Giá vật liệu tăng khiến nhà thầu càng làm càng lỗ khi thi công Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Anh Minh

Giá vật liệu tăng khiến nhà thầu càng làm càng lỗ khi thi công Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Anh Minh

Đầu tư xây dựng cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45: Sai sót trong quản lý, khai thác khoáng sản

0:00 / 0:00
0:00
Đã có thêm bài học được rút ra từ những lỗi vi phạm liên quan đến quản lý, khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường tại cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Loạc choạc số liệu khảo sát

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 3750/VPCP - V.I gửi Thanh tra Chính phủ; Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT); Bộ Tài nguyên và Môi trường; UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về Kết luận số 1086/KL-TTCP ngày 12/5/2023 của Thanh tra Chính phủ về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại Ninh Bình, Thanh Hóa cung cấp cho Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (gọi tắt là Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45).

Cụ thể, Phó thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung kết luận, kiến nghị nêu tại Kết luận thanh tra số 1086/KL-TTCP, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Các bộ GTVT, Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa được yêu cầu thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục các tồn tại, thiếu sót; báo cáo kết quả thực hiện đến Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Thanh tra Chính phủ theo dõi thực hiện xử lý sau thanh tra; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9/2023”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Trước đó, vào cuối tháng 11/2022, Tổng thanh tra Chính phủ đã ký Quyết định số 456/QĐ - TTCP về việc thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát, sỏi làm vật liệu san lấp, đắp nền đường) tại tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa cho Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có chiều dài 63,37 km. Giai đoạn I của Dự án được khởi công vào quý II/2019, khánh thành, đưa vào khai thác phần lớn chính tuyến vào ngày 30/4/2023.

Hạn chế đầu tiên liên quan đến việc việc cung cấp vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 là công tác điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng các mỏ khoáng sản có tỷ lệ sai số khá lớn.

Thanh tra Chính phủ cho biết, tổng nhu cầu đất, đá, cát cho Dự án từ các mỏ cung cấp khoảng 10,681 triệu m3 gồm: đất đắp 7,133 triệu m3; đá các loại 1,716 triệu m3; cát 1,832 triệu m3.

Tại bước thiết kế kỹ thuật, Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư), đơn vị tư vấn thiết kế là Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông - Vận tải (TEDI) đã điều tra, khảo sát các mỏ phục vụ thi công Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 trên địa bàn 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.

Trên cơ sở khảo sát, đơn vị tư vấn đưa vào hồ sơ mời thầu 37 mỏ đất, đá, cát, bãi tập kết cát gồm 16 mỏ đất (trữ lượng 15,4 triệu m3, chiếm 215% so với nhu cầu); 13 mỏ đá, (9,6 triệu m3 chiếm 559% nhu cầu); 8 mỏ cát, bãi tập kết cát, đáp ứng đủ nhu cầu cho Dự án.

Tuy nhiên, khi các nhà thầu bắt tay vào thi công, Dự án đã lập tức phải đối diện với tình trạng thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường, khi chỉ có 17/37 mỏ cung cấp được vật liệu cho Dự án, 20 mỏ không cung cấp được vật liệu (do không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật; không còn trữ lượng; chưa được cấp phép hoặc vướng mắc trong giải phóng mặt bằng...).

Tình trạng khan hiếm vật liệu thông thường càng trở nên căng thẳng sau khi Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (nằm trọn vẹn trong địa phận tỉnh Thanh Hóa) cũng đã bắt đầu triển khai thi công từ giữa năm 2021.

Do công tác tổ chức thi công của các nhà thầu phụ thuộc vào việc cung cấp vật liệu xây dựng từ các đơn vị vận tải, nên tại một số thời điểm khi giá xăng dầu tăng cao, đơn vị cung cấp vật liệu cũng như đơn vị thi công cầm chừng, nhưng chủ đầu tư chưa kịp thời có phương án tháo gỡ, xử lý phù hợp.

Hé lộ những “điểm đen”

Một hạn chế tiếp theo là việc xây dựng giá đất đắp trong hồ sơ đấu thầu tại Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 được đơn vị tư vấn thực hiện theo quy định, nhưng còn thiếu thực tế, chưa chính xác, dẫn đến khi gặp biến động của thị trường, cước phí vận tải tăng cao, hoặc khi nguồn cung khan hiếm, giá đất đắp sẽ biến động tăng. Trong khi đó, nhà thầu thi công chỉ được thanh toán theo giá trúng thầu, nên thi công cầm chừng, làm ảnh hưởng tiến độ, trong khi tỷ lệ đất đắp là rất lớn, chiếm khoảng 70% khối lượng (khoảng 13% chi phí xây dựng).

