Hiện Viettel đã đầu tư tại 9 quốc gia với tổng dân số 175 triệu dân, gần gấp đôi dân số Việt Nam. Ảnh: Hoàng Bùi
Ngoài việc cho phép nhà đầu tư được chuyển tiền ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN, các quy định pháp lý về vấn đề ĐTRNN đã và sẽ được quy định theo hướng vừa thông thoáng, nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng cũng vừa chặt chẽ để đảm bảo quản lý, giám sát chặt hơn nguồn vốn đầu tư này.
Theo đó, một trong những nội dung được cho là thoáng nhất, đó là thay vì làm thủ tục được cấp “giấy chứng nhận đầu tư” như trước đây, thì các doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục để được cấp “giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN”. Và chỉ các dự án có vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng mới phải làm các thủ tục thẩm tra, dưới 800 tỷ đồng chỉ cần làm thủ tục đăng ký đầu tư là đủ. Trước đây, các dự án ĐTRNN chỉ cần có vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng đã phải làm các thủ tục thẩm tra.
Theo lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy định như vậy là tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp. Cơ quan quản lý chỉ chịu trách nhiệm thực hiện việc đăng ký đầu tư, chứ không can thiệp sâu về vấn đề pháp lý, không chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư - kinh doanh. Doanh nghiệp có quyền tự quyết đối với hoạt động đầu tư của mình. Các quy trình, thủ tục nộp hồ sơ đăng ký ĐTRNN cũng sẽ được quy định cụ thể và minh bạch trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn về ĐTRNN.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang Dự thảo Nghị định, lấy ý kiến công luận và dự kiến, tháng 5/2015 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ thông qua. Các quy định cụ thể về hoạt động ĐTRNN trên thực tế đã được đề cập tại Luật Đầu tư sửa đổi, từ các ngành nghề bị cấm ĐTRNN, đến ngành nghề có điều kiện khi ĐTRNN…, Dự thảo Nghị định chủ yếu là để hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự, thủ tục ĐTRNN thế nào.
Theo đó, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp khi thực hiện việc ĐTRNN, đó là quy định về điều kiện nhà đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Đây là khái niệm rất khó, mà trước đây tại Nghị định 78 về quy định ĐTRNN chưa đề cập cụ thể, nên cơ quan quản lý thuế nhiều khi cũng không dám cấp giấy chứng nhận này. Vì thế, tại Dự thảo Nghị định mới, nhà đầu tư được yêu cầu xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế theo kê khai. Việc này là để xem nhà đầu tư có thực sự đang kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam hay không và họ có đang thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước hay không mà thôi. Thủ tục đơn giản và minh bạch hơn nhiều, nhà đầu tư sẽ không phải lo bị nhũng nhiễu.
Tuy nhiên, cùng với thoáng cấp giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN, Luật Đầu tư sửa đổi và Dự thảo Nghị định về Quy định ĐTRNN lại xây dựng các “tầng nấc” quy định để quản chặt hơn việc ĐTRNN, nhất là đối với các dự án có sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước.
Tuân thủ theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh là điều đương nhiên. Hơn thế, đối với các dự án ĐTRNN loại này, còn đòi hỏi vai trò và trách nhiệm cao hơn của cơ quan chủ quản. Cơ quan chủ quản sẽ phải ra quyết định ĐTRNN và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư đó và với các dự án sử dụng vốn tư nhân, thì chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư của mình.
Bên cạnh đó, như Báo Đầu tư đã thông tin, dù quy định thoáng hơn về việc chuyển tiền khi ĐTRNN, song Dự thảo Nghị định cũng yêu cầu quản lý, giám sát chặt hơn nguồn tiền này. Chẳng hạn, các dự án đầu tư dù của Nhà nước hay tư nhân khi mà tiền mặt ngoại tệ chuyển ra nước ngoài từ 20 tỷ đồng (tương đương gần 1 triệu USD) thì vẫn phải lấy ý kiến thống nhất với Ngân hàng Nhà nước trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Quy định như vậy là để tránh tình trạng nhà đầu tư lạm dụng quy định pháp luật thông thoáng để chuyển tiền ra nước ngoài.
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Dự thảo Nghị định mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo chỉ được áp dụng với các hoạt động đầu tư có dự án phục vụ sản xuất - kinh doanh. Và khi đã sang đầu tư ở nước sở tại, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm thông báo với cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như cơ quan chủ quản về hoạt động đầu tư - kinh doanh của mình ở nước ngoài theo định kỳ. Những nhà đầu tư trây ỳ không báo cáo sẽ bị cảnh báo, thậm chí có thể bị “bêu tên”.
Các hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài sẽ được hướng dẫn tại một nghị định do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo.