Đầu tư tuần qua: Đề xuất 3.500 tỷ làm đê cảng Bãi Gốc; 19.500 tỷ làm cao tốc Buôn Ma Thuột-Nha Trang

0:00 / 0:00
0:00
Phú Yên đề xuất 3.500 tỷ đồng đầu tư đê chắn sóng cảng Bãi Gốc; Đề xuất đầu tư sớm cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang trị giá 19.500 tỷ đồng;…
Đầu tư tuần qua: Đề xuất 3.500 tỷ làm đê cảng Bãi Gốc; 19.500 tỷ làm cao tốc Buôn Ma Thuột-Nha Trang

Đó là những thông tin đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Đầu tư 6.996 tỷ đồng xây tuyến cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang

UBND tỉnh Hà Giang vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ đưa tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 định hướng đến năm 2050 và thực hiện đầu tư trước năm 2030.

Một đoạn Quốc lộ 2 qua Hà Giang.

Một đoạn Quốc lộ 2 qua Hà Giang.

Theo đó, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có điểm đầu tại Tp. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; điểm cuối tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang có chiều dài khoảng 165 km được đề xuất đầu tư theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h. Tuyến có mặt cắt ngang 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17 mét, dự kiến phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn.

Trong giai đoạn 1 (2021 – 2025), UBND tỉnh Hà Giang kiến nghị Thủ tướng cho phép đầu tư xây dựng mới đường nối Hà Giang với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, với chiều dài khoảng 106 km (đoạn từ Tp. Tuyên Quang đến Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang); giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh 17m, trước mắt xây dựng 2 làn xe, rộng 12 m.

Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là 6.996 tỷ đồng, trong đó, địa phận Tuyên Quang (75 km), có tổng mức đầu tư 4.950 tỷ đồng; địa phận Hà Giang (31 km) có tổng mức đầu tư 2.046 tỷ đồng, được huy động từ Ngân sách Trung ương (nguồn vốn ODA) và ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Được biết, do vị trí địa lý và yếu tố địa hình, Hà Giang hiện chỉ có tuyến Quốc lộ 2 kết nối Hà Giang với thủ đô Hà Nội và các tỉnh, các loại hình vận tải khác chưa được đầu tư phát triển. Về đường cao tốc kết nối với thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng đã được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu và đề xuất nhưng chưa được quy hoạch và đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025.

Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang địa phương giáp ranh với tỉnh Hà Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đã chính thức khởi công xây dựng.

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Giang, trong thời gian tới, Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang sẽ là điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như một số nước trong khu vực ASEAN, trong khi phía Trung Quốc đã đầu tư xây dựng đường cao tốc đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy.

Hiện Quốc lộ 2 là tuyến đường duy nhất kết nối từ Thủ đô Hà Nội đến cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy chỉ có quy mô đường cấp III miền núi, nhiều vị trí đường cong có bán kính nhỏ, độ dốc dọc lớn, địa hình phức tạp, thường xuyên xảy ra sạt lở đất, dân cư sinh sống dọc hai bên đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Mặt khác, trên Quốc lộ 2 có lúc, có nơi đã mãn tải, lưu lượng phương tiện quy đổi (số liệu đếm xe tháng 4/2021 tại Km218, Quốc lộ 2) vượt xấp xỉ 1,4 lần so với lưu lượng theo thiết kế ban đầu.

Đà Nẵng: Nhiều dự án vốn FDI chậm tiến độ do Covid-19

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ những Dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao của thành phố.

Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được nhiều dự án vốn FDI.

Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được nhiều dự án vốn FDI.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án FDI là Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise của nhà đầu tư Ha Vinh Ly và Nhe Thi Le (Hoa Kỳ) với vốn đầu tư 110 triệu USD và dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản), với vốn đầu tư 35 triệu USD.

Lũy kế đến nay, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được 24 dự án, trong đó có 12 dự án trong nước với vốn đầu tư 6.291 tỷ đồng và 12 dự án FDI với vốn đầu tư 545,1 triệu USD. Trong đó có những dự án có vốn đầu tư lớn như dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Hoa Kỳ) với tổng vốn đầu tư 170 triệu USD (2019), Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT VINA II (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD (năm 2020), Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United Enterprises (Hoa Kỳ) với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD, Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD…

Ngoài một số dự án đi vào hoạt động, thì nhiều dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

“Dịch bệnh Covid-19 gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những dự án FDI, khi chuyên gia không sang được Việt Nam, nhiều dự án yêu cầu chuyên gia thiết kế nước ngoài; việc chuyển vốn cam kết từ 15 đến 20% của dự án cũng khó hơn. Vì vậy đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ các dự án. Chúng tôi đang tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư để cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc, để các dự án sớm được triển khai”, ông Sơn thông tin.

