Đầu tư Thăng Long (TIG) lên kế hoạch chuyển nhượng hơn 26% vốn tại HDE Holdings

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG – sàn HOSE) vừa thông qua việc chuyển nhượng cổ phần của Công ty tại CTCP Đầu tư HDE Holdings.
Đầu tư Thăng Long (TIG) lên kế hoạch chuyển nhượng hơn 26% vốn tại HDE Holdings

Theo đó, tổng số cổ phần chuyển nhượng là 9,4 triệu đơn vị, chiếm 26,11% vốn điều lệ tại HDE Holdings, giá chuyển nhượng căn cứ tình hình thị trường nhưng không thấp hơn 15.000 đồng/CP. Thời gian thực hiện trong quý II/2023.

Như vậy, nếu việc chuyển nhượng thành công, Đầu tư Thăng Long sẽ thu về tối thiểu 141 tỷ đồng từ thương vụ trên.

Được biết, HDE Holdings đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 180 tỷ đồng lên 360 tỷ đồng như hiện nay vào cuối năm 2021 thông qua việc phát hành cho cổ đông hiện hữu. Trong đợt phát hành này, Đầu tư Thăng Long đã tham gia mua thêm 8,1 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 45% vốn tại HDE Holdings và ghi nhận là công ty liên kết, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản và được thành lập tại Hà Nội.

Về phía Đầu tư Thăng Long, ngoài HDE Holdings, tính đến cuối năm 2022, Công ty còn 5 công ty liên kết khác gồm CTCP Đầu tư Thời báo CK Việt Nam(sở hữu 26%), Công ty TNHH Điện tử và Hàng gia dụng Huyndai Việt Nam (sở hữu 45%), CTCP Đầu tư BĐS Hà Thành (sở hữu 45,25%) và CTCP Đầu tư tòa nhà công nghệ xanh TIG-HDE (sở hữu 43,92%).

Lũy kế cả năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 914,24 tỷ đồng, tăng 0,9% so với năm trước đó và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 210,56 tỷ đồng, tăng trưởng 2,4% so với năm trước.

Trong năm 2022, Đầu tư Thăng Long đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 272,4 tỷ đồng, Công ty chỉ đạt 77,8% kế hoạch.

Xét về dòng tiền, trong năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính ghi nhận âm 322,4 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 753,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 86,4 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 339,9 tỷ đồng, chủ yếu là phát hành thêm cổ phiếu và tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Theo tìm hiểu, cổ phiếu TIG được niêm yết trên sàn HNX từ năm 2010. Xem dữ liệu lịch sử từ năm 2010 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục như năm 2022, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2016 với giá trị âm 154,31 tỷ đồng, thấp hơn nhiều giá trị âm 322,4 tỷ đồng trong năm 2022.

Trên thị trường, tạm chốt phiên giao dịch sáng ngày 23/3, cổ phiếu TIG đứng giá tham chiếu 7.800 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 38.900 đơn vị.

Tin bài liên quan