Đầu tư tuần qua: Đầu tư ra nước ngoài 534 triệu USD; tăng hơn 911 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn

Đầu tư tuần qua: Đầu tư ra nước ngoài 534 triệu USD; tăng hơn 911 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn

Đầu tư ra nước ngoài 534 triệu USD trong năm 2022; Điều chỉnh tăng hơn 911 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn… là hai trong số những thông tin đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Hà Nội: Đầu tư 12.350 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 5063/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025.

Theo kế hoạch, Thành phố đánh giá tổng nhu cầu diện tích sàn nhà ở xã hội giai đoạn sau năm 2020 cần đầu tư xây dựng mới khoảng 6,8 triệu m2 sàn. Theo Chương trình phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2025 khoảng 1,25 triệu m2 sàn.

Về khả năng đáp ứng, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 4 Dự án hoàn thành với khoảng 0,33 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Ngoài ra, hiện có 46 dự án đang triển khai với khoảng 2,9 triệu m2 sàn và 5 dự án khu nhà ở xã hội tập trung đang được nghiên cứu triển khai.

Giai đoạn 2021-2025, Thành phố xác định nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội trọng tâm gồm: Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành 22 dự án hiện đã có quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ bản xong giải phóng mặt bằng, đang chuẩn bị đầu tư hoặc đang thi công xây dựng với khoảng 1,215 triệu m2 sàn dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 (trong đó, đã có 4 dự án hoàn thành trong năm 2022).

Ngoài ra, tiếp tục triển khai 28 dự án còn lại (khoảng hơn 2,015 triệu m2 sàn) dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025 để bù đắp phần diện tích nhà ở còn thiếu so với mục tiêu kế hoạch. Đây là các dự án chưa có quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư, đang hoặc chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, phải rà soát do điều chỉnh quy hoạch chi tiết hoặc vì chậm tiến độ, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư.

Đồng thời, chuẩn bị đầu tư 5 dự án khu nhà ở xã hội tập trung và triển khai các dự án xây mới có tiến độ hoàn thành trong giai đoạn sau năm 2025.

Về kế hoạch cụ thể theo từng năm giai đoạn 2021-2025, Hà Nội xác định: Năm 2021, đạt 88.200m2 sàn nhà ở. Năm 2022 dự kiến đạt 257.000m2 sàn nhà ở. Năm 2023 dự kiến đạt 32.900m2 sàn nhà ở. Năm 2024 dự kiến đạt 361.700m2 sàn nhà ở. Năm 2025 dự kiến đạt 475.200m2 sàn nhà ở.

Thành phố Hà Nội dự kiến vốn để hoàn thành phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 là khoảng 12.350 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến nguồn vốn ngân sách khoảng 283 tỷ đồng, ngoài ra là vốn huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nguồn vốn cho vay ưu đãi của Thành phố từ quỹ đầu tư phát triển, ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng khác.

Đầu tư ra nước ngoài 534 triệu USD trong năm 2022

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, trong năm 2022, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt gần 534 triệu USD.

Trong đó, có 109 Dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 426,6 triệu USD, tăng 78,7% số dự án và tăng 4,3% số vốn so với cùng kỳ; có 26 lượt dự án điều chỉnh vốn (tăng 18,2%) với tổng vốn đầu tư tăng thêm Có một điểm đặc biệt, đó là vốn đầu tư ra nước ngoài năm nay không quá lớn, nhưng so với năm ngoái, lại tăng khá mạnh. Lý do là vì, năm 2021, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giảm gần 1,2 tỷ USD vốn đầu tư của Dự án Thăm dò phát triển và khai thác dầu khí tại Nga.


Bởi thế, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh năm 2021 sau khi trừ khoản 1,2 tỷ USD kia thì còn âm tới 367 triệu USD.

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, năm 2022, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 ngành.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, với 15 dự án đầu tư mới và 4 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký gần 251,9 triệu USD, chiếm 47,2% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với 2 dự án mới và 3 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư hơn 76,8 triệu USD, chiếm 14,4%; tiếp theo là các ngành bán buôn, bán lẻ; khai khoáng…

Năm 2022, theo Cục Đầu tư nước ngoài, có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam.

Dẫn đầu là Singapore, với 21 dự án đầu tư mới và 3 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 79,5 triệu USD, chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư.

Đứng thứ hai là Lào với tổng vốn đầu tư hơn 70,5 triệu USD, chiếm 13,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Úc, Hoa Kỳ, Đức…

Như vậy, lũy kế đến ngày 20/12/2022, Việt Nam đã có 1.611 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư Việt Nam trên 21,75 tỷ USD. Trong đó, có 139 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,6 tỷ USD, chiếm 53,3% tổng vốn đầu tư cả nước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,8%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,6%); Campuchia (13,5%); Venezuela (8,4%)…

Điều chỉnh tăng hơn 911 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn

Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1608/QĐ-TTg điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho Bộ Giao thông - Vận tải.

Theo Quyết định số 1608/QĐ-TTg, Chính phủ điều chỉnh tăng 911,046 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 (bao gồm 223,144 tỷ đồng vốn trong nước và 687,902 tỷ đồng vốn nước ngoài) cho Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (phần thực hiện dự án) của Bộ Giao thông - Vận tải.

Về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương, danh mục và mức vốn ngân sách trung ương được điều chỉnh ở trên thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công, chi tiết danh mục dự án và mức vốn ngân sách trung ương bố trí cho dự án theo quy định; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với đầu tư công chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/1/2023.

Thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có liên quan.

Quảng Ngãi đề xuất 600 tỷ đồng tiếp tục đầu tư nâng cấp Quốc lộ 24B

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoàn thành đưa vào khai thác đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và khu vực duyên hải miền Trung nói chung, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của nhân dân trong khu vực.

Tuy nhiên, để đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả, cần thiết phải xây dựng các công trình kết nối nhằm phát huy hiệu quả của toàn bộ tuyến đường, phục vụ kinh tế, đời sống nhân dân.

Các tuyến đường kết nối sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo giao thông thuận lợi, ổn định, bền vững trong mọi tình huống, đặc biệt là trong mùa mưa bão sẽ cùng với tuyến đường Quốc lộ 1A đảm nhiệm trong việc vận tải hàng hóa và hành khách cho khu vực và cả nước.

Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi kết nối với thành phố Quảng Ngãi thông qua nút giao Bắc Quảng Ngãi (Km123 + 700) và Quốc lộ 24B (Km25 + 825).

Trong khi đó, tuyến Quốc lộ 24B dài 108 km là tuyến giao thông huyết mạch nối các huyện đồng bằng, thành phố Quảng Ngãi, các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng nên lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn.

Riêng đoạn tuyến Quốc lộ 24B từ nút giao với Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến Quốc lộ 1A (từ Km20 + 710 - Km29 + 200, dài 8,49 km) mới được đầu tư đoạn từ Km20 + 710 - Km23 + 300 dài 2,59 km, còn lại 5,9km (Km23 + 300 - Km29 + 200) chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hiện trạng đoạn tuyến này có quy mô là đường cấp V đồng bằng (nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m, một số đoạn nền đường chỉ rộng 6,5m) nên sau khi Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào hoạt động, lưu lượng xe đi trên đoạn tuyến khá lớn, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông và tắc nghẽn giao thông, rất nhiều lần người dân và cử tri phản ánh.

Gần đây nhất, ngày 14/11/2022, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Tịnh về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và phát triển đô thị huyện Sơn Tịnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Tịnh tiếp tục kiến nghị đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 24B, đoạn Km23 + 300 - Km29 + 200.

Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 24B, đoạn Km23 + 300 - Km29 + 200, tỉnh Quảng Ngãi, với quy mô 4 làn xe theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 để đáp ứng nhu cầu giao thông trong thời gian đến là hết sức cần thiết và cấp bách.

Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng cao, giảm ách tắc, hạn chế tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 24B; tăng tính kết nối và phát huy hiệu quả đầu tư của Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 24B, đoạn Km23+300 - Km29+200, quy mô 4 làn xe, với kinh phí thực hiện khoảng 600 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 - 2025.