Các dự án đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố Đà Nẵng và Khu công nghệ cao Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố này. Giai đoạn 2016-2019, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP.Đà Nẵng ước đạt 95.255 tỷ đồng, trong đó khu vực FDI đóng góp 18.048 tỷ đồng (18,95%).

Phú Yên: Đề xuất 3.500 tỷ đồng đầu tư đê chắn sóng cảng Bãi Gốc

Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) vừa có văn bản số 3880/BGTVT-KHĐT trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên gửi đến trước Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV về đề nghị đầu tư đê chắn sóng thuộc Quy hoạch cảng Bãi Gốc.

Mô hình cảng Bãi Gốc gắn với Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô

Mô hình cảng Bãi Gốc gắn với Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô

Trước đó, trong văn bản kiến nghị Bộ GTVT, cử tri tỉnh Phú Yên cho biết, theo định hướng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, Khu kinh tế Nam Phú Yên được tiếp tục phát triển trở thành khu kinh tế tổng hợp đa chức năng và các ngành công nghiệp gắn với cảng biển, trở thành một trung tâm dịch vụ và du lịch cấp quốc gia và khu vực.

Việc đầu tư cảng nước sâu Bãi Gốc và khu hậu cần cảng biển có ý nghĩa quan trọng, phát huy được các lợi thế, gắn trung tâm logistics với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, đường thủy nội địa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng, tạo động lực thu hút những Dự án công nghiệp, dịch vụ lớn đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Tuy nhiên, để đầu tư cảng nước sâu Bãi Gốc cần đầu tư đê chắn sóng là một trong những hạng mục thuộc quy hoạch cảng Bãi Gốc (theo Quyết định số 921/2012 của Cục Hàng hải VN) với chiều dài gần 2.400m, kinh phí đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét, bổ sung dự án đê chắn sóng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn Trung ương giai đoạn 2021-2025 và ưu tiên bố trí nguồn vốn để lập thủ tục chuẩn bị đầu tư, tiến tới thực hiện đầu tư dự án.

Trước đó, triển khai Quyết định số 1764/QĐ-BGTVT ngày 03/8/2011 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung Bộ, Cục Hàng hải Việt Nam đã có Quyết định số 921/QĐ-CHHVN phê duyệt Quy hoạch chi tiết bến cảng Bãi Gốc giai đoạn đến năm 2020. Để đầu tư cảng nước sâu Bãi Gốc, cần thiết phải đầu tư đê chắn sóng là một trong những hạng mục thuộc quy hoạch cảng Bãi Gốc với chiều dài là 2.391 m, kinh phí đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, do khó khăn về nguồn vốn nên dự án chưa triển khai. Về chủ trương, Bộ ủng hộ việc phát triển và đầu tư bến cảng Bãi Gốc phù hợp Quy hoạch cảng biển và các quy hoạch liên quan.

Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành, Bộ GTVT sẽ giao Cục Hàng hải Việt Nam lập Quy hoạch chi tiết vùng đất vùng nước cảng biển. Trong đó, bến cảng Bãi Gốc sẽ được quy hoạch chi tiết các hạng mục công trình làm cơ sở Bộ báo cáo cấp thẩm quyền bố trí vốn đầu tư các hạng mục kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng.

Đề xuất đầu tư sân bay quốc tế công suất 3 triệu hành khách/năm tại đảo Lý Sơn

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, cho phép tỉnh được đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Lý Sơn theo hình thức BOT.

Hiện việc kết nối giao thương giữa Lý Sơn và đất liền được thực hiện bằng đường biển.

