Việt Nam dẫn đầu sự tăng trưởng nhu cầu vàng trong khu vực ASEAN vào năm 2022.

Việt Nam dẫn đầu sự tăng trưởng nhu cầu vàng trong khu vực ASEAN vào năm 2022.

Đầu tư vào vàng đừng chỉ nhìn vào lợi tức hàng năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong những thời kỳ lạm phát cao, suy thoái kinh tế và không ổn định địa chính trị, vàng luôn được xem là “hầm trú ẩn” an toàn cho không chỉ các nhà đầu tư, quỹ ETF, mà ngay cả các ngân hàng trung ương cũng tăng dự trữ vàng.

Nhiều yếu tố bất định thúc đẩy nhu cầu vàng

Có rất nhiều yếu tố đang ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư vàng. Trong đó, lạm phát, suy thoái kinh tế và bất ổn địa chính trị là các mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Chúng tôi thường nhận được nhiều câu hỏi về hiệu quả của vàng như một biện pháp chống lạm phát.

Theo quan điểm của tôi, vàng giúp giảm bớt áp lực lạm phát, tuy nhiên hiệu quả của loại tài sản này có thể thay đổi tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của tình hình kinh tế, chẳng hạn như đình lạm hoặc lạm phát quá cao, hoặc bất ổn địa chính trị. Thực tế cho thấy, xuyên suốt lịch sử, vàng thường cho thấy mức biểu hiện mạnh nhất trong những điều kiện như vậy.

Cụ thể, cuối tháng 2/2022, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, chúng tôi quan sát thấy rất nhiều nhà đầu tư chuyển sang kênh vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Đặc biệt, nhu cầu gia tăng mạnh ở các nước Trung Âu.

Mới đây nhất, vào tháng 3/2023, chúng tôi quan sát được sự gia tăng đầu tư vào các quỹ ETF vàng do lo ngại về sự bất ổn của hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu. Từ đó, góp phần giảm lượng rút vàng trong quý I/2023 xuống chỉ còn mức khiêm tốn, khoảng 29 tấn. Động thái trên cho thấy tiềm năng của vàng như một nơi trú ẩn trước những nguy cơ tiềm ẩn trong ngành tài chính.

Ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Giám đốc Toàn cầu về Ngân hàng Trung ương của Hội đồng Vàng thế giới (WGC)

Ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Giám đốc Toàn cầu về Ngân hàng Trung ương của Hội đồng Vàng thế giới (WGC)

Lạm phát, rủi ro suy thoái, bất ổn địa chính trị cũng thúc đẩy các ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng. Theo thống kê của chúng tôi, các ngân hàng trung ương đã bổ sung 228 tấn vào các dự trữ toàn cầu, đạt mức kỷ lục trong quý I/2023. Lượng vàng trang sức toàn cầu trong quý I/2023 duy trì ở mức ổn định với 478 tấn, trong khi nhu cầu đầu tư toàn cầu vào vàng thỏi và xu vàng đã tăng 5% so cùng kỳ năm trước, đạt 302 tấn.

Nhu cầu lớn đã đẩy giá vàng tăng mạnh trong quý đầu năm 2023, nhưng đà tăng này đã chậm lại trong tháng 4. Giá vàng được hỗ trợ từ sự kỳ vọng vào việc các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất, thậm chí giảm lãi suất trở lại, và dòng tiền tích cực vào quỹ ETF, trong khi áp lực đến từ việc lạm phát hạ nhiệt và áp lực chốt lời.

Trong tháng 4, dòng tiền vẫn chảy trở lại vào các quỹ ETF vàng, dù có xu hướng chậm rãi hơn so với tháng 3/2023. Tổng giá trị đầu tư khoảng 824 triệu USD, trong khi lượng giữ tăng thêm 15 tấn. Tuy nhiên, nhu cầu về quỹ ETF vàng trong 4 tháng đầu năm 2023 vẫn tiếp tục âm (-13 tấn), với mức rút khoảng 654 triệu USD, do sự sụt giảm đầu tư ở châu Âu trong 2 tháng đầu năm.

Trong khi đó, việc mua vàng trong tương lai của ngân hàng trung ương sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng là triển vọng rủi ro, điều này góp phần hình thành quan điểm của ngân hàng trung ương về vàng.

Ngoài ra, lo ngại về địa chính trị cũng là một số yếu tố ảnh hưởng tới quyết định của các ngân hàng trung ương. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa đầu tư cũng là một yếu tố quan trọng để ngân hàng trung ương xem xét khi đầu tư vào vàng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các thị trường mới nổi, nơi mức sở hữu vàng của ngân hàng trung ương khá thấp.

