Chúng ta đang sống trong một thế giới bất thường với việc giá tiêu dùng giảm. Hiện tượng này rất hiếm gặp, chẳng hạn, trong vòng 50 năm qua, Mỹ mới chứng kiến giá giảm (so sánh theo năm) chỉ duy nhất trong một tháng (là tháng 1/2015), nếu chúng ta bỏ qua thống kê của cuộc khủng hoảng tài chính trong năm 2009. Trên thực tế, nỗi lo giảm phát đã tăng trên phạm vi toàn cầu kể từ năm ngoái, đặc biệt là ở châu Âu, Nhật Bản và ngày càng gia tăng ở Trung Quốc.
Thông thường, giảm phát là tin xấu cho các nhà đầu tư cổ phiếu vì doanh nghiệp bị mất quyền định giá, bị ảnh hưởng đến lợi nhuận, do đó sẽ làm giảm mức đầu tư và tăng trưởng của DN. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng hoãn chi tiêu vì hy vọng giá sẽ tiếp tục giảm, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng yếu. Tuy nhiên, may mắn là giai đoạn giảm phát hiện nay được xem như một hiện tượng nhất thời, chủ yếu do giá dầu giảm mạnh (mà nguyên nhân chính là nguồn cung dư thừa từ Mỹ chứ không phải do nhu cầu toàn cầu giảm xuống).
Trong thực tế, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay, năm thứ tư liên tiếp. Kinh tế Mỹ cuối cùng cũng đạt tốc độ tăng trưởng rất tốt với dự báo sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2015 và sẽ là mức cao nhất kể từ năm 2005.
Châu Âu cũng đóng góp nhiều hơn bất cứ khu vực nào khác trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu thời gian qua, bởi kinh tế khu vực này đã chấm dứt suy thoái vào năm 2013 và tăng trưởng nhẹ trong năm 2014. Chúng tôi tin rằng kinh tế châu Âu năm 2015 sẽ còn tốt hơn năm ngoái.
Cuối cùng, việc Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ không những giúp giảm thiểu các rủi ro gắn liền với nợ tăng cao mà còn hỗ trợ tăng trưởng, vì giới chức Trung Quốc tiếp tục cải cách để biến người tiêu dùng trong nước thành nhân tố chính thúc đẩy kinh tế Trung Quốc.
Vậy trong bối cảnh này, các nhà đầu tư châu Á nên hành động như thế nào? Hy vọng tăng trưởng kinh tế từ Mỹ và châu Âu sẽ thúc đẩy thêm các khoản đầu tư rủi ro hơn và việc Trung Quốc duy trì kích thích tăng trưởng kinh tế sẽ hóa giải được những cơn gió thổi ngược từ tăng trưởng chậm. Điều đáng mừng là áp lực lạm phát trong khu vực đã bị chặn lại và điều này cho phép chính quyền các quốc gia duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm kích thích nhu cầu trong nước.
Hiện tại, cổ phần ở các thị trường phát triển, đặc biệt là ở châu Âu, Nhật Bản và những thị trường châu Á chọn lọc, vẫn là khoản “ưa thích” của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các rủi ro có thể sẽ tăng lên khi tính đến khả năng Mỹ tăng lãi suất lần đầu kể từ 2006. Do đó, thách thức chính sẽ là việc phải xác định một danh mục đầu tư mạnh mẽ, có cân nhắc kỹ. Thông thường, trái phiếu đầu tư sẽ được sử dụng như một công cụ bảo hiểm dạng hedge trong danh mục đầu tư và để giảm thiểu biến động. Tuy nhiên, nếu lợi nhuận trái phiếu thấp, kênh đầu tư này có thể lại là một công cụ đắt tiền và rủi ro. Trong khi đó, cơn ‘thịnh nộ’ năm 2013 cho thấy mọi động thái thắt chặt đột ngột trong chính sách tiền tệ Mỹ có thể đẩy mối tương quan giữa cổ phiếu và trái phiếu đầu tư lên cao hơn (khi cả hai rơi cùng một lúc), do đó làm giảm hiệu quả của công cụ hedge này.
Tất nhiên, chúng ta cần nhớ rằng, sự biến động cũng có thể tạo ra nhiều cơ hội đáng kể, các nhà đầu tư có thể mua tài sản rẻ hơn hoặc có cơ hội mua các tài sản tốt và khá hấp dẫn so với các tài sản tương tự trong suốt thời gian đó. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư 2 điều: (1) đầu tư không được quá khả năng trong giá trị danh mục đầu tư; và (2) sử dụng nguồn lực một cách sáng suốt.
Tạo thu nhập từ rất nhiều loại tài sản vẫn là một trong các chủ đề đầu tư trọng điểm của nhà đầu tư trong năm 2015. Thách thức đối với các nhà đầu tư là nguồn thu nhập lâu nay (tức trái phiếu) cho lợi nhuận rất thấp. Điều này không chỉ làm giảm thu nhập mà còn làm tăng mức độ rủi ro của tài sản đó. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích nhà đầu tư có cách tiếp cận đa dạng hơn, bao gồm việc mua các cổ phiếu có cổ tức cao, đặc biệt là ở châu Âu, nơi cổ tức và lợi nhuận kỳ vọng cao hơn.
Bối cảnh mới hiện nay xuất hiện hai chiến lược đầu tư khác có thể có lợi hơn. Thứ nhất là chiến lược lấy lợi nhuận cổ phần hàng tháng (covered call strategy), nghĩa là cùng một lúc mua cổ phiếu và bán quyền chọn mua cổ phiếu đó để sinh lời. Chiến lược này thường tốt hơn so với việc chỉ đầu tư cổ phiếu đơn thuần và đó chính là kịch bản mà chúng tôi hy vọng sẽ phát triển trong các quý tới. Thứ hai là mua trái phiếu đồng rupee Ấn Độ và trái phiếu nhân dân tệ Trung Quốc, vì lợi nhuận vẫn hấp dẫn hơn so với các rủi ro khi đầu tư vào những tài sản không phải USD.
Đồng USD có khả năng tiếp tục tăng giá vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu tăng lãi suất trong khi phần lớn thế giới vẫn còn trong tình trạng nới lỏng tiền tệ. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần phải chọn lọc kỹ trong việc phân bổ trái phiếu không bằng đồng USD và cũng tự bảo hiểm dạng hedge tiền của họ, đặc biệt là ở châu Âu và Nhật Bản (điểm đầu tư vốn cổ phiếu ưa thích của chúng ta) cũng như ở châu Á.