Ðầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong tháng 1/2019 giảm 4,8% so với cùng thời gian năm ngoái, xuống còn 84,18 tỷ nhân dân tệ (12,45 tỷ USD), theo số liệu được công bố bởi Bộ Thương mại Trung Quốc. Tuy nhiên, dòng tiền từ Mỹ đã tăng 124,6% so với tháng 1/2018, trong khi nguồn vốn đổ vào Ðại lục từ Hà Lan tăng 95,6% và từ Anh tăng 13,7%.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao chứng kiến sự tăng trưởng mạnh, với dòng vốn đầu tư đổ vào tăng 40,9% so với cùng thời gian năm ngoái.
Ðây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh các cuộc thương lượng về xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra với những tiến triển ít ỏi, nhất là vấn đề liên quan tới việc Mỹ yêu cầu Ðại lục phải mở cửa hơn nữa nền kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp Mỹ.
Robin Xing, nhà kinh tế tại Morgan Stanley dự báo, giá trị vốn FDI chảy vào Trung Quốc sẽ tăng khoảng 110 - 230 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2019 - 2030, so với mức trung bình 126 tỷ USD/năm trong thập kỷ vừa qua.
Việc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra đã có những tác động tiêu cực nhất định tới FDI của Ðại lục, tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy, dòng tiền sẽ không có biến động quá mạnh.
Hiện tại, các thành viên thị trường vẫn theo sát các diễn biến mới nhất từ quá trình đàm phán thương mại giữa quan chức cấp cao 2 quốc gia, trước khi diễn ra cuộc gặp giữa người đứng đầu: Tổng tống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo nguồn tin mới nhất, ông Trump đang cân nhắc ý định lùi thêm 60 ngày thời hạn đánh thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, nếu 2 quốc gia tiến gần tới thỏa thuận về việc tái cấu trúc mạnh mẽ các chính sách kinh tế của Trung Quốc.
Những vướng mắc trên bàn đàm phán trong tuần này bao gồm việc thiết lập bộ khung về các thỏa thuận thương mại và giải quyết một số vấn đề thường xuyên được đề cập tới. Thứ nhất, Mỹ thúc giục Trung Quốc đa dạng các phương pháp quản lý hoạt động ngoại thương, cũng như chính nền kinh tế trong nước. Trong đó cần cải thiện tình trạng lạm dụng các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp ngoại và bao bọc công ty nhà nước.
Thứ hai, Tổng thống Trump muốn giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, các nhà đàm phám Mỹ tập trung vào việc tìm giải pháp hạ thấp hơn nữa con số hơn 300 tỷ USD thặng dư thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ.
Bắc Kinh đã đưa ra đề nghị sẽ mua sắm nhiều hàng hóa hơn của Mỹ trong 6 năm tới để cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên. Mặc dù vậy, đây không phải việc đơn giản, khi riêng trong tháng 1/2019, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ở mức 27,3 tỷ USD, chỉ giảm nhẹ so với mức đỉnh đạt được vào cuối năm ngoái.
Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ gặp gỡ ông Tập Cận Bình vào vòng đàm phán cuối cùng để thống nhất thỏa thuận về thương mại giữa 2 bên, dù chưa thiết lập thời gian cụ thể.