Đầu tư thời “tiền mỏng”

Đầu tư thời “tiền mỏng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong một báo cáo mới đây, Dragon Capital nhận định rằng, nhiều rủi ro đã được phản ánh vào giá và định giá cổ phiếu Việt Nam đang thấp nhất khu vực.

Tuy nhiên, công ty quản lý quỹ hàng đầu này cũng dự báo lãi suất có thể tăng thêm 100 điểm vào quý IV và tiếp tục tăng vào quý I/2023.

Sự lạc quan thận trọng trước mặt bằng giá cổ phiếu “đã rẻ như thời Covid” cân đối với dòng tiền trên thị trường chứng khoán và cả nền kinh tế có chiều hướng “đắt” hơn cũng là suy nghĩ chung của đa số các thành viên thị trường hiện tại.

Sắc xanh bao phủ thị trường ba phiên cuối tuần trước đã phản ánh phần nào tâm lý ham cổ phiếu rẻ của nhà đầu tư, chấp nhận những rủi ro còn ở phía trước.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm xuống dưới giá trị sổ sách trong khi hầu hết không có nguy cơ thua lỗ; nhóm cổ phiếu thép phản ánh kết quả khó khăn của ngành thép giảm 60 - 70% thị giá - mức giảm cao nhất trong mỗi chu kỳ; nhóm cổ phiếu đạm, hóa chất dù lợi nhuận tốt cũng giảm giá mạnh về mức kỳ vọng cổ tức tiền mặt/thị giá cao hơn mặt bằng lãi suất tiết kiệm 1 năm; nhóm cổ phiếu chứng khoán có thêm nhiều mã của công ty chứng khoán quy mô vừa giảm xuống dưới giá trị sổ sách; nhóm cổ phiếu bất động sản cũng về gần giá trị sổ sách…

Có thể thấy, hầu hết các cổ phiếu trên thị trường đều rơi vào trạng thái quá bán sâu. Nhưng thị trường đang chịu chi phối bởi quy luật cung - cầu hơn là quy luật giá trị. Khi cầu suy yếu nhanh do thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu và trong nước thì chỉ cần 2 quý để VN-Index giảm gần 40% từ mức đỉnh thiết lập sau 2 năm covid.

Thị trường chứng khoán - nơi có thanh khoản cao hơn so với các thị trường tài sản, hàng hóa khác, phản ánh ngay lực cầu giảm, nhưng thị trường bất động sản, nơi hút một lượng vốn lớn của dân và vốn tín dụng mới chỉ “hắt hơi, sổ mũi”.

Một mặt bằng giá bất động sản mới thấp hơn vẫn chưa hình thành. Khi lãi suất tăng lên và tín dụng vẫn siết, bất động sản sẽ từ từ thiết lập mặt bằng giá mới sau thị trường chứng khoán nhưng có thể sẽ nhanh hơn chu kỳ giảm giá trước của bất động sản.

Ở chu kỳ trước, phải mất 2 năm thị trường chuyển từ mất thanh khoản sang xác lập mặt bằng giá mới mà các chủ đầu tư có thể xuống tiền để mua quỹ đất với định giá hợp lý cho phát triển các sản phẩm nhà ở bán đến tay người tiêu dùng. Với mức giá hiện nay, bên mua xác định chưa thể mua để phát triển dự án nhắm đến nhu cầu ở thực.

Vì vậy, sức ép từ bình thông nhau với thị trường chứng khoán là bất động sản cộng thêm nguồn vốn hút về để thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn mà quý sau nhiều hơn quý trước trong ít nhất 5 quý tới trong bối cảnh lãi suất tăng, sẽ tiếp tục tạo sức ép lên dòng tiền vào thị trường.

Những thông tin, kiến giải về câu chuyện dòng tiền được đề cập trong trong Tiêu điểm số báo này cũng cho thấy các dấu hiệu nhiều chủ thể vẫn phải rút tiền rút ra khỏi thị trường dù định giá thấp để đảm bảo thanh khoản. Thị trường vì thế phải thật rẻ mới kích hoạt được “lòng tham” của nhà đầu tư.

Không thể phủ nhận với định giá hiện nay, đáy của thị trường đã ở quanh đây, nhưng trong môi trường “tiền mỏng”, đáy có thể rộng hơn các đợt giảm mạnh trước đó. Đầu tư trong bối cảnh dòng tiền mỏng có thể tạo ra những “bất an” nhất định, nhưng kinh nghiệm từ nhiều đợt lao dốc trước đó cho thấy rằng đây là thời điểm có thể mang lại cơ hội kiếm lời đáng kể khi giá cổ phiếu đã giảm về mức mà đa số các nhà đầu tư đã “chán không muốn bán ra, nhưng vẫn còn dè dặt với việc mua vào”.

Tin bài liên quan