết những dự án đầu tư công hiện nay phải làm đúng trình tự, thủ tục.
Liên quan đến phân tích của một số đại biểu là chuyển sang đầu tư công có thể tiến độ còn chậm hơn, ông Thể khẳng định chuyển đầu tư công sẽ nhanh hơn đầu tư PPP, bởi vì toàn bộ 8 dự án này đã phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, phê duyệt dự toán.
Hiện nay, chúng tôi đã chuẩn bị điều chỉnh thiết kế, phân chia gói thầu và hoàn thành dự toán, chỉ chờ Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ thì phê duyệt dự án điều chỉnh không phải đấu thầu nữa, ông Thể giải thích.
Với sự chuẩn bị sẵn sàng, theo Bộ trưởng tới thời điểm tháng 6, tháng 7/2020 là phát hành hồ sơ mời thầu, các nhà thầu sẽ tham gia trong 3 tháng, đến cuối tháng 9 sẽ có kết quả và khởi công một vài gói thầu.
"Chúng tôi sẽ tập trung khởi công trong tháng 10, tháng 11. Có nghĩa rằng, nếu chuyển sang đầu tư công thì toàn bộ các gói thầu của 3 dự án này sẽ khởi công trong năm nay. Còn nếu làm theo hình thức PPP thì xin thưa là tháng 11, tháng 12, nếu không có nhà đầu tư thì phải quay lại báo cáo. Tới tháng 6/2021 mà không thu xếp được tín dụng cũng phải báo cáo", ông Thể thuyết phục Quốc hội.
Về băn khoăn với tính khả thi của 5 dự án PPP còn lại, ông Thể cho biết phải huy động hơn 22.000 tỷ đồng, bình quân mỗi dự án phải thu hút hơn 4.000 tỷ đồng.
"Một dự án BOT trước đây khoảng 1.000 -1.500 tỷ đồng, còn bây giờ dự án này bình quân hơn 4.000 tỷ đồng, nếu 5 dự án là hơn 22.000 tỷ đồng. Như vậy, đây cũng là một vấn đề rất khó khăn. Nếu không thu xếp được vốn tín dụng, không đủ điều kiện thì không khởi công được. Không khởi công được thì muốn khởi công phải báo cáo lại Quốc hội", Bộ trưởng nêu khó khăn.