Cắt giảm quy mô sau 3 quý lỗ nặng
Ngày 18/10 vừa qua, Hội đồng quản trị SMC đã thông qua chủ trương “thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhân sự trong toàn bộ hệ thống, tiết giảm tất cả các chi phí phát sinh”.
SMC là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại, gia công Coil Center và sản xuất các sản phẩm thép. Trong đó, lĩnh vực thương mại thép (thép xây dựng, thép tấm lá, thép hình, xà gồ) là lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp tích cực về cả sản lượng và hiệu quả kinh doanh.
Đối với gia công Coil Center (gia công cắt, chặt, xả băng thép tấm cán nóng; gia công cắt, chặt xả băng thép lá cán nguội), Công ty gia công thép và cung cấp ra thị trường trong nước, tập trung nhóm các công ty xây dựng, chủ đầu tư lớn tại Việt Nam.
Nghị quyết này được ban hành trong bối cảnh Công ty tiếp tục báo lỗ nặng trong nửa đầu năm (đến cuối tuần qua, SMC chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2023) và triển vọng ngành thép vẫn tiêu cực.
Giá thép trong nước đã suy giảm mạnh so với hồi đầu năm và đang duy trì ở mức thấp. Theo dữ liệu của Trading Economics, giá thép trên thị trường thế giới phiên 23/10/2023 chỉ còn 3.593 Nhân dân tệ/tấn, thấp hơn 17,6% so với thời điểm 14/3/2023 - khi giá thép có nhịp phục hồi tích cực. Còn so với mức đỉnh 5.925 Nhân dân tệ/tấn được thiết lập vào ngày 8/10/2021, giá thép thế giới đã giảm tới 39,4%.
Sau giai đoạn thăng hoa nhờ giá hàng hóa tăng cao trong giai đoạn đại dịch Covid-19, ngành thép bước vào giai đoạn khó khăn kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay, khi cả giá và sản lượng tiêu thụ đều sụt giảm mạnh. Quý III/2022, SMC báo lỗ 219,4 tỷ đồng; quý IV/2022 báo lỗ 534,4 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, SMC lỗ hợp nhất gần 652 tỷ đồng.
Hồi đầu năm nay, khi giá thép thế giới và trong nước có dấu hiệu hồi phục và có lãi trong quý I (với 23,52 tỷ đồng), Công ty đã lên kế hoạch lãi sau thuế 150 tỷ đồng trong năm 2023. Tuy nhiên, với việc lỗ 414 tỷ đồng trong quý II, Công ty lỗ hợp nhất 393 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Trong nửa cuối năm 2023, SMC phấn đấu không lỗ.
Như vậy, trải qua hơn một năm kinh doanh khó khăn, thua lỗ, SMC mới lên kế hoạch thu hẹp quy mô hoạt động, khá chậm so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Thực tế, ngay từ cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp thép đã có dấu hiệu giảm mạnh quy mô tồn kho, thu hẹp sản xuất. Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), hàng tồn kho tại thời điểm thời điểm 30/6/2023 là 6.248,8 tỷ đồng, giảm 6.095,8 tỷ đồng so với thời điểm 30/6/2022. Tỷ lệ hàng tồn kho trên tổng tài sản cũng được giảm từ mức 53,5% về 37,8% trong cùng thời gian.
Tại Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG), thời điểm 30/6/2022, Công ty sở hữu tồn kho lên tới 8.439,1 tỷ đồng, chiếm 51,9% tổng tài sản, nhưng sau đó liên tục giảm tồn kho. Tới ngày 30/6/2023, tồn kho của Thép Nam Kim giảm 3.210,2 tỷ đồng, về 5.228,9 tỷ đồng và chiếm 42,9% tổng tài sản…
Ngoài ra, về quy mô nhân sự, trong vòng 1 năm kể từ ngày 30/6/2022, số lượng nhân viên của Thép Nam Kim giảm 366 người, từ 1.730 người về 1.364 người; số lượng nhân viên của Tập đoàn Hoa Sen giảm 645 người, từ 8.258 người về 7.613 người.
Nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn
Tính đến cuối tuần qua, SMC chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 của Công ty cho thấy, tính tới ngày 30/6/2023, Công ty có tổng nợ ngắn hạn là 5.685 tỷ đồng, tổng tài sản ngắn hạn là 5.379,2 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn là 305,8 tỷ đồng. Điều này đang tạo nên quan ngại về khả năng thanh toán ngắn hạn của Công ty.
Theo Ban lãnh đạo SMC, các khoản phải trả cho người bán ngắn hạn tại thời điểm 30/6/2023 là 2.685,3 tỷ đồng, Công ty tin rằng sẽ nhận được sự hỗ trợ của các nhà cung cấp và cá nhân bằng việc gia hạn thời gian trả nợ. Bên cạnh đó, Công ty sẽ tăng cường dòng tiền thông qua việc đôn đốc, đề xuất những giải pháp tích cực để thu hồi các khoản nợ còn tồn đọng (quá hạn, tồn đọng), giảm/trả nợ các khoản vay/nợ nhà cung cấp..., từ đó tạo hiệu quả thông qua việc tiết giảm chi phí tài chính/lãi vay ngân hàng.
Đáng lưu ý, việc các chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn thanh khoản đã kéo theo khó khăn của SMC. Trong đó, tại thời điểm 30/6/2023, SMC công bố danh sách tổng các khoản phải thu, trả trước người bán quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu tiền lên tới 760,14 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi là 487,3 tỷ đồng.
Trong đó, giá trị lớn chủ yếu Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận 258,85 tỷ đồng (thu hồi 181,2 tỷ đồng); Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley với giá trị 84 tỷ đồng (thu hồi 58,8 tỷ đồng); Công ty TNHH The Forest City với giá trị 72,9 tỷ đồng (thu hồi 51 tỷ đồng)…
Có thể thấy, trong ngắn hạn, bên cạnh kinh doanh thua lỗ, SMC đang đối mặt với nhiều vấn đề về công nợ, mất cân đối cơ cấu nguồn vốn và thị trường vẫn chưa hồi phục nhu cầu về thép.