Đó là những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Bạc Liêu giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp
Mặc dù hết tháng 9/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt trên 32%, nhưng tỉnh Bạc Liêu phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 95-100%.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, tính đến ngày 23/9/2021, Tỉnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 được 1.071.577/3.330.348 triệu đồng, đạt tỷ lệ 32,18%. Trong đó, đối với nguồn ngân sách địa phương, gồm: vốn cân đối ngân sách theo tiêu chí định mức giải ngân được 353.607,7/396.550 triệu đồng, đạt tỷ lệ 89,17% kế hoạch; nguồn thu sử dụng đất giải ngân được 73.432/1.40.000 triệu đồng, đạt 52,45% kế hoạch; vốn xổ số kiến thiết giải ngân được 385.640/1.400.000 triệu đồng, đạt tỷ lệ 27,55% kế hoạch; bội chi ngân sách địa phương giải ngân được 28.290/286.600 triệu đồng, đạt tỷ lệ 9,87%.
Đối với ngân sách Trung ương hỗ trợ, gồm: nguồn vốn hỗ trợ mục tiêu giải ngân được 178.842/842.424 triệu đồng, đạt tỷ lệ 21,23% kế hoạch; vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân được 51.784/264.774 triệu đồng, đạt tỷ lệ 19,56% kế hoạch.
Lý giải nguyên nhân giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đạt tỷ lệ thấp, theo UBND tỉnh Bạc Liêu là do trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các nhà thầu xây dựng ngoài tỉnh đi lại hết sức khó khăn, không huy động được nhân lực. Bên cạnh đó, diễn biến bất lợi của thời tiết (mùa mưa diễn ra sớm hơn so với hàng năm); giá nguyên liệu xây dựng tăng cao liên tục, nguồn cung ứng vật tư hạn chế; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án bồi thường, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích... Một số Dự án như: “Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Bạc Liêu” (vay vốn WB) còn vướng thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư. Thêm nguyên nhân nữa là đơn vị tư vấn, thi công còn nhiều hạn chế về năng lực, tài chính….
Từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 95-100% theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ đề ra.
Để đạt được chỉ tiêu trên, UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các chủ đầu tư cần tập trung nguồn lực, nhân lực, chỉ đạo các đơn vị có liên quan đến đầu tư xây dựng khắc phục mọi khó khăn, sớm hoàn thiện các hồ sơ có liên quan để tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công đối với dự án khởi công mới trong năm 2021. Tập trung nhân công, thiết bị, vật tư để đẩy nhanh tiến độ đối với các gói thầu đang thực hiện, khi có khối lượng cần hoàn thiện hồ sơ để thanh toán sớm cho các nhà thầu nhằm giảm áp lực về tài chính trong tình hình khó khăn hiện nay.
Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư phải theo dõi sát tình hình, báo cáo tiến độ triển khai thực hiện dự án, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc đến các Sở, ngành có liên quan và UBND Tỉnh để tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng nhằm bảo đảm tiến độ dự án.
UBND tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu các Sở, ngành có liên quan cần khẩn trương xử lý ngay những nội dung liên quan đến dự án thuộc lĩnh vực ngành mình phụ trách, cập nhật số liệu giải ngân để kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền. Không cho phép nhà thầu đang có hợp đồng vị phạm quy định về tiến độ, thời gian lập hồ sơ thanh, quyết toán tham gia đấu thầu dự án mới. Kiên quyết không phê duyệt kế hoạch đấu thầu đối với những gói thầu chưa có mặt bằng sạch, không bố trí đủ vốn và không điều chỉnh đơn giá nhân công, xe máy, tổng mức đầu tư đối với các công trình trễ tiến độ do lỗi của chủ đầu tư và nhà thầu…
Đầu tư 2.160 tỷ đồng nâng tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy
Có 9 cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia thuộc các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long sẽ được đầu tư nâng tĩnh không.
Cầu Mỏ Cày qua kênh Mỏ Cày - Bến Tre. |
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1758/QĐ - BGTVT phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) trên địa bàn các tỉnh/thành phố: Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long.
Dự án có mục tiêu nâng cấp các cầu chưa đảm bảo về tĩnh không thông thuyền trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia khu vực phía Nam trên các hành lang vận tải quan trọng để đảm bảo khai thác đồng bộ về vận tải đường thủy trên toàn tuyến, phù hợp với hiện trạng khai thác tuyến luồng, nhu cầu phát triển phương tiện vận tải thủy, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tới Tp HCM, tới các cụm cảng biển khu vực Đông Nam Bộ và ngược lại.
Cụ thể, Dự án sẽ xây dựng mới 9 cầu gồm: Mỏ Cày qua kênh Mỏ Cày; Ô Môn, Thới Lai qua rạch Ô Môn; Đông Thuận, Đông Bình qua kênh Thị Đội – Ô Môn; Vàm Xáng - Thị Đội qua kênh Thốt Nốt; Sa Đéc (Nàng Hai) qua kênh Lấp Vò - Sa Đéc; Hồng Ngự qua kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng và cầu Mộc Hóa qua sông Vàm Cỏ Tây.
Dự án cũng đồng thời tiến hành cải tạo nâng tĩnh không 1 cầu Giồng Găng qua kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng; tháo dỡ, thanh thải cầu Măng Thít cũ trên Quốc lộ 53 qua sông Măng Thít.
Theo phê duyệt của Bộ GTVT, các cầu qua kênh cấp III đường thủy nội địa khổ thông thuyền là 30m x 6m; cầu qua kênh cấp IV đường thủy nội địa có khổ thông thuyền 24mx6m; riêng câu Sa Đéc (Nàng Hai) trên tuyến kênh Lấp Vò - Sa Đéc có khổ thông thuyền ≥30m x 7m để đồng bộ với các cầu xây mới trên tuyến.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 2.160 tỷ đồng được đầu tư từ Ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2022 đến năm 2025, trong đó giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến bố trí khoảng 1.944 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ GTVT giao Ban Quản lý các dự án đường thủy chịu trách nhiệm tiếp thu ý kiến cua các cơ quan, đơn vị liên quan và ý kiến thẩm định để tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định hiện hanh, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Chưa thể đóng mạch toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào cuối năm 2025 vì thiếu vốn
Còn 215 km đường Hồ Chí Minh, đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn; Đoan Hùng - Chợ Bến; Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận vẫn chưa tìm được vốn đầu tư.
Đây là một trong những thông tin đáng chú ý nhất trong công văn số 10469/BGTVT – KHĐT vừa được Bộ GTVT gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về Dự án đường Hồ Chí Minh năm 2021.
Một đoan đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan. |
Tại công văn này, Bộ GTVT cho biết là ngày 28/7/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó Bộ GTVT được phân bổ 304.104,741 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (273.427,8 tỷ đồng vốn trong nước và 30.676,941 tỷ đồng vốn nước ngoài).
Với việc bố trí vốn như trên, trên tuyến đường Hồ Chí Minh, ngoài việc cân đối bố trí vốn cho các dự án đang thực hiện dở dang, Thủ tướng Chính phủ đã cân đối bố trí vốn để khởi công mới Dự án thành phần đoạn Hòa Liên - Túy Loan (tổng mức đầu tư 2.296 tỷ đồng); đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (tổng mức đầu tư 6.964 tỷ đồng) để tiếp tục triển khai theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội về Dự án đường Hồ Chí Minh.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, sau khi bố trí đầy đủ vốn xử lý các khoản nợ đọng thuộc trách nhiệm của ngân sách Nhà nước, hoàn ứng kế hoạch và các dự án chuyển tiếp (tổng số 146.922,815 tỷ đồng), số vốn được phân bổ còn lại chỉ đủ để đầu tư nối thông toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và một số tuyến cao tốc quan trọng khác theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ưu tiên bố trí khoảng 120.000 tỷ đồng) và một số rất ít các dự án mang tính động lực, một số công trình cấp bách, điểm nghẽn thuộc các chuyên ngành giao thông khác.
Do vậy, các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh, gồm các đoạn Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn; phần còn lại của đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận và đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến với tổng chiều dài 215 km cũng như nhiều công trình cấp bách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các dự án đã có ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ chưa cân đối được nguồn vốn để đầu tư trong giai đoạn này.
Đối với 215 km đường Hồ Chí Minh chưa cân đối được vốn, Bộ GTVT cho biết là các đoạn tuyến nêu trên đều đã có các tuyến quốc lộ khác song hành hoặc đảm bảo kết nối các điểm khống chế; nhu cầu vận tải trên tuyến chỉ tăng cao tại một số vị trí qua khu vực đô thị và đoạn đi trùng với quốc lộ hiện hữu.
