Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút các dòng vốn đầu tư mới
Ngày 15/5/2023, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” đã thu hút sự quan tâm và tham dự đông đảo của các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các cơ quan quản lý, đại diện các tổ chức và hiệp hội quốc tế, cùng các doanh nhân, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, gần 280 tỷ USD đã được giải ngân. Nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.
Với việc tham gia 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời nắm bắt cơ hội, cũng như phát huy ngoại lực, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, tạo động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Dẫn đề cho Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh nhận định: “Ngày hôm nay, Báo Đầu tư – cơ quan báo chí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo này nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, các nhà quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp phân tích, đánh giá về hiệu quả nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong suốt chặng đường vừa qua, những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư nước ngoài, cùng những xu hướng và cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới”.
Hội thảo cũng tạo cầu nối gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ và đóng góp những kinh nghiệm thiết thực giữa lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, cùng đại diện các hiệp hội và các doanh nhân, nhà đầu tư trong nước và quốc tế trên mọi lĩnh vực từ khía cạnh vốn đầu tư, nguồn lực tài chính, cho tới các lĩnh vực sản phẩm hàng hóa, xuất khẩu, thị trường, công nghệ, trình độ quản trị doanh nghiệp, lao động, lan tỏa chuỗi giá trị toàn cầu…
Với chủ đề xuyên suốt “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, bên cạnh các bài tham luận từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài như Samsung Việt Nam, Aeon Việt Nam, ngân hàng UOB, VPBank, Hội thảo có hai phiên thảo luận chính với chủ đề: "Cùng nhau phát triển” và “Thúc đẩy dòng vốn mới”, đã diễn ra sôi nổi với sự trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa các đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế và các doanh nhân trong nước và nước ngoài.
Phát biểu tại hội thảo, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, Việt Nam và Samsung đã viết nên một câu chuyện thành công đáng nhớ về việc đôi bên cùng thắng.
“Nhiều nhà lãnh đạo phải thốt lên rằng: ‘Thành công của Samsung là thành công của Việt Nam’”, ông Choi Joo Ho nói.
Theo ông Choi Joo Ho, giờ đây các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên toàn thế giới đang nghiêm túc dõi theo Việt Nam - một cứ điểm trọng tâm của điện thoại di động, để tìm hiểu những biến đổi chính sách công nghiệp của Việt Nam.
Trong khi đó, ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban giám đốc Điều hành, Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, AEON đã nghiên cứu thị trường Việt Nam từ năm 2009 trước khi khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên vào năm 2014. Môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng đôi lúc có sự thay đổi, nhưng nhìn chung, tiềm năng và cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức.
Ông Furusawa Yasuyuki tin rằng, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn đầu tư vào Việt Nam, bởi ở đây có nhiều yếu tố thu hút đầu tư. Với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn nhiều so với các nước châu Á khác, cũng như Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ ngoại giao rất tốt và lịch sử hợp tác lâu dài trong nhiều lĩnh vực khác. “Với những kinh nghiệm và bí quyết mà AEON đã có được ở Nhật Bản, chúng tôi có thể áp dụng và đóng góp vào sự phát triển của thị trường Việt Nam”, ông Furusawa Yasuyuki khẳng định.
Nhìn lại 11 năm qua, AEON đã đạt được những kỳ vọng cho giai đoạn phát triển đầu tiên tại Việt Nam. Tập đoàn AEON đầu tư vào nhiều thị trường nước ngoài, nhưng để mở rộng đến quy mô hiện có chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng lớn nhất.
Từ năm 2017 đến năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của AEON đến Nhật Bản và các quốc gia khác đạt hơn 2 tỷ USD. Ngoài các mặt hàng nông sản, thực phẩm, AEON cũng xuất khẩu nhiều sản phẩm thời trang, gia dụng, và sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp được sản xuất tại Việt Nam đến Nhật Bản và các nước khác.
“Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật Bản để tăng tốc đẩy mạnh hoạt động đầu tư và chúng tôi mong muốn các thủ tục liên quan có thể được đơn giản hóa hơn. Mục tiêu lớn nhất AEON vẫn đang nỗ lực thực hiện là trở thành thương hiệu quen thuộc với người Việt, một doanh nghiệp Việt Nam phục vụ Người Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển của đất nước”, ông Furusawa Yasuyuki nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, ông Kim Lê Huy, Phó Chủ tịch, Ngành Hàng tiêu dùng, DKSH Việt Nam cho biết, với vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp, DKSH tận dụng kinh nghiệm toàn cầu kết hợp với kiến thức chuyên sâu về thị trường địa phương để mang lại thành công thông qua quan hệ hợp tác chiến lược.
“Sự kết hợp này đã tạo ra lợi thế cạnh tranh của chúng tôi thông qua các giải pháp toàn diện đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp tại nhiều thị trường, đặc biệt là Việt Nam”, ông Kim Lê Huy nhấn mạnh.
Cùng với đó, DKSH cũng tập trung đầu tư vào cơ sở vật chất và hạ tầng chất lượng cao với 21 địa điểm trên toàn quốc, bao gồm nhà kho, trung tâm phân phối, trạm trung chuyển, trung tâm phát triển (innovation center), phòng thí nghiệm chuyên nghiệp,… Ngoài ra, con người là một trong những tài sản quan trọng của DKSH, góp phần vào sự phát triển của công ty. DKSH không ngừng cải thiện nơi làm việc và các chính sách nhằm tạo nên nơi làm việc tốt nhất cho tất cả mọi người.
“Trong vai trò là đối tác tin cậy của nhiều công ty trên toàn thế giới, DKSH đã không ngừng củng cố và mở rộng danh mục dịch vụ để mang lại sự tăng trưởng cho các công ty tại Việt Nam, châu Á và hơn thế nữa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tận dụng vị thế thị trường của mình để đóng góp vào sự phát triển bền vững của các cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động, bao gồm cả Việt Nam.
DKSH liên tục nắm bắt xu hướng chuyển đổi số để thích ứng với sự phát triển không ngừng của thị trường và đảm bảo tăng trưởng bền vững bằng các giải pháp. Hợp tác với HSBC và Payoo, chúng tôi đã triển khai mPay, một giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách cung cấp nhiều tùy chọn thanh toán trên một nền tảng duy nhất, cho phép họ thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt một cách thuận tiện. Trong tổ chức của mình, chúng tôi tiếp tục số hóa các quy trình nhằm hạn chế tối đa lượng giấy sử dụng tại văn phòng cũng như khu vực kho vận chuyển”, ông Kim Lê Huy chia sẻ.
Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, ông Steven Wolstenholme, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An - Hoiana Resort & Golf đánh giá cao môi trường dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với sự thông thoáng, cởi mở, nhiều chính sách thân thiện hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Steven Wolstenholme, tại Quảng Nam, công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng được chú trọng và và đầu tư khá đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Một trong những công trình có ý nghĩa rất quan trọng là tuyến đường bộ ven biển kết nối thông suốt từ Đà Nẵng đến Chu Lai. Công trình này đã giúp việc tiếp cận các Dự án du lịch nghỉ dưỡng như Hoiana trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn, tạo tiền đề phát triển cho vùng Đông của Quảng Nam.
“Trong đợt dịch Covid hai năm vừa qua, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất, các cơ quan chính phủ đã tích cực đưa ra nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời như giảm giá điện, giảm tiền thuê đất, gia hạn tiến độ đầu tư,...