Cụ thể, giá cát năm 2022 đã tăng tăng từ 15-33%; đá tăng từ 5-15%; dầu diezen tăng 58%; xăng tăng 25% so với năm 2021, nhưng chỉ số giá xây dựng tháng 9/2022 lại chỉ tăng 9% so cùng kỳ 2021, khiến các nhà thầu càng làm càng lỗ.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, đây là nguyên nhân dẫn đến nhà thầu bị động trong việc tìm kiếm nguồn cung vật liệu xây dựng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ công trình.

Cần phải nói thêm rằng những vướng mắc về nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 chỉ được tháo gỡ sau khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP, UBND và các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá đã khẩn trương, trách nhiệm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, phối hợp tốt với Bộ GTVT và Ban Quản lý dự án Thăng Long.

Liên quan đến giá vật liệu xây dựng thông thường cấp vào Dự án, Thanh tra Chính phủ ghi nhận, từ cuối năm 2021 và năm 2022, giá vật liệu tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa có biến động tăng.

Ngoài lý do khan hiếm nguồn cung trong giai đoạn đầu, thì trong năm 2022, do các phương tiện vận tải tại tỉnh Thanh Hóa thực hiện việc cắt thùng xe để chở đúng tải trọng cho phép, cũng là nguyên nhân đưa giá vật liệu xây dựng thông thường tăng cao hơn so với thời điểm khảo sát, thời điểm xây dựng giá đấu thầu của Dự án.

Theo báo cáo của UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và kết quả làm việc với một số chủ dự án khai thác khoáng sản cho thấy, giá đất, đá, cát bán tại mỏ hầu hết ổn định, nhất là đối với vật liệu đất đắp, đá, hoặc có tăng giá thì không đáng kể; việc tăng giá vật liệu xây dựng chủ yếu ở công đoạn vận chuyển.

Tuy nhiên, giá vật liệu xây dựng cho Dự án là giá giao tại chân công trình theo giá trúng thầu, khối lượng xây lắp được thanh toán theo giá trúng thầu được quy định trong hợp đồng; do đó, trường hợp giá vật liệu xây dựng tăng đột biến không làm thay đổi giá trị thanh toán cho nhà thầu thi công.

Tại Kết luận số 1086, Thanh tra Chính phủ cho biết, qua xem xét 19 hồ sơ cấp phép các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đường cao tốc do các sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa cung cấp, bước đầu cho thấy, còn có một số thiếu sót, vi phạm. Các lỗi vi phạm phổ biến được phát hiện là cấp phép không qua đấu giá quyền khai thác; giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không đúng quy định; khai thác vượt công suất; loại khoáng sản giữa giấy phép khai thác và quyết định phê duyệt kết quả thăm dò không thống nhất; nợ thuế tài nguyên, nợ phí bảo vệ môi trường…

Nổi cộm trong số này là tại mỏ đất, đá hỗn hợp núi Voi Trong tại TP. Tam Điệp và huyện Yên Mô của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường. Tại mỏ vật liệu này, Thanh tra Chính phủ phát hiện loại khoáng sản giữa giấy phép khai thác và quyết định phê duyệt kết quả thăm dò không thống nhất; diện tích 20,5 ha tại huyện Yên Mô chưa thực hiện các thủ tục về đất đai; nợ thuế tài nguyên 1,71 tỷ đồng, nợ phí bảo vệ môi trường 174,74 triệu đồng; có dấu hiệu khai thác mất các mốc giới.

Đối với các lỗi vi phạm nói trên, Thanh tra Chính phủ yêu cầu 2 địa phương thanh tra, kiểm tra, rà soát ngay các dự án khai thác khoáng sản nói trên để làm rõ những thiếu sót, vi phạm trong việc cấp phép, trong hoạt động khai thác khoáng sản, chấp hành quy định pháp luật về quản lý đất đai, về thực hiện nghĩa vụ tài chính có liên quan.

“Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật”, Thanh tra Chính phủ kiến nghị.

Tin bài liên quan