Căn cứ nhu cầu vận tải trên tuyến, điều kiện nguồn lực, Bộ GTVT đã hoàn thành đầu tư trước một số phân đoạn như đoạn Chợ Mới - Chợ Chu, đoạn Phú Hộ - Trung Hà, đoạn Bến Nhất - Gò Quao, các phân đoạn còn lại sẽ kiến nghị đầu tư khi điều kiện nguồn lực cho phép.
Riêng đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến được dự kiến đầu tư theo hình thức BOT nhưng theo nghiên cứu sơ bộ, việc đầu tư theo hình thức BOT là không khả thi do hiện tại có Quốc lộ 2 và Quốc lộ 21A song hành, mặt khác do có thay đổi về cơ chế, chính sách nên phương án đặt trạm thu phí trên đường hiện hữu để kết hợp thu phí là không phù hợp.
“Đối với các đoạn tuyến chưa được nối thông, trước mắt Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị có liên quan tăng cường duy tu các tuyến quốc lộ song hành để đảm bảo kết nối và khai thác an toàn, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động nguồn vốn phù hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ thông tin.
Tại công văn số 10469, Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn để triển khai các dự án: Chợ Mới - ngã ba Trung Sơn tỉnh Tuyên Quang; phần còn lại của đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận thuộc các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu.
Do nguồn lực đầu tư hết sức hạn hẹp nên Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội, đối với đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến do nhu cầu vận tải chưa cao, hiện tại đã có Quốc lộ 2 và Quốc lộ 21A song hành đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải trong khu vực nên sẽ xem xét đầu tư theo quy mô đường cao tốc tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, dự kiến trong giai đoạn sau năm 2025.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cho biết là theo Nghị quyết số 66/2013/QH13, sau năm 2020 nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt, hiện nay có đoạn Cam Lộ - Hòa Liên và Chơn Thành - Đức Hòa đang đầu tư theo phương án phân kỳ giai đoạn 1 đáp ứng cho 2 làn xe, vì vậy việc tiếp tục nghiên cứu để đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch đường cao tốc sẽ thực hiện trong giai đoạn sau năm2025 trên cơ sở nhu cầu vận tải trên tuyến và khả năng nguồn lực.
Long An trao quyết định thành lập KCN Nam Tân Tập và 10 dự án đầu tư
UBND tỉnh Long An vừa tổ chức trao Quyết định thành lập KCN Nam Tân Tập và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án tiêu biểu trong các KCN trên địa bàn Tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được (thứ 3 trái sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út (thứ 3 phải qua) trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư. |
Theo đó, Khu công nghiệp Nam Tân Tập được thành lập theo Quyết định số 9267/QĐ-UBND ngày 22/9/2021 của UBND tỉnh Long An, do Công ty TNHH Saigontel Long An, thành viên trực thuộc Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn – Saigontel làm chủ đầu tư, toạ lạc tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, có quy mô diện tích 244.74 ha, với tổng mức đầu tư hơn 2.590 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm kể từ ngày quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Cũng tại buổi Lễ, UBND tỉnh Long An đã tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án tiêu biểu trong các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh, gồm 4 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tổng vốn đăng ký đầu tư trên 68,3 triệu USD và 6 dự án có vốn đầu tư trong nước có tổng vốn đăng ký trên 4.426 tỷ đồng.
Cụ thể, các dự án FDI gồm: Dự án DH Logistics Network Việt Nam của Công ty TNHH DH Logistics Network Việt Nam, thuộc Tập đoàn Daiwahouse (Nhật Bản), có tổng vốn đầu tư đăng ký 29.921.500 USD; dự án Đầu tư sản xuất sợi và dệt vải của Công ty TNHH Allmed Medical Textile (Việt Nam) – Trung Quốc, có tổng vốn đầu tư 20.000.000 USD; dự án SLP Park Xuyên Á của Công ty TNHH Sea Fund I Investment 5PTE- Singapore, có tổng vốn đầu tư 10.800.000 USD; dự án Nhà máy sản xuất màng nhựa các loại của Công ty TNHH Kinfilm Vina- Singapore, tổng vốn đầu tư 7.600.000 USD.
Các dự án có vốn đầu tư trong nước gồm: Dự án kho xưởng cho thuê của Công ty CP Khu công nghiệp Tân An Thạnh - Long An, có tổng vốn đầu tư 1.106,96 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất vải may mặc Thái Tuấn của Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn, tổng vốn đầu tư 1.799,64 tỷ đồng; dự án Nhà máy may công nghệ cao Thái Tuấn của Công ty CP Del Tech, tổng vốn đầu tư 580 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất thép của Công ty CP Asiasteel, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng; dự án Nhà máy CP HLDI của Công ty CP HLDI, tổng vốn đầu tư 240 tỷ đồng và dự án Nhà xưởng sản xuất găng tay y tế của Công ty CP găng tay Amy LA, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi Lễ, Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An cho rằng, để thực hiện khát vọng đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Long An đang khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong định hướng của quy hoạch thì doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là “chủ thể” đồng thời vừa là “khách thể”, song hành trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
"Với phương châm xuyên suốt “luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của Tỉnh, thành công của doanh nghiệp là thành công của Tỉnh”, chính quyền Long An và cộng đồng doanh nghiệp đã, đang và sẽ mãi đồng hành, gắn kết chặt chẽ với nhau. Một lần nữa, tỉnh Long An khẳng định rất trân trọng và luôn sẵn sàng chào đón, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư an - phát tại Long An.
Trong thời gian tới, Tỉnh cam kết rằng: tính công tâm, công khai, minh bạch sẽ được tăng cường, tính kỷ luật, kỷ cương sẽ siết chặt và công tác kiểm tra, giám sát sẽ thực hiện thường xuyên, nhất là trong khâu hỗ trợ giải quyết kịp thời, nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tạo điều kiện phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi vì doanh nghiệp phát tài thì địa phương phát triển; trong thành công của doanh nghiệp có nghĩa vụ của chính quyền, trong thất bại của doanh nghiệp có trách nhiệm của chính quyền”, ông Nguyễn Văn Được chia sẻ.
Miền Trung chủ động cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công
Hàng chục dự án có vốn đầu tư công ở miền Trung có tên trong danh sách điều chuyển vốn, ở một số dự án không đảm bảo tiến độ giải ngân, chủ đầu tư đề xuất được cắt vốn.
Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi bố trí 40 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi khác để thực hiện một số dự án khắc phục thiên tai trên địa bàn, trong đó có Dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai miền Trung - tỉnh Quảng Ngãi. Đến giữa tháng 8/2021, Dự án chỉ giải ngân khoảng 12 tỷ đồng, khả năng tổ chức thi công để giải ngân hết nguồn vốn bố trí trong những tháng còn lại khó đạt, nên chủ đầu tư đã kiến nghị UBND tỉnh được cắt giảm 8 tỷ đồng.
Tuyến đường D2 trung tâm huyện Sơn Tịnh là một trong những dự án phải cắt giảm vốn đầu tư đã bố trí. |
Tương tự, tại các dự án Đường Phổ Ninh - Ba Khâm; Đường vành đai Tây Bắc thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn); Xây dựng khu tái định cư và cấp nước sinh hoạt cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), chủ đầu tư cũng xin điều chỉnh giảm tổng cộng gần 16 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, tại Quảng Ngãi, có nhiều dự án khởi công mới được bố trí vốn từ nguồn thu quỹ đất cũng không thực hiện được và UBND tỉnh phải thực hiện cắt giảm vốn. Chẳng hạn, Dự án Hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của TP. Quảng Ngãi được phân bổ 50 tỷ đồng trong năm 2021, nhưng không đảm bảo kế hoạch khởi công, nên UBND tỉnh cắt toàn bộ số vốn này...
Trước thực trạng các dự án không giải ngân được nguồn vốn đã bố trí, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của các dự án, với số tiền gần 83 tỷ đồng từ nguồn xây dựng cơ bản để bố trí cho các dự án đã giải ngân hết vốn, thi công vượt tiến độ.
Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Nam, trong tháng 7/2021, đã trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung kế hoạch vốn năm 2021 theo hướng điều chỉnh giảm kế hoạch vốn các dự án giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
“Trong tháng 7 và tháng 8/2021, tỉnh Quảng Nam đã rà soát, điều chuyển hơn 200 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh để bổ sung cho các dự án đã quyết toán, hoàn thành và các dự án đang triển khai đã có khối lượng, có nhu cầu giải ngân vốn”, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Trí Thanh cho biết.
