Nhóm ngành phân bón, hóa chất, xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý II/2022 tăng trưởng cao.

Nhóm ngành phân bón, hóa chất, xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý II/2022 tăng trưởng cao.

Đầu tư theo kết quả kinh doanh quý II

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm nay, giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng mạnh, nhưng không ít nhóm ngành có khả năng tăng trưởng lợi nhuận trong quý II cũng như cả năm 2022.

Dự báo các điểm sáng quý II

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô - thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV cho biết, mùa công bố kết quả kinh doanh quý thường đi kèm với áp lực chốt lãi ở những cổ phiếu đã tăng giá mạnh trước đó. Hiện tượng chốt lãi tại các nhóm cổ phiếu tăng giá và sự dịch chuyển dòng tiền sang các nhóm cổ phiếu có giá giảm sâu trong tuần qua đang phản ánh xu hướng này.

Tuy nhiên, nếu đầu tư theo kết quả kinh doanh quý II/2022 thì những cổ phiếu được hưởng lợi từ xu hướng tăng giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu như thủy sản, dầu khí, hóa chất… vẫn đang có cơ hội.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của doanh nghiệp dự báo có kết quả kinh doanh quý II nổi trội và triển vọng quý III tiếp tục tích cực như công nghệ thông tin, bán lẻ, điện nhiều khả năng vẫn có vận động giá tích cực sau nhịp chốt lãi mùa công bố kết quả kinh doanh quý II. Các nhóm cổ phiếu giảm giá sâu như bất động sản, chứng khoán, thép, ngân hàng... có kết quả kinh doanh quý II không quá tệ cũng đáng quan tâm đầu tư.

Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, nhóm ngành phân bón, hóa chất, xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý II/2022 tăng trưởng cao. Điều này đã và đang phản ánh vào diễn biến giá tích cực của các cổ phiếu.

Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy, các nhóm ngành này đạt đỉnh lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2022, cho nên chưa chắc đây sẽ là những cổ phiếu hấp dẫn trong kịch bản thị trường chứng khoán hồi phục. Ngược lại, nhóm cổ phiếu trong ngành tài chính, bất động sản đã bị chiết khấu quá mức so với giá trị hợp lý có thể tạo sức hút đối với dòng tiền.

Thực tế, thị trường chứng khoán thường phản ánh sớm các thông tin trước từ 1 - 2 quý, vì vậy, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bán niên 2020 tốt thường được thị trường nhận ra từ trước. Chẳng hạn, nhóm cổ phiếu dầu khí, hóa chất có diễn biến giá vượt trội so với thị trường chung.

Triển vọng cả năm 2022

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, giá nhiều nguyên vật liệu cơ bản tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022, nhưng một số mặt hàng có dấu hiệu tạo đỉnh và giảm nhiệt như lúa mì, sữa bột, dầu cọ, đường, niken, quặng sắt…, giúp giảm áp lực lên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi, dầu ăn. Với nhóm doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng, giá nguyên vật liệu ổn định trở lại trong khi hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh nửa cuối năm nay.

Bà Hiền cho rằng, 3 nhóm ngành sẽ có sự tăng trưởng vượt trội trong 6 tháng đầu năm 2022, một là điện nước, phân phối gas, bảo hiểm; hai là bán lẻ, vận tải; ba là dầu khí. Các nhóm ngành này dự kiến tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng cuối năm, nhưng sẽ có khoảng cách trong tốc độ tăng trưởng giữa các ngành cũng như trong từng ngành. Trong đó, doanh nghiệp ngành dịch vụ khó có thể tăng trưởng mạnh như doanh nghiệp dầu khí.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS nhận định, các nhóm ngành có khả năng đạt kết quả kinh doanh tốt trong năm 2022 bao gồm cảng biển, hóa chất, dầu khí, tài chính, công nghệ, thủy sản... Tuy nhiên, nhà đầu tư nên có sự so sánh mức tăng trưởng lợi nhuận với giai đoạn trước dịch bệnh Covid-19 để nhìn nhận chính xác hơn về giá trị doanh nghiệp.

Theo ông Khánh, trong hoàn cảnh nào cũng luôn có những nhóm ngành ít bị ảnh hưởng hơn mặt bằng chung, thậm chí hưởng lợi từ sự biến động của thị trường. Một số nhóm ngành như bán lẻ, thủy sản, xây dựng liên quan đến đầu tư công hay du lịch có khả năng phục hồi mạnh mẽ.

