Năm 2010, tổng khối lượng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào EU chỉ đạt hơn 6,1 tỷ euro, thấp hơn mức đầu tư vào Ấn Độ, Iceland hay Nigeria. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, tổng đầu tư của Trung Quốc vào liên minh này đã tăng gấp 4 lần, lên gần 27 tỷ euro, theo số liệu tổng hợp của Deutsche Bank.
Giới phân tích nói rằng, đó không phải là một trào lưu ngắn hạn mà là một sự chuyển đổi mô hình đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc và được dự báo sẽ tăng ổn định trong vòng một thập kỷ tới.
“Chúng tôi đã nhìn thấy một làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu, đặc biệt (qua M&A) vào giai đoạn cao trào của cuộc khủng hoảng nợ”, Thilo Hanemann, một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc và là Giám đốc nghiên cứu của Rhodium Group, một tổ chức tư vấn nghiên cứu, cho biết.
“Đây một mặt là sự tranh thủ thời cơ do các tài sản có giá rẻ và mặt khác là một sự dịch chuyển cơ cấu đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, từ chỗ giành lấy các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các nước đang phát triển sang thâu tóm các thương hiệu và công nghệ ở các nước phát triển”.
Tờ Financial Times trong tuần này đã điều tra về xu hướng hiện đại trong đầu tư, di trú và tham vọng của Trung Quốc ở châu Âu. Một loạt báo cáo từ Bắc Kinh đến Milan, Madrid, Lisbon và Athens tiết lộ quy mô mở rộng của Trung Quốc ở châu Âu, dòng chảy đầu tư, chiến lược đầu tư và di cư của các nhà đầu tư Trung Quốc, tất cả nằm trong một nỗ lực mang tầm quốc gia - một chính sách “ra ngoài” được bắt đầu từ năm 1999 - nhằm tìm kiếm các thị trường mới và tăng cường sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.
Tổng đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã giảm phần nào từ mức đỉnh của các năm 2011 và 2012, nhưng giới phân tích trên khắp lục địa già nhìn thấy hàng loạt thương vụ M&A đang trong quá trình thực hiện và những dấu hiệu cho thấy đầu tư sẽ tăng mạnh trong thập kỷ này.
Dữ liệu chính thức về đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc - cả đầu tư từ nước ngoài - vốn nổi tiếng không đáng tin cậy, bởi Chính phủ nước này không tính đến hầu hết hoạt động của các công ty con của Trung Quốc ở nước ngoài và không cố gắng trắc nghiệm điểm cuối của các chu trình đầu tư.
Các tổ chức độc lập, như Rhodium Group và Heritage Foundation, đã ghi nhận một sự dịch chuyển gần đây trong dòng tiền của Trung Quốc từ các nước đang phát triển giàu tài nguyên ở châu Phi sang các nước phát triển, trong đó có châu Âu.
Các công ty tư nhân của Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển tiếp này. Các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc là những đơn vị tiên phong trong đầu tư ra nước ngoài, chiếm khoảng 78% tổng đầu tư vào châu Âu trong thời gian từ 2008 đến 2013, theo Deutsche Bank. Tại quê nhà, các tập đoàn nhà nước này thống lĩnh các ngành công nghiệp, như viễn thông, vận tải, năng lượng và tài chính.
Nhưng từ năm 2011 đến 2013, tỷ trọng của các công ty tư nhân trong hoạt động M&A của Trung Quốc tại châu Âu đã tăng lên 30%, so với mức 4% trong 3 năm trước đó, nghiên cứu của Deutsche Bank cho thấy.
Hoạt động đầu tư có xu hướng co cụm vào các nước riêng lẻ trong một năm nhất định, theo dữ liệu tổng hợp của Heritage Foundation. Chẳng hạn, trong năm 2014 này, Italia là điểm đến lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu. Tính ra, có gần một nửa trong số 7 tỷ USD tổng đầu tư của Trung Quốc vào Italia được thực hiện trong năm 2014. Hay Bồ Đào Nha nhận được làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào các năm 2011 và 2014.
Đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu - mặc dù vẫn đang tăng lên - vẫn đối diện với một vài trở ngại.
“So với 4.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, khối lượng đầu tư vào châu Âu vẫn chả thấm vào đâu. Lý do là châu Âu không sẵn sáng bán cho Trung Quốc các công nghệ hàng đầu của mình và cũng không có nhiều thứ khác mà Trung Quốc thực sự thèm muốn”, Derek Scissors, học giả ở American Enterprise Institute và là người tự xây dựng một cơ sở dữ liệu độc lập về đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, cho biết. “Trong tương lai, chúng ta có thể sẽ chứng kiến một đợt tăng ổn định (trong đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu), nhưng không đột phá”.