Hiện việc kết nối giao thương giữa Lý Sơn và đất liền được thực hiện bằng đường biển.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ GTVT cho phép cập nhật, bổ sung Cảng hàng không Quốc tế Lý Sơn vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ngãi, cảng hàng không quốc tế Lý Sơn sẽ được xây dựng tại xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Đây là sân bay cấp 4C, có chiều dài đường cất hạ cánh là 2.400 m; phục vụ hoạt động bay dân dụng với năng lực khai thác từ 3 triệu đến 3,5 triệu hành khách/năm. Đáp ứng khai thác các loại tàu bay A320, 321 và tương đương.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc quy hoạch và hướng tới xây dựng cảng hàng không Quốc tế Lý Sơn có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mà còn bảo đảm an ninh quốc phòng đối với Lý Sơn - đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Ngoài ra, việc xã hội hóa đầu tư cảng hàng không Lý Sơn là phù hợp với xu thế phát triển, giảm gánh nặng đối với ngân sách nhà nước.

“Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương cho phép Quảng Ngãi được đầu tư xây dựng cảng hàng không Quốc tế Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi theo hình thức BOT và Bộ GTVT cập nhật, bổ sung Cảng hàng không quốc tế Lý Sơn vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050, UBND tỉnh Quảng Ngãi cam kết tập trung mọi nguồn lực, tổ chức triển khai các bước tiếp theo theo quy định pháp luật hiện hành”, ông Đặng Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.

Được biết, tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX đã xác định đẩy mạnh phát triển du lịch, phát triển du lịch biển, đảo trở thành loại hình du lịch chủ đạo, lấy Lý Sơn làm hạt nhân.

Hiện Lý Sơn có nhiều danh lam thắng cảnh và được thiên nhiên ưu ái nhiều điểm độc đáo như: Di tích núi lửa hàng triệu năm tiêu biểu ở Lý Sơn, vách đá hang Câu, cổng Tò Vò, miệng núi lửa Giếng Tiền và miệng Thới Lới; có các di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia như: Lễ hội đua thuyển tứ linh, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là nơi có giá trị du lịch cao, ngoài ra quá trình kiến tạo thiên nhiên làm cho nền địa chất Lý Sơn trở nên phong phú và đa dạng sinh học cùng nét văn hóa địa phương đặc sắc hứa hẹn là một điểm du lịch nổi tiếng thế giới nếu được đầu tư bài bản, chiến lược.

Tuy nhiên, thực tế một trong những trở ngại lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi nói chung cũng như đảo Lý Sơn nói riêng đối với việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược quan tâm, đầu tư, xây dựng du lịch theo hướng bền vững và lâu dài tại Lý Sơn, đó là kết nối hạ tầng giao thông. Hiện tại, để đến được đảo Lý Sơn thì chỉ đi bằng đường thủy nên rất bất tiện đối với du khách, đây là cản trở lớn nhất tới việc phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của đảo Lý Sơn nói chung.

Đề xuất đầu tư sớm cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang trị giá 19.500 tỷ đồng

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ký công văn số 3886/UBND – TH gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Dự án xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang.

Một góc cảng Sơn Trà - Đà Nẵng

Một góc cảng Sơn Trà - Đà Nẵng

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Thủ tướng chấp thuận bổ sung tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang vào Quy hoạch đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030 và định hướng đến năm 2050; đồng thời cho chủ trương hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 10.000 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư Dự án là 19.500 tỷ đồng để xây dựng 113 km đường cao tốc thuộc Dự án theo quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17m, tốc độ thiết kế 80 – 120 km/h.

Phần kinh phí còn lại khoảng 9.500 tỷ đồng, tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa sẽ cân đối từng ngân sách địa phương và kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp theo hình thức PPP.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá Dự án đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang là tuyến đường chiến lược “nối rừng với biển”, có vai trò quan trọng trong việc đánh thứ và khai thác mạnh mẽ các tiềm năng du lịch sinh thái, xanh, văn hóa, bản sắc; là tuyến kết nối Tây Nguyên với Đồng bằng duyên dải miền Trung. Đây cũng là cầu nối quan trọng, là cung đường ngắn nhất, nhanh nhất, an toàn và có chi phí thấp nhất trong việc cung ứng các nông sản đặc trưng của vùng Tây Nguyên xuất khẩu đến các nước trên thế giới thông qua cảng biển Vân Phong.

Hiện tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang cũng đã được Bộ GTVT đưa vào dự thảo Quy hoạch đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030 và định hướng đến năm 2050.

