Đầu tư theo xu hướng phát triển bền vững với tiêu chí ESG

Đầu tư theo xu hướng phát triển bền vững với tiêu chí ESG

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thúc đẩy nền kinh tế xanh và phát triển bền vững thông qua đầu tư có trách nhiệm (responsible investment) hiện đang là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư (NĐT) hiện nay, đặc biệt khi Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ tại COP26 (đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050).

Đầu tư Chứng khoán có buổi trò chuyện với ông Đặng Nguyễn Trường Tài, Giám đốc Đầu tư - Công ty Quản lý Quỹ Dai-ichi Life Việt Nam (“DFVN”) xung quanh vấn đề này.

Có nhiều khía cạnh khi nói đến đầu tư, bên cạnh tiếp cận phân tích cơ bản dựa trên số liệu tài chính, một tiếp cận không kém phần quan trọng trong quyết định đầu tư là các tiêu chí về ESG. Ông có thể chia sẻ khái quát về tiếp cận này?

Các tiêu chí ESG đã, đang trở thành một xu thế và là một trong những yếu tố then chốt trong quyết định đầu tư đối với các nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, ESG cũng đang dần trở thành mối quan tâm ngày càng lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư. Cụ thể, đã có nhiều chính sách, khung pháp lý có liên quan tới ESG được ban hành.

Theo nghiên cứu của viện CFA thì một trong những lý do chính của việc tích hợp ESG investing (đầu tư theo tiêu chí ESG) là có thể giúp giảm thiểu rủi ro và gia tăng hiệu suất đầu tư bởi vì rủi ro luôn được xem xét tính toán và các yếu tố then chốt, quan điểm tiên tiến luôn được cập nhật trong quá trình xét duyệt đầu tư.

Với những đặc tính và tầm quan trọng của ESG như vậy, anh có thể chia sẽ cho nhà đầu tư về định hướng liên quan đến ESG trong hoạt động đầu tư của DFVN không? Nếu được ông có thể chia sẻ chi tiết về phương pháp hay mô hình tính toán nếu áp dụng ESG vào quy trình đầu tư?

Đầu tư theo tiêu chí ESG ở Việt Nam có thể nói là đang ở giai đoạn đầu, các bên đã có những thảo luận, kế hoạch về vấn đề phát triển bền vững, cũng như những cơ hội và thách thức. Mối quan tâm hiện nay là việc thiếu thông tin, hạn chế về dữ liệu và nguồn lực. DFVN đã có những bước chuẩn bị, tính toán so sánh trong thang điểm và đánh giá xếp hạng theo bộ tiêu chí ESG cho danh mục đầu tư và các quỹ đầu tư mà chúng tôi đang quản lý, và cố gắng lập được cơ sở để so sánh các tiêu chí ESG với các chỉ số tham chiếu.

Chúng tôi tham khảo các mô hình tính toán theo chuẩn mực quốc tế, ví dụ từ Refinitiv, để xây dựng mô hình ESG nội bộ, bao quát được các tiêu chí ESG tới mức chi tiết tối đa có thể, ứng với mỗi pillar (trụ cột) được chia ra thành các category (đầu mục) - có 10 đầu mục trong 3 trụ cột ESG, rồi trong các đầu mục lại chia thành nhiều theme (chủ đề) và mỗi chủ để lại đi chi tiết vô từng proxy (liên kết); chúng tôi sử dụng 31 proxy liên kết phù hợp để xem xét cho từng công ty. Trong đó, Quản Trị Doanh nghiệp là một trụ cột được quan tâm nhiều vì có tính liên hệ rõ ràng nhất đến hiệu quả đầu tư. Theo khảo sát của viện CFA về ESG, có đến 74% các nhà phân tích có sử dụng và tương tác trụ cột Quản Trị Doanh nghiệp vào hoạt động phân tích và quá trình ra quyết định đầu tư so với 54% của hai trụ cột còn lại.

Bên cạnh đó, danh sách các sự kiện, sự cố gây tranh cãi trong cộng động của Doanh nghiệp cũng được cập nhật tính toán và phản ánh vào điểm số trong mô hình (controversy score).