Nhìn lại quý I/2022, theo thống kê của FiinPro, nhóm doanh nghiệp lớn có mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn so với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong bối cảnh thanh khoản thị trường chứng khoán suy yếu vài tháng gần đây, dòng tiền đầu tư đã rời khỏi nhóm nhóm vốn hóa lớn, kéo giá cổ phiếu đi xuống.

Một số nhóm ngành dự báo có kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2022 là cảng biển, hóa chất, dầu khí, tài chính, công nghệ, thủy sản, điện nước, phân phối gas, bảo hiểm, bán lẻ, vận tải...

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ hấp dẫn dòng tiền, tập trung vào các ngành liên quan đến xuất khẩu, bao gồm phân bón, hóa chất, thủy sản, logistics, vận tải biển, may mặc, nhất là khi biên lợi nhuận được cải thiện, còn nhóm doanh nghiệp lớn suy giảm.

Các nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu nêu trên được dự báo có lợi nhuận vượt trội trong quý II/2022, chủ yếu được hỗ trợ bởi giá bán tăng cao trong bối cảnh nhu cầu tăng đột biến sau dịch Covid-19 và chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Một số nhóm ngành từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh đang trên đà hồi phục về lợi nhuận nhờ nhu cầu bật tăng trở lại như du lịch và giải trí, điện, hàng cá nhân.

Cũng theo thống kê của FiinPro (cập nhật cuối tháng 6/2022), khối doanh nghiệp phi tài chính đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng 11% so với năm 2021. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm nay của các doanh nghiệp trên toàn thị trường chứng khoán gần như không thay đổi, dự kiến tăng 20%, phần lớn nhờ kế hoạch tăng trưởng của các ngân hàng (tăng 33%).

Lưu ý khi đầu tư

Theo FiinPro, khả năng vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 của các doanh nghiệp nói chung không cao, bởi 3 yếu tố chính.

Một là, kết thúc quý I, khối phi tài chính vẫn bám sát kế hoạch lợi nhuận cả năm, với tỷ lệ hoàn thành là 25%, tương đương với tỷ lệ trong cùng kỳ năm ngoái.

Hai là, sau 4 quý liên tục mở rộng, biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay quý I sụt giảm so với cùng kỳ, cho thấy áp lực chi phí đầu vào bắt đầu xuất hiện và dự kiến sẽ tăng trong các quý tới do độ trễ của lạm phát nhập khẩu.

Ba là, hiện chưa có yếu tố đủ mạnh để có thể hỗ trợ lợi nhuận bứt tốc, nhất là khi một số ngành đóng góp lớn vào tăng trưởng chung như bất động sản, thép, logistics đang đối mặt với không ít thách thức.

Ông Nguyễn Anh Khoa, nhà đầu tư tại Công ty Chứng khoán TP.HCM chia sẻ, ông sẽ tìm đến các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tích cực, bán hàng tốt, dòng tiền ổn định và đang mở rộng sản xuất - kinh doanh. Đầu tư cổ phiếu các nhóm ngành này có khả năng thu lời ngay trong năm nay, nhưng chu kỳ tăng trưởng của doanh nghiệp có thể chậm lại từ năm sau, vì vậy mức độ kỳ vọng vào cổ phiếu sẽ không kéo dài.

Dài hạn hơn, nhóm ngành bán lẻ, thủy sản, dệt may đang hồi phục nhanh, đáng để lựa chọn cổ phiếu vào danh mục. Bên cạnh đó là các nhóm ngành đóng vai trò trụ chính của thị trường chứng khoán như ngân hàng, chứng khoán, bởi giá cổ phiếu đang trong giai đoạn tạo đáy và có triển vọng tăng trưởng dài hạn.

Ở thời điểm hiện tại, định giá nhiều cổ phiếu, nhiều ngành đã trở về mức hấp dẫn, nhưng một số chuyên gia nhìn nhận, khả năng tăng gặp trở lực. Dự báo, lợi nhuận năm 2022 của nhóm bất động sản nhà ở sẽ giảm tốc, nhóm thép và logistics suy giảm. Một số nhóm ngành đưa ra kế hoạch lợi nhuận thận trọng như dược phẩm, điện, nhưng cổ phiếu ẩn chứa cơ hội đầu tư dài hạn.

Tin bài liên quan