Theo ông Thanh, để đạt mục tiêu giải ngân 95-100% vốn đầu tư công năm 2021, tới đây, UBND tỉnh sẽ tiếp tục điều chuyển, cắt giảm vốn theo lộ trình đối với các dự án chậm tiến độ. UBND tỉnh sẽ xem xét, xử lý kỷ luật với các chủ đầu tư, cá nhân thiếu trách nhiệm, gây chậm trễ trong giải ngân vốn của các dự án; lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu, tập thể, cá nhân các ngành, địa phương, đơn vị.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng vừa trình HĐND tỉnh việc điều chỉnh vốn đầu tư công năm 2021. Dự kiến, tỉnh sẽ giảm 440,354 tỷ đồng nguồn vốn cấp tỉnh với các dự án bị vướng do thủ tục đầu tư chậm, không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn, dự án hết nhiệm vụ chi, dự án có vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp.
Với nguồn vốn từ ngân sách trung ương, vốn ODA, Khánh Hòa sẽ giảm vốn ở dự án bị vướng giải phóng mặt bằng, không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2021. Tính lũy kế, nguồn vốn ODA được tỉnh này chuyển lại Trung ương từ đầu năm 2021 đến nay là hơn 403 tỷ đồng.
Chính thức trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt
Sẽ có 9 tuyến đường sắt được đầu tư mới trong 10 năm tới, trong đó có tuyến Thủ Thiêm - Sân bay Long Thành dài 38 km, đường đôi, khổ 1.435 mm, chỉ phục vụ hành khách.
Theo thông tin của baodautu.vn, Bộ GTVT vừa có Tờ trình số 10618/TTr – BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sẽ có 2 phân đoạn thuộc tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được đầu tư trong 10 năm tới. |
Trong tờ trình mới nhất này, Bộ GTVT cho biết là đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2021, Hội đồng thẩm định quy hoạch đã họp thông qua nội dung quy hoạch với 30/30 phiếu thông qua. Báo cáo thẩm định đã được Chủ tịch Hội đồng ký ban hành tại văn bản số 69/BC-HĐTĐQH ngày 13/7/2021.
Theo dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình kèm theo Tờ trình số 10628, đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt đạt 11,8 triệu tấn (gấp 2,3 lần so với năm 2019), chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần 4,4%, trong đó đường sắt quốc gia là 21,5 triệu khách (gấp 2,7 lần năm 2019). Khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 7,35 tỷ tấn.km, chiếm thị phần khoảng 1,38%; hành khách 13,8 tỷ khách.km, chiếm thị phần 3,55%.
Trong giai đoạn 2021 - 2020 sẽ đầu tư nâng cấp, cải tạo đảm bảo an toàn 7 tuyến đường sắt hiện hữu; triển khai đầu tư 2 đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam (đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang – TP.HCM); ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa -Vũng Tàu; kết nối TP.HCM với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.
Trong giai đoạn đến năm 2050 sẽ hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối Tp HCM, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt xuyên Á. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến tuyến đường sắt hiện hữu đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.
Quy hoạch mạng lưới đường sắt đến 2050 đang được trình duyệt về cơ bản không có nhiều thay đổi so vơi quy hoạch được duyệt tại Quyết định 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó mạng đường sắt cả nước bao gồm 7 tuyến chính hiện có, 18 tuyến xây dựng mới (giảm 3 tuyến so với quy hoạch trước đây; cắt giảm chiều dài 1 tuyến) và các tuyến kết nối vào các cảng, khu công nghiệp, khu kinh tế.
Đồng thời, trên cơ sở dự kiến phân bổ nguồn lực đầu tư, quy hoạch lần này đề xuất giãn lộ trình đầu tư tư 2030 sang tầm nhìn 2050 đối với 8 tuyến; chuyển tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành hiện có trong quy hoạch GTVT TP.HCM vào quy hoạch này.
Đối với kết nối quốc tế, bên cạnh phương án quy hoạch kết nối đường sắt Việt Nam - Campuchia qua cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước), quy hoạch lần này đề xuất xem xét thêm phương án kết nối qua cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh).
Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt khoảng 240.000 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Mức đầu tư cho đường sắt này đạt 3,5 - 4,5% GDP, bảo đảm tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn nhà nước hợp lý cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt trong cơ cấu tổng nguồn vốn của ngành GTVT để thực hiện mục tiêu quy hoạch đến năm 2030 (nhất là mục tiêu triển khai đầu tư hai đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam).
Hưng Hà (Thái Bình): 5 doanh nghiệp đăng ký đầu tư và nghiên cứu, tài trợ đồ án quy hoạch
Huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) vừa ký kết với 5 nhà đầu tư vào địa bàn huyện và nghiên cứu, tài trợ đồ án quy hoạch.
Chiều ngày 12/10/2021, huyện Hưng Hà đã tổ chức Hội nghị ký kết với 5 nhà đầu tư với 17 triệu USD và trên 25 tỷ đồng tiền tài trợ quy hoạch.
Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà Nguyễn Xuân Dương ký cam kết tài trợ quy hoạch với các nhà đầu tư |
Theo đó, Tập đoàn Hưng Hải - Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại 18: Tài trợ kinh phí lập quy hoạch Khu đô thị Hưng Hải và nghiên cứu, lập Dự án đầu tư Nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tiến Đức và xã Hồng An, huyện Hưng Hà, với diện tích đất dự kiến 71 ha.
Công ty cổ phần bất động sản Trung Việt, địa chỉ Lô TT-01, Khu đô thị Phú Lương, quận Hà Đông, TP. Hà Nội: Nghiên cứu và tài trợ sản phẩm đồ án quy hoạch phân khi tỷ lệ 1/2000 cụm công nghiệp Bắc Sơn, huyện Hưng Hà.
Công ty TNHH Dệt nhuộm xuất khẩu Thăng Long - Lô A1, Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, phường Trần Hưng Đạo, TP. Thái Bình: Nghiên cứu và tài trợ đồ án quy hoạch chung nông thôn xã Văn Lang huyện Hưng Hà, giai đoạn 2021 - 2030.
Ông Trần Viết Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư QH Land, chủ đầu tư hạ tầng cụm Công nghiệp Hưng Nhân (phần mở rộng) ký kết bản ghi nhớ với 2 nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư sản xuất tại cụm công nghiệp. Đó là Công ty TNHH Innoflow Vina ký cam kết đầu tư nhà máy sản xuất đồ chơ thú nhồi bông, với tổng đầu tư 9 triệu USD và Công ty Cổ phần CH Việt Nam, đầu tư nhà máy sản xuất phở khô và cô, ly, bát bằng giấy xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với tổng đầu tư 8 triệu USD.
Đây là kết quả đang khích lệ với địa phương, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong huyện phải giảm sản lượng, tạm dừng một phần sản xuất, giảm giờ làm, hàng tồn kho nhiều; bị giãn đơn hàng... ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp cũng như việc làm, thu nhập của công nhân lao động.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư huyện ủy Hưng Hà Trần Hữu Nam cho biết: Để phát huy tiềm năng, lợi thế, huyện Hưng Hà kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân ở mọi miền Tổ quốc và các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại đây; khuyến khích các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, suất đầu tư lớn, giá trị sản xuất cao, thân thiện với môi trường. Chúng tôi cam kết tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thu hút các dự án đầu tư vào huyện theo thẩm quyền, đồng hành cùng với doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, phối hợp xây dựng văn hóa doanh nghiệp, ứng dụng thông tin trong quản lý, điều hành.
Được biết, trước đó UBND tỉnh Thái Bình và huyện Hưng Hà chấp thuận Dự án đầu tư Sân Golf khoảng 100 ha.
Huyện Hưng Hà (Thái Bình) hiện có 8 cụm công nghiệp, 53 làng nghề, 4 xã nghề, 44 dự án, hơn 500 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh với 30.000 công nhân lao động. Trong đó có 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 13 doanh nghiệp có công nhân, chuyên gia nước ngoài góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Ninh Thuận kêu gọi đầu tư vào Dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná
Dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận có tổng kinh phí đầu tư dự kiến hơn 4.419 tỷ đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận vừa ra thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná, tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam.
Dự án này được UBND tỉnh Ninh Thuận Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 549/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 và Quyết định số 596/QĐ-UBND ngày 8/10/2021 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phê duyệt yêu cầu sơ bộ bề năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná.