Ngay khi dịch thuyên giảm, các cơ quan Chính phủ cũng đã nhanh chóng thích ứng, điều chỉnh cơ chế cũng như tổ chức nhiều hội thảo, chương trình xúc tiến để ngành du lịch có thể sớm phục hồi và hoạt động trở lại. Hoiana rất cảm kích trước sự nỗ lực và hỗ trợ của các cơ quan chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua”, ông Steven Wolstenholme bày tỏ.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Công ty Đầu tư CME Solar cho biết, thời gian gần đây, năng lượng điện mặt trời áp mái đã trở thành một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Với sự phát triển của công nghệ, giá thành sản xuất và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái đã giảm đáng kể. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Để đón nhận dòng vốn mới chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng mặt trời áp mái, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để đa dạng hóa các dự án và nâng cao chất lượng các dự án đã có. Một trong những giải pháp đó là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, giúp đưa ra các giải pháp mới để cải thiện hiệu suất và giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thúc đẩy các quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư.
Vì vậy, để thu hút dòng vốn đầu tư mới và đặc biệt là các dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao Việt Nam cần có chính sách đầu tư thích hợp, hấp dẫn và môi trường kinh doanh thân thiện với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể hợp tác với các đối tác hàng đầu trong nước để có thể dễ tiếp cận thị trường, và CMES là một lựa chọn đáng lưu ý.
Dự án 1,5 tỷ USD Stavian Quảng Yên chọn đối tác lập thiết kế kỹ thuật tổng thể
Công ty cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên vừa công bố lựa chọn Tập đoàn MAIRE (,) là đối tác tư vấn và triển khai hạng mục Thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) cho Dự án Hóa dầu Stavian Quảng Yên, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, thông qua đấu thầu quốc tế.
Gói thầu FEED sẽ được thực hiện bởi Công ty cổ phần Tecnimont (Tecnimont S.p.A) - một công ty con của MAIRE, chuyên trong lĩnh vực phát triển giải pháp thiết kế và thi công tổng thể (E&C).
Stavian và Tecnimont ký kết hợp đồng tư vấn lập thiết kế kỹ thuật tổng thể Dự án Hóa dầu Stavian Quảng Yên |
Công ty cổ phần Hoá dầu Stavian Quảng Yên và Công ty cổ phần Tecnimont vào ngày 18/5/2023 đã ký kết hợp đồng về vấn đề này. Theo thỏa thuận, tiến độ hoàn thành công tác thiết kế FEED là 10 tháng.
“Lễ ký kết hợp đồng tư vấn lập thiết kế kỹ thuật tổng thể ngày hôm nay giữa Công ty cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên và Công ty cổ phần Tecnimont sẽ tiếp tục đánh dấu thêm một cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của Dự án Nhà máy Hóa dầu Stavian Quảng Yên”, ông Đinh Đức Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên nói.
Theo ông Đinh Đức Thắng, nhu cầu về các sản phẩm hóa dầu nói chung trên thế giới được dự đoán sẽ còn tiếp tục gia tăng tương ứng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hạ nguồn, đặc biệt là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tính riêng trong năm 2022, nhu cầu về chất dẻo nguyên liệu của thị trường Việt Nam khoảng 8 triệu tấn, với PP và PE có mức tiêu thụ lớn nhất, chiếm 55% tổng số lượng nhập khẩu toàn ngành, và được ước tính sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 6,6%/năm cho tới năm 2025. Trên cơ sở đó, khả năng cung ứng về nguyên liệu của thị trường nội địa còn nhiều hạn chế và tiềm năng để phát triển.
“Vì vậy, chúng tôi vui mừng hợp tác cùng Tecnimont để tiếp tục triển khai Dự án Stavian Quảng Yên đảm bảo tiến độ và chất lượng cao nhất, góp phần đảm bảo tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vốn đang là trọng tâm trong phát triển nền kinh tế tuần hoàn và bền vững của Việt Nam”, ông Đinh Đức Thắng nói.
Tecnimont S.p.A hiện là một trong những đơn vị dẫn đầu mảng tư vấn kỹ thuật và thi công các tổ hợp nhà máy sử dụng công nghệ PDH - PP trên toàn thế giới. Đây cũng là đối tác lâu năm của những nhà cung cấp bản quyền công nghệ lớn như Honeywell UOP hay LyondellBasell.
Tại Việt Nam, Tecnimont đã triển khai thành công hạng mục FEED cho dự án Nhà máy Sản xuất hạt nhựa Polypropylene Phú Mỹ trong năm 2021.
Bằng những am hiểu về đặc thù tự nhiên cùng kinh nghiệm sẵn có về hệ thống quy chuẩn và cơ chế quản lý tại thị trường Việt Nam, Tecnimont tự tin sẽ thực hiện các hạng mục công việc cho Dự án Nhà máy hóa dầu Stavian Quảng Yên đảm bảo tiến độ, an toàn, đạt chất lượng và hiệu quả cao.
“Chúng tôi cam kết sẽ mang tới những kinh nghiệm, công nghệ và dịch vụ hiện đại đạt chuẩn quốc tế, góp phần xây dựng nên một nhà máy hóa dầu vượt trội cũng như thúc đẩy tăng trưởng và nâng tầm vị thế của Stavian Quảng Yên trong ngành”, ông Emanuele Pozzati, Phó chủ tịch phụ trách Kinh doanh lĩnh vực hóa chất và hóa dầu Công ty Tecnimont, nhấn mạnh.
Công tác lập thiết kế kỹ thuật tổng thể là hạng mục công việc rất quan trọng trong việc triển khai dự án. Đây là nền tảng để thực hiện các công tác thiết kế chi tiết, mua sắm, lắp đặt máy móc thiết bị và xây dựng nhà máy sau này. Lựa chọn đối tác Tecnimont là đơn vị tư vấn lập thiết kế kỹ thuật tổng thể của Dự án tiếp tục cho thấy sự đầu tư rất nghiêm túc và chuyên nghiệp của Stavian Quảng Yên Petrochemical.
Nhà máy Hoá dầu Stavian Quảng Yên dự kiến được xây dựng tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, do Stavian và Công ty cổ phần Cảng Hàng lỏng Yên Hưng (YHLP) đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư ước tính lên đến 1,5 tỷ USD, với quy mô sản xuất 600.000 tấn Polypropylene/năm.
Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào 10 dự án trung tâm logistics
UBND TP. Đà Nẵng vừa công bố danh mục dự án lĩnh vực logistics kêu gọi đầu tư giai đoạn đến năm 2030.
Cụ thể, danh mục 10 Dự án trung tâm logistics kêu gọi đầu tư trên địa bàn Thành phố với tổng diện tích đến năm 2030 là 212 - 235 ha, đến năm 2050 là 358 - 390 ha. Trong đó, gồm 1 trung tâm logistics cấp vùng, 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không và 8 trung tâm logistics cấp tỉnh.
10 dự án Trung tâm Logistics vừa được Đà Nẵng phê duyệt kêu gọi đầu tư vào ngày 15/5. |
10 dự án bao gồm: Trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu (trung tâm cấp vùng, hạng 1; quy mô đến năm 2023 là 30 - 35 ha, đến năm 2050 là 65 - 70 ha, tính chất trung tâm logistics cảng biển).
Trung tâm Logistics Ga hàng hóa Kim Liên mới (trung tâm cấp tỉnh, quy mô đến năm 2023 là 5 - 6 ha, đến năm 2050 là 8 - 10 ha, cung cấp dịch vụ logistics đường sắt hỗ trợ cảng biển, hỗ trợ Khu công nghiệp Hòa Khánh.