Hậu Giang mời gọi đầu tư khu nhà ở xã hội vốn trên 1.042 tỷ đồng

UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành quyết định phê duyệt danh mục Dự án đầu tư có sử dụng đất sử dụng vốn ngoài ngân sách cần lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đối với dự án Khu nhà ở xã hội tại ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, TP. Ngã Bảy.

Thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang nhìn từ trên cao. Ảnh: Lý Anh Lam (Nguồn: Báo Hậu Giang)

Thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang nhìn từ trên cao. Ảnh: Lý Anh Lam (Nguồn: Báo Hậu Giang)

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm giải quyết chỗ ở ổn định cho các đối tượng được hưởng chế độ chính sách theo quy định Luật Nhà ở năm 2014, góp phần tạo thành một khu dân cư mới đáp ứng các nhu cầu sống, sinh hoạt của dân cư; đồng thời, tạo cảnh quan và nâng cao mỹ quan đô thị theo đúng quy hoạch được duyệt.

Dự án có quy mô dự kiến 110.190 m2. Trong đó, đất hành lang giao thông đường 3 tháng 2 là 4.677 m2 (không giao đất cho nhà đầu tư); đất giao để thực hiện dự án là 105.513 m2 (đất nằm trong dự án).

Dự án nhằm xây dựng hoàn chỉnh khu nhà ở xã hội thấp tầng, liền kề với 722 căn nhà, trong đó có 603 căn nhà ở xã hội và 119 căn nhà ở thương mại. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ bố trí cho gần 3.000 người với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và kết nối đồng bộ với các dự án lân cận.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 1.042.457.400.000 đồng, từ nguồn vốn tự có của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động khác theo quy định pháp luật. Trong đó: tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) là 936.857.900.000 đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 105.599.500.000 đồng.

Hình thức thực hiện: Nhà nước thu hồi đất, nhà đầu tư ứng tiền giải phóng mặt bằng.

Sau khi được UBND tỉnh giao đất cho nhà đầu tư, trong thời gian 12 tháng nhà đầu tư phải tiến hành đầu tư xây dựng. Tiến độ thực hiện hoàn thành dự án không quá 36 tháng (kể từ ngày nhà đầu tư được giao đất).

Hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ. UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Xây dựng tổ chức công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất và triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ.

Hà Giang lại kiến nghị Chính phủ cho đầu tư sân bay tại địa phương

Theo thông tin của baodautu.vn, UBND tỉnh Hà Giang vừa có công văn số 1331/UBND- KTTH gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị quy hoạch, đầu tư sân bay tỉnh Hà Giang.

Nhiều lãnh đạo địa phương coi sân bay là mũi đột phá hạ tầng thu hút đầu tư, du lịch.

Nhiều lãnh đạo địa phương coi sân bay là mũi đột phá hạ tầng thu hút đầu tư, du lịch.

Cụ thể, UBND tỉnh Hà Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT đưa sân bay tỉnh Hà Giang tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho phép đầu tư xây dựng sân bay này.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Hà Giang, sân bay Hà Giang cần được quy hoạch là sân bay quân sự cấp II và cấp 4C theo tiêu chuẩn Hàng không dân dụng, với tổng diện tích đất là khoảng 388,9 ha, trong đó đất bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng khoảng 70 ha.

Trong trường hợp quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh Hà Giang cho biết là sẽ xác định mốc giới, công bố quy hoạch và quản lý ranh giới, quy hoạch sân bay, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xây dựng sân bay theo quy hoạch được duyệt.

UBND tỉnh Hà Giang khẳng định là đã chuẩn bị quỹ đất tại vị trí nêu trên và bố trí ngân sách tỉnh để thực hiện công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng để Dự án sớm được triển khai đầu tư xây dựng.

Tại công văn gửi Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, với vị trí là tỉnh địa đầu tổ quốc, địa phương này có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh, với nhiệm vụ trọng yếu giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Đây là tỉnh có đường biên giới dài trên 277,5 km tiếp giáp với 2 tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam và Quảng Tây, có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, nhưng đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Hà Giang có nhiều lợi thế phát triển kinh tế như phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả có múi, trồng rừng và phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu.

