Cổ phiếu CLG của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC tăng từ 1.450 đồng/cổ phiếu ngày 17/10/2019 lên gần 6.000 đồng/cổ phiếu ngày 18/11/2019, tức gấp 4 lần trong vòng 1 tháng.
Hơn 1 năm sau đó, giá cổ phiếu này giảm còn chưa đầy 800 đồng/cổ phiếu khi bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 23/12/2020 do doanh nghiệp vi phạm các quy định về công bố thông tin. Trước khi bị tạm ngừng giao dịch, giá cổ phiếu CLG liên tục có các đợt tăng trần, giảm sàn.
Kể từ ngày 22/4/2021 tới, CLG sẽ bị hủy niêm yết trên HOSE do có lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp và tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2020, thuộc trường hợp chứng khoán bị huỷ niêm yết bắt buộc.
Nhà đầu tư không thể truy cập vào website CLG (www.cotecland.com.vn), thông tin về kết quả kinh doanh công bố gần nhất trên website HOSE chỉ là báo cáo tài chính quý I/2020.
Trong thông báo mới nhất gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ngày 27/10/2020, CLG cho biết, các hợp đồng đã ký bị ảnh hưởng bởi khả năng thanh toán, các hợp đồng mới chưa thể triển khai do nhà đầu tư bị thiếu hụt vốn do không phân phối được hàng hoá, dẫn đến doanh nghiệp không có nguồn tiền để duy trì bộ máy.
Bên cạnh đó, nhân sự của CLG biến động lớn, nhiều người nghỉ việc, do thiếu nhân sự nên Công ty chưa phát hành báo cáo tài chính quý II, III/2020 và báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2020.
Theo báo cáo tài chính quý I/2020, CLG có vốn điều lệ 211,5 tỷ đồng, không có doanh thu, lợi nhuận âm 1,9 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 203,2 tỷ đồng. Tính tới 31/3/2020, Công ty có tổng nợ ngắn hạn 471,4 tỷ đồng, chiếm 89,9% tổng nguồn vốn.
Trong đó, người mua trả tiền trước ngắn hạn 219,9 tỷ đồng, phải trả người bán ngắn hạn 96,3 tỷ đồng, phải trả ngắn hạn khác 70,3 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 44,7 tỷ đồng.
Đặc biệt, Công ty đang bị Cục Thuế TP.HCM cưỡng chế nộp thuế với số tiền nợ thuế lâu năm là 22,6 tỷ đồng; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp chậm nộp là 6,5 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền của CLG chỉ vỏn vẹn 132 triệu đồng.
Được biết, CLG niêm yết năm 2010 với giá đóng cửa phiên đầu tiên đạt 41.800 đồng/cổ phiếu, định hướng hoạt động sau khi lên sàn là tập trung vào lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản khi công ty mẹ giao cho nhiều dự án như Khu dân cư Phú Xuân, Khu dân cư Phú Gia, Chung cư Gia Phú, Cotec Building, Blue Sapphire Bình Phú…
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của giới đầu tư, kết quả kinh doanh của CLG nhìn chung có xu hướng đi xuống và đến năm 2019 bất ngờ lỗ 208,6 tỷ đồng (năm 2018 lãi 6,5 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu giảm 65%, còn 155,1 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 6 lần, lên 112,8 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 4,6 lần, lên 97,1 tỷ đồng.
Tháng 11/2019, công ty mẹ là Công ty cổ phần Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng Cotec muốn thoái toàn bộ 54,8% vốn điều lệ CLG, nhưng không tìm được đối tác.
Trong khi đó, nhiều công ty xây dựng khác vẫn có lãi. Cụ thể, năm 2019, Công ty cổ phần FECON (FCN) lãi 211,6 tỷ đồng, giảm 14,9% so với năm 2018.
Tương tự, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) lãi 710,9 tỷ đồng, giảm 52,9%; Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) lãi 405,6 tỷ đồng, giảm 34,6%; Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (HTN) lãi 187,1 tỷ đồng, tăng 2,5%...
Hiện nay, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi ở mức thấp kéo dài, thị trường chứng khoán tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư mới tham gia.
Nhóm cổ phiếu thị giá thấp được các nhà đầu tư nhỏ lẻ quan tâm vì phù hợp với nguồn vốn đầu tư hạn chế, nhất là quan điểm cho rằng giá sẽ dễ tăng hơn so với cổ phiếu có thị giá cao.
Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư không phân tích kỹ tình hình tài chính và triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp, rất có thể sẽ gặp rủi ro tương tự trường hợp CLG, cũng như nhiều cổ phiếu trước đó như LMH của Công ty cổ phần Landmark Holding, VHG của Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Quảng Nam…