Doanh nghiệp Ấn Độ “đổ bộ” tìm cơ hội đầu tư tại Đông Nam bộ

Trung tuần tháng 12/2022, liên tiếp các hội nghị giao thương, xúc tiến thương mại, đầu tư của doanh nghiệp Ấn Độ được tổ chức tại các tỉnh/thành phố Đông Nam bộ, như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, năm 2021, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 13,2 tỷ USD, tăng 36,5% so với năm 2020. Hai nước đang hướng tới mục tiêu đạt 15 tỷ USD thương mại song phương trong thời gian tới.

Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam bộ, đầu tư của Ấn Độ vẫn ở mức khá thấp, thậm chí có tỉnh không có Dự án nào của nhà đầu tư Ấn Độ.

Tại Đông Nam bộ, Bình Dương là địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư Ấn Độ nhất, với 10 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 116 triệu USD. Bình Dương là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về thu hút đầu tư của Ấn Độ, sau Ninh Thuận và Phú Yên.

Mặc dù là đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng TP.HCM chỉ thu hút được tổng cộng 82 triệu USD từ nhà đầu tư Ấn Độ (tính đến tháng 3/2022). Tại TP.HCM, Ấn Độ đứng thứ 25/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Thành phố.

Trong khi đó, Đồng Nai chưa có dự án nào của doanh nghiệp Ấn Độ.

Với nhiều lợi thế hiện có, không khó để nhận ra việc các nhà đầu tư Ấn Độ đang để mắt tới Bình Dương như một điểm đến đầu tư tiềm năng trong thời gian tới. Nắm bắt cơ hội này, tháng 9/2022, Bình Dương đã đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế Ấn Độ Horasis 2022. Tham gia diễn đàn này, các doanh nghiệp Ấn Độ đã có cơ hội tìm hiểu và đi khảo sát thực tế tại Bình Dương.

Nói về các lĩnh vực mà doanh nghiệp Ấn Độ có thể đầu tư tại Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương cho biết, tỉnh đang thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp, nên vấn đề hợp tác trong lĩnh công nghệ thông tin là một nhu cầu rất lớn.

Cụ thể, với ngành dược, Việt Nam đang nhập khẩu dược phẩm từ Ấn Độ khá lớn. Tại Bình Dương hiện có khá nhiều doanh nghiệp sản xuất dược đang hoạt động. Do đó, Bình Dương rất mong muốn hợp tác cùng Ấn Độ trong lĩnh vực này để có thể sản xuất và cung cấp cho thị trường Việt Nam và cả Ấn Độ.

Bên cạnh đó, lĩnh vực chế biến gỗ là ngành phát triển khá tốt tại Bình Dương mà doanh nghiệp Ấn Độ có thể cùng nhau hợp tác.

Đối với lĩnh vực năng lượng, Bình Dương đang phát triển mạnh điện năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, kho pin dự trữ phục vụ năng lượng mặt trời đang thiếu. Do đó, đây sẽ là một thị trường rất tiềm năng và rộng lớn mà doanh nghiệp Ấn Độ có thể đầu tư tại Bình Dương.

Tại Đồng Nai, khi tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư Ấn Độ vào Đồng Nai, diễn ra vào trung tuần tháng 12/2022, lãnh đạo tỉnh này cũng mong muốn đón các nhà đầu tư Ấn Độ đến đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, doanh nghiệp Ấn Độ có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, giáo dục, y tế và đây là những lĩnh vực mà Đồng Nai rất quan tâm và đang mời gọi đầu tư.

Vì vậy, tỉnh Đồng Nai kỳ vọng thời gian tới, Ấn Độ sẽ mở rộng đầu tư vào Đồng Nai trong các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, logistics… “Tỉnh Đồng Nai cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư các dự án vào tỉnh. Trong đó có hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục hồ sơ để việc đầu tư diễn ra thuận lợi nhất”, bà Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh.

Thông tin từ Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp Ấn Độ mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dược phẩm... tại thị trường TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Một số tập đoàn của Ấn Độ như Ramky đã tìm hiểu cơ hội đầu tư phát triển bất động sản công nghiệp, đô thị tại vùng Đông Nam bộ.

