Ngành sợi nói chung và SVD nói riêng vẫn còn không ít khó khăn.

Ngành sợi nói chung và SVD nói riêng vẫn còn không ít khó khăn.

Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng (SVD): Lợi nhuận giảm, nợ vay tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng sẽ niêm yết 12,9 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán SVD trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM ngày 2/2/2021 với giá tham chiếu 12.300 đồng/cổ phiếu. 

Lãi vay bào mòn lợi nhuận

Kết thúc năm 2020, SVD đạt doanh thu 330 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2019, chủ yếu nhờ doanh thu quý IV (151,4 tỷ đồng) tăng 88% so với cùng kỳ.

Biên lợi nhuận gộp quý IV/2020 đạt 5,47%, giảm 2,7 điểm phần trăm so với quý IV/2019, nhưng nhờ doanh thu tăng mạnh nên lợi nhuận gộp đạt 8,28 tỷ đồng, tăng 25,45%, góp phần đáng kể vào mức tăng 9,5% của lợi nhuận gộp cả năm là 27,36 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cả năm 2020 đạt 8,29%, giảm 0,95 điểm phần trăm so với năm 2019.

Trong bối cảnh chi phí bán hàng, quản lý, chi phí tài chính và các chi phí khác cùng gia tăng, lợi nhuận sau thuế quý IV/2020 của SVD sụt giảm, qua đó kéo lãi cả năm giảm 37,8% so với năm 2019, chỉ đạt 4,65 tỷ đồng, hoàn thành 38,8% kế hoạch. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2020 là 361 đồng.

Lợi nhuận sụt giảm khiến các chỉ số hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân năm 2020 chỉ đạt lần lượt 1,25% và 6,6%, giảm so với mức 2,93% và 7,7% của năm 2019. Trong đó, ROA có mức giảm nhiều hơn ROE do quy mô tổng tài sản tăng 38,6% lên 432,18 tỷ đồng, trong khi quy mô vốn chủ sở hữu tăng 3,3% - chủ yếu nhờ lợi nhuận sau thuế thu được.

Tổng tài sản tại SVD tăng phần lớn là do sự gia tăng tại khoản mục tài sản cố định (tăng 61%) khi Công ty đầu tư mở rộng nhà máy sợi (gần 104 tỷ đồng). Đây là dự án mở rộng nhà máy tại Cụm công nghiệp Đông Phong, tỉnh Thái Bình. Tháng 12/2019, nhà máy đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, nâng công suất lên 9.438 tấn/năm, gấp 2,75 lần công suất ban đầu.

Ngoài ra, giá trị phải thu ngắn hạn của khách hàng cũng tăng mạnh, đạt 114,7 tỷ đồng, tăng 4,4 lần và chiếm 26,5% tổng tài sản. Giá trị phải thu lớn nhất là với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Vượng (50 tỷ đồng), sau đó là với Công ty cổ phần Vmac (45 tỷ đồng).

Được biết, ông Vũ Tuấn Phương, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc SVD từng giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Vượng.

Tổng tài sản tăng trong khi vốn chủ sở hữu gần như không đổi dẫn đến hệ quả là SVD phải đẩy mạnh sử dụng vốn từ nguồn vay nợ. Tổng nợ vay ngắn và dài hạn đến cuối năm 2020 là 234,7 tỷ đồng, tăng 43,9% so với đầu năm, chiếm 54,3% tổng nguồn vốn và gấp 1,62 lần vốn chủ sở hữu.

Đây là nguyên nhân khiến chi phí lãi vay của SVD năm 2020 tăng lên 13,78 tỷ đồng, tăng 31,7% so với năm 2019, dù lãi vay có xu hướng giảm. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính khó khăn, lãi vay trở thành gánh nặng đáng kể khi bào mòn 2/3 lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (chưa bao gồm hoạt động tài chính mang lại).

Thách thức và áp lực năm 2021

SVD thành lập tháng 4/2013 với vốn điều lệ ban đầu 5 tỷ đồng và giữ nguyên mức vốn này trong hơn 4 năm sau đó, nhưng từ tháng 8/2017 đến tháng 10/2019, vốn điều lệ của Công ty tăng vọt lên 129 tỷ đồng, với một loạt hoạt động chào bán cổ phần cho cổ đông.

Sau đợt chào bán cổ phần cuối cùng hoàn tất vào cuối tháng 12/2019, cơ cấu cổ đông của SVD chỉ có 6 cổ đông, trong đó ông Vũ Tuấn Phương là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 87,21%, tăng từ mức 44,41% đầu năm.

