Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên vừa tăng vốn thêm 920 triệu USD.
Tiếp tục xu hướng phục hồi
Sự chậm trễ trong cập nhật thông tin lên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư có lẽ là nguyên nhân chính khiến việc tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD của Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) lại được ghi nhận trong kết quả thu hút đầu tư nước ngoài tháng 2, chứ không phải tháng 1, dù dự án này được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh vào ngày 18/1/2022.
Nhưng không hề gì, bởi kết quả cuối cùng vẫn được ghi nhận và đó là lý do khiến vốn đầu tư nước ngoài tăng thêm trong chỉ hai tháng đầu năm đã tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,6 tỷ USD.
Tất nhiên, chỉ một dự án của VSIP Bắc Ninh không đủ… làm nên chuyện, bởi thực tế, 2 tháng qua, có 142 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư. Xếp hạng quy mô lớn thì ngoài dự án của VSIP Bắc Ninh, còn có dự án tăng vốn 920 triệu USD của Samsung Electro-mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên và Dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông), tăng thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh.
Hai dự án đều cùng tăng vốn thêm gần 1 tỷ USD là một điều đáng chú ý, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tìm thấy các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Trên thực tế, xu hướng này đã bắt đầu ngay từ đầu năm nay, bởi các dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong 2 tháng đầu năm đều là các dự án tăng vốn, như dự án tăng vốn thêm 260 triệu USD của Goertek, hay dự án tăng vốn thêm 163 triệu USD của Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử JNTC…
Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong hai tháng qua, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đã đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, đầu tư đăng ký mới đạt 631,8 triệu USD, giảm 80,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số dự án đăng ký mới lại tăng tới 45,2%, đạt 183 dự án.
Thực ra, việc vốn đầu tư đăng ký mới hai tháng đầu năm 2022 giảm mạnh so với cùng kỳ là hoàn toàn dễ hiểu. Đó là bởi hai tháng đầu năm ngoái, nhiều dự án quy mô trên 100 triệu USD đăng ký đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt còn có Dự án Nhiệt điện Ô Môn II, 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, hai tháng đầu năm 2022, chỉ có một dự án có vốn đầu tư lớn có vốn 136,4 triệu USD.
Điều này khiến trong 2 tháng qua, Việt Nam mới thu hút được gần 5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giảm 8,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sự sụt giảm này có thể chỉ mang tính thời điểm, khi các dự án quy mô lớn vẫn đang chờ được cấp chứng nhận đầu tư và không ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thông tin cho biết, mới đây, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã tới làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và mong muốn được “gỡ rối” để có thể nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đầu tư cần thiết. Chỉ cần có một dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng tốc.
Quan trọng hơn, trong khi vốn đăng ký chậm lại, thì vốn giải ngân đang cải thiện tích cực. Hai tháng qua, đã có 2,68 tỷ USD được giải ngân, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0,4 điểm phần trăm so với tháng 1/2022. Có được kết quả này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, là nhờ Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Trông vào động lực cải cách
Ngoài dự án 1 tỷ USD của LEGO, hay dự án tăng vốn 2,5 tỷ USD của Intel đang “nằm chờ” thủ tục, thì các thông tin cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tìm đến Việt Nam.
Gần đây nhất, trong cuộc làm việc với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam Vítezslav Grepl cho biết, Công ty Skoda đang nghiên cứu đầu tư dây chuyền, xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô tại Quảng Ninh và có thể bắt đầu đi vào hoạt động ngay trong năm nay.
Hai tháng đầu năm, vốn điều chỉnh và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm mạnh do không có nhiều Dự án quy mô lớn, song số lượng Dự án đầu tư mới lại tăng. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào kết quả phòng chống Covid-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài.
Thông tin chi tiết về dự án chưa được tiết lộ, nhưng việc một công ty thuộc tập đoàn chuyên sản xuất ô tô lừng danh thế giới Volkswagen muốn xây nhà máy tại Việt Nam đã cho thấy sức hấp dẫn của điểm đến đầu tư Việt Nam.
“Việc Chính phủ Việt Nam giảm thời gian cách ly bắt buộc khi nhập cảnh xuống còn 3 ngày, cũng như bãi bỏ các thủ tục phê duyệt áp dụng đối với người nước ngoài có thẻ cư trú, thị thực và giấy miễn thị thực hợp lệ được cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao”, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã nói như vậy.
Theo ông Alain Cany, việc quay trở lại các quy định về thị thực trước đại dịch là điều cần thiết để mang dòng vốn đầu tư nước ngoài trở lại Việt Nam. “Điều này cũng đảm bảo rằng, hàng chục ngàn doanh nghiệp quốc tế đã có mặt tại Việt Nam có thể tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới”, ông nói.
LEGO và Skoda đều là các nhà đầu tư đến từ châu Âu. Một cách rất rõ ràng, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực, Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ sớm được thực hiện và khi Covid-19 đang dần được kiểm soát, thì Việt Nam đang có cơ hội thu hút một làn sóng đầu tư mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một môi trường đầu tư đầy tiềm năng, an toàn và cạnh tranh.
Nhưng không chỉ nhà đầu tư châu Âu, các nhà đầu tư Mỹ, nhà đầu tư ở khu vực châu Á cũng đều đánh giá cao về điểm đến Việt Nam. “Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều quốc gia trên thế giới trong vai trò là cứ địa sản xuất toàn cầu sở hữu chuỗi giá trị chất lượng cao”, ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) đã phát biểu như vậy tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây.
Tất nhiên, một trong những điều kiện mà ông Kim Han Yong nhắc tới, đó là cần tiếp tục duy trì và cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư thân thiện với doanh nghiệp. Một trong những ví dụ cụ thể là tạo thuận lợi trong việc chuyển vốn để mở rộng đầu tư.
Tại VBF mới đây, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đề xuất rất nhiều vấn đề mà Việt Nam cần khắc phục và tiếp tục cải cách. Đây chính là động lực quan trọng để Việt Nam thu hút được nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài trong tương lai.