Trung tâm Logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng (trung tâm cấp tỉnh; quy mô đến năm 2030 là 3 - 5 ha, đến năm 2050 là 15 - 20 ha, cung cấp các dịch vụ logistics đường bộ phụ trợ trung tâm logistics hàng không, đường sắt hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng); Trung tâm Logistics Hòa Nhơn kết hợp cảng cạn (trung tâm cấp tỉnh; quy mô đến năm 2030 là 40 ha, đến năm 2050 là 75 ha, cung cấp dịch vụ kỹ thuật phương tiện vận tải đường bộ, dịch vụ môi giới vận tải và dịch vụ logistics hàng hóa).
Trung tâm Logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (trung tâm logistics chuyên dụng hàng không, quy mô đến năm 2030 là 4 - 5 ha, đến năm 2050 là 8 - 10 ha); Trung tâm Logistics Hòa Phước (trung tâm cấp tỉnh, quy mô đến năm 2030 là 5 - 7 ha, đến năm 2050 là 10 - 15 ha; cung cấp dịch vụ lưu trữ, vận chuyển hàng hóa phục vụ chợ đầu mối); Trung tâm Logistics Hòa Phú (trung tâm cấp tỉnh, quy mô đến năm 2030 là 3 - 5 ha, đến năm 2050 là 5 - 8 ha, cung cấp dịch vụ logistics đường bộ hỗ trợ kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây).
Trung tâm Logistics Hòa Ninh (trung tâm cấp tỉnh, quy mô 20 ha, cung cấp các dịch vụ logistics hỗ trợ Khu công nghiệp Hòa Ninh); Trung tâm Logistics Hòa Hiệp (trung tâm cấp tỉnh, quy mô 42 ha, cung cấp các dịch vụ logistics hỗ trợ khu bến Liên Chiểu, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng); các trung tâm logistics và kho bãi khác trên các đường tránh của tuyến cao tốc, tại khu, cụm công nghiệp… (quy mô đến năm 2030 là 60 - 70 ha, đến năm 2050 là 110 - 120 ha; hỗ trợ các trung tâm logistics tập trung; thu gom, phân phối hàng hóa cho TP. Đà Nẵng và các tỉnh lân cận).
Đề án này cũng đặt vấn đề nghiên cứu, đề xuất hình thành Khu vực thương mại tự do (FTZ) với trung tâm là khu vực bến cảng biển Liên Chiểu, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, khu công nghệ cao, các khu công nghiệp (Liên Chiểu, Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng…) nhằm cung cấp các ưu đãi hấp dẫn với như đầu tư như miễn/giảm các loại thuế thu nhập doanh nghệp, giá trị gia tăng, môn bài, xuất khẩu, nhập khẩu…; đơn giản hóa thủ tục xin cấp và gia hạn thời hạn cho thị thực lao động và giấy phép lao động… nhằm tăng cường và đa dạng hóa nhu cầu dịch vụ logistics.
Đề án phát triển dịch vụ logistics TP. Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 nhằm phát triển dịch vụ logistics thành phố theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững; từng bước đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics quốc gia, có vai trò quốc tế; là trọng điểm phát triển kinh tế quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông – Tây, là mắt xích quan trọng của hành lang vận tải Châu Á - Thái Bình Dương.
Bình Định đạt 50% kế hoạch thu hút dự án đầu tư trong nước
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định vừa cho biết, kết quả thu hút đầu tư trong nước từ ngày 4 đến ngày 11/5/2023, tỉnh Bình Định đã thu hút mới 4 Dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 76,74 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 11/5, tỉnh Bình Định đã thu hút mới 30 dự án với tổng vốn đăng ký 10.101,53 tỷ đồng (mục tiêu 60 dự án, đạt 50% so với kế hoạch cả năm 2023 của toàn tỉnh); tăng vốn cho 3 dự án với tổng vốn thực hiện tăng 2.840 tỷ đồng.
Trong đó, có 6 dự án mới trong khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 426 tỷ đồng; 15 dự án trong cụm công nghiệp với tổng vốn vốn đầu tư 2.673,73 tỷ đồng; 9 dự án ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư 7.001,8 tỷ đồng.
Về lĩnh vực, có 20 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; 6 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; 4 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, xây dựng, hạ tầng.
Công tác thu hút đầu tư đối với dự án nước ngoài (FDI), tỉnh Bình Định vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc khi chưa có dự án FDI đăng ký mới.
Tính đến ngày 11/5, tỉnh Bình Định chỉ có 4 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn điều chỉnh tăng 26,28 triệu USD; trong đó có 2 dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp và 2 dự án nằm ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp.
Lũy kế, tỉnh Bình Định hiện có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,13 tỷ USD.
Tại Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, triển khai nhiệm vụ tháng 5/2023, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ rõ công tác cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp còn chậm, có tình trạng né tránh, đùn đẩy.
Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Bình Định sẽ tổng rà soát lại các hồ sơ thủ tục của doanh nghiệp “nằm chờ” tại các sở, ngành bao lâu, đồng thời yêu cầu tổ đạo đức công vụ của tỉnh xem xét kỷ luật một số lãnh đạo sở ngành, địa phương trong trường hợp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành địa phương phải cương quyết khắc phục tình trạng này, tránh làm lỡ các cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang quan tâm đầu tư vào tỉnh.
Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu đơn vị tập trung tiếp tục chú trọng công tác mời gọi thu hút đầu tư. Đối với việc triển khai các dự án lớn trên địa bàn tỉnh, Sở chủ trì, lên tiến độ, kế hoạch cụ thể cho từng dự án và phối hợp đôn đốc với các ngành, địa phương triển khai.
Lâm Đồng gia hạn, điều chỉnh Dự án Nhà máy điện gió Cầu Đất
Ngày 16/5, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương cho Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Đại Dương được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng như đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường; điều chỉnh tiến độ và tổng vốn đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy điện gió Cầu Đất như đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, UBND tỉnh gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng thêm 18 tháng; thời gian hoàn thành dự án đến hết ngày 31/12/2023; tổng vốn đầu tư 2.559 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu là 889 tỷ đồng và vốn vay là 1.670 tỷ đồng).
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày có chủ trương này, Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Đại Dương liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn và thực hiện ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng đảm bảo thực hiện dự án theo quy định tại Điều 26, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ.
Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Đại Dương thực hiện nghĩa vụ tài chính cho thời gian gia hạn đưa đất vào sử dụng và các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan đến dự án theo quy định.
“Trước khi tiến hành xây dựng các hạng mục công trình còn lại của dự án, phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về đất đai, chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất, môi trường và các thủ tục khác có liên quan (nếu có) theo quy định”, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Công ty Năng lượng tái tạo Đại Dương tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành các hạng mục công trình còn lại và đưa dự án vào vận hành phát điện theo đúng tiến độ đã cam kết; định kỳ hàng quý, 6 tháng báo cáo tình hình thực hiện dự án theo quy định tại Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
Cục Thuế xác định và thông báo số tiền phải nộp khi được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng đối với dự án nêu trên; đồng thời truy thu nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) theo quy định để Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Đại Dương thực hiện.
Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư sau khi Công ty này hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước về thời gian gia hạn đưa đất vào sử dụng, thực hiện ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng đảm bảo thực hiện dự án và nghĩa vụ tài chính khác (nếu có); đồng thời, đôn đốc, giám sát Công ty khẩn trương đầu tư hoàn thiện sớm đưa dự án vào hoạt động theo đúng tiến độ đã được cấp.