Tuy nhiên, do vị trí địa lý và yếu tố địa hình, Hà Giang đến nay duy nhất chỉ có 1 loại hình vận tải là đường bộ; đồng thời chỉ có Quốc lộ 2 kết nối Hà Giang với thủ đô Hà Nội và các tỉnh; các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường thủy nội địa chưa được đầu tư, đường cao tốc kết nối với thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng chưa được quy hoạch và đầu tư xây dụng.

“Để khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương, hệ thống giao thông tỉnh Hà Giang cần có sự phát triển mang tính đột phá; cùng với hệ thống đường bộ kết nối với các cao tốc trong khu vực, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng sân bay tại Hà Giang là hết sức cần thiết; bảo đảm vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa bảo đảm quốc phòng - an ninh”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh.

Trước đó, vào tháng 2/2021, UBND tỉnh Hà Giang cũng đề nghị Bộ GTVT quy hoạch cảng hàng không Hà Giang vào hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Lãnh đạo tỉnh Hà Giang muốn quy hoạch sân bay Hà Giang tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang theo tiêu chuẩn cảng hàng không quân sự cấp II và cấp 4C theo tiêu chuẩn hàng không dân dụng. Sân bay có diện tích khoảng 388 ha, trong đó phần dùng cho mục đích quân sự là 70 ha.

Tuy nhiên, sân bay Hà Giang đã không có tên trong bản dự thảo quy hoạch mới nhất vừa được Cục Hàng không Việt Nam trình cấp có thẩm quyền. Tương tự, các đề xuất bổ sung vào quy hoạch cảng hàng không các sân bay mới như Bắc Giang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Ninh Thuận, Bình Phước… đều đã không được chấp thuận.

Foxconn giảm một nửa sản lượng iPhone tại Ấn Độ vì dịch Covid-19

Chuỗi cung ứng ở Ấn Độ bị ảnh hưởng buộc Foxconn phải giảm sản lượng sản xuất iPhone tại đất nước này xuống chỉ còn một nửa.

Truyền thông Đài Loan dẫn nguồn từ Reuteur cho biết, các nhà máy của Foxconn đã giảm 1/2 sản lượng sản xuất iPhone 12 do các tác động từ đại dịch Covid-19.

Foxconn giảm một nửa sản lượng iPhone tại Ấn Độ

Foxconn giảm một nửa sản lượng iPhone tại Ấn Độ

Theo đó, mặc dù bản thân các nhà máy của Foxconn tại TP. Chennei không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đã gia tăng kiểm soát phòng dịch từ hồi đầu năm, nhưng các nhà sản xuất vệ tinh trong chuỗi cung ứng của Foxconn tại đây bị ảnh hưởng khá nhiều.

Lệnh hạn chế đi lại và việc phong tỏa nhiều khu vực của chính quyền Ấn Độ đã ảnh hưởng tới việc cung cấp thiết bị, linh kiện cho Foxconn. Cũng theo phân tích này, khả năng Foxconn sẽ phải điều tiết lại chuỗi cung ứng, sản xuất trên toàn cầu để cân đối lại nhu cầu từ các đơn hàng từ nay đến cuối năm.

Tuy nhiên, truyền thông Đài Loan dẫn nguồn từ một số doanh nghiệp Đài Loan tại Ấn Độ lại cho biết, mức độ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của Foxconn bởi Covid-19 tại Ấn Độ là không nhiều.

Hiện tại, khu công nghiệp nơi Foxconn đặt nhà máy tại TP. Chennai không nằm trong khu vực hạn chế của địa phương nên hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường.

Tuy vậy, Foxconn từ 3 tháng qua đã đưa ra nhiều giải pháp để quản lý, giám sát chặt chẽ quy trình phòng dịch tại đây. Mặt khác, cũng thu xếp cho các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài có thể rời Ấn Độ nếu có nhu cầu.

Cách đây không lâu, Foxconn đã công bố hàng loạt biện pháp nghiêm ngặt nhằm gia tăng kiểm soát phòng dịch tại các nhà máy tại Ấn Độ trước nguy cơ Covid-19 bùng phát tại nước này.

Các công nhân mới được tuyển dụng đều phải trải qua test cho kết quả âm tính với Covid-19. Thân nhiệt của lao động đều được theo dõi tự động qua hệ thống cảm biến nhiệt... Foxconn cũng yêu cầu nhân viên tuân thủ triệt để các biện pháp phòng dịch của chính quyền địa phương.