Theo đó, Dự án có tổng chi phí thực hiện khoảng hơn 4.419 tỷ đồng (chi phí này không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 71,5 tỷ đồng. Quy mô diện tích đất 64,46 ha. Quy mô dân số khoảng 9.956 dân.
Địa điểm thực hiện dự án: xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (phía Bắc giáp đường ĐT 701; phía Tây giáp Cảng cá Cà Ná; phía Đông giáp kênh dẫn nước đồng muối Cà Ná; phía Nam giáp Khu dân cư hiện hữu Cà Ná).
Mục tiêu đầu tư Dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná nhằm hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo lập một Khu đô thị mới hiện đại phát triển hạ tầng đồng bộ kết nối với khu dân cư hiện hữu tại xã Phước Diêm; giải quyết tốt về nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân với tiêu chuẩn môi trường sống cao trong khu đô thị, góp phần giãn dân trên địa bàn huyện Thuận Nam, nhất là xã Cà Ná và xã Phước Diêm vào khu dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná.
Mục tiêu nữa là nhằm hỗ trợ chức năng, dịch vụ cho khu Cảng biển tổng hợp Cà Ná, cũng như phục vụ một phần nhu cầu làm việc của các doanh nhân, chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, công nhân, người lao động trong Khu Công nghiệp, Cảng biển và khu điện khí LNG.
Về đầu tư xây dựng các công trình trên đất, nhà đầu tư thực hiện việc phát triển dự án đầu tư xây dựng tại mặt tiền các lô đất tiếp giáp trục đường cảnh quan, trục đường là điểm nhấn của đô thị Cà Ná để xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê trước khi được chuyển nhượng (bao gồm đất ở hỗn hợp 1.218 lô và đất ở liền kề 265 lô, các nội dung về diện tích phân lô, số tầng theo đề xuất dự án tại văn bản số 928/BQLDA-QLDA ngày 27/9/2021).
Về đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, nhà đầu tư thực hiện xây dựng 2 hoàn thành các công trình xã hội (Trường mẫu giáo, Trường tiểu học, Trường trung học cơ sở, Trạm y tế, Khu công viên cây xanh, hồ Thiên Nga, công trình văn hóa, bãi xe) và bàn giao các công trình dân dụng này (trừ nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ, nhà biệt thự, công trình hỗn hợp) cho Nhà nước để khai thác và quản lý sử dụng, phục vụ nhu cầu của dân sinh.
Quy mô cụ thể của dự án thực hiện theo Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) Khu đô thị mới Đầm Cà Ná thuộc xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam.
Nhà đầu tư thực hiện Dự án có trách nhiệm xác định khu vực được thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền theo quy định trước khi tổ chức thực hiện dự án theo đúng các quy định của pháp luật về xây dựng, đô thị, quy hoạch và đất đai.
Bên cạnh đó, Dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná còn có diện tích 29.620 m2 xây dựng nhà ở xã hội. Nhà đầu tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình Nhà ở xã hội, trừ trường hợp Nhà nước sử dụng diện tích đất này để giao cho tổ chức khác thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Ba yếu tố cản trở tiến độ giải phóng mặt bằng siêu dự án Sân bay Long Thành
Tiến độ triển khai Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang chậm so với tiến độ được duyệt và kế hoạch vốn được phân bổ.
Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong Báo cáo về tình hình triển khai Dự án cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành vừa được Chính phủ gửi Quốc hội ngày 12/10.
Xây dựng tường rào Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Ảnh: ACV). |
Báo cáo của Chính phủ cho biết, lũy kế giải ngân từ năm 2018 đến đầu tháng 10/2021 tại Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư CHKQT Long Thành do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư mới đạt 10.698,835/22.850 tỷ đồng vốn đã bố trí (tương đương 46,81%).
Diện tích đất đã thu hồi tại Dự án là 1.284,57/2.532 héc-ta (gồm 1.810 héc-ta giai đoạn 1 và 722 héc-ta đất dự trữ phục vụ giai đoạn 1) chỉ đạt 50,7%.
Cụ thể, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, UBND tỉnh Đồng Nai đã huy động mọi nguồn nhân, vật lực để triển khai công tác phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, do vậy ảnh hưởng không nhỏ tới công tác GPMB của Dự án.
Vướng mắc lớn thứ hai là việc tại phạm vi GPMB Dự án có khoảng 1.000 hộ dân đang gặp khó khăn trong xử lý hồ sơ bồi thường (chuyến nhượng, cho tặng bằng giấy viết tay). Điều đáng nói là nếu không giải phóng toàn bộ mặt bằng sạch của giai đoạn 1 theo đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng đến biện pháp thi công tổng thể giai đoạn 1.
Đặc biệt, UBND tỉnh Đồng Nai đang gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện giải trình với Kiểm toán nhà nước theo thông báo số 509/KTNN ngày 31/12/2020, như: điều chỉnh khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; không hỗ trợ chuyển đổi việc làm đối với các đối tượng nhân công, nội trợ; các nhân khâu trong sô hộ khẩu có mối quan hệ gia đình... thì không đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất; giá trị bồi thường, hỗ trợ vườn cây của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai.
“Hiện các nội dung vướng mắc nêu trên đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tổ chức các cuộc họp kiểm điểm tiến độ để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Một tín hiệu tích cực là 3 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng CHKQT Long Thành do Bộ GTVT và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư đang bám sát kế hoạch đề ra.
Tại Dự án thành phần 1 - Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ cho biết là hiện các cơ quan (Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ tài chính) đang thực hiện lập và trình kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư các công trình cơ quan quản lý nhà nước tại CHKQT Long Thành, gồm đồn công an cửu khẩu, Hải quan, Cảng vụ hàng không.
Chính phủ khẳng định, trường hợp được bố trí vốn trung hạn 2021-2025 thì các chủ đầu tư sẽ đầu tư các công trình đảm bảo tiến độ vì đây là các công trình dân dụng thông thường, không phức tạp, thời gian chuẩn bị dự án mất khoảng 6-12 tháng, thời gian thi công khoảng 24 tháng, đảm bảo hoàn thành trong năm 2025.
Đối với Dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay và Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không cũng cơ bản đảm bảo tiến độ theo dự kiến.
Chính phủ cho biết là Bộ GTVT và các đơn vị ngành hàng không xác định hạng mục Đài kiểm soát không lưu và Nhà ga hành khách là hai đường găng của Dự án. Do đó, Bộ GTVT đã yêu cầu VATM – chủ đầu tư Dự án thành phần 2 và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – chủ đầu tư Dự án thành phần 2 phải tập trung đẩy tiến độ công tác chuẩn bị hạng mục này đế không ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành Dự án.
Ngoài ra, các đơn vị cũng xác định đại dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng tới công tác sản xuất, nhập khẩu một số thiết bị chuyên dụng và huy động chuyên gia Tư vấn nước ngoài nên cần chủ động có các giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng này.
Đối với Dự án thành phần 4, Chính phủ cho biết là sau khi ban hành Thông tư về lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ công bố danh mục các dự án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2022, đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2025.
Dự án thành phần 4 - các công trình khác bao gồm các hạng mục dự kiến đầu tư theo hình thức xã hội hóa như: nhà ga hàng hoá số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh (Express cargo), kho giao nhận hàng hoá, khu xử lý vệ sinh tàu bay, khu bảo dưỡng trang thiết bị mặt đất, khu cung cấp suất ăn trên tàu bay, hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu từ cảng đầu nguồn tới ranh giới CHKQT Long Thành, trung tâm điều hành của các hãng hàng không, khu bảo trì tàu bay (Hangar), bệ thử động cơ, khu công nghiệp hàng không, khu logistics hàng không...
“Hàng tháng, Bộ GTVT đã và đang tiếp tục họp chỉ đạo các Chủ đầu tư Dự án thành phần 2 và Dự án thành phần 3 để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc (các vướng mắc về công tác thiết kế; công tác phối hợp, làm việc và đôn đốc địa phương GPMB; công tác bố trí vốn...) nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng vào nửa đầu năm 2025, kịp thời vận hành thử nghiệm và đưa vào khai thác cuối năm 2025”, Chính phủ thông tin.
Đề xuất bỏ chấp thuận đầu tư dự án Nhà ga hành khách sân bay Đồng Hới
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, hiện chưa có các hướng dẫn cụ thể về thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư theo các pháp luật chuyên ngành về hàng không dân dụng.
UBND tỉnh Quảng Bình cho biết đã có kiến nghị về việc không cần thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; và tiến hành giao đất, cho thuê đất theo Luật Đất đai và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đối với Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Đồng Hới tại văn bản báo cáo kết quả rà soát khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cảng Hàng không Đồng Hới, Quảng Bình. |
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng, dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Đồng Hới là dự án đặc thù của ngành hàng không. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể về việc có hay không sự cần thiết của thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo các pháp luật chuyên ngành về hàng không dân dụng.