Theo đánh giá của doanh nghiệp, Việt Nam và Ấn Độ đã có các đường bay thẳng từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc đến Delhi, Kolkata, Mumbai. Đây là điểm thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư FDI vào công nghệ chíp

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn 8806/VPCP-QHQT ngày 28/12/2022 xử lý thông tin báo chí về giữ chân FDI công nghệ cao.

Cụ thể, Báo Tuổi trẻ (tuoitre.vn) ngày 22/12/2022 đăng bài "Giữ chân FDI công nghệ cao cách nào?" với nội dung: "Làn sóng dịch chuyển FDI toàn cầu đã có những doanh nghiệp FDI công nghệ hàng đầu thế giới tới Việt Nam trong 3 năm qua. Nhưng đây mới là thành công bước đầu trong thu hút FDI công nghệ cao.

Có ý kiến cho rằng, từ phía Nhà nước, ngoài việc giữ ổn định nền tảng vĩ mô, cần xây dựng chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp, đặc biệt là việc nhanh chóng xây dựng chính sách thu thuế tối thiểu toàn cầu, minh bạch môi trường đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó cần chuẩn bị cả về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, hệ thống logistics hiện đại, có năng lực vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, hạ tầng xã hội, tạo môi trường sống hấp dẫn, tạo thuận lợi về chỗ ở cho nhà đầu tư".

Về thông tin trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư FDI vào công nghệ chíp, trình Chính phủ trong quý I năm 2023.

Báo cáo Thủ tướng về việc chọn thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Ngày 30/12, Bộ GTVT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát và tổ chức khởi công xây dựng Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Về việc phân chia gói thầu, Bộ GTVT khẳng định là đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không chia nhỏ gói thầu và phải lựa chọn được nhà thầu xây lắp có năng lực, kinh nghiệm, uy tín; phải bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật; kiên quyết phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng.

Để triển khai nội dung trên, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư đưa ra một số nguyên tắc phân chia gói thầu làm cơ sở triển khai thực hiện. Trong đó, việc phân chia gói thầu phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về xây dựng và yêu cầu kỹ thuật của Dự án. Theo đó, việc phân chia gói thầu xây lắp cần xem xét sự phù hợp về phạm vi, quy mô, tính chất kỹ thuật của công trình; điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn; địa giới hành chính; tính liên tục của các công trình chính (đường, cầu, hầm); phương án điều phối vật liệu đào, đắp; phương án tổ chức thi công; vị trí, số lượng, trữ lượng các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; đường công vụ nội, ngoại tuyến… để phân chia gói thầu đảm bảo yếu tố kinh tế - kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng căn cứ quy định về điều kiện năng lực của nhà thầu; kết quả khảo sát năng lực, kinh nghiệm nhà thầu của các chủ đầu tư để nghiên cứu xác định quy mô gói thầu hợp lý, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm tham gia dự án, tuân thủ quy định của pháp luật.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong 5 gần đây chỉ có 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng có giá trị khoảng 3.600 tỷ đồng, trường hợp mở rộng 10 năm gần đây chỉ có thêm 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng có giá trị khoảng 5.700 tỷ đồng; các nhà thầu khác đã thực hiện hợp đồng có giá trị nhỏ hơn (5 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng có giá trị từ 1.600 - 2.300 tỷ đồng; 7 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng có giá trị từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng; các nhà thầu còn lại thực hiện hợp đồng có giá trị nhỏ hơn 1.000 tỷ đồng).

Theo nguyên tắc nêu trên, các chủ đầu tư đã trình Bộ GTVT kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó đề xuất phân chia 12 dự án thành phần thành 25 gói thầu xây lắp có giá trị từ 3.000 - 8.000 tỷ đồng.

Trong đó, 2 dự án thành phần (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Cần Thơ - Hậu Giang) chia thành 1 gói thầu (không có cầu lớn, hầm, chiều dài dưới 40km); 7 dự án theo tính chất công trình cầu, hầm, chiều dài tuyến chia thành 2 gói thầu; riêng 3 dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh và Hậu Giang - Cà Mau chia thành 3 gói thầu do đây là các dự án có chiều dài tuyến (60 – 90km), chi phí xây dựng từ 13.000 - 15.000 tỷ đồng, có tính chất kỹ thuật phức tạp (gồm 4 công trình hầm, 2 công trình cầu lớn, phạm vi xử lý nền đất yếu lớn).