Cho đến nay, Foxconn chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào lây lan trong phạm vi nhà máy ở Ấn Độ. Mặc dù vậy, Foxconn cũng đã xây dựng kịch bản cho các tình huống có dịch bệnh lây nhiễm trong phạm vi nhà máy để kịp thời ứng phó.

Foxconn và Wistron được cho là đã xây dựng các nhà máy để sản xuất iPhone cũng như một số sản phẩm điện tử khác tại Ấn Độ từ năm 2018.

Riêng nhà máy của Wistron đã đi vào hoạt động từ năm 2020, tuy nhiên sau đó đã xảy ra vụ việc công nhân biểu tình, đập phá nhà máy vào tháng 1/2021, làm gián đoạn hoạt động một thời gian.

Cho đến nay, mặc dù Wistron công bố các nhà máy này đã hoạt động trở lại bình thường, song giới chuyên môn cho rằng, năng lực sản iPhone của Wistron hiện nay tại Ấn Độ không thể bằng lượng iPhone mà Foxconn bị đồn đoán sụt giảm do tác động từ Covid-19 tại đây.

Cũng theo các chuyên gia, việc sụt giảm sản lượng iPhone tại Ấn Độ không những ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng sản phẩm iPhone - vốn chưa bao giờ đủ (đặc biệt với sản phẩm iPhone 12) trên toàn cầu, mà còn khiến các nhà sản xuất là Foxconn, Wistron, Pegatron, Luxshare phải có bài toán thích hợp nhằm tiếp tục phân tán năng lực sản xuất ra ngoài Trung Quốc và Ấn Độ.

Nếu vậy thì trong tương lai gần, những “cứ điểm” mới của các “đại bàng” công nghệ trên, như Việt Nam, Brazil, CH Ceczh..., rất có thể sẽ có thể xuất hiện trên bản đồ sản xuất iPhone toàn cầu.

TP.HCM muốn được bổ sung vốn trung hạn từ ngân sách Trung ương lên gần 4 lần

UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét giao bộ, ngành liên quan điều chỉnh bổ sung vốn trung hạn từ ngân sách Trung ương cho Thành phố lên 25.923 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025.

Tuyến Metro số 1 đạt hơn 83% khối lượng nhưng vẫn vướng mắc khiến hàng ngàn tỷ đồng chưa được giải ngân (Ảnh: Lê Toàn).

Tuyến Metro số 1 đạt hơn 83% khối lượng nhưng vẫn vướng mắc khiến hàng ngàn tỷ đồng chưa được giải ngân (Ảnh: Lê Toàn).

Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, Thành phố luôn phải đối mặt với áp lực về nhu cầu vốn đầu tư cho các chương trình, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.

Cùng với đó, do khả năng cân đối ngân sách Thành phố giai đoạn 2021-2025 cho đầu tư công còn hạn hữu, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên TP.HCM đưa ra kiến nghị bổ sung nguồn vốn trong trung hạn từ ngân sách Trung ương trong giai đoạn từ nay đến 2025.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung đủ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương theo nhu cầu vốn đầu tư mà Thành phố đã đăng ký.

Theo đó, Thành phố kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh tăng từ 6.957 tỷ đồng (theo công văn 419) lên thành 25.923 tỷ đồng (theo đăng ký của Thành phố tại công văn 2471; công văn 2991 và công văn 3877).

Kiến nghị bổ sung vốn trung hạn ngân sách Trung ương này được kỳ vọng có thể hỗ trợ Thành phố cân đối vốn đầu tư xây dựng cho các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.

Hàng loạt dự án lớn có tính “xương sống” cho sự phát triển của TP.HCM và vùng lân cận do các bộ, ngành chức năng triển khai hoặc bị “treo” nhiều năm hoặc gặp quá nhiều vướng mắc, phát sinh nhiều hệ lụy, không chỉ gây lãng phí đất đai, ngân sách, mà còn khiến người dân khốn khổ.Bức bối tới mức, mới đây, cơ quan chức năng TP.HCM phải gửi văn bản tới UBND TP.HCM, mong UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm triển khai những dự án này.Ví dụ, là dự án quan trọng quốc gia, khởi động từ năm 2007, song tới giờ này, tuyến Metro số 1 (tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên) vẫn chưa thể khai thác thương mại, bởi vướng mắc trong việc xác định giá trị vốn ODA cấp phát còn lại từ Trung ương theo JPY (yên) hay VND (đồng) chưa được tháo gỡ mặc dù UBND TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị khẩn.

