Đầu tư vào PVX: đã như bắt dao rơi?

Đầu tư vào PVX: đã như bắt dao rơi?

Cổ phiếu PVX của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) đang trở thành một phép thử đối với nhà đầu tư, khi vẫn tiếp tục đốt nóng thị trường trong những phiên giao dịch vừa qua, bất chấp thông tin về con số lỗ khủng, thậm chí là âm vốn chủ sở hữu.

Mặc dù khối lượng khớp lệnh vẫn khá cao, nhưng PVX 2 phiên gần nhất vẫn chỉ lình xình ở mức giá 3.600-3.800 đồng/CP. Thời gian gần đây, những bài viết về PVX liên tục xuất hiện, lời khuyên có, cánh báo có, Nhưng những sự "kỳ vọng" vào một lý do nào đó, khác thực trạng làm ăn của PVX khiến dòng tiền tiếp tục chảy vào mã này.

"Đầu tư vào PVX như bắt dao rơi", đây là thực tế. Và liệu dao có rơi?

Quay lại với diễn biến thông tin của PVX, sau khi đón nhận tin vui được đưa khỏi diện cổ phiếu bị kiểm soát hôm 7/2 (do được điều chỉnh lợi nhuận dương năm 2011), PVX lại bị dội một gáo nước lạnh từ công bố của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với mức lỗ năm 2013 của PVC có thể lên tới hơn 3.200 tỷ đồng. Mặc dù đây là số liệu chưa kiểm toán, nhưng với mức lỗ này, cộng với lỗ lũy kế từ năm 2012, PVC có thể bị âm vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, hy vọng trong các nhà đầu tư lại được thổi bùng khi mới đây, chính PVC lại công bố một con số khác với con số mà PVN đưa ra.

Theo số liệu từ PVC (chưa kiểm toán), lợi nhuận trước và sau thuế thu nhập doanh nghiệp của PVC năm 2013 “chỉ” âm hơn 2.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 2.100 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của PVC cho thấy, lỗ lũy kế của Công ty đến hết năm 2013 là 3.342 tỷ đồng. Mặc dù đây là mức lỗ khủng, nhưng nếu số liệu này không bị thay đổi quá nhiều sau kiểm toán, thì vốn chủ sở hữu vẫn là số dương (hơn 800 triệu đồng).

Thông tin này rất quan trọng, bởi nếu PVC bảo vệ được con số trên sau kiểm toán, thì cổ phiếu PVX sẽ thoát án hủy niêm yết (cho dù sẽ sớm trở lại diện bị kiểm soát). Tuy nhiên, mức giá hiện tại của cổ phiếu PVX là đắt hay rẻ vẫn đang là bài toán làm đau đầu các nhà đầu tư.

Thực chất, việc bấp bênh số phận trước nguy cơ có thể bị hủy niêm yết của PVX, cũng như những lùm xùm tại các công ty con không phải là những câu chuyện mới với các nhà đầu tư.

PVX đã bị đưa vào diện cổ phiếu bị kiểm soát cách đây gần 1 năm, do lỗ sau thuế kiểm toán 2 năm liên tiếp (2011, 2012). Trong khi đó, những diễn biến về tình hình kinh doanh của PVC trong năm 2013 vẫn tiếp tục xấu. Đến hết quý III/2013, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất 9 tháng của PVC âm tới 1.800 tỷ đồng.

Như vậy, sau khi công bố báo cáo tài chính 9 tháng, số phận ở lại sàn chứng khoán của PVX rất mong manh. Tuy nhiên, PVX sau đó vẫn tiếp tục được giao dịch sôi động. Từ mặt bằng giá 2.300 đồng/cổ phiếu (tháng 10/2013), giá PVX đã lên tới 3.800 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 17/2), tương đương mức tăng hơn 65% trong vòng chưa đầy 4 tháng.

Đến thời điểm này, tuy vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 800 triệu đồng trên tổng vốn đầu tư ban đầu (4.000 tỷ đồng), tài sản của Công ty đã “bốc hơi” 80%, nhưng thực tế khả năng PVX được tiếp tục ở lại sàn niêm yết còn sáng sủa hơn thời kỳ 4 tháng trước đây. Đây là lý do lý giải phần nào PVX vẫn đốt nóng sàn chứng khoán và có nhiều phiên tăng mạnh.

Tuy nhiên, cũng với vốn chủ sở hữu hiện chỉ còn hơn 800 triệu đồng, thực tế giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu PVX chỉ còn khoảng 2.000 đồng/cổ phiếu. Đây là yếu tố khiến các nhà đầu tư cần cân nhắc khi giao dịch cổ phiếu PVX với mức giá 3.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn gần gấp đôi giá trị sổ sách.

Những diễn biến trên không mới với những nhà đầu tư đang bỏ tiền vào PVX, nhưng tổng hợp lại để thấy rõ hơn nhận định: "Đầu tư vào PVX như bắt dao rơi" là như thế nào.

Liệu có thêm bất ngờ khác về thông tin công bố như lợi nhuận 2011 "đột nhiên" dương trở lại, lỗ 2013 "tự nhiên" giảm xuống nữa không?         

Tin bài liên quan