Công tác tư vấn giám sát được chia thành 25 gói thầu tương ứng với các gói thầu xây lắp để thuận lợi trong việc giám sát thi công xây dựng và phù hợp năng lực của các tổ chức tư vấn giám sát trong nước.

Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, Điều 73 Luật Đấu thầu, Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 8/9/2022 của Chính phủ, Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 12 dự án thành phần (25 gói thầu xây lắp và 25 gói thầu tư vấn giám sát) để các chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu theo thẩm quyền.

Ngoài ra, để nâng cao tính đồng bộ, tập trung một đầu mối nhằm quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng thực hiện gói thầu, trong hồ sơ yêu cầu và hợp đồng gói thầu xây lắp đã quy định thành viên đứng đầu liên danh chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, điều hành chung, trực tiếp giao dịch, làm việc với chủ đầu tư trong quá trình thực hiện hợp đồng, sẵn sàng thay thế các nhà thầu yếu kém trong liên danh khi chất lượng, tiến độ thi công không đảm bảo yêu cầu.

Để đảm bảo lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu năng lực, kinh nghiệm, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư căn cứ quy định pháp luật về đấu thầu và xây dựng; trên cơ sở quy mô, tính chất kỹ thuật của gói thầu, xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu để thực hiện chỉ định thầu đảm bảo đồng bộ, thống nhất, đúng quy định của pháp luật.

Các tiêu chí chính để đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu đã được các chủ đầu tư phê duyệt bám sát quy định Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 của Bộ KH&ĐT, Nghị định 15/2021/NĐ-CP; trong đó bao gồm: yêu cầu về năng lực hành nghề thi công xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng; yêu cầu về năng lực tài chính (doanh thu, nguồn lực tài chính); yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự...

Đến nay, các chủ đầu tư đã hoàn thành công tác chỉ định thầu 14/25 gói thầu xây lắp, 14/25 gói thầu tư vấn giám sát theo đúng trình tự, thủ tục nêu trên đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch; các nhà thầu được lựa chọn, được chủ đầu tư đánh giá đều là các doanh nghiệp có tiềm lực, có uy tín và đáp ứng các yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của hồ sơ yêu cầu.

“Đối với 11/25 gói thầu xây lắp và tư vấn giám sát còn lại, các chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục để chỉ định thầu, đáp ứng tiến độ triển khai đồng loạt trước Tết nguyên đán Quỹ Mão”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.

Quảng Ninh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 120% kế hoạch Thủ tướng giao

Đó là kết quả được đưa ra tại cuộc họp tổng kết công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh mới đây.

Theo báo cáo tại cuộc họp, đến hết ngày 31/12, giải ngân nguồn vốn đầu tư công của Quảng Ninh năm 2022 đạt gần 14.987 tỷ đồng, bằng 95% tổng kế hoạch vốn điều hành của tỉnh và đạt trên 120% kế hoạch pháp lệnh về giải ngân đầu tư công của Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm.

Năm 2023, nguồn vốn đầu tư công kế hoạch của tỉnh là 13.200 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách cấp tỉnh là hơn 8.600 tỷ đồng, còn lại là nguồn ngân sách cấp huyện và xã. UBND tỉnh đã hoàn thành việc phân khai nguồn vốn đối với các địa phương, đơn vị, đồng thời xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện thu tiền sử dụng đất đối với từng Dự án và mốc thời gian hoàn thành đảm bảo nguồn vốn phục vụ chi đầu tư công. Với mục tiêu đầu tư sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, không đầu tư dàn trải, tỉnh xác định chỉ thực hiện khởi công mới dưới 10 công trình từ nguồn vốn ngân sách tỉnh trong năm 2023.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung đánh giá, phân tích về công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các nội dung, giải pháp cần thực hiện trong năm 2023; phương án tháo gỡ các khó khăn liên quan đến hồ sơ, thủ tục về lĩnh vực tài nguyên, nguồn vật liệu san lấp, công tác quy hoạch xây dựng …

Đối với kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu hoàn thành 80% vào tháng 9 và 100% vào ngày 31/12/2023. Để hoàn thành mục tiêu này, các địa phương, đơn vị được giao làm chủ đầu tư hoàn thành phân khai kế hoạch vốn các dự án có mục tiêu trước ngày 31/12/2022 theo đúng tinh thần Nghị quyết 136/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh.

