Các chuyên gia, diễn giả chia sẻ tại tọa đàm "Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh" do Báo Đầu tư tổ chức. Ảnh: Dũng Minh

Các chuyên gia, diễn giả chia sẻ tại tọa đàm "Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh" do Báo Đầu tư tổ chức. Ảnh: Dũng Minh

"Đầu tư sân bay nhỏ là nhu cầu chính đáng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đầu tư sân bay nhỏ là nhu cầu chính đáng giúp địa phương mở rộng cơ hội phát triển, thu hút đầu tư, kết nối các vùng miền, khu vực và quốc tế.

Đây là chia sẻ của nhiều diễn giả, chuyên gia tại Tọa đàm "Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 11/10.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, ngành dịch vụ, trong đó có du lịch, được coi là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam không chỉ năm nay mà cả sang năm 2023.

Tờ The Business Times đã đăng tải bài viết đánh giá lĩnh vực du lịch của Việt Nam đang sẵn sàng cho quá trình tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm tới, với doanh thu du lịch quốc tế dự kiến đạt 11,1 tỷ USD, vượt qua con số 10,8 tỷ USD là mức ghi nhận năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Con số này dự kiến sẽ đạt tới 13,2 tỷ USD vào năm 2026, với hơn 22 triệu lượt khách du lịch tới Việt Nam.

Nếu các tiềm năng du lịch trên khắp cả nước đều được đánh thức và khai thác hiệu quả thì du lịch sẽ phát huy được vai trò một trụ cột chính của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Tại những khu vực có địa hình phức tạp, cách trở về mặt địa lý như miền núi cao, hải đảo…, sự hiện diện của sân bay sẽ xóa mờ khoảng cách, giúp việc đi lại dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Mạng lưới các sân bay nối liền sẽ tạo nên “mạch máu” cho nền kinh tế. Hệ thống “mạch máu” này càng dày đặc thì việc di chuyển, thông thương, kinh doanh giữa các tỉnh thành, vùng miền, giữa trong nước với thế giới càng trở nên thuận lợi. Chưa kể các lợi ích xã hội như tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, trợ giúp hoạt động cứu trợ cứu nạn khi cần thiết…

Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết mạng lưới các sân bay nối liền sẽ tạo nên “mạch máu” cho nền kinh tế. Ảnh: Dũng Minh

Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết mạng lưới các sân bay nối liền sẽ tạo nên “mạch máu” cho nền kinh tế. Ảnh: Dũng Minh

Nhu cầu có sân bay ở địa phương là nhu cầu thực tế

Chia sẻ tại Tọa đàm, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Cần tư duy mới trong phát triển hàng không. Hiện nay, nhu cầu có sân bay của nhiều địa phương là nhu cầu thực tế, khác với đua theo phong trào ngày xưa".

Có hai yếu tố tạo nên sự khác biệt này. Thứ nhất, nhu cầu đi lại của người dân thay đổi lớn với cường độ, tốc độ vận động cao và thứ hai là sự xuất hiện của hàng không tư nhân phát triển linh hoạt đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trong đó, nhu cầu đi du lịch của người dân ngày càng tăng cao, thích khám phá những nơi ít người biết đến. Bùng nổ nhu cầu du lịch gắn liền với nhu cầu di chuyển mà hàng không là phương tiện ưu tiên. Hàng không sẽ trở thành xu hướng mang tính chủ lực, tiến đến một xã hội xanh sạch, tốc độ cao nếu đi chậm sẽ tụt hậu.

Theo ông Thiên, hàng không ở Việt Nam nhiều năm nay có sự thay đổi. Đáng chú ý, việc Sungroup đầu tư làm sân bay tại Vân Đồn (Quảng Ninh) đánh dấu bước ngoặt lớn của Việt Nam khi khối doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia đầu tư phát triển sân bay. Sân bay Vân Đồn là minh chứng cho thấy nhà đầu tư tư nhân có thể đảm nhận một công trình có ý nghĩa quan trọng tầm cỡ quốc gia.

Ông Thiên cho rằng, doanh nghiệp tư nhân làm sân bay sẽ có độ mở cao hơn, tạo cơ hội phát triển cho địa phương và quốc gia. Nếu các tuyến cao tốc kết nối hai địa phương, thì sân bay góp phần mở cánh cửa của địa phương ra khu vực và quốc tế.

“Hiện nay đang có nhiều sân bay không hiệu quả, liệu có nên đóng cửa những sân bay không hiệu quả và tiếp tục làm sân bay khác có hiệu quả hơn”, ông Thiên nói. Đồng thời, nhấn mạnh thêm, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng du lịch, nếu đầu tư vào các sân bay nhỏ sẽ góp phần tạo nên sự phát triển bùng nổ không chỉ cho địa phương mà cả quốc gia.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phát triển sân bay nhỏ nếu được đầu tư sẽ đem lại cơ hội tiếp cận và mở đường phát triển cho các địa phương. Hiện nay, khu vực trung du miền núi phía bắc hạn chế hơn thiếu vắng hạ tầng hàng không.

"Chúng tôi đánh giá nguồn lực bên ngoài tiếp tục tham gia phát triển kết cấu hạ tầng nhiều hơn và hiệu quả hơn nữa", ông Vịnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phát triển sân bay nhỏ nếu được đầu tư sẽ đem lại cơ hội phát triển lớn.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phát triển sân bay nhỏ nếu được đầu tư sẽ đem lại cơ hội phát triển lớn.