“Các quy định tại Điều 30,31,32 - Luật Đầu tư không nêu rõ thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với ga hành khách hàng không nội địa. Vì vậy, đối với các dự án này có cần thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hay không? Tại Khoản 2, Điều 156 - Luật Đất đai năm 2013 quy định, Cảng vụ hàng không được UBND cấp tỉnh giao đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch cảng hàng không, sân bay đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phục vụ hoạt động hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay được cấp cho Cảng vụ hàng không.
Cùng với đó, tại Khoản 2 Điều 57 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định: Cảng vụ hàng không được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao đất cảng hàng không, sân bay một lần theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cảng hàng không, sân bay được cấp cho Cảng vụ hàng không. Chưa có sự thống nhất giữa các điều Luật trên”, ông Hùng cho biết.
Cũng theo ông Hùng, trên cơ sở những vướng mắc đó, UBND tỉnh Quảng Bình kiến nghị các bộ ngành liên quan xem xét về việc không cần thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, tiến hành giao đất và cho thuê đất theo Luật Đất đai và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đối với dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2- Cảng Hàng không Đồng Hới.
Được biết, dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2- Cảng Hàng không Đồng Hới có tổng mức đầu tư dự kiến 1. 222 tỷ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất thực hiện.
Dự án có công suất khai thác khoảng 3 triệu hành khách/năm với diện tích đất sử dụng khoảng 20,92 ha. Trong đó, nhà ga hành khách T2 có diện tích 1,136 ha; sân đỗ ô tô trước nhà ga T2 và các công trình phụ trợ 19,784 ha.
Dự án được chính quyền tỉnh Quảng Bình và ACV dự kiến khởi công vào năm 2020, tuy nhiên vì nhiều lý do nên việc khởi công dự án chưa được thực hiện theo kế hoạch đề ra ban đầu.
GDP đánh giá lại và các chỉ tiêu tài chính
Sau khi GDP được đánh giá lại, nhiều chỉ tiêu liên quan đã thay đổi. Việc này đòi hỏi không chỉ tính toán một số chỉ tiêu liên quan, mà còn ở lối ứng xử với các chỉ tiêu này.
GDP đánh giá lại bình quân 2010-2020 cao hơn khoảng 25,7%, do một số nguyên nhân như năng lực điều tra, thu thập tư liệu thống kê; không thu được đầy đủ hoạt động phi chính thức; không thừa nhận kinh tế bất hợp pháp (tham nhũng, thất thoát, mại dâm…)
Sau khi GDP được đánh giá lại, nhiều chỉ tiêu liên quan đến GDP đã thay đổi. |
Cao hơn chỉ là về mặt tính toán, còn thực tế không phải tăng do sự phát triển, không phải là thành tích. Tuy nhiên, khi GDP đánh giá lại thì nhiều chỉ tiêu có liên quan đến GDP lại có sự thay đổi so với trước đây, đòi hỏi không chỉ ở sự tính toán một số chỉ tiêu có liên quan, mà còn ở việc ứng xử với các chỉ tiêu này.
Theo đó, tổng thu nhập quốc gia (GNI) có xu hướng tăng lên, chứng tỏ phần thu nhập từ nước ngoài thấp hơn phần thu nhập của nước ngoài từ trong nước, càng làm cho bình quân đầu người về GDP thấp hơn về GNI.
Một số chỉ tiêu khác như tỷ lệ xuất khẩu, nhập khẩu so với GDP đánh giá lại thấp hơn khi GDP chưa đánh giá lại…
Các chỉ tiêu tài chính chủ yếu có liên quan đến GDP trước điều chỉnh và sau điều chỉnh bao gồm: thu ngân sách/GDP, chi ngân sách/GDP, bội chi ngân sách/GDP, nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia/GDP.
GDP là giá trị tăng thêm của toàn bộ nền kinh tế, trong đó có một phần nộp ngân sách nhà nước. Theo đó, nếu GDP là hiệu quả thì thu ngân sách/GDP là hiệu quả của hiệu quả. Cùng một tỷ lệ, nếu GDP lớn hơn, thì mức thu ngân sách cao lên và ngược lại.
Thu ngân sách/GDP trước khi đánh giá lại thường ở mức khá cao (năm 2015 là 24,3%; năm 2017 là 25,8%; năm 2018 là 25,8%; năm 2019 là 25,7%; năm 2020 là 24%). Khi GDP đánh giá lại, tỷ lệ trên đã giảm xuống (năm 2015 là 19,66%; năm 2017 là 20,55%; năm 2018 là 20,51%; năm 2019 là 20,37%; năm 2020 là 18,93%). Các tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với khi GDP chưa đánh giá lại. Tổng thu là quan trọng để cân đối thu - chi ngân sách, nhưng thể hiện rõ nhất hiệu quả của nền kinh tế là tỷ trọng trong thu nội địa trong tổng thu. Tỷ trọng này đã tăng lên trong những năm qua và hiện đạt mức khá cao (năm 2015 đạt 75,6%, năm 2017 đạt 80,3%, năm 2018 đạt 80,7%, năm 2019 đạt 82,1%, năm 2020 đạt 85,6%).
Mục tiêu trong thời kỳ 2021-2026 theo Chương trình hành động của Bộ Tài chính được đề ra ở mức 85-86% là phù hợp với tỷ trọng đã đạt được trong năm 2020. Theo đó, tỷ trọng các khoản thu còn lại (thu từ dầu thô, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu viện trợ) có xu hướng giảm dần và ở mức thấp.
Một chỉ tiêu rất quan trọng là bội chi ngân sách/GDP. Tỷ lệ này so với GDP đánh giá lại thấp hơn so với GDP khi chưa đánh giá lại (năm 2015 là 4,9% so với 6,1%; năm 2017 là 1% so với 1,3%; năm 2018 là 0,06% so với 0,1%; năm 2019 là gần 1,6% so với 3,3%; năm 2020 là 3,5% so với 4,4%).
Từ 2 chỉ tiêu trên có thể suy ra một chỉ tiêu quan trọng khác là tỷ lệ chi ngân sách/GDP. Tỷ lệ so với GDP đánh giá lại thấp hơn khi chưa đánh giá lại (2015 là 24,6% so với 30,4%, năm 2017 là 21,5% so với 27,1%, năm 2018 là 20,6% so với 25,9%, năm 2019 là 23% so với 29%, năm 2020 là 22,4% so với 28,4%).
Một chỉ tiêu rất quan trọng là trần nợ công. Trần nợ công/GDP được xác định cho thời kỳ 2021-2026 theo Chương trình hành động của Bộ Tài chính là ≤ 60%. Điều đó có nghĩa là, tỷ lệ so với GDP không có thay đổi lớn so với trước khi đánh giá lại (năm 2015 là 49,2% so với 61,8%, năm 2020 là 44,4% so với 56,8%), nhưng về mức tuyệt đối thì dư địa còn khá.
Trong Báo cáo 9 tháng 2021, GDP giá thực tế đánh giá lại là 5.985.200 tỷ đồng; tổng thu ngân sách đạt 1.039.200 tỷ đồng, bằng trên 17,4% GDP. Chi ngân sách đạt 975.600 tỷ đồng, bằng 16,3% GDP - đều thấp hơn so với những năm trước, nhưng lại bội thu. GDP giá so sánh đạt 3.643.800 tỷ đồng, tăng 1,42%.
Như vậy, khi GDP đánh giá lại, các chỉ tiêu về tài chính thấp xuống so với trước khi đánh giá lại về tỷ lệ, nhưng về quy mô tuyệt đối cần có sự rà soát kỹ hơn, nhất là đối với khoản thu ngân sách về cơ sở, về phi chính thức, về kinh tế bất hợp pháp…
Xử lý dứt điểm vướng mắc về mặt bằng tại Dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch
Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp ý chây ỳ không chấp hành chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng và các trường hợp tự ý tái lấn chiếm đất, xây dựng trái phép.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các tồn đọng vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng với Dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.
Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng yêu cầu UBND huyện Quảng Trạch chỉ đạo Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện xử lý dứt điểm các vướng mắc, tồn đọng trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; xử nghiêm đối với các trường hợp ý chây ỳ, không chấp hành chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, các trường hợp tự ý tái lấn chiếm đất, xây dựng trái phép.