Đấu thầu 3 gói thầu xây lắp cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ký Quyết định số 809/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu một số gói thầu thuộc Dự án thành phần 3 - Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Đây là Dự án thành phần do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, Gói thầu số 1 - Thi công xây dựng công trình đoạn Km69+500 ÷ Km86+00 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công - EC) có giá gói thầu: 1.440,738 tỷ đồng; thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu: quý II/2023; thời gian thực hiện hợp đồng: 1260 ngày.
Phạm vi công việc chính của Gói thầu số 1 có chiều dài tuyến 16,5km, gồm: công trình đường bộ cấp I; 5 công trình cầu (1 cầu cấp II, 3 cầu cấp III, 1 cầu cấp IV).
Gói thầu số 2 - Thi công xây dựng công trình đoạn Km86+00 ÷ Km101+500 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công - EC) có giá gói thầu: 1.567,19 tỷ đồng; thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu: quý II/2023; thời gian thực hiện hợp đồng: 1260 ngày.
Phạm vi công việc chính của Gói thầu số 2 có chiều dài tuyến 15,5 km, gồm: công trình đường bộ cấp I; 10 công trình cầu (9 cầu cấp III, 1 cầu cấp IV).
Gói thầu số 3 - Thi công xây dựng công trình đoạn Km101+500 ÷ Km117+593 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công - EC) có giá gói thầu 1.554,095 tỷ đồng; thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu: quý II/2023; thời gian thực hiện hợp đồng: 1260 ngày.
Phạm vi công việc chính của Gói thầu số 3 có chiều dài tuyến 16,093 km, gồm: công trình đường bộ cấp I; 13 công trình cầu (13 cầu cấp III).
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột là dự án trọng điểm quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án tại Nghị quyết 58/2022/QH15 ngày 16/6/2022, giao Bộ GTVT, UBND tỉnh Đắk Lắk UBND tỉnh Khánh Hòa làm Cơ quan chủ quản tổ chức thực hiện với 3 Dự án thành phần.
Chính phủ có Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 25/7/2022 chỉ đạo thực hiện với các mốc thời gian cụ thể, trong đó trước ngày 20/1/2023 phê duyệt dự án đầu tư và thực hiện các công việc tiếp theo bảo đảm khởi công trước ngày 30/6/2023; khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…, phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.
Đề xuất đầu tư 1.070 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng 20 km Quốc lộ 15
Cục Đường bộ Việt Nam vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15 đoạn từ Km0+00-Km20+00, tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, Dự án có mục tiêu kết nối, đồng bộ và nâng cao hiệu quả đầu tư với đoạn tuyến Quốc lộ 15 đoạn Km20 - Km109 đã được hoàn thành đầu tư trước đây. Nâng cao năng lực thông hành, đảm bảo an toàn giao thông, tăng cường kết nối khu vực Tây Bắc ra cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa.
Một đoạn Quốc lộ 15 qua huyện Mai Châu - Hòa Bình. |
Đây cũng là tuyến đường ngắn nhất từ các tỉnh Tây Bắc ra các cảng biển; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa cũng như các tỉnh miền Trung.
Công trình có điểm đầu Km0+00 tại ngã ba Tòng Đậu thuộc xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu (giao với Quốc lộ 6 tại Km131+140); điểm cuối Km20+00 thuộc xã Vạn Mai, huyện Mai Châu (giáp ranh giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa); tổng chiều dài tuyến nghiên cứu khoảng 20 km.
Tuyến đường thuộc Dự án sẽ được nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, 2 làn xe; vận tốc thiết kế 60 km/h; chiều rộng nền đường 9 m, mặt đường rộng 6m, lề gia cố mỗi bên rộng 2 m.
Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án là 1.070,494 tỷ đồng từ Ngân sách nhà nước (từ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, giai đoạn 2025-2030 và nguồn vốn bổ sung, tiết kiệm hoặc dư của kế hoạch đầu tư công, nguồn vốn hợp pháp khác).
Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, Dự án sẽ khởi công vào quý I/2024; hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng khoảng 24 tháng kể từ ngày khởi công.
Trước đây, Dự án nâng cấp Quốc lộ 15 đoạn Km0+00-Km20+00 (tiểu dự án 1) đã được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3115/QĐ-BGTVT ngày 29/10/2010. Đoạn tuyến Quốc lộ15 từ Km20 đến Km109 (thuộc tiểu dự án 2 và 3 thuộc Dự án nâng cấp Quốc lộ 15) đã được thi công hoàn thành và khai thác sử dụng.
Chính vì vậy, việc kết nối đồng bộ với đoạn tuyến Quốc lộ 15 đoạn Km20 - Km109 đã được hoàn thành đầu tư là rất cần thiết, giúp nâng cao hiệu quả khai thác, tránh lãng phí đầu tư.
Quảng Bình: Bàn giao 100% mặt bằng sạch cho dự án cao tốc Bắc - Nam trước 30/6
UBND tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức họp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình (Dự án), do Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì.
Tại cuộc họp, Sở Giao thông Vận tải - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo; Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Dự án 6; UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo kết quả phối hợp triển khai các nội dung của Dự án, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng đã lắng nghe và đi đến kết luận.
Quảng Bình đang gấp rút tiến độ để kịp bàn giao 100% mặt bằng sạch cho dự án cao tốc Bắc - Nam trước 30/6 |
Thời gian qua, các sở, ban, ngành, đơn vị, đặc biệt là các địa phương có Dự án đi qua đã triển khai thực công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra. Tuy nhiên, trên thực tế mặt bằng bàn giao không liên tục và còn nhiều vướng mắc nên đã làm ảnh hưởng đến việc thi công của các nhà thầu; công tác di dời các công trình hạ tầng, kỹ thuật, xây dựng các khu tái định cư, khu nghĩa địa còn chậm chưa đảm bảo tiến độ đề ra.
Để đảm bảo tiến độ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trước ngày 30/6 theo yêu cầu của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, khẩn trương và có các giải pháp đồng bộ của các sở, ban, ngành, đơn vị, đặc biệt là UBND các huyện, thị xã, thành phố có Dự án đi qua. Trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung sau:
Đối với Ban QLDA 6 và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, UBND chỉ đạo phối hợp với các đơn vị trong quá trình giải phóng mặt bằng, kịp thời thông tin các điều chỉnh của hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng đến các địa phương nhằm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đúng tiến độ. Hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với phần diện tích tăng thêm của Dự án. Phối hợp với các địa phương, đơn vị vận hành công trình thuỷ lợi, đê điều để xác định phạm vi hành lang dùng chung giữa tuyến đường bộ cao tốc và công trình thuỷ lợi; hoàn thiện hồ sơ thiết kế cắm mốc lộ giới để Sở Giao thông vận tải tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 20/5/2023.
Ban quản lý các dự án cùng các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương để kiểm tra, chấp thuận phương án di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại Công văn số 4574/BGTVT-CQLXD ngày 05/5. Khẩn trương có ý kiến chấp thuận bằng văn bản đối với các tiểu dự án giải phóng mặt bằng có cấu phần xây dựng (khu tái định, khu nghĩa trang...) theo ý kiến của Bộ Giao thông vận tải.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo tổ chức đánh giá ảnh hưởng của các công trình nhà ở (trong phạm vi hành lang đường bộ) để làm cơ sở triển khai tổ chức giải phóng mặt bằng theo quy định trước 30/5. Chỉ đạo các nhà thầu thi công đảm bảo môi trường, đảm bảo thuận tiện cho người dân đi lại và sinh sống quanh khu vực thi công, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của người dân....
Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố được giao phối hợp với các Ban quản lý dự án, Sở ban ngành liên quan triển khai kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quá trình triển khai dự án, công tác bồi thường, di dời và GPMB, các khu tái định cư… nhằm đáp ứng nhu cầu từng hạng mục và hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng.
Sở Giao thông vận tải được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan chủ động theo dõi, nắm tình hình, tiến độ thực hiện Dự án, các khó khăn, vướng mắc trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết; Phối hợp với các Ban Quản lý Dự án để hoàn thành thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ cắm mốc lộ giới và triển khai cắm mốc lộ giới trên thực địa.
Ngoài ra, các sở ban ngành liên quan như: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Mặt trận tổ quốc tỉnh, Công An tỉnh, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Dự án, Công ty Điện lực, Viễn thông … cũng được điều động, giao nhiệm vụ phối hợp và thực hiện theo dõi, chỉ đạo, bám sát nội dung liên quan được giao về công tác triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 qua địa bàn tỉnh Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài 126km đi qua các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy; Thị xã Ba Đồn và TP Đồng Hới. Với tổng mức đầu tư hơn 24 nghìn tỷ đồng; trong đó đoạn Vũng Áng - Bùng có chiều dài 55,34 km; đoạn Bùng - Vạn Ninh có chiều dài khoảng 49,99 km; đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ qua địa bàn tỉnh khoảng 32,95 km. Trên địa bàn toàn tỉnh có 08 nút giao. Tổng diện tích chiếm dụng của các dự án thành phần khoảng 1.155,7 ha; diện tích rừng cần chuyển đổi 437,25 ha; có khoảng 3.117 hộ gia đình và 3.600 ngôi mộ bị ảnh hưởng và di dời.
Dự án có ý nghĩa rất quan trọng, tạo sự đột phá góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình nói riêng và nhiều tỉnh, Thành phố trong cả nước nước nói chung.
An Giang: Hơn 1.328 tỷ đồng thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh An Giang được giao tổng vốn đầu tư phát triển 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là 1.328.873 triệu đồng. Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới là 821.680 triệu đồng; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 339.286 triệu đồng; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 167.907 triệu đồng.
Thành phố Châu Đốc (An Giang) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới |
Đến nay, UBND tỉnh An Giang đã thực hiện giao chi tiết là 1.173.305 triệu đồng, còn lại là 155.568 triệu đồng (Thủ tướng Chính phủ giao trong tháng 2/2023), tỉnh đang thực hiện trình tự thông qua HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 13 (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, dự kiến diễn ra vào ngày 31/5/2023) để giao chi tiết hết kế hoạch vốn.
UBND tỉnh An Giang cho biết, lũy kế vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã giao trong 2 năm 2022 và 2023 là 668.027 triệu đồng, đạt 50,27% tổng vốn.
Về giải ngân, tính đến hết quý I/2023, giải ngân là 85.476 triệu đồng, đạt 12,8% và ước đến hết năm 2023 giải ngân là 634.626 triệu đồng, đạt 95%.
Theo UBND tỉnh An Giang, tiếp nối kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2020, sau 2 năm thực hiện (trong giai đoạn 2021-2025) các chương trình mục tiêu đã có tác động hiệu quả đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên và huyện Thoại Sơn); 69/110 xã nông thôn mới và 29 xã nông thôn mới nâng cao.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đầu năm 2021 toàn tỉnh có 10.232 hộ nghèo, tỷ lệ 1,90%, đến cuối năm số hộ nghèo còn 4.696 hộ, chiếm tỷ lệ 0,87% (giảm 1,03%, đạt kế hoạch đề ra).
Đầu năm 2022 (số liệu đầu kỳ), toàn tỉnh có 20.129 hộ nghèo, tỷ lệ 3,82%, đến cuối năm số hộ nghèo còn 14.872 hộ, chiếm tỷ lệ 2,81% (giảm 1,01% so với đầu năm), đạt kế hoạch đề ra.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đây là chủ trương đúng đắn nhằm giải quyết những vấn đề về phát triển kinh tế- xã hội địa phương và tập trung được nguồn lực, khắc phục được sự dàn trải và tạo điều kiện để tổ chức có hiệu quả của Chương trình.
Đầu năm 2022 toàn tỉnh có 4.026 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 14,85%/tổng số hộ dân tộc thiểu số, đến cuối năm 2022 còn 3.161 hộ, chiếm tỷ lệ 11,70%/tổng số hộ dân tộc thiểu số, giảm 3,15% so với đầu năm.
Nghiên cứu làm rõ hai kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam
Theo thông tin của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông báo số 155/TB – BGTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy tại cuộc họp về triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Tại Thông báo số 155, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án có quy mô lớn, công nghệ - kỹ thuật phức tạp, cần nhiều nguồn lực lớn để đầu tư, là động lực quan trọng để tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội cả nước và được Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng.
Ảnh minh họa. |
Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt, Tư vấn và các đơn vị liên quan trong quá trình lập, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án phải quán triệt định hướng của Bộ Chính trị tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự đảng Chính phủ tại Thông báo số 1209-TB/BCSĐCP ngày 6/10/2022; kết luận của Hội đồng thẩm định nhà nước tại Thông báo số 2956/TB-BKHĐT ngày 18/4/2023.
Cụ thể, trên cơ sở các kịch bản đầu tư đã nghiên cứu, kịch bản theo ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban quản lý dự án đường sắt và Tư vấn nghiên cứu bổ sung: đối với kịch bản đường sắt mới chỉ vận tải hành khách, bổ sung đường sắt hiện hữu cải tạo, nâng cấp, điện khí hóa phù hợp với lộ trình cam kết của Việt Nam tại COP26 để vận tải hàng hóa; phương án xây dựng mới đường sắt trên trục Bắc - Nam theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa để vận tải hành khách và hàng hóa làm cơ sở để so sánh, lựa chọn.
Về hướng tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy chỉ đạo cơ bản giữ nguyên hướng tuyến đã thống nhất với các địa phương trước đây. Đối với một số địa phương có ý kiến điều chỉnh, yêu cầu Ban quản lý dự án Đường sắt, Tư vấn triển khai ngay công tác rà soát và làm việc để thống nhất với các địa phương. Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án đường sắt và Tư vấn khẩn trương nghiên cứu, làm việc với các địa phương về phạm vi, vị trí bổ sung các ga hàng hóa đối với kịch bản vận tải chung hành khách và hàng hóa.
Lãnh đạo Bộ GTVT giao Viện Chiến lược và phát triển GTVT cập nhật, bổ sung số liệu, kết quả dự báo nhu cầu vận tải cho các kịch bản đầu tư đường sắt trên trục Bắc - Nam (khai thác khách và khai thác hỗn hợp khách, hàng hóa), hoàn thành trước ngày 10/6/2023. Cục Đường sắt Việt Nam, Ban QLDA Đường sắt và Tư vấn phối hợp xây dựng, cung cấp thông tin chi tiết các kịch bản.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Kết luận số 49, Bộ Chính trị đã xác định đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là trục “xương sống”. Đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026-2030 (Hà Nội-Vinh; TP.HCM - Nha Trang).
Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17/5/2023 kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc thực hiện kết luận của Lãnh đạo Chính phủ liên quan đến đàm phán giá bán điện đối với các Dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng xong chưa được vận hành.
Ảnh minh họa. |
Thông báo nêu: Để có thể đạt được mục tiêu về phát triển bền vững, Chính phủ đã và đang thực hiện các giải pháp cần thiết để chuyển đổi năng lượng quốc gia, trong đó có các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo. Thời gian vừa qua, nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, bổ sung nguồn điện quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cho thấy còn nhiều dự án đã được doanh nghiệp đầu tư nhưng chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Để kịp thời khắc phục tình trạng này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022, Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 theo đúng quy trình, thủ tục và quy định. Trong thời gian chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá, đàm phán giá và có văn bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính và đàm phán giá điện đối với điện gió, điện mặt trời. Ngoài ra, nghiên cứu thêm phương án tính toán giá tương tự cho dự án BT giao thông: kiểm toán lập, thống nhất mức lợi nhuận có thể chấp nhận, đảm bảo động lực đầu tư cho doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành.
Đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, Bộ Công Thương khẩn trương có văn bản trước ngày 20/5/2023 chỉ đạo EVN đàm phán với các Chủ đầu tư với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện.
Đối với dự án chưa đủ điều kiện vận hành, còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, Bộ Công Thương và các địa phương nơi có dự án điện chuyển tiếp khẩn trương hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục hồ sơ theo quy định.
Đối với các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng đã hết kỳ quy hoạch, Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp và địa phương nơi có dự án thực hiện đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và các quy định có liên quan khác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có văn bản trước ngày 25/5/2023 hướng dẫn các UBND các tỉnh, thành phố thực hiện việc xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án chuyển tiếp có thời gian thực hiện quá 24 tháng so với thời hạn được quy định tại Giấy chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu theo đúng quy định.
Quảng Nam khó thành lập mới các khu công nghiệp vì vướng chỉ tiêu sử dụng đất
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh hiện có 284 Dự án do các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang thực hiện đầu tư.
Trong đó, có 250 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, 34 dự án thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ. Đến nay, có 231/284 dự án đang hoạt động, sử dụng khoảng 61.000 lao động.
Tỉnh Quảng Nam không đủ chỉ tiêu sử dụng đất để thành lập mới các khu công nghiệp. |
Về chỉ tiêu đất khu công nghiệp, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc lập đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp (KCN) mới gặp khó khăn do vướng mắc về chỉ tiêu đất KCN được Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022;
Cụ thể, tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp của tỉnh Quảng Nam được phân bổ đến năm 2030 là 3.524 ha, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 là 2.525 ha.
Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 14 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng diện tích là 3.670 ha.
Vì vậy, không đủ chỉ tiêu sử dụng đất để thành lập mới các KCN đã có trong quy hoạch cũng như các KCN vào quy hoạch tỉnh trong giai đoạn sắp tới.
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ sớm điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu đất KCN cho tỉnh Quảng Nam.
Về hạ tầng khu công nghiệp, từ năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã thành lập mới thêm 3 KCN với tổng diện tích 1.134 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 4.403 tỷ đồng. Ngoài ra đang tập trung giải phóng mặt bằng các KCN Tam Thăng mở rộng; KCN Thaco Chu Lai, KCN An An Hòa.
Tỉnh Quảng Nam có 14 KCN đã được thành lập với tổng diện tích 3.670 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng là 8.925 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện khoảng 4.217 tỷ đồng, đạt 47% tổng vốn đăng ký đầu tư. Đã có 10/14 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 53%.
Nghệ An thu hút đầu tư vượt 10.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2023
Tính đến hết tháng 4/2023, Nghệ An đã cấp mới 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.176,7 tỷ đồng; tiếp tục nằm trong top 10 về thu hút FDI cả nước với 397 triệu USD.
Con số này chứng minh rằng Nghệ An đang là điểm đến an toàn, hấp dẫn các nhà đầu tư tầm cỡ trong nước và quốc tế và là tỉnh đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung về việc thu hút FDI.
Nghệ An thu hút đầu tư vượt 10.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm |
Kết quả này cho thấy, Nghệ An đang triển khai và đi đúng hướng, tích cực nỗ lực trong việc thu hút nhà đầu tư, làm mới mình, cải thiện các hạn chế, xây dựng các cơ chế thuận lợi để đồng hành cùng nhà đầu tư phát triển tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, Nghệ An cũng đã điều chỉnh 49 lượt Dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 15 dự án (tăng 2.580,5 tỷ đồng). Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 12.757,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số lượng dự án cấp mới tăng 29,73%, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng 2,4%.
Đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2023, tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục là địa phương nằm trong tốp 10 về thu hút FDI của cả nước với 397 triệu USD.
Cụ thể, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Luxshare - ICT (140 triệu USD) đã đi vào hoạt động từ năm 2019; Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek (500 triệu USD), dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam (199,8 triệu USD) và dự án nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng (200 triệu USD) đang triển khai xây dựng theo tiến độ đầu tư, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023; Nhà máy khoa học kỹ thuật kim loại Tân Việt (125 triệu USD).
Mới đây nhất là Tập đoàn Foxconn - doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử lớn bậc nhất thế giới, đối tác hàng đầu của hãng Apple đã quyết định đầu tư dự án với tổng số vốn 100 triệu USD tại Khu công nghiệp WHA Nghệ An. UBND tỉnh Nghệ An đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án cho Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn); để tiến hành triển khai giai đoạn 1, nhà đầu tư thuê đất tại khu công nghiệp WHA với diện tích 48ha; theo kế hoạch sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 và giai đoạn 3.
Một trong những nỗ lực thu hút đầu tư của Nghệ An là tỉnh đã xây dựng nhiều công trình hạ tầng trọng điểm với quy mô lớn, như hạ tầng các khu công nghiệp như Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An có diện tích 20.776,47 ha nằm trên địa bàn 6 huyện, thành, thị. Hiện trong Khu kinh tế Đông Nam có 4 khu công nghiệp đã thu hút các dự án đầu tư đi vào hoạt động (khu công nghiệp Nam Cấm; Khu công nghiệp Bắc Vinh; Khu công nghiệp, đô thị dịch vụ VSIP Nghệ An; khu công nghiệp WHA Industrial Zone Nghệ An).
Năm 2023, khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1 quy mô 500 ha) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện đang hoàn thiện các thủ tục để chuẩn bị khởi công. Ngoài ra có 1 khu công nghiệp đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là khu công nghiệp Hoàng Mai II, quy mô 334,79ha. Nghệ An cũng hiện có 3 khu công nghiệp đang được nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, đề xuất tài trợ quy hoạch (khu công nghiệp Thọ Lộc B, khu công nghiệp Nghĩa Đàn, khu công nghiệp WHA giai đoạn 3).
Về hạ tầng giao thông, thời gian qua, nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn Nghệ An đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (10,8 km); Đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) Km76+00 - Km83+500 (7,5 km) có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại của thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò. Các dự án trong Khu kinh tế Đông Nam như Đường D4 (dài 7,066 Km), Đường ngang N5 (đoạn 2, dài 6,5 km) góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện tỉnh đang tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An), triển khai thủ tục đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường đi huyện Nam Đàn; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan sớm hoàn thành dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn qua tỉnh Nghệ An); đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng bến số 7, 8 cảng Cửa Lò, một số bến của cảng Vissai Nghi Thiết, khu bến Đông Hồi.
