Thay vì cấp phép, Nhà nước sẽ chỉ xác nhận các hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Nghị định 83 thể hiện rõ tinh thần của Luật Đầu tư 2014 là tôn trọng quyền tự do đầu tư, kinh doanh của NĐT theo hướng Nhà nước chỉ xác nhận các hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài (không phải là cấp phép) của NĐT thông qua việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (thay thế cho Giấy phép đầu tư đã từng được sử dụng và Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài đang sử dụng); Nhà nước quy định rõ một số ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài; quy định rõ hơn về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để NĐT lựa chọn ngành nghề đầu tư phù hợp với khả năng của mình.
Bên cạnh việc quy định chi tiết một số nội dung tại Luật Đầu tư 2014, Nghị định 83 bổ sung các nội dung trong Nghị định 78/2006/NĐ-CP vẫn còn phù hợp nhưng chưa được “luật hóa” và một số nội dung khác nhằm tạo khung pháp lý đầy đủ, chi tiết và thuận lợi cho việc thực thi trên thực tế, bao gồm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, hình thức vốn đầu tư, ngôn ngữ sử dụng của hồ sơ dự án đầu tư, trách nhiệm của NĐT; việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài; vấn đề chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để chuẩn bị đầu tư; xử lý vi phạm trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài…
Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, Nghị định 83 quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích kinh doanh của các NĐT; thủ tục đầu tư ra nước ngoài và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp.
Các hình thức đầu tư bao gồm thành lập tổ chức kinh tế theo pháp luật nước tiếp nhận đầu tư; hợp đồng hợp tác kinh doanh ở nước ngoài; mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài.
Đối với trường hợp NĐT đề nghị đầu tư ra nước ngoài mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định, Nghị định 83 quy định Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, quy định này sẽ tạo sự linh hoạt trong việc áp dụng các hình thức đầu tư mới, có lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của NĐT Việt Nam.
Về trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, Nghị định 83 bỏ quy trình thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài; mở rộng dự án thuộc diện đăng ký đầu tư ra nước ngoài lên quy mô vốn đầu tư ra nước ngoài ở mức dưới 800 tỷ đồng, thay vì 15 tỷ đồng như quy định trong Nghị định 78/2006/NĐ-CP.
Chỉ những dự án thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên, hoặc các dự án khác có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên mới cần chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, Nghị định 83 nêu rõ các nguyên tắc của việc chuyển vốn (gồm ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị) ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhằm tạo cơ sở triển khai thực hiện cho tất cả các dự án đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, quy định rõ các trường hợp được phép chuyển vốn ra nước ngoài trước, hạn mức chuyển ngoại tệ ra nước ngoài.
Ngoài ra, Nghị định 83 quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của NĐT trong quá trình triển khai dự án tại nước ngoài, bao gồm: thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước trong trường hợp dự án có lợi nhuận đem về, thực hiện nghĩa vụ đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài, thực hiện nghĩa vụ thông báo và báo cáo tình hình hoạt động của dự án theo quy định tại Luật Đầu tư 2014.
Bên cạnh đó, Nghị định 83 quy định trách nhiệm quản lý đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đặc biệt là các Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (quản lý vấn đề vốn đầu tư ra nước ngoài, nguồn vốn), Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài (hỗ trợ đầu tư tại nước ngoài)…
Một điểm đáng chú ý khác là Nghị định 83 quy định, NĐT phải đăng ký đầu tư thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư ra nước ngoài.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, thủ tục này giúp cung cấp thông tin sớm cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để xử lý hồ sơ dự án nhanh và thuận tiện hơn. Sau khi NĐT được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, các thông tin về dự án đầu tư của NĐT, cùng với báo cáo tình hình thực hiện dự án do NĐT thực hiện trực tuyến sẽ hình thành hệ thống dữ liệu thông tin quốc gia về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, cung cấp thông tin các các cơ quan quản lý trong việc giám sát hoạt động này cũng như trong việc nghiên cứu, định hướng về cơ chế, chính sách.