Xử lý dứt điểm các trường hợp còn vướng mắc giải phóng mặt bằng tại khu vực Nhà máy Quảng Trạch I bao gồm: Phạm vi mặt bằng nhà máy và khu phụ trợ, phạm vi Trạm bơm, tuyến đường ống nhận nước làm mát, phạm vi tuyến đường ống nước làm mát, bãi thải xi và xử lý vướng mắc 2 hộ dân tại Khu nghĩa địa đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn cản trở không cho thi công.
Cùng với đó, Phó chủ tịch Phan Mạnh Hùng yêu cầu UBND huyện Quảng Trạch phải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công khu tái định cư cho người dân; đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm, phê duyệt giá đất cụ thể, xác nhận nguồn gốc đất của các xã Quảng Châu, Quảng Kim, Quảng Phú, Quảng Đông; lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ hạng mục tuyến đường ống nước ngọt hoàn thành trong tháng 10/2021. Phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt tình hình, có phương án bảo vệ thi công đảm bảo an ninh trật tự để triển khai các dự án đảm bảo tiến độ, không để tạo thành điểm nóng về an ninh trật tự.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Điện 2 tăng cường phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Bình, các sở, ban, ngành liên quan trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư; Kịp thời chuyển kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư, xây dựng nghĩa địa... để chi trả kịp thời cho các đơn vị thi công và người dân theo quy định, tránh nợ đọng xây dựng cơ bản. Chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị đảm bảo thi công các dự án đúng tiến độ. Tron đó, quá trình thi công phải đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường và đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ưu tiên sử dụng tuyển dụng người lao động là con em tỉnh Quảng Bình theo cam kết của EVN trước đây.
Đối với đề nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về hoàn trả chi phí sử dụng vốn đã tạm ứng trước đó tại dự án, Phó chủ tịch Phan Mạnh Hùng cho rằng, trong các văn bản về thỏa thuận hợp tác đầu tư và chuyển giao dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch không có nội dung về hoàn trả chi phí sử dụng vốn đã tạm ứng. Do vậy, UBND tỉnh Quảng Bình không có cơ sở để giải quyết như đề nghị của PVN.
Ngoài ra, đối với đề xuất việc hoàn trả kinh phí tạm ứng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư Trung tâm Điện lực Quảng Trạch cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Phó chủ tịch Phan Mạnh Hùng đề nghị phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chuyển trả số kinh phí tương ứng 24 biên bản đã bàn giao với số tiền 45,6 tỷ đồng. Đồng thời tiếp tục chuyển trả số kinh phí 19,2 tỷ đồng sau khi hoàn tất thủ tục quyết toán.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo UBND huyện Quảng Trạch khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành quyết toán số kinh phí đã giải ngân nhưng chưa được quyết toán (số tiền 19,2 tỷ đồng nói trên) để EVN có cơ sở chuyển tiền cho PVN; đồng thời chuyển trả số kinh phí còn thừa tại huyện và số kinh phí kiểm toán giảm trừ cho PVN với số tiền 230,3 triệu đồng.
Trung tâm Điện lực Quảng Trạch (khu kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) bao gồm 3 dự án: Đầu tư Cơ sở hạ tầng, Nhiệt điện Quảng Trạch I và Nhiệt điện Quảng Trạch II. Trong đó dự án Cơ sở hạ tầng đóng vai trò thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng nhằm đảm bảo triển khai xây dựng thi công và hạ tầng cung cấp than phục vụ vận hành cho các Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và Quảng Trạch II.
Như Báo Đầu tư đã phản ánh trước đó, vào tháng 7/2020, EVN đã bắt đầu triển khai thi công dự án Cơ sở hạ tầng thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện dự án, công tác triển khai thi công của các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, việc thi công khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành nên chưa thể di chuyển các hộ dân thuộc diện di dời giải phóng mạt bằng vào khu tái định cư để bàn giao mặt bằng cho dự án…Các vướng mắc trên đã ảnh hưởng lớn đến công tác bàn giao mặt bằng cho việc triển khai thi công các gói thầu đối với Tổng thầu EPC tại dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch.
Đề nghị nhân rộng mô hình đầu tư cảng thủy nội địa trong cảng biển
Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải (GTVT) đánh giá cao mô hình cảng thủy nội địa trong cảng biển được Tổng công ty Tân Cảng triển khai thành công tại Tân Cảng Cái Mép.
Một sà làn chở container cập cảng Tân Cảng - Cái Mép để bốc xếp. (Ảnh: TCIT). |
“Đây là mô hình rất cần được nhân rộng để tăng tính kết nối giữa hai phương thức vận tải hàng hóa có nhiều lợi thế về chi phí là hàng hải và vận tải thủy nội địa. Tới đây, các cảng biển lớn cần bố trí những vị trí thuận lợi để xây dựng cảng thủy nội địa, thực hiện chức năng gom container từ sâu trong nội địa cho các tàu biển lớn và ngược lại”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển logistic đường thủy nội địa và vận tải ven biển được tổ chức sáng nay tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, giao thông đường thủy nội địa tại Việt Nam có nhiều ưu thế như chi phí thấp, khả năng chuyên chở lớn. Hiện hằng năm, đường thủy nội địa đảm nhận khoảng 19% lưu lượng hàng hóa cả nước, có nghĩa là cứ 5 tấn hàng trong lưu thông thì có 1 tấn được vận chuyển bằng đường thủy nội địa, tỷ lệ đảm nhận về luân chuyển hàng hóa của đường thủy nội địa cũng chiếm hơn 20%, trong đó ở vùng đồng bằng sông Hồng là 45%, vùng Đông Nam Bộ là 47,5%, đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới gần 80%.
Tuy nhiên, đường thủy nội địa hoàn toàn có thể đảm nhận năng lực vận tải lớn hơn nếu làm tốt công tác kết nối với các phương thức vận tải khác, đặc biệt là với các cảng biển đầu mối.
Cụ thể, hiện có khoảng 70% hàng hóa thông qua các cảng biển là hàng container. Tuy nhiên, tỷ lệ đảm nhận của vận tải container bằng đường thủy nội địa tại các cảng biển vẫn còn hạn chế và không đồng đều.
Tại khu vực cảng biển Hải Phòng, tỷ lệ container vận chuyển bằng đường thủy nội địa mới chiếm khoảng 1,8%; khu vực cảng biển Tp. HCM đạt khoảng 11% nhưng tại khu vực cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu tỷ lệ này lại lên tới 72%. Trong khi đó, nếu thực hiện gom container từ các cơ sở sản xuất bằng đường thủy nội địa tới các cảng biển và ngược lại sẽ vừa giảm chi phí vận tải cho các chủ hàng, vừa giảm áp lực cho đường bộ.
Hiện tại Việt Nam, Tổng công ty Tân Cảng là đơn vị đi đầu trong việc bố trí các bến cảng thủy nội địa cho các sà lan chở container tại các cảng biển lớn, đặc biệt là tại khu vực Cái Mép; Cát Lái và Lạch Huyện.
“Vừa qua, khi thực hiện quy hoạch 5 lĩnh vực GTVT, từ giai đoạn nghiên cứu, Bộ GTVT xác định vận tải thủy là một trong lĩnh vực trọng điểm của quốc gia. Vận tải thủy không chỉ đóng vai trò trung chuyển hàng hóa giữa các cảng thủy và còn kết nối với các cảng biển, cảng nội địa ICD”, Bộ trưởng Bộ GTVT thông tin.
Theo tư lệnh ngành GTVT, hiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thống nhất. Bộ GTVT cũng đã tiếp thu ý kiến Thường trực Chính phủ và đã trình lại để Thủ tướng xem xét phê duyệt. Quy hoạch được ban hành là cơ sở để đầu tư, phát triển đường thủy nội địa trong thời kỳ mới.
Để đẩy nhanh tiến trình container hóa vận tải thủy nội địa, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết là tiếp tục kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các cơ chế ưu đãi để các nhà đầu tư có thể phát triển các bến cảng thủy với các thiết bị bốc xếp hiện đại kết hợp với các kho ngoại quan đồng bộ tại khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng khẳng định, thời gian tới đây, Bộ GTVT sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến hoạt động vận tải pha sông biển.