Năm 2023, Nghệ An phấn đấu thu hút từ 100 - 120 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 32.000 - 35.000 tỷ đồng; trong đó, vốn FDI khoảng 500 - 600 triệu USD. Giải pháp được tỉnh đề ra là đổi mới xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa hình thức thực hiện, tăng cường các hoạt động hợp tác, xúc tiến trực tiếp với các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước; hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về xúc tiến đầu tư và chuyên nghiệp hóa các ấn phẩm, tài liệu xúc tiến đầu tư theo chuẩn quốc tế để tạo điểm nhấn quảng bá, giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trước đó, trong năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 91 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 25.481,9 tỷ đồng; điều chỉnh 92 lượt dự án; trong đó, điều chỉnh tổng vốn đầu tư 31 lượt dự án với tổng mức đầu tư tăng 13.160,7 tỷ đồng.
Bình Dương thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án đường cao tốc liên vùng
Ngày 18/5, tại kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Bình Dương khóa X đã thông qua Nghị quyết đầu tư các Dự án hạ tầng kết nối vùng, trong đó có 2 tuyến cao tốc TP.HCM – Chơn Thành (Bình Phước) và đường Vành đai 4, TP.HCM (xây dựng thành đường cao tốc).
Theo Nghị quyết được thông qua Dự án đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành sẽ nối từ TP.HCM đi qua Bình Dương đến Bình Phước.
Ảnh minh họa |
Dự án có chiều dài 60,4 km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 53,3 km. Dự án được xây dựng theo hình thức PPP loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
HĐND tỉnh Bình Dương thống nhất giải phóng mặt bằng theo quy hoạch lộ giới 60 m và đầu tư thành đường cao tốc với quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp (bao gồm cả các nút giao).
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 16.196 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 7.388 tỷ đồng, chi phí xây lắp là 8.808 tỷ đồng.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Bình Dương cũng thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM (đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn). Dự án có tổng chiều dài 47,8 km được xây dựng thành đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h.
Dự án có tổng mức đầu tư 18.247 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức PPP loại hợp đồng BOT. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2026.
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cầu UBND tỉnh, các sở ngành, huyện, thị xã tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị phấn đấu cuối năm 2023 hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 13, tháng 6/2023 khởi công đường Vành đai 3; cuối năm 2023 khởi công đường Vành đai 4. Đến đầu năm 2024 khởi công đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang dồn toàn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện một số tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh và đến năm 2030 phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nội tỉnh và kết nối vùng với các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt.
Đầu tư 2.270 tỷ đồng vốn ngân sách nâng cấp Quốc lộ 4A qua địa phận tỉnh Cao Bằng
Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp Quốc lộ 4A đoạn từ thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh đến thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng (Km234-Km277), tỉnh Cao Bằng.
Dự án có điểm đầu tuyến tại Km234 (giao với Quốc lộ 34 tại Km260+00) tại trung tâm thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; điểm cuối tuyến tại Km277 (giao với Đường Hồ Chí Minh tại Km7+00) thuộc thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Một đoạn Quốc lộ 4A qua Cao Bằng. |
Hướng tuyến cơ bản bám theo hướng tuyến cũ, riêng các đoạn: Km234+00-Km235+400 (qua thị trấn Trà Lĩnh), Km247+580-Km248+200 nghiên cứu chỉnh tuyến đi tránh khu đông dân cư; các đoạn: Km262+150-Km236+300, Km263+800-Km264+350, Km272+600-Km275+250 nghiên cứu chỉnh tuyến cục bộ để cải thiện yếu tố hình học.
Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị đầu tư nâng cấp tuyến đường thuộc Dự án cơ bản đạt đường cấp III-IV miền núi, 2 làn xe.
Được biết, đoạn tuyến thuộc Dự án có đi qua khu công viên địa chất toàn cầu từ Km270+500 đến Km 272+000 (có dốc dọc tự nhiên lớn 12%-13%, bên trái tuyến là phạm vi công viên địa chất toàn cầu không thể đào lấn taluy dương, bên phải là phạm vi mái taluy âm rất khó khăn cho việc mở rộng nền, mặt đường bằng biện pháp đắp thông thường).
Do vậy, Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị giữ nguyên yếu tố mặt bằng tuyến, chỉ mở rộng nền mặt đường đảm bảo quy mô đường cấp III miền núi; tạm thời dự kiến sử dụng kết tường chắn công son để mở rộng quy mô mặt cắt ngang nhằm tránh ảnh hưởng đến công viên địa chất toàn cầu.
Nếu Dự án được chấp thuận đầu tư, trong các bước tiếp theo sẽ nghiên cứu thêm các phương án: tuyến tránh hoặc chỉnh trang nền mặt đường hiện trạng để lựa chọn phương án tối ưu, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến công viên địa chất, vừa đảm bảo về yếu tố kỹ thuật.
Với quy mô đầu tư như trên Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.270 tỷ đồng, dự kiến huy động từ Ngân sách nhà nước (từ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2025-2030 và nguồn vốn bổ sung, tiết kiệm hoặc dư của kế hoạch đầu tư công, nguồn vốn hợp pháp khác).
Nếu được phê duyệt chủ trương, Cục Đường bộ Việt Nam phấn đấu khởi công Dự án trong quý I/2024; hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng khoảng 24 tháng kể từ ngày khởi công.
Được biết, sau khi cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được đầu tư, đưa vào khai thác, việc kết nối cao tốc với khu vực phía tây của tỉnh Cao Bằng sẽ là điểm nghẽn giao thông, vì ngay từ điểm cuối của cao tốc là đoạn qua Trà Lĩnh Km234-Km277, Quốc lộ 4A chỉ đạt đường cấp V miền núi (trong khi phía đông đã cơ bản đạt cấp IV miền núi). Tuyến QL.4A được khai thác từ lâu, nhiều đoạn thiết kế châm chước về yếu tố hình học (như bán kính đường cong nằm nhỏ, đoạn chêm đường cong ngược chiều ngắn, dốc dọc lớn, khuất tầm nhìn, cầu hẹp), cục bộ một số vị trí mất an toàn giao thông cho các phương tiện khổ lớn tham gia, nhất là các xe tải lớn, xe container, xe chở khách...
Bên cạnh đó, đây còn là tuyến đường kết nối 2 cửa khẩu lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh và cửa khẩu chính Sóc Giang) và nằm trên tuyến đường vành đai kết nối hầu hết các cửa khẩu trọng điểm của tỉnh Cao Bằng. Vì vậy nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường là rất lớn, tạo tính linh động, chủ động trong việc chuyển đổi phạm vi xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các cửa khẩu, kết nối rộng lớn theo phạm vi ưu tiên phát triển biên giới với Trung Quốc (Đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam).
Quảng Ngãi cấp chủ trương đầu tư cho 2 dự án lớn tại Khu kinh tế Dung Quất
Theo Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, trong 4 tháng đầu năm 2023, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư và điều chỉnh tăng vốn cho các Dự án với tổng số vốn đăng ký cấp khoảng 1,281 tỷ USD, đạt 854% kế hoạch năm 2023, tăng gấp 10 lần so với cả năm 2022.
Theo đó, Ban Quản lý cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 2 dự án gồm: Nhà máy sản xuất thép dây cuộn chất lượng cao Hòa Phát Dung Quất (Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất làm chủ đầu tư) và dự án Nhà máy sản xuất vải Sedo - Dung Quất (Công ty TNHH Sedo Camping làm chủ đầu tư). Tổng vốn đăng ký của 2 dự án này khoảng 167 triệu USD.