Hệ lụy của việc này không chỉ dừng ở hàng ngàn tỷ đồng không thể giải ngân.

Quảng Bình thành lập Tổ rà soát các dự án chậm tiến độ

Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh này vừa ban hành quyết định về việc thành lập Tổ rà soát các dự án chậm tiến độ trên địa bàn.

Theo đó, Tổ rà soát các Dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 18 thành viên và đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Tổ trưởng.

Khách sạn 5 sao Pullman Quảng Bình là một trong những dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh.

Khách sạn 5 sao Pullman Quảng Bình là một trong những dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh.

Tổ rà soát các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh có nhiệm vụ tổ chức rà soát các dự án chậm tiến độ trên địa bàn; giám sát, đánh giá đầu tư theo kế hoạch đã được phê duyệt đối với các dự án chậm tiến độ; tham mưu UBND tỉnh xử lý các dự án chậm tiến độ theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thường xuyên đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, trong giai đoạn 2016 - 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh quyết định thu hồi đất 17 dự án với tổng diện tích đất 606.517m2 do các dự án không thực hiện đúng tiến độ.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 12 dự án đang thuê đất thực hiện tại các vị trí sinh lời cao nhưng chậm tiến độ; 39 dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng triển khai chậm so với quyết định phê duyệt, trong đó 33 dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư từ trước năm 2019; trong tổng số 37 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có 11 dự án chậm tiến độ xây dựng so với thời gian quy định thực hiện phần hạ tầng kỹ thuật. Riêng tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, có 6 dự án đang chậm tiến độ.

Quảng Trị phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án trung hạn giai đoạn 2021 - 2025

HĐND tỉnh Quảng Trị vừa thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án để bảo đảm điều kiện trình Chính phủ giao vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025.

Quảng Trị thông qua chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển - Anh: TP Đông Hà, Quảng Trị

Quảng Trị thông qua chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển - Anh: TP Đông Hà, Quảng Trị

UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tại kỳ họp 22 HĐND tỉnh khoá VII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII quyết định một số nội dung bao gồm:

Nghị quyết về bổ sung căn cứ pháp lý, điều chỉnh thời gian thực hiện và cơ cấu vốn đầu tư của các Dự án đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; điều chỉnh lại cơ cấu vốn đầu tư 2 dự án: Giải phóng mặt bằng để xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị và Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị - Giai đoạn 1;

Điều chỉnh thời gian thực hiện của 2 dự án Chính quyền điện tử và Dự án Cơ sở hạ tầng Khu dịch vụ - du lịch bãi tắm cộng đồng Gio Hải;

Chủ trương đầu tư một số dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; điều chỉnh lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương đã được HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 29/4/2021. Trong đó, có các dự án giảm vốn và các dự án tăng vốn…

Cũng tại kỳ họp lần này, các đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh đã thảo luận về thay đổi cơ cấu nguồn vốn và tăng tổng mức đầu tư của 6 dự án bao gồm: Trụ sở Tỉnh ủy; Dự án tái định cư Hải An; Dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây; Dự án giải phóng mặt bằng Cảng hàng không Quảng Trị; Dự án GMS; Dự án tôn tạo nâng cấp Khu di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị. Đồng thời điều chỉnh giảm kế hoạch vốn một số dự án khác.

Cùng với đó là bổ sung 3 dự án cơ sở hạ tầng thị xã Quảng Trị; hệ thống đường kết nối thị trấn Ái Tử với thị xã Quảng Trị; đường nối thị trấn Cam Lộ với trạm dừng nghỉ đường cao tốc Bắc - Nam và khu sinh thái hồ Nghĩa Hy để có sự hài hòa về bố trí vốn đầu tư giữa các địa phương.

