Ông Trần Lê Minh

Ông Trần Lê Minh

Đầu tư trái phiếu hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm

(ĐTCK) Thị trường trái phiếu (TP) liệu có thu hút được dòng tiền đầu tư khi từ trước đến nay vốn chỉ là “sân chơi” của các NĐT tổ chức?

Báo ĐTCK đã trao đổi với ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) tại ĐHCĐ thành lập Quỹ đầu tư trái phiếu Việt Nam (VFM VFB) do VFM quản lý.

Thưa ông, ý nghĩa của việc thành lập Quỹ VFMVFB đối với thị trường nói chung cũng như VFM là gì?

VFMVFB là quỹ đầu tư TP thứ 3 thành lập sau các quỹ do Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng Quân đội và VinaWealth thành lập. Hai quỹ ra đời trước đều khởi đầu với mức vốn khoảng 50 tỷ đồng. Số vốn gần 100 tỷ đồng của VFMVFB dù còn khiêm tốn, nhưng cũng là thành công nhất định trong bối cảnh hiện nay.

Chúng tôi quyết định thành lập quỹ đầu tư TP thời điểm này với nhận định rằng, thị trường TP đang có nhiều tiềm năng khi có quy mô không kém hơn thị trường cổ phiếu là mấy. Thị trường này đã từng mang lại lợi nhuận cao cho các tổ chức đầu tư, nhưng lại là thị trường khá chuyên biệt chỉ dành cho NĐT lớn. Với sự ra đời của các quỹ đầu tư trái phiếu, NĐT nhỏ có thể đầu tư TP thông qua các quỹ. Mặt khác, loại hình quỹ đầu tư TP chuyên biệt đánh dấu sự ra đời một sản phẩm mới của ngành quản lý quỹ. Đồng thời, là tiền đề cho khả năng phát triển một loạt sản phẩm khác, đặc biệt là các sản phẩm quỹ hưu trí bổ sung trong thời gian tới.

 

Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, dòng tiền đầu tư từ thị trường TP đã chạy sang cổ phiếu. Vậy theo ông, đầu tư vào TP trong thời gian tới liệu có cơ hội như cách đây 1 - 2 năm?

Diễn biến bất thường của nền kinh tế là nguyên nhân dẫn đến sự biến động lớn về lãi suất trong các năm qua. Với sự dần ổn định lại của kinh tế vĩ mô và chính sách cải cách hệ thống ngân hàng, lãi suất đã giảm nhiều trong hơn 1 năm trở lại đây, theo chúng tôi, lãi suất sẽ dần ổn định, biến động trong biên độ hẹp và sẽ tạo đáy trong thời gian tới.

Tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy cơ hội đầu tư từ việc tăng trưởng quy mô thị trường TP và khối lượng giao dịch lớn hơn nhiều so với thời gian trước đây. Quy mô thị trường trái phiếu, bao gồm TP chính phủ và TP doanh nghiệp, vào cuối quý I/2013 đã tăng 53% so với cùng kỳ. Thị trường TP thứ cấp từ cuối năm 2012 đến nay đã có sự tăng vọt về giá trị giao dịch. Từ mức bình quân 4.000 - 5.000 tỷ đồng/tuần vào cuối 2012, đến thời điểm này đã đạt gần 10.000 tỷ đồng/tuần, giao dịch chủ yếu ở TP có kỳ hạn từ 3 năm trở xuống (chiếm 70 - 80% tổng giá trị giao dịch). NĐT nước ngoài đang có sự tham gia tích cực vào thị trường TP Việt Nam, bình quân giao dịch của khối ngoại đạt 30 - 40% tổng giá trị giao dịch của thị trường trong thời gian gần đây.

Chiến lược của Quỹ VFMVFB là đầu tư năng động, tích cực giao dịch, tận dụng hỗ trợ về kỹ thuật từ 2 quỹ đầu tư TP đã hoạt động ở Việt Nam từ đầu năm 2008 do Dragon Capital quản lý là VDeF A và VDeF B. Quỹ đầu tư VDeF B với các tài sản đầu tư tương tự như VFMVFB đã đạt lợi nhuận bình quân 14,89%/năm, kể từ khi bắt đầu hoạt động cho tới thời điểm 31/12/2012 và trong 5 tháng đầu năm 2013, đạt lợi nhuận 9,56%. Kỳ vọng VFMVFB cũng đạt được kết quả khả quan như vậy.

 

Số vốn gần 100 tỷ đồng có quá nhỏ khi 1 lô trái phiếu đã có giá trị 100 tỷ hay 50 tỷ đồng, thưa ông?

Nếu một mình VFMVFB đầu tư thì đây sẽ là trở ngại, nhưng lợi thế là VFM có thể kết hợp các quỹ do mình quản lý như VFB, VFA và VF1. Tổng số tiền có thể đầu tư vào trái phiếu của 3 quỹ này khoảng 400 tỷ đồng, tùy thuộc từng thời điểm.

 

VFMVFB cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào TP doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về cơ hội ở thị trường TP phiếu doanh nghiệp hiện nay?

Từ đầu năm 2012 đến hết quý I/2013, quy mô thị trường TP doanh nghiệp đã giảm từ 2 tỷ USD xuống còn 1 tỷ USD, do trái phiếu đáo hạn và lãi suất cao nên doanh nghiệp không phát hành mới. Sau một thời gian giảm khá dài, lãi suất phát hành TP đã trở nên hấp dẫn đối với doanh nghiệp. Chênh lệch giữa lãi suất TP chính phủ và lãi suất TP của doanh nghiệp được đánh giá có sức khỏe tài chính tốt nhất hiện tại đang ở mức 2,5 - 3 điểm phần trăm cho kỳ hạn 5 năm. Lãi suất này khá hợp lý để hấp dẫn NĐT TP và so với lãi suất vay vốn dài hạn của doanh nghiệp cũng hấp dẫn hơn nhiều. Vì vậy, tôi cho rằng, trong điều kiện khó tiếp cận tín dụng ngân hàng như hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẽ quay trở lại phát hành TP để có lãi suất huy động hợp lý cho đầu tư dài hạn. Đây là cơ hội cho VFMVFB.

 

Với NĐT cá nhân nhỏ lẻ, đầu tư chứng chỉ quỹ VFMVFB có phải là lựa chọn tốt hơn gửi tiết kiệm vào thời điểm này, thưa ông?

Trước tiên, chứng chỉ quỹ VFMVFB là kênh đầu tư thay thế ít rủi ro, giúp NĐT đa dạng danh mục đầu tư. So với lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện khoảng 6 - 8%/năm thì đầu tư trái phiếu có khả năng đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Mục tiêu của Quỹ VBF tối thiểu là bảo toàn vốn và có lãi cao hơn lãi suất TP Chính phủ kỳ hạn 3 - 5 năm hiện nay. Nếu giao dịch tốt, chúng tôi có thể kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Trong điều kiện lãi suất tiết kiệm dự kiến không tăng thậm chí có thể còn giảm nhẹ trong thời gian tới, thì sự chênh lệch đủ hấp dẫn để NĐT bỏ tiền vào quỹ.