Khu Kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi được xem là đầu tàu kinh tế, trung tâm Công nghiệp nặng tại miền Trung |
Được biết, Nhà máy sản xuất thép dây cuộn chất lượng cao Hòa Phát Dung Quất do Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất làm chủ đầu tư, có mục tiêu sản xuất thép dây cuộn chất lượng cao, cuộn thép hình chất lượng cao; công suất thiết kế: 500.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng, tương đương 135,3 triệu USD; diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 120.507m2, được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. Dự kiến khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 267 người lao động, chủ yếu là động người địa phương và khu vực lân cận.
Ngoài ra, Ban Quản lý điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án, gồm: Nhà máy chế biến thủy hải sản đông lạnh xuất nhập khẩu; Kho chứa và khu vực phân phối các sản phẩm hóa dầu; Nhà máy sản xuất, gia công và lắp ráp bộ dây, cáp điện trong ô tô; Trung tâm Thương mại và Dịch vụ Phú Trường; nhà máy chế tạo thiết bị phụ trợ và bãi đỗ phương tiện vận tải; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất; Cấp nước thô cho Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất - tỉnh Quảng Ngãi, với tổng vốn điều chỉnh tăng khoảng 1,114 tỷ USD.
Như vậy, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045, tình hình thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có sự khởi sắc mạnh mẽ. Thu hút vốn đầu tư trong 4 tháng đầu năm 2023 gấp 10 lần so với cả năm 2022 (1,281 tỷ USD/125,14 triệu USD).
Lũy kế đến nay, tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 347 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 18,556 tỷ USD; trong đó có 58 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,85 tỷ USD và 289 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký tương đương 16,71 tỷ USD. Có 249 dự án đi vào hoạt động.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, bước vào năm 2023, tỉnh xác định tập trung thu hút các dự án đầu tư có chất lượng theo danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, ưu tiên xúc tiến đầu tư nước ngoài tại các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư ở các nước có nền công nghiệp hiện đại đáp ứng nhu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững.
FPT động thổ dự án hơn 2.000 tỷ tại tỉnh Bình Định
Ngày 19/5, FPT Software (Công ty thành viên của Tập đoàn FPT) vừa tổ chức Lễ động thổ Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software tại thung lũng Quy Hòa, khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Các đại biểu thực hiện nghi thức tại Lễ động thổ Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software. |
Phát biểu tại lễ động thổ, ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định được biết đến là vùng đất đầy tiềm năng và triển vọng, nhiều nhà đầu tư lớn có uy tín trong nước và quốc tế đã và đang lựa chọn Bình Định làm điểm đến đầu tư.
Theo ông Giang, trong những năm qua tỉnh đã đầu tư xây dựng phát triển Khu đô thị khoa học Quy Hòa, một khu đô thị đa chức năng đầu tiên của Việt Nam. Với Dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software một lần nữa cho thấy sự thành công bước đầu của Khu đô thị khoa học Quy Hòa. Đây chính là hướng phát triển phù hợp với chủ trương của tỉnh để phát triển khoa học giáo dục và công nghệ.
Dự án này cũng sẽ là mảnh ghép còn thiếu để góp phần hoàn chỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Khu đô thị khoa học Quy Hòa và góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT cho biết, với tầm nhìn và chiến lược của tỉnh và thế mạnh của tập đoàn, FPT đã lựa chọn Bình Định đầu tư để đưa Bình Định trở thành trung tâm đào tạo và khoa học công nghệ thế giới. Tổ hợp khoa học công nghệ này sẽ là điểm đến của hàng chục nghìn nhân lực công nghệ, trong đó sẽ có hàng nghìn nhân sự công nghệ đến từ các quốc gia Đông Âu, Ấn Độ …
“Chúng tôi kỳ vọng, Dự án sẽ góp phần thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao về với Bình Định. FPT cam kết dành mọi nguồn lực để đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án ở mức cao nhất, cũng như sẽ đưa những người giỏi nhất của FPT về đây. Tôi tin rằng với sự hỗ trợ của tỉnh, FPT sẽ tạo ra được một môi trường học tập, làm việc tốt nhất và hạnh phúc nhất cho học sinh, sinh viên và người dân Bình Định”, ông Khoa đề cập.
Ngày 5/2/2023, FPT Software đã chính thức nhận Giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ tại Quy Nhơn với tổng số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Tổ hợp công nghệ này sẽ là nơi làm việc, nghiên cứu phát triển, học tập của 20.000 nhân sự công nghệ góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương cũng như thu hút nhân lực quốc tế hướng đến mục tiêu đưa Quy Nhơn thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, vào tháng 6/2020, Tập đoàn FPT cũng đã ký kết hợp tác với Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới Mila trong vòng 3 năm (2020-2023).
Một trong những mục tiêu quan trọng của hợp tác này là dựa trên sự tư vấn và bề dày kinh nghiệm của Mila, hai bên sẽ xây dựng và phát triển Trung tâm Nghiên cứu AI hàng đầu thế giới tại Quy Nhơn.
Dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo của FPT tại Quy Nhơn có quy mô khoảng 94 ha với tổng mức đầu tư hơn 4.362 tỉ đồng. Dự án bao gồm các công trình như Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyên sâu trí tuệ nhân tạo, cơ sở sản xuất sản phẩm phần mềm và các công trình phụ trợ khác.
Hải Phòng có thêm 4 dự án mới
Hai Dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trao giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng II.
Đó là Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng Starcharge của nhà đầu tư Starcharge Energy Pte.Ltd. (Singapore), sẽ cung cấp các sản phẩm trạm sạc xe điện một chiều và trạm sạc xe điện xoay chiều, thiết bị lưu trữ điện, với công suất 273.000 sản phẩm/năm, 100% xuất khẩu. Dự án có tổng vốn đầu tư 330,96 tỷ đồng (tương đương 14 triệu USD), quy mô sử dụng đất 1,4 ha, dự kiến hoàn thành vào quý I/2024 và vận hành chính thức từ quý II/2024.
Tiếp đến là Dự án HW Energy của nhà đầu tư HW International Investment Holdings Pte.Ltd, sản xuất pin alkaline và pin kẽm-carbon, với công suất 34 tấn sản phẩm/năm, xuất khẩu 100%. Với tổng vốn đầu tư hơn 1.161,95 tỷ đồng (tương đương 49,55 triệu USD), triển khai trên diện tích 5,5 ha, Dự án dự kiến khởi công trong quý IV/2023, hoàn thành xây dựng quý III/2024 và vận hành chính thức từ quý I/2025.
Tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Dự án Thingking Electronics Việt Nam của nhà đầu tư Thinking Electronic Industrial Co., Ltd cũng được trao giấy chứng nhận đầu tư trong dịp này. Dự án nhằm sản xuất linh kiện điện tử, với tổng vốn đầu tư 27 triệu USD, sử dụng 4 ha đất.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho rằng, các dự án thứ cấp thuộc lĩnh vực điện tử, năng lượng được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dịp này có ý nghĩa quan trọng nhằm chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng và các sự kiện lớn trong năm 2023 của Thành phố.
“TP. Hải Phòng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và thành công của các nhà đầu tư là thành công của Thành phố. Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ là chỗ dựa quan trọng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tới đầu tư, góp phần đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng của cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị”, ông Kiên nhấn mạnh.
Ngoài 3 dự án đầu tư nước ngoài nêu trên, TP. Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thực hiện.