Ngoài ra, HĐND tỉnh Quảng Trị tại kỳ họp cũng đã xem xét, thông qua quyết định chủ trương đầu tư các dự án để bảo đảm điều kiện trình Chính phủ giao vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; bổ sung phần căn cứ pháp lý và điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư một số dự án đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 theo Văn bản số 419/TTg ngày 02/4/2021…

Trên cơ sở nội dung được UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất và ý kiến thẩm tra của ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Trị đã xem xét và biểu quyết thông qua Nghị quyết Kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025 sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trong đó điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn một số dự án để phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển của địa phương; phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án để bảo đảm điều kiện trình Chính phủ giao vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; bổ sung và điều chỉnh một số dự án đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư trước đây…

Khánh Hoà đề xuất Chính phủ ủng hộ dự án điện khí 22,5 tỷ USD

Tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủng hộ chủ trương đầu tư dự án trung tâm điện khí hóa lỏng (LNG) và kho cảng đầu mối LNG Vân Phong của Công ty Millennium Energy (Hoa Kỳ).

Cùng với việc kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét, bổ sung dự án nói trên vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 (quy hoạch điện VIII) và quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để nhà đầu tư triển khai đầu tư dự án đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành trung ương tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn tất thủ tục trong quá trình nghiên cứu và triển khai dự án nói trên.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, từ tháng 7/2020, Công ty Millennium Energy đã khảo sát tại khu kinh tế Vân Phong, sau đó được Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong ký bản ghi nhớ về việc hỗ trợ khảo sát, nghiên cứu và lập hồ sơ đầu tư dự án này với diện tích đất sử dụng khoảng 360ha.

Theo đề xuất của Công ty Millennium Energy, doanh nghiệp này sẽ xây dựng nhà máy điện khí LNG có công suất 4.800MW với 4 tổ máy, được chia làm 2 giai đoạn xây dựng, mỗi giai đoạn 2.400MW, sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, với mức vốn đầu tư 4,7 tỷ USD. Thời gian vận hành thương mại của dự án giai đoạn 1 dự kiến từ năm 2027-2030 và giai đoạn 2 sau năm 2030.

Đối với kho cảng đầu mối LNG Vân Phong, doanh nghiệp đề xuất xây dựng hệ thống kho chứa có tổng công suất 17 triệu m3 khí thiên nhiên hóa lỏng, được phân chia nhiều giai đoạn xây dựng. Tổng vốn đầu tư cho dự án này dự kiến lên đến 22,5 tỷ USD.

Liên quan đến nhà đầu tư này, tháng 8/2020, tại buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo Công ty Millennium Energy từng bày tỏ mong muốn được tìm hiểu cơ hội đầu tư nhà máy điện khí hoá lỏng (LNG) và kho cảng chứa LNG tại khu vực phía Nam khu kinh tế Vân Phong.

Thời điểm đó, Công ty Millennium Energy đề xuất dự án trung tâm LNG (trên 10 triệu m3) và nhà máy điện (công suất 4.800MW) với tổng mức đầu tư ban đầu là 8 tỷ USD. Trong tương lai, sẽ nâng công suất nhà máy điện lên 9.600MW và kho chứa cũng tăng lên 15 triệu m3 với mức đầu tư khoảng 15 tỷ USD.

Địa điểm mà nhà đầu tư lựa chọn là khu vực thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước hoặc ở phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa. Toàn bộ dự án có diện tích đề xuất khoảng 600ha.

Trước đề xuất của Công ty Millennium Energy, thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết khu vực nhà đầu tư xin làm nhà máy điện và kho chứa LNG hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.

Hồi tháng 6/2020, Công ty Millennium Energy cũng từng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa với mong muốn đầu tư dự án trung tâm điện khí LNG Nghi Sơn, tổng mức đầu tư 7 tỷ USD.

Trong đó, công suất nhà máy điện là 4.800MW, giai đoạn 1 là 2.400MW, giai đoạn 2 là 2.400MW, tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD; công suất kho cảng 8 triệu tấn/năm, cấp khí cho nhà máy điện và các hộ tiêu thụ khác trong khu vực với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Công ty dự kiến đưa giai đoạn 1 vào vận hành trước năm 2030, giai đoạn 2 sau 2030.

Mới đây nhất, hồi tháng 4/2021, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng, Công ty Millennium Energy cũng bày tỏ muốn đầu tư dự án điện khí có công suất 9.600 MW (gồm 2 giai đoạn).

Millennium Energy cam kết sẽ sử dụng các trang thiết bị tiên tiến, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề nghị tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ khoảng 200ha đất và các thủ tục pháp lý cần thiết.

Tin bài liên quan