Ông có thể chia sẻ kết quả tính toán chấm điểm nếu áp dụng mô hình này cho các Quỹ đầu tư, Danh mục đầu tư và so sánh với các chỉ số tham chiếu phù hợp không?

Một trong những thử thách lớn khi áp dụng mô hình tính toán các tiêu chí ESG hiện nay là tính sẵn có của dữ liệu đầu vào cho mô hình tính toán, tức là số liệu thông tin liên quan ESG được các doanh nghiệp công bố. Với nguồn thông tin còn giới hạn, chưa đồng nhất, chúng tôi có những bước điều chỉnh sao cho số liệu phản ánh phù hợp và đúng bản chất với các tiêu chí, giảm thiểu mức độ lệch pha giữa số liệu công bố và ý nghĩa của từng cấu phần trong mô hình tính toán.

Ví dụ trong trụ cột Xã Hội - đầu mục Lực lượng lao động - trong chủ đề Đa dạng và Hòa hợp có liên kết Tỷ lệ % lao động nữ. Về nguyên lý, tỷ lệ lao động nữ càng cao thì điểm cho mô hình càng tốt; tuy nhiên, chúng tôi có bước điều chỉnh cho phù hợp, tùy vào tính chất đặc thù mỗi ngành nên xét thang điểm khác nhau. Ví dụ với những ngành đòi hỏi sức lao động nặng nhọc như ngành Năng lượng Dầu khí, hoặc sản xuất Vật liệu xây dựng sắt thép… thì nên có đánh giá thang điểm phù hợp chứ không nên thống nhất theo tỷ lệ % lao động nữ cao thì tính điểm cao.

DFVN áp dụng mô hình tính toán cho các quỹ và danh mục đầu tư cổ phiếu cũng như chỉ số tham chiếu để so sánh các chỉ tiêu liên quan ESG. Tham khảo kết quả tính toán và so sánh sơ bộ có sự điều chỉnh chủ quan của DFVN cho thấy điểm số (score range) và xếp hạng (grade) của quỹ DFVN-CAF cao hơn so với chỉ số VN30 và có cùng xếp hạng B – thể hiện tình trạng khá tốt và mức độ trên trung bình về tính minh bạch các tài liệu thông tin liên quan ESG được công bố.

Chỉ cho mục đích tham khảo (for reference only)

Chỉ cho mục đích tham khảo (for reference only)

Ông có thể chia sẻ chiến lược và mục tiêu đầu tư của DFVN trong thời gian tới liên quan đến việc vận dụng xu hướng ESG trong hoạt động đầu tư?

DFVN luôn kiên định với mục tiêu đầu tư dài hạn vào thị trường chứng khoán Việt Nam và quản trị rủi ro các khoản đầu tư một cách chặt chẽ. Chúng tôi theo dõi sát sao các yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế, thị trường nói chung và các yếu tố mang tính xu hướng dẫn dắt, như về đầu tư trách nhiệm, đầu tư bền vững. Chúng tôi luôn kiên định mục tiêu duy trì hiệu quả đầu tư ở cả hai khía cạnh là tạo ra tỷ suất lợi nhuận vượt trội so với chỉ số tham chiếu đồng thời quản trị rủi ro hiệu quả với mức biến động thấp, giúp NĐT đạt được những mục tiêu tài chính bền vững dài hạn.

Như đã đề cập, theo viện CFA thì việc tích hợp ESG vào quy trình đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro và gia tăng hiệu suất đầu tư, vì thế, DFVN đã có những bước nghiên cứu và kế hoạch áp dụng vào thời điểm thích hợp.

Để tích hợp và áp dụng nhất quán ESG vào quy trình đầu tư, DFVN tập trung chủ yếu vào các yếu tố liên quan ESG mà có thể ảnh hưởng đến giá trị cơ bản lâu dài của doanh nghiệp. Đây được hiểu là một quá trình liên tục cùng đi theo sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tin bài liên quan