Chẳng hạn, Ngân hàng Trung ương Singapore đã thêm gần 70 tấn vào dự trữ, trở thành người mua vàng nhiều nhất trong số các ngân hàng trung ương trong quý I/2023. Tuy nhiên, ngay cả sau giao dịch này, số lượng vàng chỉ chiếm khoảng 2% tổng dự trữ của Singapore, thấp hơn so với các đối tác trong khu vực và quốc tế. Do đó, vẫn còn nhiều tiềm năng tăng cường dự trữ vàng cho các ngân hàng trung ương, nhất là ở các thị trường mới nổi.

Nhà đầu tư Việt Nam vẫn “mê” vàng

Tôi tin rằng, nhà đầu tư Việt Nam luôn thể hiện sự ưu ái mạnh mẽ đối với vàng như một cách bảo vệ khỏi những rủi ro. Trong nhiều năm qua, vàng luôn là một sự đảm bảo đáng tin cậy và trong tình hình hiện tại, nó càng thúc đẩy nhà đầu tư Việt Nam chú trọng đến vàng.

Với sự tăng đột biến của giá vàng thế giới, vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce gần đây, chúng tôi thường nhận được câu hỏi về ý nghĩa của việc này đối với các nhà đầu tư Việt Nam. Chúng tôi đã nhận thấy rằng, trên thị trường Ấn Độ, giá cao đã tạo rào cản đối với một số nhà đầu tư muốn đầu tư vào kênh vàng hoặc mua vàng trang sức, và điều này cũng có thể xảy ra ở các quốc gia khác.

Tuy nhiên, việc này phụ thuộc nhiều vào triển vọng của tình hình toàn cầu. Nếu rủi ro kinh tế tiếp tục gia tăng và tình hình địa chính trị trở nên tồi tệ hơn, các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư ở Việt Nam sẽ tăng mua vàng, ngay cả khi giá cao.

Với thị trường vàng Việt Nam, các thành viên thị trường đang rất chờ đợi về việc sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Ông Shaokai Fan

Với thị trường vàng Việt Nam, các thành viên thị trường đang rất chờ đợi việc sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Chủ đề này đã được thảo luận trong một thời gian dài. Nếu Nghị định 24 được sửa đổi, đây sẽ là một thay đổi quan trọng đối với thị trường vàng Việt Nam.

Theo số liệu của WGC, Việt Nam dẫn đầu sự tăng trưởng nhu cầu vàng trong khu vực ASEAN vào năm 2022, với mức tăng 37% so với năm 2021. Việt Nam cũng dẫn đầu về nhu cầu trang sức trong 2022, với mức tăng 51% so với năm 2021, đạt 18 tấn - mức cao nhất trong 14 năm qua.

Riêng quý IV/2022, nhu cầu tiêu dùng vàng tăng tới 58% so với cùng kỳ năm 2021, từ 8,5 tấn lên 13,5 tấn, đến từ cả nhu cầu vàng thỏi và nhu cầu trang sức. Trong đó, nhu cầu vàng thỏi và xu vàng tăng 48%, lên 9,0 tấn và nhu cầu trang sức tăng hơn 80%, lên 4,5 tấn.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự tăng trưởng mạnh mẽ này, bao gồm sự giảm nhẹ của giá vàng trong nước trong quý IV/2022; mức thu nhập ở một số ngành nghề tăng trở lại như trước và niềm tin được củng cố của người tiêu dùng về sự tăng trưởng của GDP.

Tuy nhiên, bước sang quý đầu năm 2023, nhu cầu vàng đã giảm mạnh 12% so với cùng kỳ, từ 19,6 tấn của quý I/2022 xuống còn 17,2 tấn. Trong đó, nhu cầu vàng thỏi và xu vàng giảm 10%, xuống 12,6 tấn và nhu cầu trang sức giảm 18%, xuống còn 4,6 tấn. Sự suy giảm này một phần do tác động từ hiệu ứng cơ số và sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong quý đầu năm. Từ đó, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, nên việc mua sắm nữ trang giảm, song mức giảm cũng không đáng kể trong quý này.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư không chỉ nên tập trung vào hiệu suất từng năm của vàng, mà nên cân nhắc tác động của loại tài sản này đến tổng thể danh mục đầu tư.

Vì nếu chỉ tập trung vào lợi tức hàng năm, nhà đầu tư sẽ không có được cái nhìn toàn diện về vai trò của vàng. Các nhà đầu tư nên quan tâm đến mối tương quan giữa vàng và các loại tài sản khác, cũng như tác động của vàng đến danh mục đầu tư.

Chẳng hạn, trong năm nay, chúng ta đã chứng kiến sự suy giảm của thị trường chứng khoán, trong khi giá vàng lại tăng cao.

Điều này nhấn mạnh giá trị của việc nắm giữ vàng, vì vàng thường không chịu nhiều ảnh hưởng bởi các loại tài sản khác trong danh mục đầu tư. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam, khi đầu tư vào vàng lại có quá nhiều rủi ro do thị trường vàng trong nước không liên thông thế giới nên giá luôn cao.

Tin bài liên quan