Nhận định trên được Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo “Tăng cường tạo tác động - nhận thức mới về hoạt động đầu tư tạo tác động” mới công bố.
Mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu
Theo IFC, quy mô thị trường đầu tư tạo tác động hiện vẫn còn tương đối nhỏ bé, ở mức 2.100 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu, bởi theo ước tính của IFC từ một năm trước, quy mô thị trường này có thể ở mức 26.000 tỷ USD nếu có các cơ hội đầu tư phù hợp.
“Cuộc khủng hoảng hiện tại làm khắt khe hơn quan niệm về bất bình đẳng và tầm quan trọng của phát triển bền vững, từ đó gia tăng yêu cầu các khoản đầu tư phải nhằm giúp tạo việc làm, thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ môi trường. Những giá trị cốt lõi này có thể giúp đảm bảo hiệu quả kinh doanh và tài chính trong dài hạn”, ông Philippe Le Houérou, Tổng giám đốc Điều hành IFC cho biết.
Trong những năm tới, đầu tư tạo tác động sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như điều kiện thanh khoản chặt chẽ hơn, tâm lý không ưa thích rủi ro và tình trạng trì trệ về kinh tế rộng khắp, và tất cả những khó khăn này đều đe dọa khả năng tồn tại của nhiều doanh nghiệp vốn đang tạo ra những tác động mạnh mẽ.
Gần 100 tổ chức tham gia ký kết
Một năm sau khi xuất bản báo cáo “Nguyên tắc hoạt động trong quản lý đầu tư tạo tác động”, trong đó đầu tư tạo tác động và các hình thức đầu tư bền vững và có trách nhiệm khác được phân biệt rõ ràng, báo cáo năm nay cũng cập nhật về số lượng tổ chức tham gia ký kết sáng kiến.
Theo đó, có tổng cộng 97 nhà đầu tư đã đăng ký thực hiện Bộ Nguyên tắc Hoạt động, trong đó 19 nhà đầu tư mới tham gia trong năm 2020, đưa tổng số tổ chức mới tham gia trong vòng một năm qua lên 39.
Các tổ chức tham gia rất đa dạng, từ 26 quốc gia khác nhau trên khắp 5 châu lục và gần đây nhất là các nhà đầu tư từ các quốc gia như Mexico, Nhật Bản và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Những tổ chức mới tham gia ký kết còn bao gồm các công ty quản lý tài sản lớn như BlackRock.
Đáng chú ý, theo báo cáo mới năm nay, các quỹ đầu tư tạo tác động dường như tập trung đầu tư nhiều hơn vào các thị trường mới nổi so với các quỹ khác: 30% tổng vốn của các quỹ tạo tác động được huy động cho dự án ở các thị trường mới nổi, so với 20% của các quỹ thông thường.
Tỷ lệ đầu tư lớn nhất dành cho lĩnh vực tài chính bao trùm, tiếp theo là công nghệ và sản phẩm xanh hoặc bền vững, năng lượng hoặc hiệu quả năng lượng, và nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Xây dựng xu hướng theo chiều rộng và chiều sâu
Các tổ chức ký kết đang phối hợp với nhau để hợp nhất các hệ thống đo lường tác động thành một tập hợp các chỉ số đo lường chủ chốt, giúp các nhà đầu tư có thể so sánh hiệu quả tạo tác động giữa các quỹ và tổ chức khác nhau. Hoạt động của các tổ chức ký kết trong sáu tháng qua đã giúp sắp xếp thống nhất trên 90% các chỉ số thuộc các khung đo lường phổ biến nhất, một bước tiến quan trọng để mở rộng xu hướng này.
Hàng năm, các tổ chức ký kết phải công bố thông tin về sự phù hợp của hệ thống quản lý tác động của mình với Bộ Nguyên tắc Hoạt động và định kỳ phải được xác minh độc lập. Nhiều nhà đầu tư sẽ lần đầu tiên công bố thông tin về tài sản tạo tác động do mình quản lý trong năm nay.
Những nhà đầu tư này đã trở thành một cộng đồng tự tổ chức, cùng chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng các chuẩn mực và thông lệ tốt nhất, và phối hợp để thu hút sự quan tâm và đưa những nguyên tắc này trở nên chính thức trong hoạt động đầu tư.
Báo cáo mới này kêu gọi các nhà quản lý tài sản và định chế tài chính phát triển quản lý các quỹ đầu tư tạo tác động một cách quy củ, khuyến nghị tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho đầu tư tạo tác động với quy mô lớn, và khuyến khích các nhà đầu tư tiếp tục cải thiện các chỉ số đo lường tác động.