Đầu tư ra nước ngoài: Con đường còn chông gai

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù rất nhiều “trái ngọt” đã được “thu hái”, nhưng con đường đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt cũng còn lắm chông gai.
Thời gian qua, FPT đã không ngừng mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Trong ảnh: FPT tại Nhật Bản. Ảnh: Đức Thanh

Thời gian qua, FPT đã không ngừng mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Trong ảnh: FPT tại Nhật Bản. Ảnh: Đức Thanh

Nỗ lực ra “biển lớn”

Thông tin được FPT công bố mới đây, FPT tại Nhật Bản vừa ký kết thỏa thuận đầu tư không chi phối, trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc. (thuộc top 20 công ty tư vấn và dịch vụ chuyển đổi số tại Nhật). Giá trị thương vụ không được tiết lộ, song theo FPT, thỏa thuận chiến lược này sẽ giúp hai bên khai phá tốt nhất các cơ hội trong lĩnh vực tư vấn và dịch vụ công nghệ, với mục tiêu đạt được các hợp đồng trị giá hàng chục triệu USD tại thị trường Nhật Bản cũng như quốc tế.

“Tôi kỳ vọng sự hợp tác này sẽ giúp FPT và LTS, Inc. có thể cạnh tranh với các công ty tư vấn chuyển đổi số hàng đầu thế giới”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT nói.

Thời gian qua, FPT đã không ngừng mở rộng đầu tư ra nước ngoài, nhờ vậy doanh thu từ thị trường nước ngoài liên tục tăng trưởng. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, con số đã là 11.731 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước. Cùng thời điểm, giá trị đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài của FPT cũng đã tăng 42%, lên mức 15.455 tỷ đồng.

Không chỉ FPT, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đã và đang đẩy mạnh hoạt động ở thị trường nước ngoài. Vinamilk, Hoàng Anh Gia Lai, TH, VitaDairy… là những ví dụ điển hình. Vingroup cũng tương tự khi năm ngoái, đã chi hơn 450 triệu USD để đầu tư các dự án ở Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan… và đầu năm nay, lại công bố kế hoạch đầu tư 4 tỷ USD cho nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ.

Chia sẻ tại Hội nghị Đầu tư toàn cầu do Bloomberg tổ chức mới đây, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Vingroup, kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu cho biết, việc thiết lập cơ sở sản xuất ngay tại Mỹ sẽ giúp VinFast chủ động trong quản lý chuỗi cung ứng, duy trì ổn định về giá và rút ngắn thời gian giao sản phẩm, qua đó giúp xe điện VinFast dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận hơn với người tiêu dùng.

Không chỉ doanh nghiệp tư nhân, mà các doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước cũng tích cực đầu tư ra nước ngoài. Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội khóa XV, Chính phủ cho biết, tính đến ngày 31/12/2021, có 30 doanh nghiệp đã đầu tư ra nước ngoài, với 137 dự án và tổng số vốn thực hiện lũy kế là trên 6.615 triệu USD, bằng 55% số vốn đăng ký.

Điều đáng mừng là, năm 2021, có 88 dự án đầu tư ra nước ngoài phát sinh doanh thu, với tổng doanh thu 7.786,56 triệu USD, tăng 40% so với năm 2020. Trong đó, 62 dự án có lợi nhuận, với tổng lợi nhuận sau thuế là 810,2 triệu USD, tăng 90% so với năm 2020. Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 284,82 triệu USD, tăng 166,3 triệu USD, gấp 2,4 lần năm 2020.

Một thông tin quan trọng khác, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2021, số vốn thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài là 509,75 triệu USD. Lũy kế đến ngày 31/12/2021, có 62 dự án đầu tư ra nước ngoài của 14 doanh nghiệp đã phát sinh thu hồi vốn đầu tư, với tổng vốn đã thu hồi lũy kế là 3.641,43 triệu USD (bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là 1.744,5 triệu USD), bằng 55% tổng số vốn đã đầu tư ra nước ngoài.