Với mức tăng vốn góp của ông Phương trong năm 2019 lên 90,4 tỷ đồng so với mức vốn điều lệ tăng thêm 78,9 tỷ đồng, có thể thấy cổ đông này không chỉ mua cổ phần phát hành thêm mà còn mua lại một lượng đáng kể cổ phần từ các cổ đông khác.

Thời gian ngắn sau đó, số cổ đông của SVD tăng nhanh, đạt 128 cổ đông vào tháng 2/2020 và đến tháng 4/2020 - khi được chấp nhận trở thành công ty đại chúng, tăng lên 314 người, tất cả là các cá nhân trong nước. Trong đó, ông Phương là cổ đông lớn nhất, nhưng tỷ lệ sở hữu giảm còn 51%.

Theo bản cáo bạch của SVD, doanh nghiệp đang quản lý 1 nhà máy khai thác sợi trên địa bàn tỉnh Thái Bình với 3.680 roto, sản phẩm sản xuất chính là các loại sợi áp dụng công nghệ sợi đóng mở (opend end), 100% coton - loại sợi hút ẩm tốt, chịu ma sát cao, thường sử dụng trong sản xuất vải bò, vải ka ki, khăn, túi, mũ…

Doanh thu từ bán sợi sản xuất có xu hướng ngày càng tăng, chiếm trên 73% doanh thu của SVD trong 9 tháng đầu năm 2020 và đóng góp chính cho lợi nhuận. Trong khi đó, mảng thương mại mua bán bông các loại chiếm tỷ trọng doanh thu 26%, nhưng biên lợi nhuận thấp. Hoạt động sản xuất khăn và bán phế phẩm đóng góp doanh thu, lợi nhuận không đáng kể.

Đa số doanh thu của SVD đến từ kênh xuất khẩu, với thị trường tiêu thụ gần như tuyệt đối là Trung Quốc.

2/3 doanh thu của SVD đến từ kênh xuất khẩu, phần còn lại được tiêu thụ nội địa. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính, đem về 98,5% doanh thu xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2020.

Sự phụ thuộc vào một loại sản phẩm với các đối tác tập trung tại một thị trường khiến kết quả kinh doanh của SVD dễ biến động nếu thị trường đó có diễn bất lợi.

Lý giải nguyên nhân lợi nhuận năm 2020 giảm mạnh, ông Vũ Tuấn Phương cho biết, dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc khiến các nhà máy ở nước này phải ngưng hoạt động, ảnh hưởng đáng kể đến đầu ra của SVD.

Đến khi dịch bệnh được kiểm soát thì Covid-19 lại lan rộng ra toàn cầu và có diễn biến phức tạp ở Mỹ, châu Âu - thị trường xuất khẩu vải chủ yếu của Trung Quốc, dẫn đến Công ty chịu ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp.

Thực tế, trong nửa đầu năm 2020, doanh thu của SVD giảm 17,4%, lợi nhuận sau thuế giảm 38,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tình hình kinh doanh được cải thiện trong nửa cuối năm khi dịch bệnh tại Việt Nam và Trung Quốc cùng được kiểm soát tốt.

Bước sang năm 2021, triển vọng kinh doanh của SVD được kỳ vọng sáng hơn khi kinh tế thế giới có khả năng phục hồi nhờ hoạt động tiêm chủng vắc-xin Covid-19 dần được triển khai trên diện rộng, nhất là tại Mỹ và châu Âu, giúp hồi phục nhu cầu các sản phẩm dệt may.

Tuy vậy, bức tranh kinh doanh của ngành sợi nói chung và SVD nói riêng vẫn còn không ít khó khăn, bởi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, khó lường. Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI mới đây dự báo, để tiêm chủng cho khoảng 70% dân số thế giới có thể phải mất hơn một năm mới có khả năng miễn dịch cộng đồng.

Đối với SVD, nợ vay tăng cao và đầu tư lớn vào tài sản cố định trong năm 2020 sẽ dẫn đến chi phí lãi vay, khấu hao tăng trong năm 2021, làm tăng gánh nặng chi phí, tạo thêm sức ép lên lợi nhuận.

Nợ vay có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm nay khi Công ty cần bổ sung vốn lưu động trong điều kiện nguồn tiền dự trữ hầu như không đáng kể.

Với bức tranh tài chính hiện nay, dự báo cổ đông của SVD khó có thể kỳ vọng nhận được cổ tức tiền mặt trong tương lai gần.

Tin bài liên quan