Cần ủng hộ nhu cầu chính đáng có sân bay nhỏ

Về vấn đề sân bay nhỏ, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Đầu tư sân bay nhỏ là nhu cầu chính đáng. Tôi nhận thấy các lãnh đạo địa phương có động lực phát triển kinh tế địa phương mạnh mẽ. Họ tìm mọi cách trong đó xây dựng sân bay như một điểm nhấn của hệ sinh thái. Hiện thực nhu cầu chính đáng đó cần được ủng hộ. Ngoài sự ủng hộ cần tạo ra các thể chế công cụ để các nhà đầu tư có thể cảm nhận được sự hấp dẫn, đặc biệt là giới đầu tư tư nhân cùng tham gia tạo cho chính quyền địa phương có dư địa đủ mức tận dụng phát triển kinh tế địa phương”.

Theo ông Cung, đầu tư phải hiệu quả, không dàn trải, không phân tán. Đến làm việc một số tỉnh, ông nhận thấy địa phương có kết nối hàng không phát triển sân bay là một nhu cầu chính đáng, trong nhiều trường hợp họ muốn khai thác tiềm năng địa phương đó, kết nối quan trọng tạo ra khởi sắc.

“Trong trung hạn, kết nối hàng không là khả thi nhất”- TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Ngoài Lào Cai, Hà Giang, Quảng Trị và một số địa phương khác đang muốn phát triển sân bay nhỏ, theo ông Cung, để khai thác lợi thế địa phương, việc kết nối là không thể thiếu và kết nối hàng không là khả thi nhất, hiệu quả nhất. Đầu tư về hàng không và đường bộ là chính đáng!

Đầu tư sân bay nhỏ đang là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn.

Đầu tư sân bay nhỏ đang là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn.

Cứ 100 triệu USD đầu tư phát triển hàng không, sẽ tạo ra lợi ích 700 triệu USD/năm

Theo đánh giá của IATA, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới sau đại dịch, và tới năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ phục vụ tới 136 triệu hành khách và đóng góp 23 tỷ USD vào GDP.

Theo Báo cáo “Hàng không: Lợi ích vượt ngoài biên giới” của ATAG và Oxford Economics phối hợp thực hiện năm 2020, cứ 100 triệu USD nghiên cứu và phát triển hàng không tạo ra lợi ích 700 triệu USD/năm.

Đầu tư xây dựng cảng hàng không sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước, như phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp với 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới cảng hàng không hồi tháng 9 vừa qua.

Tuy nhiên, sẽ không dễ dàng để đáp ứng được mọi nhu cầu về xây dựng sân bay trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư eo hẹp.

Theo một dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành, được huy động nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Như vậy, nhu cầu vốn 10 năm tới lớn gấp 4 lần so với tổng vốn đầu tư cho hạ tầng hệ thống sân bay giai đoạn 2011-2020 chỉ khoảng 95.000 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách nhà nước khoảng 11.900 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách nhà nước hơn 83.100 tỷ đồng.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc tầm nhìn đến năm 2030 có 28 sân bay và đến năm 2050 có 31 sân bay. Để phát triển mô hình hợp tác công - tư (PPP) theo đúng chủ trương xã hội hóa và hiệu quả được nhà đầu tư thuyết minh rõ ràng thì các cảng hàng không này sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để được triển khai, và con số 28 sân bay theo dự thảo quy hoạch đến năm 2030 sẽ không dừng lại ở đó và quy hoạch sẽ mang tính “động”, “mở” hơn theo sự chủ động của các địa phương.

Theo ông Mick Werson, Chuyên gia Kinh tế trưởng NACO, Tập đoàn Royal HaskoningDHV chia sẻ tại tọa đàm, Việt Nam cần tính tới việc quy hoạch hệ thống sân bay theo 3 lớp. Lớp trên cùng là các sân bay trung tâm lớn với lưu lượng hàng năm hơn 20 triệu lượt hành khách, xử lý phần lớn nhu cầu giao thông. Tầng thấp nhất là các sân bay địa phương hoặc cấp ba với ít hơn 1 triệu hành khách hàng năm. Và lớp thứ ba là lớp ở giữa, còn được gọi là lớp cầu nối, giữ vai trò kết nối các sân bay trung tâm và sân bay địa phương.

Những sân bay này không chỉ có chức năng như một 'trung chuyển' trực tiếp cho các sân bay lớn trong mạng lưới tối ưu hóa vận tải mà còn là sân bay dự phòng chiến lược trong trường hợp các sân bay lớn bị quá tải. Nói cách khác, các sân bay trung tâm lớn không thể duy trì mạng lưới giá trị và lưu lượng giao thông vượt trội của chúng nếu không có các sân bay nhỏ.

Ông Mick Werson cho rằng, các sân bay nhỏ ngoài tạo ra giá trị kinh tế, lợi nhuận cho nhà đầu tư còn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, gián tiếp thu hút đầu tư vào địa phương, tạo ra việc làm, thúc đẩy tăng các nguồn thu thuế cho Chính phủ và có những đóng góp giá trị xã hội khác.

“Mặc dù tại mỗi sân bay có một đặc thù khác nhau và có nhiều yếu tố cần được xem xét, nhưng xét chung, mỗi sân bay quy mô 1 triệu hành khách hàng năm tạo ra 1.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp”, ông Mick Werson cho biết.

Theo ông Mick Werson, trên thế giới hầu hết các sân bay nhỏ với số lượng hành khách hàng năm nhỏ hơn 1 triệu, đang được vận hành trong mạng lưới nhà nước là 41% và 59% là khối tư nhân.

“Công nghệ mới sẽ khiến sân bay nhỏ trở nên phù hợp hơn. Hãng hàng không có thể vận hành tuyến bay ngắn, có tính kinh tế, lưu lượng hành khách cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ máy bay động cơ điện đang phát triển”, Chuyên gia Kinh tế trưởng NACO nhấn mạnh".

Tin bài liên quan