Hiện vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa (phương tiện mang cấp VR-SB) còn tồn tại bất cập trong việc đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển, như: quy chuẩn kỹ thuật hiện hành chỉ quy định mạn khô của phương tiện đến 80m, định mức phao tròn cứu sinh đến phương tiện 50m, nhưng thực tế nhiều phương tiện VR-SB có kích thước lớn hơn; chưa được trang thiết bị thông tin phục vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển như SART, AIS. SART; chưa có quy định về thực tập, diễn tập cứu sinh, cứu hỏa trên tàu; một số thuyền viên còn hạn chế về kỹ năng, trình độ tiếng Anh khi tránh va trên biển; định biên an toàn tối thiểu chưa phù hợp với tính chất công việc khi hoạt động trên biển…
“Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất cơ chế đặc biệt để phát triển đội tàu pha sông biển VR-SB. Các Cục Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa và Đăng kiểm Việt Nam phải tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp để có những đề xuất, cải tiến quy định về phương tiện vận tải ven biển”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
Cán bộ trì trệ trong quản lý đầu tư công sẽ bị “thay thế kịp thời”
Tỉnh Khánh Hòa sẽ “thay thế kịp thời” cán bộ yếu kém về năng lực, trì trệ, nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
UBND tỉnh Khánh Hòa xác định, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021, là ý thức thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
“Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công”, UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh.
UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ xử lý nghiêm khắc của chủ đẩu tư, ban quản lý, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền.
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố (có Dự án đầu tư trên đìa bàn thuộc mình quản lý) khẩn trương thực hiện hoàn thành công tác kiểm đếm khối lượng giải tỏa, xác minh nguồn gốc sử dụng đất, lập phương án bồi thường, niêm yết công khai ý kiến, hoàn chỉnh phương án trình Sở Tài nguyên và Môi trường phương án giá đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị thẩm định phương án giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gửi Hội đồng thẩm định giá đất.
Sở tài chính (cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh) khẩn trương thẩm định kịp thời các hồ sơ đề nghị thẩm định phương án giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị, sớm tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể nhằm đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tăng tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A): Âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt
Trong thời đại Covid-19, thay vì chững lại, các nhà đầu tư hành động âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt để đối phó với những biến động khó lường vì đại dịch.
Bà Tưởng Thị Thu Hạnh, Giám đốc điều hành Việt Nam và Bắc Á, Công ty Awr Lloyd đem đến Hội thảo online M&A Việt Nam - Hàn Quốc danh mục 16 công ty mà Awr Lloyd đang đại diện bên bán chào hàng nhà đầu tư, cổ đông chiến lược, đối tác nước ngoài.
Trong tổng giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam thời gian qua, giá trị các thương vụ M&A do doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đã tăng mạnh. Ảnh: Lê Toàn. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Các công ty này thuộc lĩnh vực giáo dục, đồ gỗ nội thất, bánh kẹo, năng lượng và năng lượng tái tạo, dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, hạ tầng, logistics, bao bì, nước sạch… Những cái tên đáng chú ý như Cookie, Toys, Sping, Wind, Shore, Soleil, Waterfall, Unicorns, Speed, Vietpharma, Mekong Pharma…
Theo bà Hạnh, đại dịch Covid-19 là động lực cho ngành dược và chăm sóc sức khỏe bộc lộ rõ tiềm năng. Đã có một số thương vụ M&A diễn ra thời gian qua giữa các công ty dược nhằm cộng hưởng giá trị.
Việt Nam hiện có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và chăm sóc sức khỏe. Trong đó, hầu hết các công ty này đã tìm được cổ đông chiến lược trong và ngoài nước, chiếm lĩnh thị phần chi phối.
Theo thống kê của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), ngành này tiếp tục tăng trưởng, đạt 7,7 tỷ USD trong năm nay, chiếm 1,75% tổng GDP Việt Nam, được xếp vào quốc gia thị trường dược mới nổi.
Đáng chú ý, các công ty dược lớn nhất tại Việt Nam đã được mua bởi các cổ đông lớn nước ngoài. Tuy nhiên, còn nhiều công ty nhỏ khác đang tìm đối tác, nhà đầu tư có thế mạnh tài chính, công nghệ, văn hóa gần gũi với Việt Nam.
Điển hình như Công ty Vietpharma, có quy mô sản xuất hơn 200 loại thuốc chống viêm, kháng viêm, vitamin, giảm đau, giảm sốt và đang muốn phát triển dòng thuốc chống ung thư có giá trị cao, hướng đến xuất khẩu.
Bất chấp đại dịch, doanh số năm nay của Vietpharma vẫn tốt, dự kiến đạt 35-40 triệu USD. Công ty còn có 2.000 m2 đất có thể xây dựng nhà máy mới. Vietpharma muốn tìm nhà đầu tư chiến lược, giúp Công ty tăng trưởng mạnh hơn nữa.
Trong khi đó, Công ty Mekong Pharma cũng là một trong những tên tuổi lâu đời trong ngành dược tại Việt Nam. Hiện công ty này có 3 nhà máy tại miền Nam, với 10 chi nhánh và 57 đại lý chính, 22.000 cơ sở phân phối bán lẻ trên cả nước.
Mekong Pharma đang có tham vọng xây dựng nhà máy sản xuất thuốc chống ung thư. Do đó, Công ty muốn tìm kiếm đối tác chiến lược để có thể bứt phá với dòng sản phẩm mới này, nhằm cạnh tranh xuất khẩu.
So với các nhà đầu tư Mỹ hay EU, các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan đã và đang đầu tư nhiều vào thị trường Việt Nam, do vị trí địa lý và một số tương đồng về văn hóa. Các nhà đầu tư này quan tâm nhiều đến lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), sản xuất linh kiện, phụ kiện, dược phẩm, vật liệu xây dựng, logistics.
Trong đó, nhà đầu tư Hàn Quốc thể hiện quyết tâm trở thành nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là trong mảng logistics, kết cấu hạ tầng và kinh doanh thân thiện với môi trường. Họ mong muốn có thể hợp tác với đối tác ở Việt Nam để phát triển các Dự án có lợi cho cả đôi bên và phát huy được mạng lưới, bề dày kinh nghiệm của họ. Còn các đối tác châu Âu và Nhật Bản thì chú trọng vào năng lượng tái tạo.
Do hậu quả của Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, nhưng về lâu dài với tầm nhìn chiến lược, Việt Nam vẫn được nhà đầu tư coi là một điểm đến của dòng vốn M&A nhiều triển vọng.
Giai đoạn 2019-2020, các ngành, lĩnh vực của Việt Nam thu hút lượng lớn vốn đầu tư thông qua M&A gồm: bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp và bán lẻ. Ngoài ra, có một số thương vụ đáng chú ý ở các mảng logistics, nông nghiệp, dược phẩm - y tế, xây dựng.
Hiện nhóm doanh nghiệp gia đình đang có những tín hiệu tích cực trên thị trường M&A tại Việt Nam, khi họ tuổi cao hoặc không có người kế nghiệp, hoặc trường vốn để gánh vác tiếp công ty…
Trong thập kỷ qua, thị trường M&A Việt Nam đã chuyển mình với tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế. Các thống kê về thị trường M&A tại Việt Nam cho thấy, nhà đầu tư châu Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. Đây cũng là động lực đóng góp vào sự hồi phục của hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Trong tổng giá trị M&A tại Việt Nam, tỷ trọng giá trị thương vụ của các doanh nghiệp trong nước đã tăng thêm. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp, các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam đã nắm thế chủ động hơn. Giá trị các thương vụ M&A do doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đã chiếm trên 30% tổng giá trị giao dịch M&A được thực hiện trong thời gian qua.
Trong năm 2020, dù đại dịch hoành hành, nhưng các tên tuổi này đã tạo ra một số thương vụ bom tấn. Nhiều giao dịch thuộc về khối doanh nghiệp tư nhân lớn và các công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Chẳng hạn, Quỹ Đầu tư tư nhân (PE) KKR đã đầu tư 650 triệu USD mua 6% cổ phần tại Vinhomes, công ty con của Vingroup trong lĩnh vực bất động sản.
Một thương vụ quan trọng khác là việc Masan Group mua lại Vm Commerce và VinEco của Vingroup. Ngoài ra, còn có các thương vụ liên quan tới các tập đoàn lớn như: Masan, Thaco, Gelex, Vinamilk...