Con đường còn lắm chông gai

Những con số là tích cực. Tuy nhiên, con đường ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt không dễ dàng. Bởi thực tế, báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, bên cạnh các dự án của doanh nghiệp nhà nước báo cáo có lãi, vẫn có 30 dự án bị lỗ với tổng số lỗ phát sinh trong năm 2021 là 335,53 triệu USD, tăng 42% so với số lỗ của các dự án báo lỗ năm 2020. Trong đó, số lỗ từ các dự án trong lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là các dự án của Viettel ở Myanmar, Tanzania…, chiếm tỷ trọng lớn nhất, với trên 293 triệu USD.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/12/2021, vẫn còn 44 dự án có lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 1.335,10 triệu USD. Như vậy là giảm 2 dự án, nhưng tăng 164,04 triệu USD so với năm 2020.

Sự biến động về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh, an toàn... tại các địa bàn đầu tư; một số lĩnh vực đầu tư có độ rủi ro cao (tìm kiếm thăm dò dầu khí, khai thác khoáng sản...); các cơ chế, chính sách, pháp luật tại quốc gia đầu tư thay đổi, thậm chí còn chưa minh bạch, nội dung thiếu nhất quán; khả năng dự báo và xây dựng dự án đầu tư còn hạn chế, chưa lường hết các vấn đề phát sinh... là những yếu tố được Chính phủ cho rằng đã ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả của dự án. Chính vì vậy, các dự án đầu tư ra nước ngoài có lỗ phát sinh, lỗ lũy kế tiếp tục tăng.

Trong khi đó, thông tin cho biết, ở Lào - thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, nhiều dự án của doanh nghiệp Việt cũng gặp khó khăn, như Dự án Thủy điện Xecaman 3. Ông Phùng Minh Chà, Phó tổng giám đốc VietLao Power, chủ đầu tư dự án cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với Xecaman3 chính là cơ chế giá điện.

Hiện nay, giá điện được áp dụng với Xecaman 3, theo hợp đồng được ký từ năm 2006, là giá điện bậc 1 - 4,5 UScent/kWh, cộng thêm trượt giá 2,25% cho sản lượng điện bán về Việt Nam. VietLao Power đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam điều chỉnh giá bán điện từ Dự án về Việt Nam theo mức giá trần nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quy định tại Văn bản số 241/TTg-QHQT, với giá bán điện bình quân cho loại hình thủy điện là 6,95 UScent/kWh. Tuy nhiên, đến nay, vướng mắc này chưa được giải quyết.

Liên quan đến các dự án đầu tư tại Lào, phía Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ Lào bổ sung quy định về quyền thế chấp tài sản, cho phép thế chấp các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào tại các tổ chức tín dụng nước ngoài để vay vốn; đơn giản hóa thủ tục về thương mại; sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách thuế, xem xét xóa bỏ thuế chuyển lợi nhuận về nước…

Trong khi đó, để nâng cao hiệu quả đầu tư ra nước ngoài, Chính phủ cũng đã kiến nghị Quốc hội thúc đẩy quan hệ ngoại giao cấp Nhà nước giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước (như tại Lào, Campuchia, Myanmar) để kiến nghị nước sở tại có chính sách ưu đãi, đầu tư nhất quán, minh bạch, tạo môi trường đầu tư ổn định, an toàn cho các doanh nghiệp Việt Nam…

Khi các vướng mắc được giải quyết, con đường ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt sẽ đỡ phần gập ghềnh hơn…

Đánh giá về tình hình đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước năm 2021, Chính phủ cho rằng, nhiều dự án có “chuyển biến tích cực”, với doanh thu và lợi nhuận tăng so với năm 2020 (tương ứng tăng 40% và 90%). Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam cũng tăng so với năm 2020 (gấp 2,4 lần năm 2020). Kết quả thu hồi vốn về Việt Nam của các dự án tăng mạnh so với năm 2020 (tăng 261 triệu USD, gấp 2 lần năm 2020).

Tin bài liên quan