Trong quý IV/2021, doanh thu thuần của SIP giảm 13% so với quý IV/2020, xuống còn 1.448,2 tỷ đồng do doanh thu từ cung cấp điện, nước và các dịch vụ tiện ích khu công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn cũng giảm 4% nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp giảm 56%, xuống 127,9 tỷ đồng.
Kỳ này, doanh thu tài chính của SIP giảm 70% do doanh thu từ lãi tiền gửi và lãi cho vay giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng cũng lần lượt giảm 65% và 80%, song chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 26%. Kết quả, Công ty lãi sau thuế 170,5 tỷ đồng, giảm 61% so với quý IV/2020.
Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần của SIP đạt hơn 5.577 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020. Doanh thu bán điện, nước vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu của SIP (80,3%) với gần 4.480 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do không còn hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, tổn thất đầu tư và các khoản dự phòng liên quan đến chi phí quản lý, SIP lãi sau thuế 904,1 tỷ đồng, giảm 19%.
Tính đến cuối năm, tổng tài sản doanh nghiệp đạt gần 17.802 tỷ đồng, tăng 7% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm 35,9%, còn 627,3 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn lại tăng 14,5%, lên 3.655,8 tỷ đồng; hàng tồn kho cũng tăng 29,5%, lên 516,9 tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng 4,2% lên 14.506,6 tỷ đồng. Năm nay Công ty phát sinh khoản nợ vay dài hạn hơn 10,9 tỷ đồng mà năm trước không có.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/2, cổ phiếu SIP giảm 0,14%, xuống 138.700 đồng/CP.