Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư vào các dự án theo định hướng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đại diện Bộ Xây dựng kiến nghị sửa đổi 3 nội dung bao gồm: tính bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư về quyền, nghĩa vụ tranh chấp; quy định về bảo đảm đầu tư; phân chia rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Theo Bộ Xây dựng, do dự án PPP có thời gian kéo dài 5 - 10 năm, thậm chí 20 - 30 năm, rủi ro rất lớn, nên trong quá trình đàm phán ký kết hợp đồng, cần đánh giá rõ những tác động rủi ro tới đầu tư của cả phía Nhà nước và nhà đầu tư để từ đó phân bổ, quản lý rủi ro một cách hiệu quả. Các vấn đề này cần được quy định rõ trong Nghị định 30 sửa đổi.
Liên quan đến triển khai PPP, ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, văn bản quy phạm pháp luật quy định về đầu tư theo hình thức PPP mới ở cấp nghị định nên hành lang pháp lý về PPP phụ thuộc nhiều vào luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu… trong suốt vòng đời dự án PPP, từ bước chuẩn bị đầu tư đến triển khai đầu tư và vận hành, khai thác. Trong khi đó, những văn bản về PPP được xây dựng để điều chỉnh hoạt động đầu tư dự án công là chủ yếu.
Do vậy, cả Nhà nước và tư nhân gặp nhiều khó khăn trong quy trình, thủ tục và nội dung cần thiết để thực hiện quyết định đầu tư dự án; công tác giám sát, nghiệm thu và thanh toán công trình, đặc biệt là quản lý phần vốn góp của Nhà nước; công tác giám sát và quản lý chất lượng trong quá trình đầu tư, vận hành; các cơ chế ưu đãi, bảo đảm đầu tư.
Các dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá như hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, cần có vốn góp từ ngân sách nhà nước (30 - 50%) để đảm bảo dự án khả thi về mặt tài chính. Tuy nhiên, các ngân hàng tài trợ, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều yêu cầu Nhà nước phải xác định rõ nguồn cam kết tham gia dự án, đồng thời có cơ chế cụ thể đối với phần tham gia của Nhà nước.
“Qua làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế, nhà đầu tư quốc tế và đặc biệt là từ thực tiễn Dự án PPP đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Dây - Phan Thiết, Bộ Giao thông Vận tải đã tham vấn ngân hàng, nhà đầu tư và các chuyên gia đều yêu cầu phải có bảo lãnh khoản vay hoặc doanh thu, bảo lãnh rủi ro tỷ giá…, nhưng các cơ chế này chưa được Chính phủ chấp thuận, ngoại trừ một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT riêng rẽ được cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay tín dụng. Do vậy, việc vay vốn huy động trong nước của các nhà thầu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc”, ông Tuấn Anh cho biết.
Từ thực tiễn này, lãnh đạo Vụ Đối tác công tư đề xuất, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý cho các nhà thầu được vay tín dụng dài hạn nước ngoài; đồng thời kiến nghị, trong quá trình duyệt báo cáo tiền khả thi, các cơ quan xét duyệt chỉ cần xem xét đánh giá sơ bộ về tác động đánh giá môi trường của dự án.
Bà Vũ Quỳnh Lê, Cục phó Cục Quản lý đấu thầu cho hay, trong 2 năm vừa qua, các dự án PPP chủ yếu là trong giai đoạn chuyển tiếp giữa 2 khung pháp lý (trước đây là Nghị định 108/2009/NĐ-CP); những dự án thực hiện theo khung pháp lý mới hầu hết đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án - lập đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà đầu tư. Các dự án đầu tư có sử dụng đất cũng đang dần được triển khai rộng rãi.
Tuy nhiên, trong tình hình vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, đầu tư theo hình thức PPP sẽ là một xu thế tất yếu. Do đó, việc hoàn thiện các quy định về PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hướng tiếp thu các bài học từ thực tiễn triển khai, đồng thời đảm bảo sự phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng là rất cần thiết.