Đối với các dự án khởi công mới năm 2023 từ nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cũng như nguồn vốn ngân sách cấp huyện phải hoàn thiện phê duyệt đấu thầu trong quý I/2023 và lựa chọn được đơn vị thi công trong quý II. Riêng các dự án từ nguồn ngân sách tỉnh liên quan đến trụ sở công an cấp xã, trường học, phải phê duyệt dự án trong tháng 2/2023 để phê duyệt nguồn vốn vào tháng 3.

Đối với các dự án chuyển tiếp, các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị được giao làm chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu tập trung triển khai thi công ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới đảm bảo khối lượng giải ngân theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy.

Dự án thứ hai của Hàn Quốc tại Quảng Trị sắp về đích

Ngày 30/12, ông Jino Lee – Giám đốc Dự án Nhà máy lắp ráp điện tử Sangshin Electronics của Công ty Sangshin Electronics Co.Ltd (100% vốn đầu tư Hàn Quốc), cho biết dự án đầu tư vào Quảng Trị hiện tại đã hoàn thiện gần 90% về phần xây dựng và đang trong quá trình chuẩn bị cho các công tác nghiệm thu, hoàn công.

Tăng vốn dự án thành 4 triệu USD (trong đó vốn góp là 2 triệu USD và vốn vay là 2 triệu USD), dự kiến ngày 16/01/2023 tới sẽ hoàn thành thủ tục cho phần vốn tăng thêm 500.000 USD.

Dự án Nhà máy lắp ráp điện tử Sangshin Electronics của Công ty Sangshin Electronics Co.Ltd do Công ty Sangshin Electronics Co.Ltd được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư vào ngày 04/11/2021.

Dự án được đầu tư trên diện tích đất sử dụng là 19.721 m2, tại Lô CN3, Cụm công nghiệp Đông Ái Tử, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Với thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư này có hiệu lực.

Dự án có công suất thiết kế 4,8 triệu bộ lọc tiếng ồn/năm, 27 triệu cuộn cảm/năm và 82 triệu linh kiện bằng nhựa đúc/năm cho cả 2 giai đoạn.

Trong giai đoạn 1, dự án được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2023, sau thời gian 3 tháng chạy thử nghiệm theo quy định. Trong giai đoạn 2, dự án sẽ tiến hành xây dựng từ tháng 4/2024 và chính thức đi vào vận hành từ tháng 1/2025.

Đây là dự án thứ hai của nhà đầu tư Hàn Quốc, sau Công ty TNHH Poong In Vina đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhưng là dự án đầu tiên được triển khai xây dựng, sớm đi vào hoạt động, mang lại cơ hội công ăn việc làm cho dự kiến trên 500 lao động địa phương trong thời gian tới.

Quảng Ngãi đầu tư 250 tỷ đồng để xây đê chắn sóng Cảng Bến Đình

Ngày 30/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký quyết định về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Đê chắn sóng bến Cảng Bến Đình (Lý Sơn, Quảng Ngãi).

Theo đó, dự án có các hạng mục gồm thân đê với tổng chiều dài 450 m, bề rộng mặt đê nơi lớn nhất là 16,4m và hẹp nhất là 6m, toàn bộ phần mặt đê được phủ bởi các khối phủ Accropode; cao trình đỉnh đê nơi cao nhất 6,6m và thấp nhất 4m. Hệ thống quan trắc sóng biển tại khu vực cảng Bến Đình.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, mục tiêu đầu tư bảo vệ ổn định khu vực cảng Bến Đình, góp phần che chắn làm giảm sóng, hạn chế bồi lấp, giảm thiểu rủi ro thiên tai khu vực cảng, đảm bảo việc khai thác hiệu quả cảng Bến Đình.

Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt, thời hạn sử dụng công trình 50 năm. Tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 175 tỷ đồng, phần còn lại ngân sách cân đối địa phương. Thời gian thực hiện công trình giai đoạn 2022-2025.

Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi.

Được biết, Cảng Bến Đình (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) là được đầu tư khoảng 256 tỷ đồng và khởi công tháng 11/2016. Đây là công trình cảng biển cấp 4, với 1 bến cầu tàu dài 240 m, bao gồm các hạng mục chính: Bến cập tàu dài 87 m, cầu dẫn dài hơn 150 m, diện tích khu lấn biển gần 5 ha, khu vực cảng hơn 3 ha, nhà ga rộng 1.000 m2, nhà làm việc 250 m2.

Rộng cửa phương án chọn thầu dự án “siêu” cầu Đại Ngãi

“Chúng tôi đã nhận được hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến cơ chế chỉ định thầu theo cơ chế đặc thù cho công trình và đang tổng hợp, báo cáo Bộ GTVT để sớm có quyết định cuối cùng”, ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 85 (PMU85), đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 cho biết.

Vào cuối tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 9185/BKHĐT-QLĐT phúc đáp PMU85 về việc xin hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù để triển khai dự án trên.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép công trình được sử dụng một phần vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Điều 5, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội có quy định Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 - 2023 đối với các gói thầu tư vấn; gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình.

“Do vậy, Bộ trưởng Bộ GTVT, người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư của Dự án có trách nhiệm xác định gói thầu áp dụng cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo quy định tại Điều 5, Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ: về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình”, công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Liên quan việc tiết kiệm 5% giá dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ được áp dụng yêu cầu này đối với các gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần áp dụng chỉ định thầu.

Trường hợp người có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu thầu rộng rãi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc lựa chọn nhà thầu phải thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn liên quan. Trong đó, nội dung hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu.

Được biết, tại Quyết định số 878/QĐ-TTg, Thủ tướng cho phép Bộ GTVT sử dụng 4.130 tỷ đồng vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60. Phần vốn còn lại cho Dự án sẽ được phân bổ từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 của Bộ GTVT.

Theo PMU85, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 - công trình cầu lớn vượt sông Tiền kết nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng - từng được đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản. Tuy nhiên, để đảm bảo công trình có thể hoàn thành vào năm 2027, Chính phủ đã quyết định sử dụng nguồn vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư.

Đây là dự án rất quan trọng đối với hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giúp rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải, lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và phân luồng, giảm tải cho Quốc lộ 1, rút ngắn khoảng cách 80 km so với sử dụng tuyến Quốc lộ 1 khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP.HCM, giảm thời gian di chuyển qua 2 phà vượt sông Hậu.

“Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, việc chuyển sang sử dụng nguồn vốn trong nước và áp dụng cơ chế đặc thù có thể đẩy nhanh tiến độ Dự án khoảng 11,5 tháng”, Giám đốc PMU85 ước tính.

Hiện chưa rõ Bộ GTVT sẽ chọn áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu nào cho các gói thầu xây lắp, nhưng tại tờ trình mới nhất đề nghị cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60, PMU85 đã kiến nghị áp dụng phương án đấu thầu để lựa chọn tư vấn trong nước kết hợp sử dụng một số chuyên gia nước ngoài cho 2 gói thầu tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát công trình.

“Cầu chính cầu Đại Ngãi là công trình cầu dây văng có khẩu độ lớn, kết cấu phức tạp. Các đơn vị tư vấn trong nước hiện nay cũng đã tiếp cận, có kinh nghiệm thiết kế/thẩm tra/giám sát một công trình cầu dây văng có khẩu độ nhịp khá lớn, nhưng để đảm bảo chất lượng công trình và kiểm soát tốt các rủi ro, vẫn cần có yếu tố tư vấn nước ngoài tham gia Dự án”, đại diện PMU85 thông tin. Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 có điểm đầu giao với Quốc lộ 54, thuộc địa phận xã Hùng Hòa (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh); điểm cuối giao với Quốc lộ Nam sông Hậu, thuộc địa phận xã Long Đức (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng)

Dự án có chiều dài 15,14 km, trong đó có 2 cầu lớn là cầu Đại Ngãi 1 (dài 2.559 m) và cầu Đại Ngãi 2 (dài 862 m).

Tin bài liên quan