Theo ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị kỹ cho các thương vụ M&A, họ đã thuê đội ngũ nhân sự bài bản. Điều này chứng minh, họ không chỉ đi tìm kiếm nguồn vốn, mà đã ở thế chủ động tạo ra giá trị lớn, ở thế được quyền lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Dĩ nhiên, tiềm năng lớn luôn đi cùng sự hoàn thiện về hành lang pháp lý. Ông Phan Đức Hiếu, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, có 3 đạo luật quan trọng tác động trực tiếp đến mọi mặt của hoạt động M&A là Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Việc thay đổi chính sách có tác động tích cực đến hoạt động M&A và bảo vệ người mua.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia rất ấn tượng và lạc quan về các giao dịch M&A theo hình thức mới là sở hữu trực tiếp, gián tiếp, hoặc vốn chủ sở hữu. Theo ông, có một sự thay đổi rõ ràng so với thỏa thuận M&A. Tuy nhiên, một trở ngại lớn cản trở việc chốt các thương vụ là vấn đề định giá. Các doanh nghiệp Việt thường muốn bán được giá rất cao, ngược lại, các nhà đầu tư luôn muốn sát với giá thị trường.
Giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất nước, Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu chấn chỉnh
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ chỉ đạo các sở ngành, quận, huyện nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời và có biện pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Văn phòng UBND TP. Cần Thơ vừa có thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND Thành phố Trần Việt Trường tại cuộc họp trực tuyến về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 (tổ chức ngày 8/10).
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ yêu cầu chấn chỉnh kịp thời và có biện pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. |
Theo Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, qua nội dung báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, ý kiến của các sở ngành, quận huyện cho thấy, kết quả giải ngân 9 tháng đầu năm 2021 là rất thấp, kết quả chung của Cần Thơ thấp nhất trong các tỉnh, thành trên cả nước.
Mặc dù các nguyên nhân, hạn chế đã được chỉ rõ, trong đó có những nguyên nhân thuộc về chủ quan chậm được khắc phục kể từ đầu năm đến nay và Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố cũng đã liên tục chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhưng kết quả không đạt như kỳ vọng.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ yêu cầu giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, quản lý Dự án phải nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc, chấn chỉnh kịp thời và có biện pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu để giải quyết hiệu quả công việc.
Khẩn trương rà soát xây dựng bản kế hoạch tiến độ triển khai thực hiện và cam kết giải ngân vốn xây dựng công trình (tất cả các dự án/công trình), gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Phân công từng cán bộ phụ trách dự án đảm trách và chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ và kết quả giải ngân dự án. Đối với các dự án mua sắm, đề nghị khẩn trương hoàn thành các thủ tục, triển khai ngay…
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp đơn vị có liên quan, nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư (quy mô khoảng 10.000 căn hộ) do nhà nước quản lý, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, phục vụ nhu cầu tái định cư các dự án…
Người đứng đầu chính quyền TP. Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Dốc toàn lực để đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng cơ bản; khắc phục ngay nguyên nhân chủ quan, tăng cường cường độ, thời gian làm việc; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân…
Có kế hoạch cụ thể từng công trình, dự án theo tiến độ hàng tuần, hàng tháng. Ngành nào, địa phương nào chậm trễ sẽ chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy; đơn vị nào không thực hiện hoặc thực hiện không đạt yêu cầu theo nhiệm vụ sẽ bị kiểm điểm, kỷ luật.
Đến cuối tháng 9/2021, kết quả giải ngân các nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn TP. Cần Thơ chỉ mới đạt 22,30%.
Đồng Tháp đề xuất phương án kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 trên 4.502 tỷ đồng
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa vừa ký Công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo phương án dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022.
Theo đó, căn cứ tình hình thu, chi của địa phương, UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất phương án kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của Tỉnh là 4.502,262 tỷ đồng.
Một góc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp |
Trong đó, vốn ngân sách địa phương dự kiến 3.375,262 tỷ đồng, bao gồm: chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước 1.036,485 tỷ đồng; đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất 800 tỷ đồng; đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 1.500 tỷ đồng; đầu tư từ nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp địa phương 38,777 tỷ đồng.
Vốn ngân sách Trung ương dự kiến 1.127 tỷ đồng, gồm: ngân sách Trung ương hỗ trợ mục tiêu 630 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ODA) dự kiến 497 tỷ đồng, bố trí cho các Dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2022, gồm: Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL) - WB9, Tiểu dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười - các huyện phía Bắc tỉnh Đồng Tháp 220 tỷ đồng; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng tỉnh Đồng Tháp 185 tỷ đồng và Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (Vnsat) tỉnh Đồng Tháp 92 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, khi các dự án thuộc kế hoạch vốn 2022 hoàn thành, sẽ góp phần đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hoà với phát triển đô thị. Trong đó, một số tuyến giao thông kết nối trọng điểm giữa tỉnh Đồng Tháp với các địa phương khác, các tuyến giao thông chính của Tỉnh, như: Dự án Hạ tầng giao thông khu vực Nam sông Tiền, tỉnh Đồng Tháp; dự án Xây dự̣ng tuyến ĐT 857 đoạn Quốc lộ 30- ĐT845; Đường ĐT845 đoạn Trường Xuân - Tân Phước….
Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, hoàn chỉnh hạ tầng bố trí dân cư, cung cấp nước sạch cho nhân dân sống trên địa bàn Tỉnh (Dự án VnSAT; các Dự án kè, đê bao chống sạt lở ở khu vực xã Bình Hàng Trung, Hổ Cứ xã Hòa An, đê bao Tràm Chim…) cũng như góp phần cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu như: tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 42%; tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 98%; có thêm 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ hiệu quả, phủ khắp từ khu vực thành thị đến nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội…
Để hỗ trợ địa phương thực hiện đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2022, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, phân cấp, ủy quyền cho địa phương được điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư và vốn bố trí giữa các dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương (quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Đầu tư công), đảm bảo không vượt tổng vốn kế hoạch trung hạn 2021-2025 đã được Trung ương thông báo và báo cáo lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Lý do: nhằm nâng cao trách nhiệm và tạo sự chủ động của địa phương trong việc sử dụng vốn đầu tư công cũng như công tác quản lý điều hành kế hoạch vốn, do hiện nay, Tỉnh có một số dự án chưa được giao vốn ngân sách Trung ương 2021-2025 tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, nên chưa có cơ sở bố trí vốn năm 2022. Do đó, đề nghị xem xét, cho phép địa phương được giao vốn trong năm để thực hiện khi dự án đủ thủ tục bố trí vốn.
UBND tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển kế hoạch vốn ngân sách Trung ương trong nước năm 2021 còn lại chưa giải ngân của Tỉnh sang năm 2022 để tiếp tục thực hiện và giải ngân, với giá trị dự kiến 501,885 tỷ đồng.
Điều chỉnh giảm vốn ODA năm 2021 của tỉnh Đồng Tháp dự kiến không giải ngân hết, với giá trị 56,675 tỷ đồng sang các địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn.
Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Trung ương trong nước năm 2020 dự kiến không giải ngân hết sang năm 2022, với giá trị dự kiến 78,314 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của Tỉnh là 4.929,193 tỷ đồng, bao gồm: kế hoạch vốn năm 2020 chuyển sang là 999,384 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2021 là 3.929,809 tỷ đồng (không bao gồm 750 tỷ đồng nguồn thu tiền sử dụng đất).
Quảng Bình mời gọi doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư
Quảng Bình hy vọng trong thời gian tới sẽ được đón nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc đến tìm hiểu, hợp tác đầu tư, kinh doanh vào tỉnh.
Đó là chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tại buổi Toạ đàm trực tuyến “Kết nối Quảng Bình - Hàn Quốc 2021” diễn ra vào sáng nay (15/10).
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng và Chủ tich UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng chủ trì buổi tọa đàm tại điểm cầu UBND tỉnh Quảng Bình. |
Buổi tọa đàm do UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức với sự tham dự của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Buổi tọa đàm nhằm giới thiệu về các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Bình và kêu gọi đầu tư cho 62 Dự án liên quan đến tất cả các lĩnh vực tại tỉnh Quảng Bình giai đoạn năm 2021 - 2023.
Ông Trần Thanh Huân, Cục trưởng Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao cho biết, Quảng Bình là địa phương có nhiều điều kiện, tiềm năng để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Nhất là các lĩnh vực thế mạnh như du lịch, công nghiệp, nông nghiệp; các lĩnh vực kinh tế gắn với rừng và biển.
Về phần mình, ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) đánh giá, Quảng Bình và Korcham có nhiều triển vọng hợp tác lâu dài trong xúc tiến và thu hút đầu tư trên các lĩnh vực tỉnh Quảng Bình có nhiều lợi thế, tiềm năng.
Tại buổi tọa đàm, bà Jo Eun Jin, Giám đốc Văn phòng xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (Kotra Hà Nội) thông tin thêm về số liệu, xu thế đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng như phân tích tình hình đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam theo vùng miền; các lĩnh vực và xu thế đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời gian tới; đưa ra các khuyến nghị cho lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.