Dự án thuộc phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Diện tích đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến sử dụng khoảng 1.168 ha; trong đó khu bến cảng là 105 ha, khu trung tâm logistics là 1.000 ha. Nhu cầu lao động dự kiến khoảng 15.000 - 20.000 người.
Dự án nhằm cung cấp dịch vụ cảng biển, lưu giữ hàng hóa trong kho ngoại quan, kho đông lạnh và kho khác với quy mô thông quan mỗi năm khoảng 3 triệu Teu hàng container (một Teu bằng một thùng container tiêu chuẩn 39 m3 thể tích).
Theo chủ đầu tư, dự án cảng và Trung tâm logistics Cái Mép Hạ là dự án phức hợp, khép kín. Bến cảng sẽ phát huy hiệu quả trung tâm logistics. Ngược lại, có trung tâm logistics sẽ hỗ trợ cho hoạt động khai thác cảng, từ đó giảm giá thành thông quan, giảm chi phí xuất nhập khẩu...
Ðầu tư cho hạ tầng cần nguồn lực tài chính rất lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Vậy tại sao Geleximco lại chọn đầu tư vào dự án Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ, cũng như Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ?
Ðại diện Tập đoàn Geleximco cho biết, chi phí logistics của Việt Nam hiện đang chiếm bình quân khoảng 21% trên giá thành sản phẩm, rất cao so với các nước phát triển. Quy mô của ngành dịch vụ logistics hiện chiếm 3 - 4% GDP và có mức tăng trưởng khá nhanh khoảng 15 - 20% /năm, dự kiến quy mô của ngành dịch vụ này sẽ đóng góp 8 - 10% GDP tới năm 2025.
“Ðể giải bài toán giảm chi phí logistics cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam, chúng tôi đã nghiên cứu và quyết định đầu tư vào dự án. Tuy nhiên, thời điểm này chưa có gì để nói và chúng tôi đang chờ Chính phủ xem xét”, lãnh đạo Geleximco chia sẻ.
Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ thuộc quy hoạch trong cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cửa ngõ quốc tế khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Với hệ thống luồng sâu, có thể thiết kế bến cảng đủ năng lực tiếp nhận những tàu lớn nhất trên thế giới với sức chở 18.000 - 22.000 TEU, trọng tải đến 200.000 DWT và nằm gần kề các tuyến hàng hải quốc tế, cho phép trực tiếp đưa hàng từ Việt Nam đến thẳng các cảng của châu Âu, Bắc Mỹ mà không cần trung chuyển qua Singapore hay Hồng Kông, việc phát triển cảng biển này giúp tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí vận tải mỗi năm cho Việt Nam.
Còn Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với quy mô lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ trong khu vực, kết nối trực tiếp với hệ thống cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với đầy đủ chức năng đồng bộ như tập kết hàng hoá, phân phối hàng hóa, gom hàng, giao hàng, lưu giữ, xử lý, bảo quản... kết nối giao thông thuận tiện với tất cả các địa phương trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt kết nối giao thông đường thuỷ sẽ giúp cho công tác logistics đối với hàng hoá xuất nhập khẩu giảm được rất nhiều chi phí, trực tiếp hỗ trợ và phục vụ cho cụm cảng phát triển.
Việc phát triển cảng biển này có thể giúp tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí vận tải mỗi năm cho Việt Nam.
Ðầu tư hàng tỷ USD cho các dự án hạ tầng là bài toán hóc búa với cả những đại gia lớn trên thế giới, trong khi các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam còn chưa mạnh cả về tiềm lực tài chính và khả năng tổ chức chuyên nghiệp.
Nhận thức rõ những thách thức lớn mà Tập đoàn phải đối mặt, lãnh đạo Geleximco cho biết, là dự án trọng điểm với tầm vóc khu vực, vai trò của dự án là phải đủ năng lực cạnh tranh nên Tập đoàn sẽ đầu tư đồng bộ, hiện đại với công nghệ tiên tiến đi đôi với hệ thống quản trị thông minh để đáp ứng được nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Geleximco không “đi một mình”, mà sẽ liên doanh với Công ty Vận tải và thương mại quốc tế (ITC CORP) - đối tác có nhiều năm kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực khai thác cảng biển, vận tải biển và logistics tại TP.HCM. Ngoài ra, Tập đoàn còn có rất nhiều đối tác nước ngoài là các công ty, tập đoàn nổi tiếng trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển, hãng tàu, logistics sẵn sàng hợp tác và ủng hộ để khai thác dự án hiệu quả nhất.
Do quy mô của dự án rất lớn, Geleximco xác định phải thật thận trọng và tính toán chi tiết từng khâu, từ nghiên cứu xây dựng phương án đầu tư, thực hiện đầu tư đến khai thác sao cho hiệu quả, bền vững. Hơn nữa, dự án nằm trên nền đất bồi đắp của cửa biển, việc thi công sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian.
“Nếu được cho phép, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn tất mọi thủ tục đầu tư và triển khai thi công trong thời gian sớm nhất”, đại diện Geleximco chia sẻ.